Chờ...

Tin nóng chiều 22/12: 8 nhóm giải pháp giảm tử vong do COVID-19 của Bộ Y tế

Ngày 22/12, Bộ Y tế đã có công điện đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai các giải pháp làm giảm tử vong do COVID-19.

TIN TRONG NƯỚC

8 nhóm giải pháp giảm tử vong do COVID-19 của Bộ Y tế

Trong 1 tuần qua, cả nước ghi nhận trung bình 244 F0 tử vong/ngày. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày 22/12, Bộ Y tế đã có công điện đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai các giải pháp làm giảm tử vong do COVID-19.

Cụ thể, các địa phương thực hiện 8 nhóm giải pháp:

1. Rà soát khả năng đáp ứng của các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều trị các tuyến. Cung ứng và bảo đảm đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; bảo đảm oxy từ tuyến cơ sở đến bệnh viện các tầng 1, 2, 3. Đồng thời, huy động các cơ sở y tế của Nhà nước và tư nhân tham gia điều trị COVID-19.

2. Rà soát, rút kinh nghiệm và khắc phục bất cập trong việc tổ chức, quản lý, điều hành thu dung, điều trị người bệnh COVID-19, trong đó có việc thực hiện các chỉ đạo của trung ương.

3. Chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ việc "Phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị". Trạm y tế lập danh sách các trường hợp F0 tại nhà và phân chia theo các nhóm nguy cơ để quản lý, theo dõi đánh giá trường hợp tăng nặng và chuyển tuyến kịp thời.

4. Triển khai mạnh mẽ, toàn diện "Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ" bằng các biện pháp: rà soát các đối tượng chưa được tiêm đủ vắc xin phòng COVID-19, đặc biệt chú trọng các đối tượng nguy cơ cao và rất cao (người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch…) để tiêm đầy đủ vắc xin ngay cho đủ liều và phòng chống lây nhiễm cho đối tượng nguy cơ.

5. Cập nhật và áp dụng các hướng dẫn điều trị. Tăng cường theo dõi tình trạng người bệnh để tiên lượng sớm, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tăng nặng. Quan tâm cung cấp dinh dưỡng, nước uống… đầy đủ cho người bệnh. Tăng cường kết nối, hội chẩn, tư vấn điều trị từ xa.

6. Tiếp tục huy động sự tham gia của cộng đồng và mạng lưới các tình nguyện viên, "Thầy thuốc đồng hành", tổ chức thiện nguyện, người có tâm huyết, người bệnh COVID-19 đã bình phục, y tế tư nhân, chính quyền cơ sở, tổ dân phố… cùng tham gia vào tư vấn, điều trị, chăm sóc, quản lý người nhiễm tại nhà.

7. Đặc biệt quan tâm xây dựng bổ sung các chính sách, chế độ và các hình thức động viên cụ thể bằng tài chính và phi tài chính với đội ngũ nhân viên y tế và mạng lưới tham gia tư vấn, điều trị, chăm sóc người bệnh COVID-19.

8. Áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin để quản lý ca bệnh và điều hành, quản lý. Củng cố công tác thống kê, báo cáo của địa phương và trên phần mềm https://cdc.kcb.vn để có các thông tin và chỉ đạo chính xác, kịp thời.

Tin nóng chiều 22/12: 8 nhóm giải pháp giảm tử vong do COVID-19 của Bộ Y tế 1
Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) 

TP. Hồ Chí Minh rút ngắn thời gian tiêm liều nhắc vaccine phòng COVID-19

Thành phố điều chỉnh rút ngắn thời gian tiêm vaccine phòng COVID-19 liều nhắc lại từ 6 tháng xuống còn 3 tháng dành cho người trên 18 tuổi. Người thuộc nhóm nguy cơ, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch là nhóm ưu tiên triển khai trước.

Liều bổ sung sẽ tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên thuộc 2 nhóm có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang sử dụng hoặc đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong vòng 6 tháng và nhóm người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vaccine của hãng Sinopharm hoặc vaccine Sputnik V.

TP. Hồ Chí Minh dự kiến sẽ hoàn thành việc bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên đang sinh sống tại thành phố trong tháng 1 năm 2022.

Ninh Thuận: Quy định mới về cách ly y tế đối với các F1, F2

Ngày 22/12, UBND tỉnh Ninh Thuận có công văn quy định mới, cho phép các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 đầy đủ các điều kiện được cách ly y tế tại nhà 7 ngày so với trước đây phải cách ly tập trung 14 ngày. 

Người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 6 tháng hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm được xác định là F1 thì phải thực hiện cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện) 7 ngày và tự theo dõi sức khoẻ trong 7 ngày tiếp theo; Xét nghiệm covid-19 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm bằng kháng nguyên nhanh 2 lần (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 7 kể từ khi được cách ly).

