Chờ...

Tin nóng chiều 24/2: TPHCM giao các trường quyết định hình thức học khi phát hiện F0

(VOH) - UBND TPHCM đã có chỉ đạo khẩn đến Sở GD-ĐT, Sở Y tế và các quận, huyện về việc kiểm soát dịch Covid-19 trong trường học.

Theo đó, UBND TPHCM yêu cầu các cơ sở giáo dục, các quận, huyện thực hiện kịch bản xử trí đối với trường hợp phát hiện nhiều F0. Cụ thể, nếu trong cùng một ngày, lớp học phát hiện từ 2 F0 trở lên thì Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của cơ sở giáo dục căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tiếp theo của các học sinh còn lại trong lớp.

Nếu trong cùng một ngày cơ sở giáo dục phát hiện từ 2 lớp có F0 trở lên thì Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tiếp theo đối với học sinh của trường.

Tin nóng chiều 24/2: TPHCM giao các trường quyết định hình thức học khi phát hiện F0 1
Ảnh minh họa: SGGP

Bên cạnh đó, TP cũng yêu cầu việc tổ chức học bán trú của học sinh trong giai đoạn hiện nay phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế và ngành GD-ĐT. Trong đó cần lưu ý bảo đảm theo nguyên tắc hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp; Ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ ngay tại lớp học và học sinh ăn theo suất ăn riêng, không dùng chung các đồ dùng cá nhân.

Việt Nam sẽ tiếp nhận công nghệ sản xuất vắc-xin mRNA theo sáng kiến của WHO

WHO công bố thiết lập Trung tâm đào tạo sản xuất sinh phẩm toàn cầu tại Hàn Quốc nhằm cung cấp đào tạo chuyên môn cho các nước thu nhập thấp và trung bình, thúc đẩy sản xuất dược phẩm ở trong nước.

Theo Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva, công bố này được WHO đưa ra trong Họp báo ngày 23-2 tại Geneva công bố thêm 5 nước được lựa chọn tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin mRNA theo sáng kiến Trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA được WHO thành lập tại Nam Phi.  Việt Nam cùng với Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Serbia là các nước đủ điều kiện, năng lực được WHO công bố nhận chuyển giao công nghệ, cùng với hỗ trợ đào tạo có thể chuyển sang giai đoạn sản xuất khá nhanh chóng.

Yêu cầu sân bay Tân Sơn Nhất bố trí đủ xe phục vụ khách

Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường các giải pháp nhằm hạn chế ách tắc giao thông trước nhà ga hành khách tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Để ngăn chặn tình trạng taxi dù chèo kéo, ép giá hành khách đi/đến Tân Sơn Nhất, hạn chế ách tắc giao thông tại đây, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất khẩn trương triển khai nghiên cứu phương án bố trí đủ xe taxi theo nhu cầu hành khách.

Cục yêu cầu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất rà soát, làm việc lại với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được phép khai thác tại sân bay. Sau đó, đánh giá lại năng lực của các DN và yêu cầu phải bố trí đủ phương tiện tối thiểu đáp ứng nhu cầu sản lượng hành khách.

Người dân TP.HCM bắt đầu mua thuốc kháng virus

Ngày 24/2, nhiều người dân tại TPHCM đã đến các nhà thuốc tìm mua thuốc kháng virus. Tuy nhiên, nhiều người chưa biết các quy định bắt buộc khi mua thuốc như phải có đơn chỉ định của bác sĩ...

Ghi nhận sáng nay, tại nhiều nhà thuốc thuộc hệ thống nhà thuốc Long Châu các quận Bình Thạnh, quận 1, TP Thủ Đức… có khá đông người dân đến mua thuốc kháng virus sau khi được Bộ Y tế cấp phép.

Tuy nhiên, tại các nhà thuốc thuộc hệ thống Pharmacity trên đường Hai Bà Trưng (quận 1), Kha Vạn Cân (TP Thủ Đức)... vẫn chưa bán thuốc kháng virus, nhân viên tại các nhà thuốc cho biết vẫn chưa biết thời điểm nào thuốc về.

Tin nóng chiều 24/2: TPHCM giao các trường quyết định hình thức học khi phát hiện F0 2
Người dân TPHCM mua thuốc kháng virus có chỉ định của bác sĩ tại các nhà thuốc Long Châu - Ảnh: TTO

Một dược sĩ tại nhà thuốc Long Châu (đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh) cho biết chiều 23-2 nhà thuốc đã bắt đầu bán thuốc kháng virus, hiện tại nhà thuốc có hai loại bao gồm Molravir 400mg của Boston và Molnupiravir 400mg của Stella, đồng giá bán 250.000 đồng/hộp.

