Tin nóng chiều 05/01/2022: Trẻ em mắc COVID-19 có xu hướng giảm

(VOH) - Những thông tin về tình hình trong nước, quốc tế diễn biến trong 24 giờ qua sẽ được cập nhật tại Tin nóng VOH.

Gần 3 triệu người được tăng lương hưu, trợ cấp

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ngày 7-12 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108 về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng.

Theo đó, từ ngày 1-1, điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 12  đối với các đối tượng như: cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật...

Với sự điều chỉnh này, BHXH Việt Nam dự kiến, cả nước có gần 3 triệu  người được điều chỉnh tăng mức hưởng theo nghị định này.

Không gắn camera trên ô tô sẽ bị phạt

Sáng nay (5/1), đội CSGT An Lạc thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC08) Công an TPHCM đã lập chốt xử phạt những phương tiện kinh doanh vận tải chưa lắp camera tại vòng xoay An Lạc - quận Bình Tân.

Trong hơn 1 giờ lập chốt, lực lượng CSGT đã kiểm tra ngẫu nhiên 6 phương tiện và hầu hết các phương tiện đều chấp hành nghiêm chỉnh việc chuyển đổi từ biển số trắng sang biển số vàng và lắp đặt đầy đủ camera giám sát trên xe.

Tuy nhiên, vẫn có phương tiện chưa chấp hành với lý do "gắn không kịp" dù nghị định 10 về xử phạt các phương tiện kinh doanh vận tải không lắp camera hành trình đã được quy định trước ngày 1/7/2021.

Tin nóng chiều 05/01/2022: Trẻ em mắc COVID-19 có xu hướng giảm 1
Ảnh minh họa: VTV

Theo khoản 2 Điều 13, khoản 2 Điều 14 Nghị định 10 quy định trước ngày 01/7/2021. Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông.

Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông.

Với những mức xử phạt như sau:

- Đối với người điều khiển xe ô tô: Phạt tiền từ 1.000.000đ - 2.000.000đ người điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa.

- Đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải: Phạt tiền từ 5.000.000đ - 6.000.000đ đối với cá nhân, từ 10.000.000đ - 12.000.000đ đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải.

TPHCM kiến nghị Chính phủ sớm cho phép sản xuất, lưu hành thuốc kháng virus

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 5-1 tại đầu cầu TP.HCM, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi điểm lại những kết quả tích cực sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng COVID-19 lần thứ 4.

Theo chủ tịch UBND TP, tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 381.000 tỉ đồng.  Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2022.

Có 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà thành phố sẽ tập trung trong thời gian tới.

Thứ nhất, TP triển khai chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ phù hợp với thực tiễn của TP. Trong đó tập trung giám sát và xử lý đối với biến chủng mới Omicron. TP kiến nghị Chính phủ sớm cho phép sản xuất và lưu hành rộng rãi thuốc kháng virus.

Thứ hai, triển khai kế hoạch phục hồi kinh tế, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh và triển khai các chương trình phát triển kinh tế ở các lĩnh vực.

Thứ ba, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị gắn với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn để hấp thụ có hiệu quả các nguồn vốn.

Thứ tư, tập trung nguồn lực triển khai các dự án phát triển hạ tầng giao thông đô thị và kết nối tuyến metro số 1 và số 2

TPHCM thanh tra đột xuất việc mua sắm kit xét nghiệm COVID-19

Sáng nay, Phó chủ tịch UBND Thành phố ông Dương Anh Đức đã ký công văn về việc tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh, mua sắm các loại kit xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR.

Theo đó, Thanh tra TP sẽ thanh tra, kiểm tra đột xuất việc mua bán, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng kit xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR xác định COVID-19 tại một hoặc một số đơn vị, doanh nghiệp.

Các cơ sở y tế cũng sẽ rà soát về quy trình, thủ tục mua sắm, về chất lượng, giá, tư cách pháp nhân... theo đúng quy định. Tập trung vào giá xét nghiệm và giá dịch vụ xét nghiệm đang thực hiện tại các công ty cung ứng, các cơ sở sử dụng các loại xét nghiệm.

UBND TPHCM cũng giao Công an TP kiểm tra, xác minh việc đăng tải các thông tin liên quan đến mua, bán thuốc điều trị COVID-19 đang thử nghiệm lâm sàng, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện... phục vụ phòng chống dịch không có nguồn gốc xuất xứ thông qua mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác

Trẻ em mắc COVID-19 tại TPHCM có xu hướng giảm

PGS.TS Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết số ca mắc COVID-19, trong đó có trẻ em, trên toàn thành phố hiện có xu hướng giảm, không còn tình trạng quá tải.

Theo số liệu cập nhật đến sáng nay, toàn TP ghi nhận 149 trẻ em mắc COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó chủ yếu có triệu chứng nhẹ và trung bình.

Hầu hết các trường hợp này đang được theo dõi, chăm sóc và điều trị tại 3 bệnh viện nhi của thành phố, gồm Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng TP.

Cả 3 bệnh viện đều có khoa điều trị COVID-19 với đầy đủ phương tiện vật chất, trang thiết bị và cơ số giường đảm bảo thu dung điều trị cho các trường hợp bệnh nhi.