Đối với trường hợp người F1 chưa đáp ứng điều kiện trên thì cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện) 14 ngày và tự theo dõi sức khoẻ trong 14 ngày tiếp theo; xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm bằng kháng nguyên nhanh 02 lần (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 14 kể từ khi được cách ly).

Tất cả những người F1 khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác… thì thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định.

Tin nóng chiều 22/12: 8 nhóm giải pháp giảm tử vong do COVID-19 của Bộ Y tế 2
Ninh Thuận cho phép F1 được cách ly y tế tại nhà 7 ngày

Làm rõ trách nhiệm các đơn vị trong vụ sập cầu 54 tỉ

Sáng 22/12, tổ công tác do UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo thành lập gồm lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan đã đến huyện Phú Tân để kiểm định nguyên nhân sự cố lún trụ gây sập nhịp giữa.

Dự án này là công trình giao thông cấp 3, vốn đầu tư khoảng 54 tỉ đồng. Cầu đã hợp long, đang hoàn thiện lan can.

Một lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau cho biết chưa có cơ sở nào để xác định nguyên nhân lún trụ, sập cầu Cái Đôi Vàm. Vì vậy, tỉnh Cà Mau sẽ thuê đơn vị tư vấn độc lập để thực hiện quy trình xử lý sự cố. Cơ quan chức năng sẽ tập trung xác định nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan rồi đưa ra phương án xử lý theo quy định.

Theo một kỹ sư cầu đường có kinh nghiệm ở Sóc Trăng, nguyên nhân sập cầu Cái Đôi Vàm có thể do địa chất yếu, dòng chảy xiết, trong khi khâu khảo sát địa chất và thủy văn chưa được kỹ lưỡng.

TP Buôn Ma Thuột: Triệt phá 4 tụ điểm tín dụng đen

 4 tụ điểm này bị phát hiện chỉ trong ngày 21/12. 4 đối tượng cầm đầu bị tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Từ đầu năm 2020 đến nay, thông qua các mối quan hệ thân quen, các đối tượng này đã cho hàng chục người dân trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột vay tổng cộng hơn 4 tỷ đồng, với lãi suất từ 135 %/năm - 365 %/năm. Số tiền các đối tượng thu lợi bất chính trên 580 triệu đồng. Trong số này, đối tượng Huyền cho vay nhiều nhất với gần 3 tỷ đồng.

Riêng đối tượng Ngọc đã từng có 3 tiền án về các tội giết người, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng và cố ý gây thương tích. Sau khi ra tù, Ngọc tham gia hoạt động tín dụng đen. Với bản tính côn đồ, khi đến hạn người vay chưa kịp trả tiền thì Ngọc liền mang theo hung khí tìm đến nhà uy hiếp, đánh đập, ép buộc người vay phải trả nợ…

Hiện vụ việc đang được Công an TP Buôn Ma Thuột tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý các đối tượng này theo quy định của pháp luật.

Tin nóng chiều 22/12: 8 nhóm giải pháp giảm tử vong do COVID-19 của Bộ Y tế 3
Triệt phá 4 tụ điểm hoạt động tín dụng đen ở TP Buôn Ma Thuột

TP. Móng Cái lên phương án hỗ trợ doanh nghiệp do cửa khẩu Đông Hưng dừng thông quan

Ngày 22/12, UBND TP.Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết, địa phương này vừa nhận được thông báo từ chính quyền TP.Đông Hưng (Trung Quốc) về việc tạm dừng việc thông quan người và hàng hóa ở cửa khẩu Đông Hưng; trong đó, bao gồm cả cặp chợ biên mậu và cầu phao, kể từ 0 giờ ngày 21/12, để phòng chống dịch Covid-19.

Trước việc tạm dừng thông quan dự kiến kéo dài, TP.Móng Cái đã lên phương án hỗ trợ các doanh nghiệp. Lưu kho bãi container được giảm từ 200.000 đồng/container/ngày xuống còn 100.000 đồng/container/ngày. Cùng với đó, thành phố đề nghị các đơn vị cung ứng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, lái xe.

Việc cửa khẩu Đông Hưng phải tạm dừng thông quan đã gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam. Bởi, hiện nay vẫn còn khoảng 1.000 container đang chờ đợi ở cửa khẩu quốc tế Móng Cái để chờ thông quan sang Trung Quốc. Việc phải chờ đợi kéo dài suốt 2 tuần qua đã khiến một lượng lớn nông sản bị hư hỏng, buộc phải vứt bỏ hoặc bán tháo với giá rẻ mạt.

