Chờ...

Tin Covid-19 ngày 19/12: TPHCM yêu cầu tăng cường kiểm tra việc mua các loại kit xét nghiệm

(VOH) - TPHCM có văn bản gửi Sở Y tế và Thanh tra TP tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh, mua sắm các loại test kit xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR.

Đồng thời, rà soát về quy trình, thủ tục mua sắm, về chất lượng, giá, tư cách pháp nhân… theo đúng quy định của pháp luật; tập trung vào giá xét nghiệm và giá dịch vụ xét nghiệm đang thực hiện tại các công ty cung ứng, các cơ sở sử dụng các loại xét nghiệm.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực y tế; việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá dịch vụ chẩn đoán nhanh và xét nghiệm PCR; việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sinh phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn.

Trường hợp phát hiện có dấu hiệu hình sự, tham mưu UBND TPHCM chuyển hồ sơ sang Công an TP để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tin Covid-19 ngày 19/12: TPHCM yêu cầu tăng cường kiểm tra việc mua các loại kit xét nghiệm 1
TPHCM tăng cường kiểm tra việc mua sắm các loại xét nghiệm.

TPHCM: Trường trung cấp đầu tiên cho học viên học trực tiếp

Chiều 20/12, những học sinh, sinh viên đầu tiên của Trường trung cấp nghề Kỹ thuật Hùng Vương (Q.5, TPHCM) đã đến trường hoàn tất những học phần thực hành còn 'nợ' do COVID-19.

Đây là một trong 5 cơ sở giáo dục nghề nghiệp vừa được UBND TPHCM chấp thuận đề xuất của Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho phép tổ chức thí điểm dạy và học trực tiếp tại trường.

4 cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn lại là các trường cao đẳng, gồm Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Trường cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM, Trường cao đẳng nghề TPHCM, Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn.

Để đảm bảo an toàn phòng dịch, trường giới hạn số học viên trong các xưởng lớn không quá 30 bạn, xưởng nhỏ không quá 15 bạn. Tất cả đều được tiêm ngừa theo bộ tiêu chí mở cửa trường đã được duyệt.

TPHCM: 30 trường THCS, THPT ở Củ Chi chưa cho học sinh trở lại trường

Sáng 20/12, Trường THPT Quang Trung, huyện Củ Chi, TPHCM đã mở cửa đón học sinh khối 12 đi học lại. Đây là trường đầu tiên trên địa bàn huyện Củ Chi tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp sau hơn 7 tháng học sinh phải ở nhà học trực tuyến để phòng tránh dịch COVID-19.

Huyện Củ Chi vẫn còn 24 trường THCS và 6 trường THPT chưa tổ chức cho học sinh đi học lại. Trong khi đó, tất cả các trường THCS, THPT thuộc 20 quận, huyện và TP Thủ Đức đã mở cửa đón học sinh khối 9, 12 từ ngày 13-12 theo chủ trương thí điểm của UBND TP.HCM.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TP, tuần đầu tiên trôi qua khá ổn, một số trường có phát hiện F0 nhưng đều được xử lý theo đúng quy trình hướng dẫn của ngành y tế.

TPHCM: Ngừng phục vụ rượu, bia tại hàng quán ở 6 phường, Quận 10

Ngày 20/12, trao đổi với báo chí về biện pháp ứng phó khi mức nguy cơ dịch Covid-19 trên địa bàn ở cấp độ 3 (nguy cơ cao), Chủ tịch UBND Q.10 Nguyễn Thị Thu Hường cho biết quận đã cảnh báo và yêu cầu các phường tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch và áp dụng các phương án cụ thể với từng nơi, tùy theo diễn biến tình hình.

Cụ thể, 6 phường thuộc cấp độ 3 dịch Covid-19 gồm: P.2, P.8, P.12, P.13, P.14 và P.15 áp dụng ngay các biện pháp theo quy định của Nghị quyết 128 của Chính phủ như hàng quán ngừng phục vụ rượu, bia và hạn chế một số hoạt động. Đối với 8 phường đang ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp) và cấp độ 2 (nguy cơ trung bình), các hoạt động vẫn được tổ chức bình thường nhưng chính quyền địa phương phải theo sát diễn biến dịch.

