Chờ...

Tin COVID-19 ngày 24/12/2021: TP.HCM tiếp tục vận động người thuộc nhóm nguy cơ đi tiêm vắc xin

(VOH) - Tính đến 22/12, sau 15 ngày thực hiện "Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ", TPHCM đã ghi nhận 584.403 người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó có 24.420 người chưa tiêm vắc xin.

 

 

Nghe nội dung bản tin

Thủ tướng yêu cầu tiêm xong mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý 1/2022

Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc tăng cường công tác tiêm chủng, kiểm soát biến chủng mới Omicron.

Chậm nhất 31/12 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên (trừ trường hợp chống chỉ định); không để sót các trường hợp thuộc diện phải tiêm, nhất là người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 đến 18 tuổi trong tháng 1-2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý 1 năm 2022.

Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc bảo đảm đủ vắc xin và phân bổ kịp thời cho các địa phương. Hướng dẫn các địa phương tiêm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, chống mọi biểu hiện tiêu cực.

Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu toàn diện về chủng mới Omicron để kịp thời có các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Tình hình dịch Covid 19 tại TPHCM

TP.HCM tiếp tục vận động người thuộc nhóm nguy cơ đi tiêm vắc xin

Sở Y tế TP.HCM vừa cho biết tính đến ngày 22/12, sau 15 ngày thực hiện "Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ", TP đã ghi nhận 584.403 người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó có 24.420 người chưa tiêm vắc xin, xét nghiệm tầm soát phát hiện 3.918 người đang bị nhiễm COVID-19 kịp thời điều trị.

tin-covid-19-ngay-24-12-2021-voh.com.vn-anh1
Tiêm vắc xin cho người trên 50 tuổi ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. (Ảnh: TTO)

Theo đó, 24.420 người thuộc nhóm nguy cơ nhưng chưa tiêm vắc xin (chiếm tỉ lệ 4,2%), tất cả trung tâm y tế đang khẩn trương thuyết phục và triển khai tiêm vắc xin cho những người thuộc nhóm nguy cơ. Trường hợp người thuộc nhóm nguy cơ gặp khó khăn trong đi lại, Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện sẽ triển khai các đội tiêm tại nhà.

Bên cạnh đó, qua thực hiện xét nghiệm nhanh tầm soát đã phát hiện 3.918 người có kết quả dương tính và kịp thời được điều trị ngay với thuốc kháng virus (Molnupiravir) và cách ly chăm sóc tại nhà 901 người hoặc cách ly tập trung 255 người.

TP.HCM: Kiến nghị điều tiết nguồn oxy để điều trị kịp thời cho bệnh nhân COVID-19

Trước thực trạng TP.HCM có hệ thống bồn chứa oxy nhưng không có đủ oxy dự trữ cho người bệnh, nếu không được điều tiết kịp thời, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng về việc cung cấp oxy y tế phục vụ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn.

TP.HCM cho rằng hiện chỉ còn 5/11 đơn vị có khả năng cung cấp cho TP.HCM với lượng oxy lỏng khoảng 150 tấn/ngày, trong khi hiện các cơ sở y tế có nhu cầu sử dụng đến 170 tấn/ngày, dự báo sắp tới là 350 tấn/ngày.

Ngoài ra giá thành mua oxy thời gian qua, các công ty cung cấp oxy với giá ổn định (từ 3.950 đồng/kg đến 5.390 đồng/kg), tuy nhiên hiện nay một số công ty thông báo tăng giá từ tháng 12/2021.

Gói hỗ trợ bổ sung gần 4.170 tỉ của TP.HCM

Ông Lê Minh Tấn, giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, cho biết UBND TP vừa có quyết định bổ sung khoảng 4.170 tỉ đồng cho các quận, huyện và TP Thủ Đức.

Với kinh phí này, khoảng 1 triệu 583 ngàn người dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 vừa qua đã được phê duyệt nhưng chưa nhận hỗ trợ sẽ tiếp tục được chi hỗ trợ.

Đây là số tiền được trích từ nguồn tăng thu ngân sách 2020 của TP.HCM. Theo số liệu của các quận huyện, có gần 7,8 triệu người đã được rà soát và phê duyệt nhận hỗ trợ đợt 3 với mức 1 triệu đồng/người.