Tin nóng chiều 05/01/2022: Trẻ em mắc COVID-19 có xu hướng giảm 2
Ảnh minh họa: TTO

Nhiều trường vẫn chưa cho học sinh đi học lại

Hôm nay, 5-1, ngày thứ hai HS từ lớp 7 đến 12 tại TP.HCM đi học trực tiếp tại trường. Trong đó, riêng HS lớp 9 và 12 đã đi học trực tiếp từ ngày 13-12. Nhìn chung, sau ngày đầu tiên, tỉ lệ HS khối lớp 10 đến lớp đạt 85%, khối lớp 11 đạt 92% và khối lớp 12 vẫn giữ được tỉ lệ trên 98%.

Đối với khối THCS, khối lớp 7 và 8, tỉ lệ đi học đạt trên 87%, khối 9 vẫn giữ được tỉ lệ đi học đạt 96,7%.

Tuy nhiên, ở nhiều trường học trên địa bàn TP, HS nhiều khối lớp vẫn chưa được đến trường học trực tiếp.

Cụ thể như tại quận 4, học sinh lớp 7, 8 của quận 4 hiện chưa được đến trường với khoảng 3.500 em và dự kiến sẽ được đi học vào những ngày sắp tới.

Lí do, theo Phòng GD&ĐT quận này, ở các trường, khi khảo sát ý kiến, nhiều phụ huynh còn đắn đo, chưa thống nhất cho con đi học trực tiếp vì họ lo ngại dịch bệnh còn phức tạp. Do đó, Phòng cũng đã yêu cầu các trường tiếp tục tư vấn, thông tin thêm với phụ huynh của các khối lớp. Nếu đồng thuận, những ngày tới, HS sẽ có thể được đi học.

Hơn 10 phụ nữ "rơi vào bẫy" của gã thanh niên 24 tuổi ở Đồng Nai

Trưa 5-1, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đã bắt khẩn cấp 3 đối tượng: Nguyễn Tiến Dũng (SN 1998), Lộc Thị Luân (SN 2001) và Ngô Nguyễn Đông Khoa (SN 1969) để điều tra về hành vi tổ chức mua bán người.

Bước đầu điều tra công an xác định đường dây tổ chức mua bán người qua Campuchia để hoạt động mại dâm do Dũng cầm đầu, Luân làm môi giới, còn Khoa đưa đón, vận chuyển các nạn nhân tới biên giới .

Tính từ đầu tháng 12 đến ngày 29-12-2021, các đối tượng nói trên đã cấu kết, dụ dỗ hơn chục nạn nhân là phụ nữ Việt Nam bán cho một số đối tượng ở Campuchia để phục vụ khách tại động mại dâm và các cơ sở karaoke, mát-xa trá hình.

Sau khi triệt phá đường dây buôn người xuyên biên giới trên, Công an Đồng nai đã "giải cứu" đưa các nạn nhân về với gia đình

Tây Ninh: Cấm nuôi chim yến trong nội thành

Ngày 5.11, UBND tỉnh Tây Ninh cho biết địa phương này vừa có quy định về khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn.

Việc cấm nuôi chim yến trong nội thành, khu dân cư, một mặt tạo ra hành lang pháp lý để các địa phương và cơ quan chức năng áp dụng trong công tác quản lý về chăn nuôi. Mặt khác, quy định sẽ định hướng giúp người dân yên tâm đầu tư, không còn băn khoăn lo lắng do không có quy định pháp luật cụ thể, rõ ràng.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, toàn tỉnh hiện có 67.577 cơ sở chăn nuôi, trong đó có 331 cơ sở nuôi chim yến trong nội thành. Đáng nói, đã có tình trạng một số cơ sở nuôi chim yến gây ô nhiễm môi trường. Tiếng ồn từ hoạt động phát loa dẫn dụ chim yến ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây bức xúc cho người dân.

TIN THẾ GIỚI

Lào: Đa số ca mắc mới COVID-19 đều lây nhiễm trong cộng đồng

Theo Bộ Y tế Lào, hôm nay đa số các ca mắc mới đều lây nhiễm trong cộng đồng. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục đứng đầu cả nước với 394 ca cộng đồng trong 24 giờ qua. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào hơn 114.700 ca, trong đó có 409 người tử vong.

Có hơn 11.000 người mắc COVID-19 đã tự điều trị ở nhà tại Viêng Chăn. Như vậy, việc các ca nhiễm thể nhẹ tự điều trị tại nhà giúp cơ sở y tế giảm bớt gánh nặng và tập trung nguồn lực cho các ca bệnh nặng hơn.

Lào chưa ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron nào. Tuy nhiên, nhà chức trách nước này đang tiếp tục tăng cường giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Nhiều nước giảm thời gian cách ly khi biến thể Omicron bùng phát

Châu Âu có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng khi biến thể Omicron bùng phát khắp châu lục và nhiều người bị nhiễm bệnh và phải cách ly.

