Chờ...

Thủ tướng: Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cải cách hành chính

(VOH) – Chiều 3/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính Chính phủ về tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa của công tác Cải cách hành chính (CCHC) trong việc tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống tham nhũng, tiêu cực,…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một số hạn chế cần sớm khắc phục: Vẫn còn nhiều nhiệm vụ CCHC chưa hoàn thành; việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm quy định kinh doanh tại một số bộ, ngành chưa được thực hiện nghiêm, hiệu quả; việc số hóa hồ sơ, giấy tờ TTHC còn chậm; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp còn chưa cao...

“Có 46/63 tỉnh vẫn còn để xảy ra tình trạng sách nhiễu, phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công; 22/63 địa phương để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí - tiền “bôi trơn” - Thủ tướng nhắc nhở.

Thủ tướng: Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cải cách hành chính 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. 

Lấy mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo

Thủ tướng yêu cầu CCHC phải được tiến hành đồng bộ, thông suốt, quyết tâm hành động từ Trung ương xuống địa phương theo tinh thần "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", tránh tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".

Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC.

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Thủ tướng nhấn mạnh, "Tập trung đẩy mạnh CCHC gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia", trọng tâm là cải cách thể chế, cắt giảm TTHC, nhất là TTHC trong nội khối Nhà nước”.

Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tăng cường mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, là trung tâm phục vụ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh rà soát, ban hành các nhiệm vụ, giải pháp tạo đột phá trong công tác CCHC.

Phải thực hiện quyết liệt Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo; đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; bãi bỏ điều kiện kinh doanh không hợp pháp, không cần thiết”, Thủ tướng lưu ý.

Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Năm 2023 là năm dữ liệu số, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hoàn thiện, kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh cải cách TTHC, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC.

Thủ tướng Chính phủ giao từng bộ, ngành chủ trì thực hiện các nhiệm vụ cụ thể cải cách hành chính; yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo bắt tay ngay vào thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh CCHC, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội năm 2023.

Bình luận