TP.HCM không bắn pháo hoa dịp Tết Dương lịch 2022

Chiều 23/12, trong buổi họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19, ông Phạm Đức Hải - phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, cho biết TP sẽ không bắn pháo hoa vào Tết Dương lịch, đề nghị người dân vui chơi Giáng sinh và Tết Dương lịch đảm bảo 5K.

Trước đó, ngày 20-12, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động đón năm mới 2022 tại TP. Ngoài chương trình countdown ở trung tâm TP, sẽ có các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại quận 12, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh và huyện Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ vào đêm 31-12-2021 và 1-1-2022.

Tuy nhiên, nếu dịch tại TP đạt cấp độ 3 - 4, UBND TP yêu cầu các sở ban ngành, đoàn thể và TP Thủ Đức, các quận huyện xây dựng kế hoạch tổ chức, chủ động giảm quy mô hoặc tạm dừng tổ chức các sự kiện, điều chỉnh các phương án phòng, chống dịch COVID-19 theo từng cấp độ dịch.

Một số diễn biến tình về tình hình dịch COVID-19 ở một số tỉnh, thành khác

Bạc Liêu cho phép hoạt động vận tải liên tỉnh

Vừa qua, tỉnh Bạc Liêu có văn bản cho phép hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Theo đó, vận tải hành khách liên tỉnh (bao gồm cả đường bộ và đường thủy nội địa) được hoạt động trở lại từ ngày 25-12, nhưng phải đảm bảo cao nhất các yêu cầu, quy định về phòng chống dịch COVID-19.

Đối với đường bộ, cho phép hoạt động không vượt quá 50% tổng số phương tiện của đơn vị và có giãn cách chỗ trên phương tiện. Với đường thủy, cho phép hoạt động đảm bảo theo nguyên tắc không vượt quá 50% số người được phép chở trên phương tiện.

Hà Nội cấm xe ra vào khu vực nhà thờ Lớn từ chiều nay 24/12

Từ 17h30 chiều nay 24-12, Công an quận Hoàn Kiếm sẽ phối hợp cùng Công an TP Hà Nội tổ chức cấm đường, không cho phương tiện ra vào phố Nhà Thờ (phường Hàng Trống), nhằm đảm bảo an toàn cho việc tổ chức đại lễ Giáng sinh.

Theo đó, công an quận sẽ bố trí các chốt bảo đảm an ninh trật tự theo nhiều lớp, tổ chức phân luồng từ xa, kiểm soát người dân có giấy mời được đi vào khu vực thực hiện nghi lễ tôn giáo. Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có nhà thờ Lớn cùng 3 cơ sở tôn giáo khác và quanh hồ Hoàn Kiếm dự kiến sẽ là nơi tập trung đông người vào đêm Giáng sinh.

tin-covid-19-ngay-24-12-2021-voh.com.vn-anh2
Nhà thờ Lớn Hà Nội. (Ảnh: TTO)

Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Công an quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với các cơ sở tôn giáo trên địa bàn thống nhất phương án chỉ tổ chức các buổi lễ bằng hình thức trực tuyến để tránh lây nhiễm dịch bệnh; bảo đảm an toàn cho người dân.

Hà Nội cũng vừa được phân bổ 200.000 viên thuốc kháng virus Molnupiravir. Sở Y tế yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Đống Đa liên hệ với nhà cung ứng, làm thủ tục nhận thuốc này và có trách nhiệm bảo quản theo đúng điều kiện bảo quản ghi trên nhãn, cấp phát cho các đơn vị tham gia chương trình thử nghiệm theo phân bổ của Sở Y tế.

Giám đốc trung tâm y tế, bệnh viện thu dung điều trị F0 khẩn trương cấp phát cho các bệnh nhân đủ điều kiện tham gia chương trình tại cơ sở thu dung, điều trị và tại nhà theo đúng quy định.

Các tỉnh miền Bắc siết phòng dịch trước năm mới

Cách Tết Dương lịch 2022 hơn mười ngày, tỉnh Vĩnh Phúc ra công văn yêu cầu người đến, về tỉnh này phải có xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh, khai báo y tế và thông báo với chính quyền. Chính quyền kêu gọi công chức, lao động, nhân dân hạn chế di chuyển dịp Tết; gia đình vận động người thân đang học tập, làm việc ngoài địa bàn Vĩnh Phúc hạn chế về tỉnh.