TIN THẾ GIỚI

Giáng sinh phương Tây thời đại dịch

Trong khi nhiều nước châu Âu bắt đầu áp dụng các biện pháp chống dịch cứng rắn trong mùa Giáng sinh, một vài nước như Pháp chọn đứng ngoài xu hướng để quan sát tình hình và đánh cược vào tỉ lệ bao phủ vắc xin.

Giáng sinh là dịp đoàn tụ gia đình ở các nước phương Tây. Tuy nhiên, biến thể Omicron đã phá hỏng kỳ nghỉ năm nay của nhiều người khi tại một số nước các hội chợ Giáng sinh bị hủy bỏ, trong khi những hạn chế đi lại và giới hạn tập trung đông người được áp đặt trở lại.

Người Hà Lan lúc này chỉ có thể mời hai vị khách đến nhà vào Giáng sinh, theo quy định mới. Tại Đan Mạch, dù khẩu trang và các hạn chế phòng dịch đã biến mất nhờ chiến dịch tiêm chủng thành công nhưng các rạp chiếu phim, công viên giải trí và các cơ sở kinh doanh không thiết yếu khác lại bị đóng cửa vì Omicron.

Tại Anh, chính quyền London đã hủy sự kiện đón Giao thừa 2022 dự kiến có hàng ngàn người tham gia. Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đang bị đặt vào thế khó khi số ca nhiễm Omicron tăng cao nhưng chưa thể áp đặt các biện pháp chống dịch mới trước Giáng sinh.

Chính quyền Pháp không phong tỏa, giới nghiêm hoặc đóng cửa cơ sở kinh doanh, giải trí. Paris đang đặt cược vào tỉ lệ bao phủ của vắc xin và hiệu quả của mũi 3, trong lúc Hà Lan, Đan Mạch và Anh khẩn trương ứng phó Omicron. Theo báo New York Times, Tây Ban Nha và Ý cũng chọn giữ nguyên các biện pháp chống dịch đã đưa ra trước Giáng sinh.

Tin nóng chiều 22/12: 8 nhóm giải pháp giảm tử vong do COVID-19 của Bộ Y tế 4
Trung tâm thương mại tại Pháp được trang hoàng rực rỡ trong mùa Giáng sinh 2021 

Cuộc sống bình thường mới ở Pháp

Những ngày này, do số ca nhiễm mới tăng cao, cộng thêm nguy cơ từ Omicron, Chính phủ Pháp đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa y tế mới gồm: tạm đóng cửa vũ trường trong 4 tuần kể từ ngày 11/12, kêu gọi người dân giảm tương tác xã hội, khuyến khích làm việc từ xa 2-3 ngày với doanh nghiệp và tối đa 3 ngày với cơ quan nhà nước.

Sau thời gian nới lỏng hồi tháng 10, hiện nay việc kiểm tra giấy thông hành y tế lại được tăng cường. Người dân muốn vào quán cà phê, quán bia, nhà hàng, rạp hát, rạp chiếu phim, bảo tàng và một số trung tâm thương mại lớn đều phải trình mã QR thông hành y tế. Mã này xác nhận một người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin, hoặc phải trình kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 24 giờ thay vì 72 giờ như trước.

Kể từ ngày 15/12 chỉ cấp giấy thông hành y tế cho người trên 65 tuổi đã tiêm mũi tăng cường và từ ngày 15/1/2022 chỉ cấp cho người trên 18 tuổi đã tiêm mũi thứ 3.

Tuy nhiên, ngoài những điều đó thì cuộc sống của người dân Pháp vẫn diễn ra bình thường. Tâm lý chung là bình tĩnh đối diện với COVID, cẩn trọng nhưng không sợ hãi.

Thời điểm này, tất cả các quận đều đang cấp tập trang trí và chuẩn bị cho hội chợ Noel truyền thống. Những ngày cuối tuần, người dân đổ đến mua sắm ở các trung tâm thương mại khá đông, nhiều nơi mở bán cả chủ nhật.

Trên các diễn đàn người Việt Nam ở Pháp, nhiều doanh nghiệp, nhà hàng, tiệm nail của người Việt bắt đầu đăng tuyển nhân viên trở lại như một dấu hiệu phục hồi kinh tế trong cuộc sống bình thường mới.

Anh, Singapore điều chỉnh phương án cách ly vì Omicron

Ngày 22/12, chính phủ các nước Anh và Singapore đã công bố các điều chỉnh phương án cách ly khi mùa lễ hội cuối năm đang đến gần cùng với sự xuất hiện đáng lo ngại của biến thể Omicron.

Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho biết phân tích của cơ quan này cho thấy thời gian cách ly 7 ngày với 2 kết quả xét nghiệm nhanh âm tính cách nhau 24 giờ trong 2 ngày cuối gần như có hiệu quả tương tự với quy trình cách ly 10 ngày mà không xét nghiệm.

Kêu gọi người dân tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ ba để "bảo vệ bản thân và những người xung quanh".

