Chờ...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tuyến metro số 1 của TPHCM vận hành vào năm 2021

(VOH) - Trưa 12/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng một số bộ ngành Trung ương thị sát công trình nhà ga Bến Thành và ga Nhà hát TP thuộc tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên của TPHCM.

Chuyến thị sát của Thủ tướng trong bối cảnh tuyến metro số 1 đang chờ thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Tại buổi thị sát, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghe chủ đầu tư Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cùng nhà thầu báo cáo tình hình triển khai dự án.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai dự án metro, ông Bùi Xuân Cường –Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP cho biết, hệ thống đường sắt đô thị TPHCM được quy hoạch đến năm 2020 với 11 tuyến, trong đó có 8 tuyến tàu điện ngầm và 3 tuyến đường sắt nhẹ chạy trên mặt đất hoặc monorail với tầm nhìn khoảng 220 km.

Để đầu tư cho hệ thống này, theo ông Cường, tổng mức đầu tư cần khoảng 25 tỷ đô la Mỹ. Hiện thành phố đang tập trung thực hiện tuyến số 1 từ Bến Thành đi Suối Tiên và đang điều chỉnh dự án phê duyệt tuyến số 2 Bến Thành – Tham Lương. Các tuyến này được đầu tư gắn với quy hoạch phát triển chung của TP, trong đó có hướng phát triển chính của TP ở khu vực phía Đông, Nam và Tây Bắc.

Ông Bùi Xuân Cường –Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai dự án metro

Ông Bùi Xuân Cường –Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai dự án metro

Hiện nay, trong quá trình thực hiện dự án, các Hiệp định đã ký với đối tác, trong đó có Chính phủ Nhật Bản, Ngân hàng Đầu tư Phát triển Châu Á, Ngân hàng Châu Âu và các đối tác khác, họ cam kết sẽ bố trí khoảng 20% nguồn vốn cho toàn bộ hệ thống; ký hiệp định trước mắt là 10%, đảm bảo đến năm 2030, thị phần cho giao thông công cộng trên toàn TPHCM khoảng từ 25-35%, sau 2030 phải đạt từ 45-55% nhu cầu đi lại của hệ thống mạng lưới này. 

Điều đặc biệt của tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên là có 4 tuyến hệ thống đường sắt đô thị kết nối vào đây để đảm bảo đồng bộ, khi hành khách sử dụng thì chuyển tuyến cũng thuận lợi hơn.

Hiện TP đang tập trung xây dựng nhà ga, đảm bảo xây dựng đồng bộ, phù hợp trong quá trình thực hiện kể cả tuyến xây dựng trước và sau.

Cũng theo ông Cường, tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên dài 19,7 km, với sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản, đặc biệt tuyến này có phần đi ngầm, đây là tuyến đi ngầm đầu tiên trên cả nước với chiều dài 2,6 km.

Mặt khác, riêng khu vực nhà ga hiện có tổng cộng 14 nhà ga, cự ly trung bình 1,52 km/nhà ga. Phía dưới là depot để kết nối, diện tích depot là 21 hecta, sau này sẽ kết nối với bến xe miền Đông mới của TP để đảm bảo không ùn tắc trong nội thành.

Cùng với đó, TPHCM cũng đang tính toán để kết nối với Biên Hòa ở Đồng Nai, Bình Dương. Từ depot này sẽ xây dựng trung tâm để điều hành, tích hợp cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị của thành phố trong tương lai.

Một góc công trường Metro

Một góc công trường Metro.

Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP - Bùi Xuân Cường đánh giá, hiện khối lượng chung toàn tuyến đạt khoảng 63,5%, tổng số giờ an toàn lao động đạt trên 31 triệu giờ:

Thị sát công trường dự án tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên của TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời hoàn tất thủ tục, đảm bảo kinh phí để thi công dự án. Thủ tướng yêu cầu đến năm 2020 tuyến metro đầu tiên của TPHCM vận hành kỹ thuật và năm 2021 khánh thành.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay rất vui mừng khi đến thăm công trường tuyến metro số 1. Thủ tướng nhấn mạnh, tuyến metro số 1 là biểu hiện của mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản. Thủ tướng đánh giá cao TPHCM và Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP có quyết tâm, nỗ lực triển khai công việc mà Đảng, Nhà nước giao:

“Đến nay, công trường hoàn thành hơn 63% khối lượng, gần 2.000 người đang ngày đêm làm việc hết sức nhiệt tình, dưới sự hướng dẫn, giám sát của đơn vị tư vấn. Trên tinh thần chỉ đạo, cuối năm 2020, TPHCM sẽ vận hành kỹ thuật, năm 2021 khánh thành tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên”

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tuyến metro hiện nay là kết quả quan trọng của sự chủ động, tích cực, trách nhiệm triển khai của TPHCM.

