Header-01
Đăng nhập

Thương tiếc đồng chí Võ Văn Kiệt – một nhân cách lớn vừa ra đi

(VOH) - 9 giờ sáng ngày 11.6 một đồng nghiệp báo tin đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng – sau đó là Thủ tướng chính phủ – người được bà con trong nước cũng như bạn bè quốc tế xem như “Kiến trúc sư” cho sự nghiệp đổi mới của Đảng ta – đã đi xa, chúng tôi ai cũng bất ngờ, bàng hoàng.

Thương tiếc đồng chí Võ Văn Kiệt – một nhân cách lớn vừa ra đi

(VOH) - 9 giờ sáng ngày 11.6 một đồng nghiệp báo tin đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng – sau đó là Thủ tướng chính phủ – người được bà con trong nước cũng như bạn bè quốc tế xem như “Kiến trúc sư” cho sự nghiệp đổi mới của Đảng ta – đã đi xa, chúng tôi ai cũng bất ngờ, bàng hoàng. Bất ngờ và bàng hoàng đến độ không tin đó là sự thật phải điện thoại xác minh ở những nơi có trách nhiệm – Bởi chỉ chưa đầy tháng trở lại đây vẫn thấy đồng chí xuất hiện với hình ảnh quen thuộc – với mái tóc bạc phơ rất đẹp lão, với giọng nói trầm ấm và tiếng cười luôn sảng khoái.

img thumbXem toàn màn hình

Phóng viên Công Vinh của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM phỏng vấn chú Sáu Dân ngày 28-1-2008.

.Những người làm báo ở TP Hồ Chí Minh những năm cuối thập niên 70 thế kỷ trước - không ít thì nhiều đều có những kỷ niệm sâu sắc, tình cảm sâu nặng lẩn sự kính trọng của người trẻ đối với người lớn tuổi, của người trò đối với người thầy của 1 thanh niên dành cho thủ lỉnh về phong cách lảnh đạo- đối với chú Sáu Dân- tên thân mật của đồng chí Võ Văn Kiệt. Khi chú giữ trọng trách là người lảnh đạo cao nhất ở thành phố nầy, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn: trong nước thì sản xuất bị đình đốn, lòng dân thì bất an bởi hậu quả của sự nóng vội trong cải tạo, bên ngoài bè lủ Ponpot, Iêng Sary gây chiến tranh biên giới Tây Nam, đế quốc Mỹ và chư hầu bao vây cấm vận. Nhắc lại bối cảnh lịch sử, xã hội lúc ấy để chúng ta thấy được tầm nhìn chiến lược, sự kiên trì đấu tranh với cơ chế quan liêu bao cấp mà đồng chí Võ Văn Kiệt- chú Sáu thân yêu của chúng ta cùng các đồng chí lảnh đạo lúc ấy đã chọn những bước đi thích hợp – vừa tháo gở khó khăn vừa dùng thực tiển để chứng minh, thuyết phục, tạo tiền đề cho công cuộc đổi mới của Đảng ta thành công như hiện nay.

