Chờ...

Tin nóng chiều 17/2: Đưa trẻ trở lại trường học an toàn

(VOH) - Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố vào sáng 17/2

Với những nghiên cứu, dự báo về sự tồn tại lâu dài của virus SARS-CoV-2, các giải pháp đưa trẻ trở lại trường phải mang tính dài hơi, trên tinh thần chủ động, không mất cảnh giác, không cực đoan; thống nhất chỉ đạo và thực hiện trên cả nước nhưng không áp dụng máy móc, cứng nhắc giữa các địa phương có cấp độ dịch khác nhau, giữa đô thị và nông thôn…, tránh tình trạng 'mạnh ai nấy làm'.

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố nhằm đánh giá tình hình mở cửa trường học của các địa phương, diễn ra vào sáng 17/2, tại Trụ sở Chính phủ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

UBND các tỉnh, thành phố thống nhất chỉ đạo việc tổ chức dạy học trực tiếp; chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, các ban, ngành liên quan, tăng cường tổ chức tuyên truyền, tập huấn, diễn tập việc xử trí F0, F1 trong trường học và các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch…

Việt Nam phấn đấu không còn hộ nghèo đến năm 2050

Ngày 17/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp báo công bố Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và thông tin về các chương trình, kế hoạch trọng tâm trong thời gian tới.

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp đạt bình quân từ 2,5-3%/năm, thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5-3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1-1,5%/năm...

Đến năm 2050, Việt Nam phấn trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn Việt Nam không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, đẹp...

Cẩn trọng hơn với cúm mùa

Để nâng cao nhận thức của cộng đồng và giảm nguy cơ biến chứng nặng do cúm, đặc biệt khi tỷ lệ tiêm ngừa cúm tại Việt Nam hiện nay còn thấp, ngày 17/2 tại TP Hồ Chí Minh, Hội Y học Dự phòng Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Cúm mùa và tầm quan trọng của việc tiêm ngừa cúm trong bối cảnh COVID-19”.

Cúm mùa không chỉ là bệnh lý đường hô hấp thông thường mà còn là tác nhân gây trầm trọng hơn các bệnh lý nền khác, như bệnh lý tim mạch (tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ), thậm chí dẫn đến tử vong. Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 1 tỷ ca mắc cúm mùa với 3 -5 triệu ca nặng, trong đó có đến 650.000 ca tử vong trên toàn thế giới, tương đương 1 phút có 1 người tử vong.

Chính vì lý do đó, Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo người dân nên tiêm vaccine cúm hàng năm, đây là biện pháp hiệu quả đề phòng ngừa nhiễm cúm và tránh các biến chứng nặng do cúm gây ra. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn nhiều rủi ro và phức tạp như hiện nay, việc tiếp tục tiêm phòng cúm hàng năm vẫn rất quan trọng để đảm bảo khả năng miễn dịch quần thể, giúp giảm nguy cơ nhiễm cúm, từ đó giảm nguy cơ đồng nhiễm cúm và COVID-19.

Dỡ bỏ toàn bộ hạn chế về vận chuyển hàng không

Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã thông báo tới các hãng hàng không, người khai thác máy bay trên toàn thế giới việc Việt Nam dỡ bỏ toàn bộ các hạn chế về việc vận chuyển hành khách bằng đường hàng không.

Theo đó, các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài được phép khai thác với tần suất, đường bay giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ trên cơ sở các thỏa thuận tại Hiệp định hàng không song phương, đa phương đã ký kết.

Cục Hàng không cũng đã gửi thư trực tiếp tới các nhà chức trách hàng không của các quốc gia, vùng lãnh thổ nằm trong danh sách thị trường bay thí điểm trong giai đoạn đầu và từ ngày 15-2-2022 là tất cả các thị trường mà các hãng đã khai thác trước Covid-19 để khôi phục các đường bay quốc tế thường lệ chở khách đến Việt Nam. Hành khách khi nhập cảnh Việt Nam trên các chuyến bay quốc tế thực hiện các quy định hiện hành về nhập cảnh và phòng chống dịch.

Mở thêm làn đón khách ở sân bay Tân Sơn Nhất

Đại diện ứng dụng Be cho biết hiện đơn vị đã hoàn tất các thỏa thuận để bổ sung khai thác kinh doanh vận tải hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất với việc mở thêm điểm đón khách ở làn D1 ga quốc nội, bên cạnh làn B – ga đến quốc tế đang khai thác. Khu vực đón khách dành cho Be được bố trí tại làn D1 (từ cột số 1 đến cột 5) – ga quốc nội và bắt đầu đưa vào thử nghiệm từ ngày 17-2.

Hiện tại với việc bổ sung thêm điểm đón khách đã góp phần mang đến các lợi ích di chuyển cho hành khách để không phải chen lấn, vất vả di chuyển vì khoảng cách đón xe quá xa. Đồng thời góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an ninh an toàn sân bay, cũng như hỗ trợ nhu cầu di chuyển đi lại của người dân trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch.

Phí vào đón khách là 25.000 đồng cho làn D1-ga quốc nội và 10.000 đồng cho làn B – ga đến quốc tế.

Tạm dừng vận chuyển hàng hóa qua Cửa khẩu Bắc Sơn-Kim Thành

Sáng 17/2, Ban quản lý Khu kinh tế Lào Cai cho biết, cơ quan chức năng phía Hà Khẩu (Trung Quốc) thông báo tạm ngừng hoạt động nhập khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu Bắc Sơn-Kim Thành do dịch Covid-19.