TPHCM: Tiếp nhận gần 56 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo đón Tết

Sáng nay 20/12, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ tiếp nhận gần 56 tỷ đồng từ 20 đơn vị, doanh nghiệp và 2 cá nhân ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” thành phố nhằm hỗ trợ những người gặp khó khăn, gia đình chính sách, người già neo đơn… trên địa bàn đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Trân trọng cảm ơn sự ủng hộ của các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân cho Quỹ “Vì người nghèo” thành phố, bà Tô Thị Bích Châu Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cho rằng bằng tình cảm, tấm lòng sẻ chia, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã giúp thành phố có thêm nguồn để thực hiện tốt công tác chăm lo an sinh xã hội, nhất là tạo điều kiện để người dân được hưởng một mùa Xuân ấm áp, nghĩa tình, nhất là trong tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Đây cũng là việc làm thể hiện truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

TPHCM: Nhiều trường mầm non thiếu giáo viên khi mở cửa trở lại

Nhiều trường mầm non tư thục tại TPHCM đối diện nguy cơ thiếu giáo viên nếu được mở cửa trở lại

Ông Hà Thanh Hải, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận 7, TPHCM - phụ trách bậc học mầm non cho biết, khả năng thiếu GV mầm non khi mở cửa lại các trường là rất lớn, nhất là ở khối trường tư thục và các nhóm trẻ.

Sở GD-ĐT TP HCM nhìn nhận do ảnh hưởng dịch Covid-19, các đơn vị gặp khó khăn trong việc chi trả lương cho lao động theo diện hợp đồng. Các đơn vị ngoài công lập không có kinh phí chi trả tiền thuê mặt bằng, trả lương cho nhân viên và GV nên nhiều cơ sở phải ngừng hoạt động, đội ngũ biến động liên tục. Một số cơ sở giáo dục khác cố gắng cầm cự, giữ chân GV theo hướng trả một phần lương để các cô dạy online cho trẻ mầm non nhưng cũng không được bền.

Một số thông tin tại các tỉnh thành khác:

Vắc xin Nanocovax đạt yêu cầu an toàn và sinh miễn dịch

Đó là kết luận của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia sau khi xem xét, đánh giá báo cáo cập nhật, bổ sung kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba của vắc xin Nanocovax.

Về hiệu quả bảo vệ, Hội đồng yêu cầu "Cần tiếp tục bổ sung dữ liệu các trường hợp mắc COVID-19 theo đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt".

Hội đồng cũng chấp nhận đề xuất về việc xác minh các trường hợp mắc COVID-19 trong nghiên cứu tính đến hết ngày 13/12/2021, làm dữ liệu chính thức để phân tích, đánh giá hiệu lực bảo vệ trực tiếp của vắc xin Nanocovax.

Tin Covid-19 ngày 19/12: TPHCM yêu cầu tăng cường kiểm tra việc mua các loại kit xét nghiệm 2
Ảnh: TTO

Bộ Y tế tiếp tục thông tin về việc tăng hạn dùng của vaccine Pfizer

Ngày 20/12, Bộ Y tế tiếp tục thông tin về việc tăng hạn dùng của các lô vaccine Comirnaty (Pfizer BioNTech). Các lô vaccine có hạn dùng trên nhãn 06 tháng có in hạn sử dụng trên bao bì là tháng 10, tháng 11, tháng 12/2021, tháng 01, tháng 02, tháng 03/2022 thì hạn dùng cập nhật mới (tăng thêm 03 tháng) lần lượt là: tháng 01, tháng 02, tháng 03, tháng 04, tháng 05 và tháng 06/2022.

Việc tăng hạn dùng đối với vaccine Comirnaty được áp dụng chung trên toàn cầu, không làm thay đổi chất lượng, an toàn, hiệu quả của vaccine, được sử dụng cho tất cả các đối tượng từ 12 tuổi trở lên.

Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 năm 2021-2022 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bộ Y tế tiếp tục thông tin về việc tăng hạn dùng của vaccine Pfizer
Ảnh minh họa.

Bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á không được WHO phê chuẩn

Theo báo cáo công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp của WHO về thiết bị chẩn đoán dịch COVID-19 hôm 20/10/2020, kết quả thẩm định của tổ chức này với bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á là "Không được chấp nhận".

Cụ thể, WHO cho biết bộ kit có tên LightPower iVASARS-CoV-2 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á - địa chỉ tại phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM, “không đủ điều kiện để vào chương trình mua sắm của WHO". 

Theo WHO, trước đó đã yêu cầu Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á cung cấp thông tin cập nhật về tình trạng hệ thống quản lý chất lượng của họ.

Tuy nhiên, các thông tin mà Công ty Việt Á nộp lại được đánh giá không phải là bằng chứng đầy đủ cho thấy bộ sản phẩm của họ đáp ứng tiêu chuẩn ISO 13485: 2016 đối với thiết bị y tế./.

Đồng Nai: Gần 1.000 doanh nghiệp giải thể

Ngày 20/12, thông tin từ Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, đến tháng 12/2021, toàn tỉnh có 977 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh (giảm 13% so với năm 2020).

Nguyên nhân các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động được đánh giá chủ yếu là do tình hình dịch bệnh kéo dài trong năm 2021 đã gây ảnh hưởng nặng nề cho nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai. Trong đó, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là doanh nghiệp ngành du lịch, dịch vụ, vận tải, sản xuất dệt may, giày dép. Tuy nhiên, đến quý IV/2021, các doanh nghiệp bắt đầu phục hồi lại sản xuất, kinh doanh nên giảm được tình trạng giải thể, tạm dừng hoạt động.

Đà Nẵng dùng kết quả test nhanh xác định người nhiễm COVID-19

Ngày 20/12, phó giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết thành phố đã thống nhất sử dụng kết quả test nhanh kháng nguyên để phát hiện, xác định người nhiễm COVID-19 và khỏi bệnh.

3 trường hợp được xác định mắc COVID

- Là người xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật PCR.

- Trường hợp nghi ngờ có kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép và do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế).

- Những người không có triệu chứng, có yếu tố dịch tễ hoặc tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định COVID-19 trong khoảng 14 ngày và có kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính với 2 loại test nhanh khác nhau.

Long An: Học sinh khối trung học cơ sở trở lại trường học trực tiếp

Ngày 20/12, học sinh khối trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Long An trở lại trường sau thời gian dài học trực tuyến do dịch COVID-19.

Tại Trường Trung học Cơ sở Nhựt Tảo (thành phố Tân An, Long An) trong sáng 20/12 có hơn 1.000 học sinh đi học. Cùng với cảm giác phấn khởi khi con được trở lại trường sau thời gian dài ở nhà, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ lo lắng do tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Trước khi tổ chức học trực tiếp, các trường đã chuẩn bị các phương án dạy và học trong điều kiện phòng, chống dịch; làm vệ sinh, sát khuẩn các phòng học, phòng làm việc; rà soát cơ sở vật chất, thiết bị để có phương án sửa chữa, bổ sung các trang thiết bị và vật tư phòng, chống dịch.

Nhà trường xây dựng các phương án xử lý cụ thể với nhiều bước như khi xuất hiện trường hợp nghi mắc COVID-19.

Đắk Lắk vượt mốc 10.000 ca mắc COVID-19

Đắk Lắk đã vượt mốc 10.000 ca mắc COVID-19 sau khi liên tiếp ghi nhận hàng trăm ca bệnh mỗi ngày. Dù dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát nhưng điều đáng lo ngại là số ca mắc trong cộng đồng vẫn còn cao.

Tính đến sáng 20/12, toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 10.092 ca mắc COVID-19 kể từ đầu đợt dịch thứ 4.

Cũng trong sáng nay, TP. Buôn Ma Thuột ghi nhận 42 ca bệnh thì có tới 41 ca trong cộng đồng. Những ngày trước, thành phố này (đang dẫn đầu các địa phương khác trong tỉnh về số lượng F0) cũng liên tục ghi nhận hàng chục ca bệnh chưa rõ nguồn lây dù đã tổ chức nhiều đợt xét nghiệm diện rộng nhằm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Theo Sở Y tế Đắk Lắk, địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 và đang thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 128 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy vậy, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, để thích ứng, “sống chung” an toàn với COVID-19, Sở Y tế khuyến cáo người dân không chủ quan, lơ là với dịch bệnh.

