Chờ...

Thủ tướng: Tỷ lệ người sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa nhiều

(VOH) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến tuy có nhiều chuyển biến nhưng cần thúc đẩy hơn nữa.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyển đổi số ngành công an nhân dân lần thứ nhất năm 2022 và công bố Ngày Chuyển đổi số ngành công an diễn ra sáng 10/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của Bộ Công an, công an các đơn vị, địa phương, với sự chỉ đạo quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, đồng thời chia sẻ với những khó khăn, vất vả, nỗ lực hết mình phục vụ nhân dân của lực lượng công an nhân dân thời gian qua; góp phần nâng cao vị thế, vai trò của lực lượng công an nhân dân anh hùng trong giai đoạn hiện nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyển đổi số ngành công an nhân dân lần thứ nhất năm 2022 và công bố Ngày Chuyển đổi số ngành công an
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyển đổi số ngành công an nhân dân lần thứ nhất năm 2022 và công bố Ngày Chuyển đổi số ngành công an

Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương còn có vướng mắc, chưa hiệu quả, chưa hình thành một hệ thống liên thông, thông suốt. Việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến tuy có nhiều chuyển biến nhưng tỉ lệ người sử dụng chưa nhiều, cần thúc đẩy hơn nữa.

Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ về quy mô, quy trình thủ tục xây dựng Trung tâm dữ liệu lớn quốc gia bảo đảm kịp thời, hiệu quả theo quy định của pháp luật. Bảo đảm tuyệt đối an ninh mạng, an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin các bộ, ban, ngành, địa phương, nhất là các hệ thống kết nối phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ số và các sản phẩm của cuộc Cách mạng khoa học lần thứ 4 trong công tác nghiệp vụ ngành công an nhằm bảo đảm các yêu cầu phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo điều hành của lực lượng công an với các trung tâm chỉ huy, chỉ đạo, xử lý điều hành thông tin đa nhiệm; Hỗ trợ chỉ huy và triển khai công tác nghiệp vụ, giữ gìn an ninh trật tự và đấu tranh phòng, chống tội phạm của ngành công an một cách tổng thể; Đáp ứng yêu cầu quản trị xã hội bằng công nghệ số theo chức năng quản lý Nhà nước về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của lực lượng công an.

Xem thêm:'Người dân, doanh nghiệp là trung tâm của Chuyển đổi số'

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công theo hướng đơn giản, thuận lợi, giảm phiền hà cho người dân.

Nghiên cứu, có các cơ chế, chính sách ưu tiên phù hợp để thu hút chuyên gia, nhân lực chất lượng cao về khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào phục vụ trong ngành công an. Đồng thời, tích cực học hỏi kinh nghiệm từ thành công của các quốc gia tiên tiến để thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số ngành công an, tạo sự lan tỏa góp phần xây dựng Chính phủ số, công dân số, nền kinh tế số, xã hội số.

Thủ tướng tin tưởng những nỗ lực, đổi mới, quyết tâm của Bộ Công an trong chuyển đổi số quốc gia sẽ được hưởng ứng, đón nhận một cách tích cực từ các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Theo báo cáo của Bộ Công an, thực hiện kế hoạch chuyển đổi số năm 2022, tính đến ngày 19/9, Bộ Công an đã triển khai kết nối chính thức đối với 12 đơn vị, bộ, ngành, 14 địa phương và 3 cục nghiệp vụ ngành công an. Hơn 27 triệu công dân đã được đồng bộ thông tin bảo hiểm xã hội; hơn 1,7 triệu công dân được đồng bộ thông tin đăng ký xe; hơn 1,5 triệu công dân được đồng bộ thông tin hộ chiếu…

Bộ Công an đang phối hợp với Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nghiên cứu, triển khai sổ sức khỏe điện tử, tích hợp thông tin khám chữa bệnh của công dân lên ứng dụng VNeID; tổ chức xác thực dữ liệu thông tin thuê bao với 3 nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone để làm sạch nhằm giải quyết tình trạng SIM rác.

Đến nay, đã cấp hơn 73 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip trên tổng số gần 82 triệu công dân đủ điều kiện làm căn cước.

Bình luận