Chờ...

Thủ tướng: Tạo đột phá về hạ tầng giao thông là yêu cầu của sự phát triển

VOH - Chiều 8/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với 13 địa phương ĐBSCL về thúc đẩy các dự án cao tốc và ODA.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải gồm quy hoạch mạng lưới đường bộ; quy hoạch mạng lưới đường sắt; quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển;

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay; quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

Đến nay, về đường bộ, đang triển khai xây dựng các tuyến cao tốc trục dọc (Bắc-Nam) và trục ngang (Đông-Tây) tại khu vực ĐBSCL và nếu làm tốt sẽ thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết các nút thắt của ĐBSCL, mà lớn nhất là về hạ tầng và nhân lực.

Thủ tướng: Tạo đột phá về hạ tầng giao thông là yêu cầu của sự phát triển 1

Thủ tướng phát biểu tại phiên họp với 13 địa phương ĐBSCL về thúc đẩy các dự án cao tốc và ODA - Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tạo đột phá về hạ tầng giao thông vận tải khu vực ĐBSCL vừa là yêu cầu khách quan của sự phát triển, vừa là mong muốn của nhiều thế hệ lãnh đạo, của người dân và doanh nghiệp qua nhiều năm.

Thủ tướng cho biết rất trăn trở về việc triển khai các dự án ODA trên cả nước nói chung và tại ĐBSCL nói riêng.  Vừa qua, Chính phủ sửa một số nghị định liên quan và đang tiếp tục rà soát các quy định liên quan, cũng như công tác phối hợp giữa các bộ.

Thủ tướng cho biết đang nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt tốc độ cao TPHCM-Cần Thơ. Triển khai xây dựng đường vào cảng Cái Cui; nạo vét luồng tàu Định An…  Chuẩn bị triển khai một số dự án đường thủy nội địa trọng điểm để khai thác tối đa hệ thống kênh rạch chằng chịt tại ĐBSCL.

Từ đó, góp phần giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản, hàng hóa trong khu vực.

Đến nay, vùng ĐBSCL hoàn thành và đưa vào khai thác 171 km cao tốc  theo quy mô phân kỳ giai đoạn 1 (4 làn xe) (trong đó đoạn Cao Lãnh-Lộ Tẻ mới hoàn thành đầu tư tuyến chính, đoạn Lộ Tẻ-Rạch Sỏi sử dụng mặt đường láng nhựa để chờ lún, Bộ Giao thông vận tải đang đầu tư hoàn thiện các hạng mục còn lại trong giai đoạn 2021-2025 để khai thác theo tiêu chuẩn cao tốc);

8 dự án đang được triển khai, bảo đảm cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, đưa vào khai thác trong năm 2026 với tổng chiều dài 463 km (tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỷ đồng).

Đến năm 2026, khu vực ĐBSCL sẽ có khoảng 554 km đường cao tốc.

Bình luận