Quảng Trị dùng lô vắc xin trong diện tăng hạn tiêm cho người trên 18 tuổi

Ngày 20/12, Sở Y tế Quảng Trị cho biết tỉnh đã quyết định sử dụng lô vắc xin phòng COVID-19 của Hãng Pfizer nằm trong diện được tăng hạn sử dụng để tiêm cho người trên 18 tuổi.

Theo đơn vị này, lý do quyết định không sử dụng lô vắc xin này cho độ tuổi 12-17 như hướng dẫn của Bộ Y tế vì lo ngại hệ thống miễn dịch của trẻ em chưa hoàn thiện. Với lứa tuổi trên 18 thì hệ thống miễn dịch phù hợp hơn.

Trước đó, Bộ Y tế cấp cho tỉnh Quảng Trị lô vắc xin Pfizer với hơn 35.000 liều để tiêm cho lứa tuổi 12-17. Tuy nhiên, hạn dùng trên bao bì của lô vắc xin chỉ đến 30/11/2021. Sau đó, Bộ Y tế đã có hướng dẫn tăng hạn cho lô này lên 28/2/2022.

TIN THẾ GIỚI

Thái Lan cân nhắc áp đặt trở lại cách ly bắt buộc đối với du khách quốc tế

Hôm qua, Bộ Y tế Thái Lan cho biết sẽ đề xuất áp đặt trở lại cách ly bắt buộc đối với du khách nước ngoài do lo ngại về sự lây lan của biến thể Omicron.

Đề xuất trên sẽ bãi bỏ quy định miễn cách ly hiện nay đối với du khách đã tiêm chủng đầy đủ, quay lại cách ly tại khách sạn và chương trình "hộp cát du lịch", theo đó cho phép du khách tự do di chuyển trong phạm vi một địa điểm cụ thể.

Mỹ phát hiện 48 ca mắc COVID-19 trên du thuyền lớn nhất thế giới

Giới chức y tế thành phố Miami, bang Florida của Mỹ, thông báo đã phát hiện 48 ca mắc COVID-19 trên Symphony of the Seas khi du thuyền lớn nhất thế giới này cập cảng ngày 18/12. Hầu hết các bệnh nhân đều có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng và 98% trong số này đã tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng COVID-19.

Trước đó, để thực hiện chuyến du lịch 7 ngày trên tàu, toàn bộ du khách trên 12 tuổi buộc phải tiêm đủ liều vaccine và thực hiện xét nghiệm COVID-19 trước khi lên tàu. Ngoài quy định tiêm vaccine, thủy thủ đoàn cũng buộc phải xét nghiệm định kỳ hằng tuần.

Ca mắc COVID-19 gia tăng, Australia siết chặt kiểm soát đi lại trong nước

Cụ thể, từ ngày 20/12, những người từ bang Queensland phải có giấy miễn trừ và thực hiện cách ly hai tuần do cảnh báo về mức độ rủi ro dịch bệnh ở bang này đã được nâng từ mức "thấp" lên mức "trung bình".

Đối với bang Tasmania, cũng nâng mức cảnh báo về rủi ro do COVID-19 từ mức "rủi ro rất thấp" lên "rủi ro thấp", có nghĩa là khách du lịch phải tự cách ly trong 14 ngày và xuất trình chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ trước khi đến bang này và trong ngày thứ 12. Cùng với đó các du khách cũng phải được tiêm phòng đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhật: Ra mắt ứng dụng xác thực tiêm vaccine trên điện thoại thông minh

Ngày 20/12, Nhật Bản đã ra mắt một ứng dụng trên điện thoại thông minh để xác thực người sử dụng đã tiêm vaccine phòng COVID-19.