Trong khi nhiều nước đang áp dụng lại các biện pháp ngăn chặn virus lây lan, họ cũng đang đánh giá lại các quy định cách ly nhằm kiểm soát nguy cơ lây nhiễm, đồng thời giảm thiểu tác động đối với các dịch vụ quan trọng cũng như nền kinh tế.

Hy Lạp là quốc gia đầu tiên ở châu Âu thông báo sẽ giảm thời gian cách ly xuống còn 5 ngày đối với những người bị nhiễm bệnh, còn một nửa thời gian so với 10 ngày trước đó.

Tại Anh, nước này đã chuyển sang giai đoạn cách ly 7 ngày đối với những người nhiễm bệnh ngay trước ngày lễ Giáng sinh. Tây Ban Nha và Ireland cũng vừa giảm thời gian cách ly xuống 7 ngày so với 10 ngày trước đó, trong khi Italy vừa bỏ việc cách ly đối với những người có tiếp xúc gần với đối tượng bị nhiễm nếu đã được tiêm chủng.

Campuchia không cho phép bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron không được phép điều trị tại nhà

Hôm nay 5/1, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã ra chỉ thị không cho phép bất cứ bệnh nhân nào nhiễm biến thể Omicron được điều trị tại nhà, bất kể điều kiện kinh tế hay tuổi tác.

Hiện các bệnh nhân nhiễm Omicron tại Campuchia đang được điều trị tại Trung tâm Quốc gia điều trị bệnh Lao phổi, Phong và Bệnh viện Loung Mae.

Theo thông cáo của Bộ Y tế Campuchia, tính đến ngày 5/1, nước này phát hiện tổng cộng 94 ca nhiễm biến thể Omicron đều là các ca nhập cảnh, trong đó một số ca đã khỏi bệnh.

Trong diễn biến mới đây, Campuchia đầu tháng này đã cho phép mở lại các trường mẫu giáo để trẻ em từ 3-5 tuổi có thể đến lớp. Quyết định này được đưa ra dựa trên cơ sở các ca lây nhiễm cộng đồng giảm và tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 trong nước đạt mức cao.

Tin nóng chiều 05/01/2022: Trẻ em mắc COVID-19 có xu hướng giảm 3
Ảnh minh họa.

Trung Quốc thẩm tra an ninh mạng các nền tảng trực tuyến niêm yết ở nước ngoài

Trung Quốc đã công bố văn bản sửa đổi của “Các biện pháp thẩm tra an ninh mạng”, trong đó nêu rõ việc rà soát an ninh mạng đối với các nền tảng trực tuyến có trong tay dữ liệu của hàng triệu người dùng trước khi ra nước ngoài niêm yết là điều cần thiết.

Trong phần liệt kê các yếu tố rủi ro an ninh quốc gia dẫn đến việc phải thẩm tra an ninh mạng, văn bản ghi rõ, “việc niêm yết trên thị trường chứng khoán tồn tại rủi ro dẫn đến cơ sở hạ tầng thông tin then chốt, dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng hoặc một lượng lớn thông tin cá nhân bị các chính phủ nước ngoài tác động, kiểm soát hoặc sử dụng với mục đích xấu”.

Trong một tuyên bố khác, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) cùng 3 cơ quan khác cũng cho biết sẽ thực hiện quy định mới yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ khuyến nghị thuật toán không sử dụng các dịch vụ này tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp hoặc phổ biến thông tin bất hợp pháp, không sử dụng thuật toán thực hiện các hành vi tác động đến dư luận trên mạng internet... 

Cả hai quy định mới này đều được đề xuất từ năm 2021 và có khả năng tác động đến một lượng lớn các công ty, như ByteDance - chủ sở hữu của TikTok hay tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba.

Trước đó, ngày 1/9/2021, Trung Quốc đã chính thức thực thi “Luật An ninh Dữ liệu”, trong đó quy định nước này sẽ thiết lập chế độ thẩm tra bảo mật dữ liệu.

Năm quốc gia chuẩn bị ra mắt tiền điện tử trong năm 2022

Sự xuất hiện ngày càng phổ biến của tiền ảo đã thúc đẩy các ngân hàng trung ương thử một cách tiếp cận tương tự đối với chính sách tiền tệ, đó là tiền kỹ thuật số.

Ngân hàng Jamaica vừa thông báo họ đã thử nghiệm thành công tiền điện tử của ngân hàng trung ương (CBDC, hình thức kỹ thuật số của tiền định danh) và một số quốc gia khác đã sẵn sàng triển khai công nghệ này. Tiền điện tử của ngân hàng trung ương khác với tiền ảo và tiền mã hóa, những loại tiền mà không được Nhà nước phát hành và thiếu trạng thái đấu thầu hợp pháp do Chính phủ tuyên bố.

Cho đến nay, chỉ có hai quốc gia trên thế giới sử dụng CBDC gồm Bahamas và Nigeria. Tuy nhiên, các quốc gia khác đã và đang hướng tới mục tiêu phát hành CBDC của riêng họ.

Theo đó, năm quốc gia chuẩn bị ra mắt tiền điện tử trong năm 2022: Jamaica, Trung Quốc, Kazakhstan, Nga và Brazil.

Bình luận