Dấu ấn đậm nét nhất về phong cách lảnh đạo của chú Sáu Dân đối với thành phố nầy vào những lúc khó khăn nhất - đó là chỉ thị 41 của Ban Thường vụ Thành ủy – “Nhân điển hình tiên tiến” lúc ấy phong trào học tập, đuổi kịp và vượt điển hình tiên tiến, dùng điển hình tiên tiến đẩy lùi tiêu cực đã tạo khí thế hừng hực lửa cách mạng trên tất cả các lĩnh vực các hoạt động giải quyết được nhiều vấn đề hết sức căn cơ của thành phố. Nhắc đến chú Sáu Dân, nhắc đến đồng chí Võ Văn Kiệt nhân dân thành phố cũng như đồng bào cả nước không ai quên được kết quả của sự nghiệp điện khí hóa – mà mở đầu là công trình thủy điện Trị An. Đây cũng là sự đấu tranh về quan điểm đầu tư phát triển điện năng giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam bộ với TW. Lúc ấy do khả năng tài chánh và thiết bị hạn chế TW phải tập trung đầu tư cho xong công trình Thủy điện Sông Đà rồi mới tính các công trình kế tiếp, nhưng thành phố HCM và các tỉnh Nam bộ “đói ” điện đến mức không thể chịu đựng được, nên đã liên kết với nhau: TP Hồ Chí Minh lo tài chánh, lực lượng công nhân và điều hành thi công, các tỉnh Nam bộ lo lương thực và thực phẩm cho công nhân “ăn no đánh thắng” chính trong thời điểm này chú Sáu Dân đã đề ra phương châm - mà đến nay phương châm nầy vẫn phát huy tác dụng của nó và được áp dụng trên phạm vi cả nước: đó là “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Lúc ấy báo chí được chỉ đạo tuyên truyền cổ vũ cho những gương ủng hộ cho công trình thủy điện Trị An, hoặc thu tiền bán điện trước, khi hoàn thành nhà máy trả lại bằng điện sử dụng sau. Để điều hành thi công nhà máy, thành phố cử đồng chí 3 Trần tức Thiếu tướng Trần Văn Danh – Tư lệnh Bộ tư lệnh thành phố – danh xưng vào lúc đó - giữ chức vụ Trưởng ban chỉ đạo công trình xây dựng nhà máy thủy điện Trị An. Ngày 22.2.1982 lễ khởi công xây dựng các công trình phụ trợ ở xã Cây Gáo - cuối năm 1985 tổ máy phát điện đầu tiên của Trị An đã vận hành – tiến độ thi công thuộc loại nhanh vào thời điểm đó - Hay như sau nầy khi chú Sáu Dân - đồng chí Võ Văn Kiệt làm Thủ Tướng chủ trương xây dựng đường dây tải điện 500 KV Bắc Nam với dự toán 5.000 tỷ đồng - Một số tiền quá lớn, hệ thống thi công thì dài gần 2.000 km, điều kiện thi công thì hiểm trở, nhiều ý kiến không đồng tình - kể cả một số đồng chí lãnh đạo cấp cao - lại một cuộc đấu tranh nội bộ nữa - lúc ấy có người ví von: “ Ông Sáu đặt cược sinh mạng chính trị mình theo đường dây 500 KV” và hiệu quả đường dây 500 đem lại như thế nào chúng ta đều thấy được. Còn biết bao nhà máy thủy điện cũng như nhiệt điện sau này được xây dựng và đưa vào sử dụng từ sự chỉ đạo của chú Sáu Dân, đồng chí Võ Văn Kiệt – đã phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Đối với thế hệ trẻ – chú Sáu kính yêu luôn dành một tình cảm đặc biệt - hình ảnh chú trao cờ Truyền thống Thanh niên cho anh 5 Nghị – tức đồng chí Phạm Chánh Trực bí thư Thành Đoàn lúc ấy – trong lễ xuất quân Thanh niên xung phong thành phố ngày 28.3.1976 tại sân Thống Nhất với lời nhắn nhủ đầy nhân văn: “Thanh niên xung phong làm đẹp cuộc đời - làm đẹp lòng người” vẫn in đậm trong tâm khảm bao thế hệ thanh niên. Chẳng những yêu mến - đối với thanh niên chú rất quí trọng. Có một tuyển tập với những bài nói, bài viết với thanh niên thành phố trong những năm đầu giải phóng trong đó chú thường mở đầu bằng câu “Kính chào thế hệ thứ tư” và câu nầy được dùng làm tựa cho quyển tuyển tập. Với tư cách là bí thư thành ủy – chú Sáu đã chỉ đao “chưa có CNXH cho người lớn thì ít nhất cũng phải có CNXH cho thiếu nhi, phải chọn những căn nhà đẹp nhất làm nhà trẻ phục vụ các cháu”. Trong đó Tòa vila chú đang ở trên đường Tú Xương được đưa vào làm nhà trẻ đầu tiên. Đối với thanh niên là con em gia đình sĩ quan viên chức chế độ cũ chú Sáu luôn động viên an ủi giúp họ xóa bỏ mặc cảm để hòa nhập cùng cộng đồng. Chú luôn nhắc nhở số thanh niên nầy cũng như chỉ đạo Cán bộ Đoàn ”con người không ai chọn lổ mà sinh ra”. Tính nhân bản của chú Sáu - đồng chí Võ Văn Kiệt còn thể hiện với những người từng đối đầu với chúng ta – trong tổ tham mưu giúp việc cho bí thư thành ủy không ít người là viên chức cao cấp của chế độ SàiGòn trước đây. Trước tình hình trí thức vượt biên - vào thời điểm đó bị xem là tội phản quốc – chú đã tỉnh táo nhận xét khách quan lý do họ ra đi và tạo điều kiện để họ được cống hiến - kể cả các chế độ ưu đãi hơn hẳn trí thức được đào tạo dưới mái trường XHCN.

Đồng chí Võ Văn Kiệt- Người đã phấn đấu đến hơi thở cuối cùng vì mục tiêu lý tưởng của Đảng. Dù không còn đảm đương chức vụ gì nhưng đồng chí vẫn canh cánh bên lòng những vấn đề mang tính chiến lược - vĩ mô. đồng chí thường bày tỏ quan điểm của mình với lý lẻ đầy sức thuyết phục trước bức xúc của cuộc sống như sự phân hóa xã hội nghèo giàu quá lớn, cuộc sống ngày càng khó khăn của người nông dân - việc phá bỏ hội trường Ba Đình, việc mở rộng diện tích Thủ Đô Hà Nội vv…Đối với lịch sử đồng chí có cái nhìn biện chứng khách quan – khi cho ý kiến về công - tội của một số nhân vật lịch sử như Lê Văn Duyệt- Phan Thanh Giản tại các cuộc hội thảo khoa học. Ngoài tư cách là nhà lảnh đạo kiệt suất của Đảng và chính phủ ta đồng chí Võ Văn Kiệt - chú Sáu Dân của chúng ta còn là nhà báo xuất sắc trong báo giới Việt Nam – những bài báo của chú hết sức sâu sắc, có tầm nhìn xa, mang tính chỉ đạo giải quyết những vấn đề lớn của xã hội. đồng chí Võ Văn Kiệt đã đi xa - chú Sáu Dân - một nhân cách lớn đã đi vào cỏi vỉnh hằng, nhưng tình cảm sự nghiệp của đồng chí, của chú Sáu Dân để lại cho nhân dân TPHCM, nhân dân Việt Nam vẫn hiện hửu, tồn tại không phai.

Hữu Quan

Bình luận