Ứng dụng có tên gọi “COVID-19 Vaccination Certificate Application” (Ứng dụng xác thực tiêm phòng vaccine COVID-19), sẽ hiển thị các thông tin như số lượng mũi tiêm, thời gian tiêm và loại vaccine mà người sử dụng đã được tiêm. Các thông tin này có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, trong đó có việc làm thủ tục xuất nhập cảnh.

Để sử dụng ứng dụng này, người dùng phải có thẻ định danh cá nhân “My Number”. Bằng cách sử dụng smartphone để quét thẻ “My Number”, người sử dụng có thể nhận các thông tin liên quan tới tình trạng tiêm chủng của mình từ Hệ thống Lưu trữ Dữ liệu Tiêm chủng. Đối với những người sử dụng ứng dụng này cho mục đích đi ra nước ngoài, cần nhập thêm thông tin về hộ chiếu.

Khuyến cáo mùa Covid

Gặp các dấu hiệu cảnh báo suy hô hấp sau, F0 điều trị tại nhà cần liên hệ y tế ngay

Theo dữ liệu thống kê của Bộ Y tế cập nhật tới hết ngày 19/12, cả nước hiện có hơn 240.000 trường hợp F0 điều trị tại nhà. Riêng tại Hà Nội, gần 4.500 bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng hoặc mức độ nhẹ đang cách ly trong tổng số hơn 13.600 ca đang điều trị, theo Sở Y tế.

BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đưa ra những lưu ý trong sử dụng thuốc hạ sốt và những dấu hiệu bị suy hô hấp cũng như cách dùng các loại thuốc kháng đông, kháng viêm với F0 điều trị tại nhà. 

F0 điều trị tại nhà (từ 18 tuổi trở lên) được phát miễn phí 3 gói thuốc, trong đó có gói B, gồm nhóm thuốc kháng viêm và chống đông (trong túi thuốc B). BS Hải Ninh lưu ý không dùng khi chưa có biểu hiện suy hô hấp và đặc biệt là không phải chỉ cần dùng thuốc này là F0 sẽ yên tâm ở nhà, đây là loại thuốc dùng khi chờ liên hệ bác sĩ hỗ trợ.

Về một số biểu hiện gợi ý F0 bị suy hô hấp, BS Hải Ninh lưu ý: Bình thường, trạng thái nhịp thở là dưới 20 lần/phút ở người trưởng thành. Nếu đếm nhịp thở trên 25 lần/phút thì có nguy cơ khó thở, rõ ràng hơn nữa còn có cảm giác tức ngực, khó thở, không thể nói hết câu dài, trọn vẹn một câu, đó là triệu chứng gợi ý suy hô hấp.

Theo hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội, với F0 điều trị tại nhà, cần trang bị máy SpO2 cặp ở đầu ngón tay để đo cho chính xác nồng độ bão hoà oxy trong máu. Bình thường SpO2 trên 96%, nếu chỉ hít thở khí thở. Nếu SpO2 dưới 96% là dấu hiệu suy hô hấp. BS Hải Ninh khuyên không nên sơn móng tay vì khi sơn, tín hiệu nhận biết trên đầu cặp SpO2 không chính xác nữa, nên có thể chỉ số này bị hạ dù thực tế ta không thiếu oxy.

Thuốc kháng đông, kháng viêm không dùng cho phụ nữ mang thai, cho con bú hay người mắc một số bệnh như viêm loét dạ dày tá tràng, suy gan, suy thận, các bệnh lý dễ gây chảy máu đường tiêu hoá, đường tiết niệu...

Sốt là triệu chứng nhiều F0 điều trị tại nhà sẽ gặp phải. Loại thuốc hạ sốt mà các gia đình nên sử dụng là acetaminophen (thuốc paracetamol). Loại thuốc này có nhiều dạng: uống, đặt hậu môn, gói bột pha nước... Tùy thuộc vào lứa tuổi dành cho gia đình để chuẩn bị các chế phẩm phù hợp.

Bác sĩ lưu ý nếu F0 không sốt thì không có chỉ định dùng paracetamol, vì thuốc chỉ có tác dụng làm hạ nhiệt, không có tác dụng dự phòng. F0 chỉ uống hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể trên 38 độ C.

Bình luận