Chờ...

Thủ tướng: Tiết kiệm được 700.000 tỷ đồng thực hiện tăng lương

VOH - Ngày 6/7, Thủ tướng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương để đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2024.

Mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đã đi qua nửa đầu năm 2024, trong bối cảnh tình hình khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, trong nước nền kinh tế chịu tác động kép cả yếu tố bên ngoài và các vấn đề nội tại.

Tuy vậy, nền kinh tế đã thể hiện rõ sự phục hồi tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, giúp mang lại nhiều kết quả quan trọng trong 6 tháng đầu năm.

Tăng trưởng GDP quý 2 đạt 6,93%, 6 tháng đạt 6,42%, vượt kịch bản đề ra, là mức cao của khu vực và thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát khoảng 4%, các cân đối lớn được bảo đảm, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm tốt, đối ngoại được đẩy mạnh, uy tín và vị thế đất nước tiếp tục được nâng lên.

Thủ tướng nêu rõ, những năm vừa qua, tình hình vẫn có khó khăn, phức tạp, nhưng chúng ta vẫn thực hiện tăng thu tiết kiệm chi, cơ cấu lại đầu tư công hợp lý có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, nhờ đó tiết kiệm được khoảng 700 ngàn tỷ đồng để thực hiện tăng lương từ 1/7/2024 và đưa giải pháp tăng lương thực hiện lộ trình theo Nghị quyết 27-NQ/TW với bước đi phù hợp khả năng chi trả.

thu-tuong-chu-tri-phien-hop-chinh-phu-thuong-ky-thang-6-nam-2024-7-5418
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2024 - Ảnh: TTXVN

Thủ tướng nêu rõ, bên cạnh những thành tích đạt được là rất cơ bản, phải thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, như: sức ép lạm phát còn cao, tình hình sản xuất, kinh doanh còn khó khăn; tình hình trật tự an toàn xã hội, cháy, nổ, tai nạn giao thông ở một số địa bàn còn phức tạp; kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi chưa nghiêm; vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm... chưa khắc phục được.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu phân tích sâu thêm những mặt được, chưa được, nhất là rút ra bài học kinh nghiệm công tác điều hành, quản lý thời gian qua, làm nền tảng cho thời gian tới để giữ đà tăng trưởng, khí thế để tiếp tục khắc phục những hạn chế, bất cập, thu được kết quả tốt hơn trong thời gian tới.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung, phát biểu ý kiến làm rõ những vấn đề trên, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để chỉ đạo, điều hành trong tháng 7 và những tháng còn lại của năm 2024, bảo đảm hiệu quả, tạo tiền đề thắng lợi quan trọng cho năm 2025, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Thủ tướng đề nghị nêu những vướng mắc, điểm nghẽn về pháp lý, quản lý điều hành, trên cơ sở đó, các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động thực hiện hiệu quả, phù hợp tình hình.

Các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao với tinh thần xác định “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”, từ đó có cơ sở đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, khen thưởng, phê bình phù hợp.

Các đại biểu dự Hội nghị khẳng định, kinh tế nước ta 6 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao; tăng trưởng kinh tế đạt cao, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tinh thần quyết tâm cải cách được thúc đẩy mạnh mẽ từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương. 

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức trong các tháng còn lại của năm còn rất lớn. Các cấp, ngành, địa phương cần phát huy hơn nữa sự chủ động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Trên cơ sở phân tích tình hình, Hội nghị đề xuất 2 kịch bản tăng trưởng. Trong đó, kịch bản 1 là tăng trưởng cả năm đạt 6,5%, đạt cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị, tăng trưởng quý 3 là 6,5%, quý 4 là 6,6%.

Kịch bản 2 là tăng trưởng cả năm đạt 7%, tăng trưởng quý 3 là 7,4%, quý 4 là 7,6%, cao hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là 0,7% và 0,6%.

Bình luận