Tại các nhà thuốc của Long Châu đều có bảng thông báo rõ những trường hợp được mua thuốc kháng virus như phải có đơn chỉ định của bác sĩ hoặc giấy chứng nhận đang điều trị F0 của y tế địa phương.

Nhà thuốc ghi chú rõ dược sĩ Long Châu chỉ được phép bán khi có một trong các giấy trên, nếu sai phạm sẽ bị xử lý kỷ luật. Đồng thời, 100% đơn thuốc cần được chụp lại và cập nhật lên hệ thống theo đúng quy định.

Giá vàng SJC lập kỷ lục mới, vàng thế giới tăng dựng đứng

Giá vàng thế giới trong sáng nay tăng hàng chục USD đã tác động mạnh đến thị trường trong nước, kéo giá vàng SJC lên mức kỷ lục mới.

Sau khi tăng 700.000 đồng/lượng lên 64 triệu 300 ngàn đồng/ lượng vào đầu ngày, giá vàng SJC đã tăng thêm 600.000 đồng/lượng theo đà tăng của giá vàng thế giới, có lúc cán mức 64 triệu 900 ngàn đồng/lượng. Đây là mức giá cao chưa từng có tại thị trường vàng Việt Nam.

Như vậy, so với mức giá cuối ngày hôm trước là 63 triệu 600 ngàn đồng/lượng, giá vàng SJC trong vòng 24 giờ qua đã tăng tổng cộng 1 triệu 300 ngàn đồng/lượng. Còn nếu so với mức giá 62 triệu 400 ngàn đồng/lượng từng được xác lập vào cơn sốt vàng tháng 8/2020, thì giá vàng SJC hiện tại cao hơn 2 triệu 500 ngàn đồng/lượng.

Hậu Giang tạm giữ 12.000 lít xăng RON 95 chưa rõ nguồn gốc

Ngày hôm nay, thông tin từ Công an tỉnh Hậu Giang, Phòng Cảnh sát điều tra Tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu vừa phát hiện, tạm giữ 12.000 lít xăng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Theo công an, trưa 22/2, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra 2 xe bồn lưu thông trên QL1, đoạn qua khu vực 5, phường Ngã Bảy, TP Ngã Bảy. Kết quả kiểm tra, công an phát hiện trên mỗi xe vận chuyển 6.000 lít xăng RON 95. Thời điểm kiểm tra, người điều khiển phương tiện chưa cung cấp được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số xăng nói trên. Công an đã tiến hành lập biên bản tạm giữ số xăng và phương tiện để tiếp tục xác minh làm rõ. Hiện vụ việc đang được tiếp tục xác minh, làm rõ.

Đắk Lắk: Số ca mắc Covid-19 tăng mạnh, "cháy" kit test nhanh

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều nhà thuốc trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột đã "cháy" hàng kit test nhanh.

Sáng nay, khảo sát nhiều nhà thuốc trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, ghi nhận tình trạng người dân đổ xô đi mua kit test nhanh Covid-19 khiến mặt hàng này khan hiếm. Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cho biết tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, nhu cầu mua vật tư y tế nói chung và kit test nói riêng rất lớn. Nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, nâng giá bán các mặt hàng này trong những ngày qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức nhiều đoàn tiến hành kiểm tra đột xuất các nhà thuốc, quầy thuốc, cơ sở kinh doanh vật tư y tế trên địa bàn toàn tỉnh. Qua kiểm tra, ghi nhận nhu cầu mua sắm vật tư y tế, đặc biệt là kit test nhanh tăng đột biến, khiến thị trường khan hiếm. Mức giá bán kit test cao hơn thời điểm trước Tết Nguyên đán.

Đoàn khách từ 700 người trở lên đến Đà Nẵng sẽ hưởng chính sách hỗ trợ cao nhất

Đà Nẵng đang triển khai nhiều Chính sách khuyến khích du lịch MICE năm 2022. Trong đó, ưu tiên 100 đoàn khách đầu tiên đến thành phố. Riêng những đoàn từ 700 người trở lên sẽ được đại diện lãnh đạo thành phố chào đón và có xe dẫn đường.