“Tôi đánh giá cao sự cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM trong quá trình triển khai tuyến metro số 1. Tôi biểu dương lực lượng tư vấn giám sát, đơn vị thi công, đặc biệt là Ban Quản lý củng cố tổ chức mạnh mẽ triển khai công trình đảm bảo an toàn, tiết kiệm đẩy nhanh tiến độ trong thời gian vừa qua. Tôi chân thành cảm ơn Chính phủ Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã hỗ trợ cùng với Việt Nam để có nguồn lực triển khai công trình này một cách mạnh mẽ, đúng tiến độ với trách nhiệm cao nhất” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thị sát công trường tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thị sát công trường tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên.

Đề cập đến nguồn vốn triển khai dự án, Thủ tướng cho biết, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương đã xin ý kiến để quyết định giao việc điều chỉnh tổng dự toán và danh mục cụ thể công việc cho TPHCM để thành phố chủ động triển khai kịp thời nhất, tốt nhất. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành Trung ương hoàn thành các thủ tục kịp thời để đảm bảo nguồn lực cho công trình.

Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh và mong tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên là công trình biển hiện mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản. Do đó, chất lượng, tiến độ, an toàn cho công trình là vấn đề quan trọng. Sau khi thị sát công trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho nhà thầu và chủ đầu tư là Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP. Ông cũng gởi lời chúc sức khỏe đến toàn thể công nhân, kỹ sư trên công trường.

Chiều nay 12/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng một số bộ ngành làm việc với UBND TP về quy trình thí điểm rút gọn quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, bàn giao mặt bằng để giảm thời gian thực hiện dự án. 

Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) gồm 4 gói thầu xây lắp và mua sắm thiết bị, khối lượng thực hiện đến nay đạt khoảng 63,5%.

Trong đó, gói thầu 1a xây dựng đoạn ngầm từ Nhà ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố hiện đang thi công khu vực ga Bến Thành và hầm đào hở trên đường Lê Lợi khối lượng đạt gần 57%.

Gói thầu 1b xây dựng đoạn ngầm từ Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son hiện đang thi công tại ga Nhà hát TP, ga Ba Son, hầm đào TBM và hầm đào hở sau ga, tổng tiến độ đạt gần 73%.

Gói thầu số 2 xây dựng đoạn trên cao và depot chiều dài hơn 17 km từ ga Ba Son đến Bình Dương hiện đã thi công xong phần dầm U lắp ghép và dầm 3 nhịp liên tục; đã hợp long 5 cầu đặc biệt, xong kết cấu bê tông cốt thép của 11 nhà ga và hoàn thành lắp kết cấu 6 nhà ga. Hiện đang tiếp tục sản xuất kết cấu mái thép và thi công phần kiến trúc xây tường, sơn các nhà ga còn lại. Tổng tiến độ đạt hơn 80%.

Gói thầu số 3 mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng. Tổng tiến độ đạt trên 43%...

Tất cả 4 gói thầu dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

Vì nhiều bất cập, hạn chế trong thiết kế, phê duyệt dự án đầu tư, tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) phải điều chỉnh tổng vốn đầu tư từ 17.400 tỷ đồng lên hơn 47.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020.

Tuyến số 2 giai đoạn 1 (Bến Thành – Tham Lương) cũng điều chỉnh từ 1,374 tỷ đô la Mỹ lên 2,173 tỷ đô la Mỹ. Tuyến này đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, thiết kế, tổ chức đấu thầu, dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Cả 2 tuyến đều trong tình trạng chờ điều chỉnh tổng mức đầu tư. Cũng vì thế, tuyến số 1 đang gặp khó khăn về nguồn vốn ODA.

Nói không với thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng - Đó là chủ đề của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 được phát động vào sáng nay 12/4.
Tai nạn giao thông 12/4: Bất ngờ té ngã, hai cha con bị xe ben tông tử vong – VOH tổng hợp những tin tức tai nạn giao thông mới nhất trong ngày.
Bình luận