Cụ thể, do phía Hà Khẩu (Trung Quốc) phát hiện ca nhiễm Covid-19 mới từ nội địa, dự kiến sẽ phong tỏa huyện Hà Khẩu và tiến hành xét nghiệm Covid-19 toàn dân. Vì vậy, phía Hà Khẩu tạm thời ngừng hoạt động nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Hà Khẩu-Lào Cai, bắt đầu từ ngày 17/2. Riêng hàng xuất khẩu, phía Hà Khẩu (Trung Quốc) thực hiện thông quan nốt số hàng hóa đã tập kết tại khu vực cửa khẩu Bắc Sơn, không tiếp nhận hàng hóa từ nơi khác vào khu vực cửa khẩu Bắc Sơn (Hà Khẩu).

Phía Hà Khẩu đề nghị phía Lào Cai phối hợp tạm thời không cho xe chở hàng hóa xuất khẩu sang Hà Khẩu, riêng việc trả xe thùng rỗng vẫn tiếp tục thực hiện.

TIN THẾ GIỚI

Dịch bùng rộng, Hong Kong xét nghiệm toàn dân

Theo Hãng tin Bloomberg, động thái này là một phần của kế hoạch xét nghiệm trên toàn bộ Hong Kong. Việc xét nghiệm sẽ bắt đầu vào đầu tháng 3, được tiến hành một lần/tuần và kéo dài trong 3 tuần. Giới chức Hong Kong và đại lục vẫn đang thảo luận chi tiết.

Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bắt đầu, Hong Kong tiến hành xét nghiệm trên toàn thành phố, khi biến thể Omicron gây khó khăn với việc duy trì chiến lược "Zero-COVID" của đặc khu.

Tin nóng chiều 17/2: Đưa trẻ trở lại trường học an toàn 2

Hong Kong dự định tiến hành xét nghiệm toàn dân vào tháng 3 - Ảnh: AFP.

Trung Quốc cho biết sẽ hỗ trợ Hong Kong tăng cường năng lực xét nghiệm, xử lý và kiểm dịch, đồng thời đảm bảo nguồn cung bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh, đồ bảo hộ cho đến rau quả tươi. Bên cạnh đó, chưa rõ Hong Kong sẽ cách ly người mắc COVID-19 ở đâu khi các điểm cách ly hiện đều đang quá tải.

Anh - Australia nhất trí thúc đẩy hợp tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Thông báo trên được đưa ra sau cuộc gặp trực tuyến giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và người đồng cấp Australia Scott Morrison ngày hôm qua.

Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ thúc đẩy các biện pháp hợp tác chặt chẽ hơn nữa để thúc đẩy hòa bình và ổn định tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Để hỗ trợ cam kết tham gia tích cực và lâu dài của Australia đối với an ninh của khu vực, Chính phủ Anh sẽ đóng góp 25 triệu bảng Anh để tăng cường khả năng phục hồi của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong nhiều lĩnh vực, trong đó có đảm bảo an ninh trên không gian mạng và an ninh hàng hải.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh cam kết đối với quan hệ đối tác Anh - Australia trong thỏa thuận an ninh ba bên với Mỹ (AUKUS), trong đó có trang bị tàu ngầm năng lượng hạt nhân cho Canberra.

Ít nhất 58 người thiệt mạng do thảm họa lở đất tại thành phố ở Brazil

Nguyên nhân là bởi mưa lớn kéo dài trong ngày 15-2 khiến các con đường trong thành phố bị ngập, gây ra tình trạng lở đất nguy hiểm và cướp đi sinh mạng của nhiều người. Những chiếc xe bus, xe tải nằm ngổn ngang dưới mương. Giữa biển bùn đất, gạch móng và dây điện của những ngôi nhà bị phá hủy, một thi thể vừa được kéo ra. Lực lượng cứu hộ vẫn tìm kiếm không ngừng nghỉ những người mất tích, trong khi chính quyền thành phố Petropolis dự đoán số người thiệt mạng sẽ không chỉ dừng lại ở con số 58.

Tuyệt vọng là tình trạng chung của nhiều người may mắn còn sống lúc này, những người mất người thân hoặc mất nhà cửa, hoặc cả hai.

Chính quyền địa phương cho biết, lở đất đã phá hủy gần 100  ngôi nhà, hơn 300 người đã phải rời bỏ nhà cửa. Tuy nhiên, Thống đốc bang Rio de Janeiro cho rằng đây chưa phải lúc để thảo luận về các con số, công việc bây giờ là cố gắng tìm kiếm những người sống sót một cách nhanh nhất giữa khung cảnh hoang tàn này.

Anh cân nhắc bỏ cơ chế "thị thực vàng"

Chính phủ Anh mới đây đã thông báo kế hoạch bỏ cấp thị thực theo thủ tục rút gọn cho nhà đầu tư nước ngoài. Thị thực nhà đầu tư cấp 1, còn gọi là "thị thực vàng", được cấp cho người nước ngoài đầu tư ít nhất 2 triệu bảng tại Anh.

Những người có thị thực này sau đó có thể đăng ký thường trú tại Vương quốc Anh, với thời gian tùy thuộc vào số tiền đầu tư. Tuy nhiên, cơ chế thị thực này gần đây được xem xét lại do lo ngại có thể bị lạm dụng.

Bộ Nội vụ Anh cho biết, đã cải cách cơ chế thị thực này nhằm đảm bảo cơ chế không bị lợi dụng để tạo điều kiện cho tham nhũng, đồng thời không loại trừ sẽ có những thay đổi tiếp theo.

Bình luận