Có 5 nhóm chính sách chính hỗ trợ gồm: Chào đón đoàn, quà lưu niệm, truyền thông, miễn vé tham quan và tư vấn, hỗ trợ tổ chức sự kiện cho các đoàn có quy mô từ 50 khách, 150 khách, 300 khách và từ 700 khách trở lên. Riêng nhóm chính sách hỗ trợ về dịch vụ sẽ do các doanh nghiệp đăng ký tham gia.

Thanh Hóa phê duyệt khu đô thị phía đông đường vành đai phía Tây hơn 1.200 tỷ đồng

Tỉnh Thanh Hóa vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu đô thị mới phía đông đường vành đai phía Tây, xã Đông Lĩnh (nay là phường Đông Lĩnh) thuộc thành phố Thanh Hóa.

Theo đó, khu đô thị mới phía đông đường vành đai phía Tây có quy mô khoảng 19 ha. Dự kiến tổng chi phí thực hiện dự án khoảng 1.213 tỷ đồng. Trong đó, chi phí thực hiện dự án là 1.168 tỷ đồng, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 45 tỷ đồng.

Dự án bao gồm các hạng mục như hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở. Trong đó, hạng mục nhà ở sẽ có 314 căn nhà ở liền kề, 38 căn biệt thự và 632 căn nhà ở xã hội. Dự kiến, dự án sẽ được khởi công vào quý III/2023 và đưa vào sử dụng, bàn giao trong quý I/2027.

TIN THẾ GIỚI

Số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 tại châu Mỹ giảm

trong tuần qua, cả châu Mỹ ghi nhận 29.000 ca tử vong, giảm 9% so với tuần trước đó, trong khi số ca mắc mới là 2,2 triệu ca, giảm 28%.

Tuy nhiên, cơ quan trên cảnh báo nhiều nơi vẫn đang phải đối mặt với đỉnh dịch, do đó các nước cần duy trì các biện pháp phòng ngừa trước sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron và khả năng xuất hiện các biến thể mới.

Mặc dù số ca nhiễm ở Bắc Mỹ đã giảm hơn 33%, nhưng trong tuần qua, số ca mắc mới tại Mexico tăng 70%. Số ca tử vong ở Mỹ giảm, nhưng theo PAHO, "những số liệu này vẫn thuộc top cao nhất ghi nhận trong đại dịch".

Ở Trung Mỹ, số ca tử vong đã giảm 17%, song số ca nhiễm mới ở Nicaragua và số ca phải nhập viện và tử vong vì COVID-19 ở Honduras vẫn tiếp tục tăng.

Tin nóng chiều 24/2: TPHCM giao các trường quyết định hình thức học khi phát hiện F0 3
Ảnh minh họa: VTV

Tương tự, số ca tử vong ở Nam Mỹ giảm 13%, nhưng một số quốc gia vẫn chưa qua đỉnh dịch, trong đó Chile ghi nhận số ca cần chăm sóc đặc biệt tăng 25% và số ca tử vong tăng 37%.

Về tình hình tiêm chủng, PAHO cho biết 700 triệu người ở châu lục đã được tiêm vaccine đầy đủ. Ở phương diện này, PAHO nhận định Caribe vẫn là khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương và kêu gọi thúc đẩy tiến trình này bằng cách đưa các điểm tiêm chủng đến gần hơn với người dân và gia tăng đầu tư vào nhân lực và hạ tầng.

Mỹ, EU mở rộng trừng phạt Nga

Lệnh trừng phạt nhắm vào Công ty Nord Stream 2 AG và giám đốc điều hành của công ty này là Matthias Warnig.

Động thái áp trừng phạt Nord Stream 2 nối dài thêm danh sách biện pháp trừng phạt mà Mỹ và đồng minh châu Âu công bố kể từ khi Nga công nhận độc lập 2 vùng ly khai ở miền đông Ukraine ngày 21-2.

Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cùng các tướng quân đội, tổng cộng 23 cá nhân liên quan đến việc Nga gia tăng áp lực lên Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt gồm đóng băng tài sản và cấm thị thực tại 27 quốc gia trong khối EU.

Trong đợt trừng phạt đầu tiên công bố ngày 22/2, Mỹ tuyên bố trừng phạt Ngân hàng VEB và Ngân hàng Quân đội Nga, cũng như giới tinh hoa của nước này cùng các thành viên gia đình họ.

Trong khi đó, EU sẽ đưa thêm nhiều chính trị gia, nhà lập pháp và quan chức Nga vào danh sách đen, cấm các nhà đầu tư EU giao dịch trái phiếu nhà nước Nga, và nhắm đến xuất nhập khẩu với các khu vực ly khai ở Ukraine.

