Chờ...

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025

VOH - Sáng 19/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hội nghị đã nghe Báo cáo tổng kết năm học 2023-2024, phương hướng nhiệm vụ năm học 2024-2025; tham luận của các địa phương về công tác tổ chức năm 2023-2024 và các giải pháp tổ chức năm học 2024-2025, nâng cao chất lượng dạy và học, tổ chức tốt các kỳ thi tốt nghiệp...

Kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, cơ quan liên quan nhiều vấn đề nhằm tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả trong phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức thành công, đảm bảo nghiêm túc và an toàn, tỷ lệ thí sinh dự thi đạt 99,6% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi, gần 2.400 điểm thi với hơn 45.000 phòng thi.

1908thutuong3-4507
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 - Ảnh: TTXVN 

Kỳ thi năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến cho đối tượng thí sinh đang học lớp 12 năm học 2023-2024, với gần 95% số lượng thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến.

Trong các ngày đăng ký dự thi, hệ thống quản lý thi hoạt động ổn định; việc đăng ký dự thi của thí sinh diễn ra bình thường, cơ bản thuận lợi, bảo đảm cơ sở dữ liệu thi chính xác, góp phần quan trọng để tổ chức kỳ thi khách quan, công bằng.

Nội dung đề thi năm 2024 được dư luận xã hội đánh giá cao, nhiều câu hỏi gắn với các vấn đề thực tiễn trong xã hội và chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Đề thi có sự phân hóa phù hợp để xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng tuyển sinh.

Phổ điểm từng môn thi và phổ điểm các tổ hợp xét tuyển truyền thống được phân tích và thông tin công khai.

Công tác chấm thi được các địa phương thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Tỷ lệ tốt nghiệp toàn quốc vào khoảng 99,40%.

Mặc dù vậy theo nhìn nhận của Bộ GD&ĐT, do kỳ thi lớn, tổ chức trong toàn quốc nên vẫn còn một số lỗi. Nếu năm 2023 có 49 thí sinh vi phạm quy chế thi, năm nay 30 thí sinh vi phạm quy chế. Tại Đắk Lắk còn xảy ra lỗi trong in sao đề thi.

Ngay khi xảy ra các vấn đề trên đây, Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia đã kịp thời nắm bắt thông tin và hướng dẫn, chỉ đạo Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh cách thức xử lý thực hiện đúng quy trình của quy chế thi và bảo đảm quyền lợi cho thí sinh.

Cuối năm ngoái, Bộ GD&ĐT đã "chốt" phương án thi tốt nghiệp THPT 2025. Từ năm 2025, thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT với 2 môn bắt buộc gồm toán, văn và lựa chọn 2 môn trong số các môn còn lại ở lớp 12 gồm: ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.

Như vậy, từ năm 2025, thí sinh không bắt buộc phải thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ.

Giai đoạn 2025-2030 giữ ổn định phương thức thi trên giấy. Giai đoạn sau 2023, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với môn thi trắc nghiệm ở một số địa phương có đủ điều kiện.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng thông tin thêm, hiện Bộ đã hình thành nhóm hợp tác liên minh các trường đại học hàng đầu về kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam. Qua đó, số lượng đăng ký tuyển sinh đại học năm 2024 tăng rõ rệt, với gần 25.000 hồ sơ đăng ký các chuyên ngành về vi mạch bán dẫn; gần 125.000 hồ sơ đăng ký các chuyên ngành liên quan.

Toàn ngành đã hoàn thành việc xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục từ mầm non, phổ thông, kết nối Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm. Đồng thời, triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học.

Bình luận