Quy định đặt ra trong bối cảnh một tháng qua, trung bình mỗi ngày tỉnh ghi nhận khoảng 51 ca nhiễm, nhiều ca tại cộng đồng và khu công nghiệp. Vĩnh Phúc - nơi có 8 khu công nghiệp, hàng trăm nghìn lao động, chuyên gia nước ngoài làm việc đứng trước nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập rất cao.

Bắc Giang, Bắc Kạn cũng yêu cầu người đến từ tỉnh, thành có ca nhiễm cộng đồng vào địa bàn phải có kết quả test nhanh âm tính trong 48 giờ, hoặc giấy xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ.

Một số diễn biến tình về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới

Nhiều nước rút ngắn thời gian tiêm mũi thứ 3 vì lo làn sóng COVID-19 mới

Ngày 24/12, Bộ trưởng Y tế Úc cho biết, Úc sẽ rút ngắn thời gian tiêm mũi tăng cường vaccine COVID-19 còn 4 tháng kể từ tháng 1/2022 và sau đó là còn 3 tháng giống như Anh và các nước khác.

Ba ngày trước, Đức thông báo sẽ cắt thời gian tiêm liều vaccine COVID-19 tăng cường từ 6 tháng xuống còn 3 tháng dựa theo khuyến nghị của Ủy ban Tiêm chủng Thường trực.

Anh và Thái Lan cũng nằm trong số những quốc gia đầu tiên rút ngắn một nửa khoảng thời gian tiêm liều tăng cường.

Philippines cũng đưa ra quyết định tương tự vào tuần này, trong khi giới chức Thụy Sĩ rút ngắn thời gian chờ tiêm liều tăng cường còn 4 tháng.

Thủ đô Bangkok, Thái Lan hủy các hoạt động đón năm mới

Lo ngại về sự gia tăng của các trường hợp biến thể Omicron, tòa thị chính Bangkok đã quyết định hủy bỏ các hoạt động đếm ngược đón năm mới vốn đã được lên kế hoạch từ trước.

Ngoài các sự kiện đếm ngược đón năm mới, các nghi lễ tôn giáo cũng sẽ không được tổ chức nhằm đảm bảo sự an toàn cho người dân. Ngoài ra, thành phố cũng tiếp tục khuyến cáo người dân tránh tụ tập đông người trong kỳ nghỉ lễ dài nhằm giảm nguy cơ nhiễm Covid-19.

Tuy các hoạt động đón năm mới do thành phố tổ chức bị hủy bỏ, nhưng các sự kiện do tư nhân tổ chức vẫn sẽ được thực hiện. Các công ty muốn tổ chức hoạt động đón năm mới sẽ phải xin phép trước chính quyền và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa do Bộ Y tế quy định.

Lào: Số ca mắc COVID-19 có chiều hướng giảm

Bộ Y tế Lào ngày 24/12 cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận hơn 1.000 ca mắc COVID-19 và đây đều là các ca lây nhiễm trong cộng đồng tại 18 tỉnh, thành phố và 6 ca tử vong. Số ca mắc mới này đã giảm hơn 400 trường hợp so với ngày hôm qua 23/12.

Bộ Y tế Lào đang tiếp tục vận động người dân đi tiêm phòng vaccine COVID-19 để giảm rủi ro lây nhiễm và biến chứng nặng, đặc biệt là các nhóm có nguy cơ cao như phụ nữ mang thai từ 12 tuần tuổi trở lên, sản phụ đang nuôi con hoặc đối tượng cần tiêm mũi bổ sung.

Mỹ cấp phép sử dụng thuốc uống điều trị COVID-19

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng Paxlovid, thuốc viên dùng điều trị COVID-19 cho những người có nguy cơ cao từ 12 tuổi trở lên, của hãng Pfizer. FDA nhấn mạnh đây là một cột mốc quan trọng trong thời kỳ đại dịch, cho phép hàng triệu người tiếp cận điều trị.

tin-covid-19-ngay-24-12-2021-voh.com.vn-anh3
Một dây chuyền sản xuất thuốc Paxlovid của hãng Pfizer tại Italia. (Ảnh: Reuters)

Trong thử nghiệm lâm sàng đối với 2.200 người, thuốc Paxlovid cho thấy hiệu quả an toàn và giảm nguy cơ nhập viện cũng như tử vong ở những người có nguy cơ cao lên đến 88%, nếu bệnh nhân được sử dụng thuốc trong 5 ngày từ khi có triệu chứng. Ngày 16/12, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã khuyến nghị sử dụng khẩn cấp thuốc Paxlovid.