Đại hội đồng Liên hợp quốc họp về tình hình tại Ukraine

Tổng thư ký Liên hợp quốc, đông đảo các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam đã đăng ký phát biểu bày tỏ quan điểm về vấn đề này. Phát biểu tại phiên họp, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres lên án các bên để tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng và đặt người dân, đặc biệt phụ nữ và trẻ em trước nguy cơ bị tổn thương.

Người đứng đầu Liên hợp quốc tái khẳng định, kể cả khi xảy ra xung đột, các nhân viên của Liên hợp quốc sẽ không rời khỏi Ukraine. "Tôi yêu cầu tất cả các bên cho phép các cơ quan nhân đạo tiếp cận an toàn và không bị cản trở, bao gồm cả các khu vực phi chính phủ kiểm soát ở miền đông Ukraine. Tất cả các bên phải tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật nhân đạo quốc tế".

Hầu hết các nước đều lên tiếng gay gắt yêu cầu hạ nhiệt vấn đề Ukraine. Đây không chỉ là vấn đề của một, hai quốc gia liên quan mà còn đe dọa tới hòa bình, an ninh toàn cầu. Và giờ đã đến lúc các bên cần ngồi lại bàn đàm phán, thay vì gia tăng căng thẳng.

Người cao tuổi Italy không đủ tiền chi trả hóa đơn điện

Các chính phủ châu Âu đang gấp rút thông qua viện trợ cho người dân và doanh nghiệp để đối phó với tình trạng giá năng lượng tăng cao.

Trong bối cảnh chi phí năng lượng đang tăng vọt trên khắp châu Âu, các quan chức tòa thị chính cũng như bảo tàng của thành phố Florence, Italy đã hợp tác với một tổ chức phi lợi nhuận địa phương để giúp những người về hưu có đủ tiền để chi trả hóa đơn điện của họ.

Những người về hưu ở Florence sống với mức thu nhập dưới 9 nghìn Euro một năm, tương đương khoảng 230 triệu VNĐ, không đủ khả năng trang trải cuộc sống với chi phí điện dự kiến tăng 55% và khí đốt tăng tới 42%. Để hỗ trợ khoảng 30 nghìn cư dân trên 65 tuổi đang sống một mình, chính quyền thành phố đã khởi động chiến dịch gây quỹ nhằm giúp đỡ những người về hưu của thành phố.

Giá năng lượng tăng cao đang làm các hóa đơn điện, nước tăng. Đáp lại, các chính phủ châu Âu đang gấp rút thông qua viện trợ cho người dân và doanh nghiệp để đối phó với tình trạng này.

Sở hữu nhà ngày càng trở thành giấc mơ xa vời với nhiều người Mỹ

Truyền thông Mỹ cho biết đối với hầu hết người Mỹ, việc sở hữu một ngôi nhà hiện nay đang trở nên khó khăn hơn nhiều khi giá nhà trên khắp nước Mỹ đang tăng cao. Trong khi đó, tình trạng thiếu nhà để bán đã dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường.

Một cuộc phân tích gần đây của Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) cho thấy trên toàn nước Mỹ, hiện chỉ có khoảng 250.000 căn nhà rao bán được coi là có giá cả phải chăng dành cho các hộ gia đình có thu nhập hằng năm từ 75.000 - 100.000 USD. Con số 250.000 này giảm mạnh so với khoảng 656.000 căn nhà rao bán với giá cả hợp lý trước đại dịch COVID-19.

Theo Công ty thị trường bất động sản Zillow của Mỹ, quốc gia này hiện có kỷ lục 481 thành phố mà tại đó giá trung bình của một ngôi nhà đã vượt 1 triệu USD. Số thành phố có giá nhà trung  bình 1 triệu USD này đã tăng gấp  3 lần kể từ năm 2020.

Công ty Redfin cho biết khoảng 30% số nhà đã được mua bằng tiền mặt vào năm 2021, tăng từ mức 25% vào năm 2020. Ở một số thành phố của Mỹ, chẳng hạn thành phố West Palm Beach và Naples thuộc bang Florida, hơn 50% giao dịch mua nhà là các giao dịch hoàn toàn bằng tiền mặt.

Giới chuyên gia nhận định với Đài CBS rằng bước sang năm thứ 3 của đại dịch COVID-19, thị trường bất động sản ở Mỹ sẽ "vô cùng căng thẳng" và "cực kỳ cạnh tranh".

Bình luận