Người dân có thể tự xét nghiệm COVID-19 tại nhà bằng bộ xét nghiệm nhanh, được Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) phát miễn phí, với kết quả có trong vòng 15-30 phút.

Chính phủ Anh cho biết người có kết quả âm tính trong ngày thứ 6 và thứ 7 (xét nghiệm cách nhau 24 giờ) trong thời gian tự cách ly sẽ không cần phải cách ly 10 ngày.

Tin nóng chiều 22/12: 8 nhóm giải pháp giảm tử vong do COVID-19 của Bộ Y tế 5
Anh Seth Thomas - theo học thạc sĩ tại ĐH Oxford (Anh) - tự xét nghiệm COVID-19

Tại Singapore, Bộ Y tế (MOH) thông báo tạm ngưng bán vé mới cho các chuyến bay và xe buýt trong chương trình Hành lang du lịch tiêm chủng (VTL) từ ngày 23/12/2021 đến 20/1/2022.

Sau ngày 20/1/2022, MOH cũng sẽ giảm tạm thời hạn ngạch VTL và việc bán vé du lịch. MOH cho biết họ sẽ theo dõi chặt diễn biến và cập nhật chính sách này khi tình hình thay đổi.

Các biện pháp mới liên quan đến biên giới sẽ giúp Singapore có thêm thời gian để nghiên cứu và hiểu thêm về biến thể Omicron. Đồng thời nó cũng giúp tăng cường khả năng phòng thủ của nước này, trong đó có tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe và tiêm chủng cho nhiều người hơn.

Đức khuyến nghị tiêm mũi vaccine tăng cường sớm hơn

Khuyến nghị tiêm mũi vaccine tăng cường sớm hơn ở Đức được đưa ra trong bối cảnh lo ngại sự bùng phát mạnh mẽ của biến thể Omicron.

Theo đó, những người đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 nên tiêm mũi tăng cường sau 3 tháng kể từ mũi tiêm thứ hai. Khuyến nghị mới này áp dụng ngay lập tức cho tất cả người lớn. Đặc biệt, những người cao tuổi hoặc có bệnh nền nên được ưu tiên tiêm mũi vaccine tăng cường trước vì nguy cơ ở nhóm đối tượng này cao hơn các nhóm khác.

Giới chức Y tế Đức cảnh báo, Omicron sẽ là biến thể chủ đạo tại Đức chỉ sau một thời gian rất ngắn. Do vậy, mũi vaccine tăng cường sẽ giúp bảo vệ người dân khỏi các biến chứng nghiêm trọng và giúp làm giảm nguy cơ lây lan virus sang người khác.

Về thời hạn bảo vệ trước biến thể Omicron sau khi tiêm mũi vaccine tăng cường, Ủy ban tiêm chủng thường trực của Đức cho biết, các dữ liệu hiện tại còn hạn chế nên chưa thể đưa ra khuyến cáo về điều này. Về hiệu quả của các loại vaccine, các loại vaccine BioNTech-Pfizer và Moderna dùng cho mũi tiêm chủng tăng cường có hiệu quả tương đương nhau.

Thái Lan tạm dừng nhập cảnh không cần cách ly

25 người trong nhóm 31 du khách Thái Lan về nước sau chuyến hành hương đến thánh địa Hồi giáo Mecca (Saudi Arabia) mắc biến thể Omicron. Những người mắc biến thể này đến từ nhiều khu vực của Thái Lan, trong đó có 14 người từ tỉnh Nonthaburi, 4 người từ tỉnh Pathum Thani, 4 người từ thành phố Ayutthaya, 2 người từ thủ đô Bangkok và 1 người từ thành phố Nakhon Ratchasima.

Hiện nay, 25 người này đang cách ly. Giới chức y tế kêu gọi những người tiếp xúc gần với những người nói trên liên hệ với y tế địa phương càng sớm càng tốt.

Tin nóng chiều 22/12: 8 nhóm giải pháp giảm tử vong do COVID-19 của Bộ Y tế 6
Du khách quốc tế đến sân bay Suvarnabhumi, Thái Lan ngày 20/12

Để đối phó với số ca mắc Omicron ngày càng tăng, Chính phủ Thái Lan quyết định áp dụng trở lại quy định cách ly 7 - 10 ngày với du khách nước ngoài. Đồng thời tạm dừng chương trình nhập cảnh không cần cách ly (Test and Go) với du khách nước ngoài lẫn công dân Thái Lan về nước  (ngoại trừ Phuket) từ ngày 21/12/2021 đến 4/1/2022.

Tổng số ca mắc biến thể Omicron ở Thái Lan hiện nay đã lên đến gần 100 ca. Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng gần 2,2 triệu ca COVID-19 kể từ đầu dịch, trong đó có hơn 21.400 ca tử vong.

Bình luận