Chờ...

Thủ tướng: Kỳ vọng cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng thay đổi ĐBSCL, kết nối kinh tế

VOH - Sáng 17/6, tại An Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát lệnh đồng loạt khởi công 4 dự án thành phần thuộc Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ Dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng là tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long kết nối khu vực với hệ thống đường cao tốc quốc gia, được kỳ vọng là một trong 6 tuyến cao tốc thay đổi Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển.

Dự án tuyến đường bộ cao tốc trục ngang Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng đi qua trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo sức lan tỏa, động lực và dư địa để phát triển kinh tế-xã hội khu vực.

Cao tốc tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các trung tâm kinh tế trong khu vực, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy lưu thông hàng hóa và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng; từng bước hình thành trục kết nối, giao thương và phát triển kinh tế-xã hội giữa Việt Nam với các nước tiểu vùng sông Mekong.

Thủ tướng: Kỳ vọng cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng thay đổi ĐBSCL, kết nối kinh tế 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án tuyến đường bộ cao tốc Sóc Trăng-Cần Thơ-Châu Đốc giai đoạn 1 - Ảnh: TTXVN 

Theo Thủ tướng, để có đủ các điều kiện để khởi công dự án, các cấp các ngành, nhất là Bộ Giao thông Vận tải và 4 địa phương có dự án đi qua đã phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn.

Phân tích những khó khăn, thách thức của công việc phía trước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng tập trung chỉ đạo, yêu cầu Ban quản lý dự án và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công khoa học, đảm bảo hiệu quả, chất lượng thi công và tổ chức giao thông an toàn, thông suốt.

Đồng thời phải huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công; tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản Nhà nước.

UBND 4 tỉnh, thành phố có dự án đi qua khẩn trương đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng mặt bằng thi công.

Trước mắt, bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp, đối với diện tích còn lại của toàn bộ dự án hoàn thành bàn giao trước ngày 31/12/2023.

Các tỉnh quan tâm đến công tác bồi thường, tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới tối thiểu phải bằng và tốt hơn nơi ở cũ.

Các địa phương khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, gắn quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, các khu đô thị, dân cư… với đường cao tốc, khai thác hiệu quả sử dụng đất hai bên đường cao tốc để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương.

Tỉnh An Giang chủ động bố trí và các tỉnh có mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng ưu tiên cung cấp nguồn nguyên vật liệu cát đắp cho dự án.

Dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 188km đi qua các tỉnh, thành phố An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, điểm đầu là cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng và điểm cuối là thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang (cách Cửa khẩu Tịnh Biên khoảng 25km).

Quy mô theo quy hoạch là 6 làn xe, rộng 32,25 mét. Tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và các địa phương.

Dự kiến hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành toàn bộ năm 2027.

Bình luận