Mỹ: Hơn 200 chuyến bay bị hủy ngay trước Giáng sinh do dịch COVID-19

Mới đây, các hãng hàng không United Airlines và Delta Air Lines của Mỹ thông báo hủy hơn 200 chuyến bay dịp Giáng sinh do biến thể Omicron đã ảnh hưởng tới phi hành đoàn và nhiều nhân viên của hãng.

Ngày 23/12, một trong những ngày đi lại nhiều nhất trong kỳ nghỉ Giáng sinh hằng năm, hàng triệu người Mỹ vẫn di chuyển trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể Omicron tăng cao vượt qua cả làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta gây ra và các bệnh viện sắp rơi vào tình trạng quá tải.

Biến thể Omicron được ghi nhận trong hơn 90% số ca nhiễm mới ở nhiều khu vực tại Mỹ. Các bằng chứng ban đầu cho thấy tỷ lệ bệnh nặng thấp hơn, nhưng đến nay đây vẫn là biến thể lây lan nhanh nhất.

Cảnh giác Mùa COVID-19 hôm nay

Các giai đoạn bệnh của COVID-19

Theo TS.BS Trần Quốc Cường, Giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM, khi nắm được các giai đoạn sẽ giúp người bệnh tránh hoang mang, lo lắng, đồng thời cũng tìm kiếm sự hổ trợ, điều trị và nhập viện kịp thời.

1.Thời gian ủ bệnh: Trung bình trong vòng 5 ngày, từ lúc tiếp xúc đến lúc phát ra triệu chứng đầu tiên.

2.Thời gian lây lan: Đỉnh tải virus cao nhất bắt đầu khoảng từ 1 ngày trước khi có triệu chứng và đạt đỉnh trong tuần đầu tiên. Đây là thời gian người bệnh dễ lây lan cho người khác nhất. Do đó, ngay từ khi có bất cứ triệu chứng nào giống cảm cúm kèm với yếu tố dịch tễ thì nên thận trọng cách ly với người khác ngay.

3.Giai đoạn bệnh nhẹ và trung bình: Trong giai đoạn này, bệnh và các triệu chứng là kết quả của tác động trực tiếp của con virus lên cơ thể. Bệnh sẽ có các triệu chứng giống cảm cúm nặng nhưng không suy hô hấp và do đó có thể điều trị tại nhà bằng hình thức khám bệnh từ xa. Các triệu chứng đạt đỉnh vào ngày thứ 4 - 6. Bệnh có thể dừng lại ở giai đoạn này mà không diễn tiến sang giai đoạn nặng. Nếu không có diễn tiến sang giai đoạn nặng thì triệu chứng sẽ giảm dần và thoái lui sau khoảng 10 ngày.

4.Giai đoạn bệnh nặng: Một số ít người bệnh có thể chuyển sang giai đoạn nặng (người béo phì, bệnh nền, cao tuổi). Giai đoạn này thường bắt đầu từ ngày thứ 7 (có thể sớm là 4 ngày hoặc trễ là 8 ngày). Trong giai đoạn này, các triệu chứng là kết quả của sự phản ứng quá mức của hệ miễn dịch của chính cơ thể.

Các triệu chứng của giai đoạn này đặc trưng là thêm các triệu chứng suy hô hấp như khó thở, giảm Sp02 và tăng nhịp thở. Ở giai đoạn này, người bệnh cần nhập viện, và sẽ được hỗ trợ oxy và các phương pháp điều trị khác. Bệnh có thể dừng ở giai đoạn này mà không chuyển sang giai đoạn rất nặng.

5.Giai đoạn bệnh rất nặng: Một số người bệnh tiếp nối qua giai đoạn rất nặng, đây cũng do hậu quả của phản ứng miễn dịch quá mức dẫn đến tổn thương các cơ quan nội tạng như tim, gan, thận. Ở giai đoạn này này, người bệnh thường được đưa vào phòng hồi sức tích cực hay còn gọi là ICU để điều trị.

Bình luận