Chờ...

Tin nóng chiều 29/12: Từ 1/1/2022, giảm 50% lệ phí khi làm Căn cước công dân

(VOH) - Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư  quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí, có hiệu lực kể từ ngày 1-1 đến 30-6-2022.

TIN TRONG NƯỚC

GDP năm 2021 của Việt Nam tăng 2,58%

Ngày 29-12, Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2021.

Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2021 ước tính tăng 2,58%.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 giảm 0,18% so với tháng trước.

Tính chung cả năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.789 ngàn tỉ đồng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668 tỉ USD, trong đó xuất khẩu tăng 19%.

Tin nóng chiều 29/12: Ca nhiễm Omicron ở Việt Nam không có khả năng lây cộng đồng 1

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2021 ước tính tăng 2,58%. Ảnh: NLĐ

Từ 1-1-2022, giảm 50% lệ phí khi làm Căn cước công dân

Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư  quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí, có hiệu lực kể từ ngày 1-1 đến 30-6-2022.

Theo đó, bên cạnh các khoản phí, lệ phí được giảm theo Thông tư 47, thông tư mới đã bổ sung ba khoản phí, lệ phí được giảm đó là: Giảm 50% đối với lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; giảm 50% phí trình báo đường thủy nội địa; giảm 20% đối với phí sử dụng tần số vô tuyến điện đối với nghiệp vụ di động mặt đất.

Bên cạnh đó, lệ phí cấp căn cước công dân gắn chip vẫn được giảm 50% .

Tin nóng chiều 29/12: Ca nhiễm Omicron ở Việt Nam không có khả năng lây cộng đồng 2

Ảnh minh họa: TTPL

Vi phạm giao thông có thể bị phạt đến 75 triệu

Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020, có hiệu lực từ ngày 1-1-2022, có nhiều điểm mới đáng quan tâm. Cụ thể, từ 1-1 sẽ tăng mức phạt tiền tối đa trong nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước đối với cá nhân.

Trong đó, lĩnh vực giao thông đường bộ, phòng chống tệ nạn xã hội tăng từ 40 triệu lên 75 triệu đồng; lĩnh vực cơ yếu, giáo dục, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia tăng từ 50 triệu lên 75 triệu đồng; lĩnh vực điện lực tăng từ 50 triệu lên 100 triệu đồng; lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tăng từ 100 triệu lên 200 triệu đồng; lĩnh vực báo chí tăng từ 100 triệu lên 250 triệu đồng; lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng từ 150 triệu lên 500 triệu đồng.

Đồng thời, Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi cũng bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực, như lĩnh vực tín ngưỡng, đối ngoại có mức phạt tối đa là 30 triệu đồng; cứu nạn, cứu hộ là 50 triệu đồng; an toàn thông tin mạng là 100 triệu đồng; sở hữu trí tuệ là 250 triệu đồng...

Từ 1-1, người vi phạm giao thông có thể bị phạt đến 75 triệu đồng.

Ca nhiễm Omicron ở Việt Nam không có khả năng lây cộng đồng

Trả lời báo chí sáng nay, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế dự phòng, cho biết trên chuyến bay có ca mắc COVID-19 biến chủng Omicron có 165 người, tất cả đã được cách ly tập trung theo quy định dành cho người nhập cảnh.

Theo giáo sư Lân, ca nhiễm biến chủng Omciron vừa phát hiện là ca bệnh xâm nhập được quản lý chặt chẽ nên không có khả năng lây lan ra cộng đồng.

Hiện Bộ Y tế đã gửi công điện cho các địa phương để quản lý, theo dõi sát các trường hợp trên, đồng thời chủ động chuẩn bị mọi giải pháp đáp ứng với biến chủng Omicron.

Tin nóng chiều 29/12: Ca nhiễm Omicron ở Việt Nam không có khả năng lây cộng đồng 3

Ảnh minh họa

Thanh long Việt Nam sẽ bị ngưng xuất khẩu sang Trung Quốc trong 4 tuần

Cơ quan Kiểm soát phòng chống dịch TP.Bằng Tường (Trung Quốc) vừa có thông báo sẽ tạm ngưng nhập khẩu mặt hàng thanh long của Việt Nam trong 4 tuần do bị phát hiện có virus Covid-19.

Theo thông báo của cơ quan này, từ ngày 20.11 đến 27.12.2021, lô hàng thanh long và bao bì nhập khẩu từ Việt Nam về cảng thành phố Bằng Tường (Trung Quốc) qua cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) cho kết quả dương tính với 3 mẫu xét nghiệm.

Do đó, phía Trung Quốc sẽ tạm ngưng nhập khẩu thanh long 4 tuần, thời gian kể từ ngày 29.12 đến ngày 20.1. Sau đó sẽ tự động khôi phục hoạt động trở lại sau khi hết thời hạn nói trên.

Hết năm 2021, vẫn còn 23 chợ tại TP.HCM chưa mở lại được

Từ hôm nay (29.12) đến hết ngày 31.12, theo kế hoạch, TP.HCM sẽ mở thêm 7 chợ truyền thống, nâng số chợ mở cửa hoạt động trở lại lên 210 chợ trong tổng số 233 chợ truyền thống của thành phố.

Cụ thể, 7 chợ được mở trong 3 ngày tới là chợ Khiết Tâm, chợ Tam Hải, chợ Lê Mai (Linh Trung 2, TP.Thủ Đức); chợ Tân Kiểng 1, chợ Tân Quy, chợ Cư xá Ngân Hàng (quận 7) và chợ Nguyễn Văn Chéo ở quận Bình Tân.

Như vậy, hết năm nay, còn 23 chợ truyền thống chưa mở cửa trở lại. Trong khi đó, 3 chợ đầu mối đã mở và đang hoạt động bình thường. Hiện các chợ mở lại chủ yếu vẫn tập trung kinh doanh các ngành hàng lương thực, thực phẩm để phục vụ người dân trên địa bàn.

Tính đến ngày 29.12, TP.HCM có 106 siêu thị hoạt động, 73 cửa hàng tiện lợi đang tạm ngưng hoạt động do hoạt động kinh doanh kém, không thể duy trì, một số cửa hàng chủ động đóng cửa để điều động nhân sự cho siêu thị, kho, trung tâm phân phối hoặc tạm ngưng để cải tạo, sửa chữa.

chợ

Sau thời gian dài đóng cửa chợ truyền thống, nhiều chợ tự phát đã "mọc" lên và đến nay, công tác dẹp chợ tự phát khá khó khăn cho lực lượng chức năng. Ảnh: TNO

TP.HCM đề xuất cho học sinh đi học lại từ ngày 3-1

Sở GD-ĐT TP.HCM đã đề xuất với UBND TP cho học sinh lớp 7, 8, 10, 11 đi học lại từ ngày 3-1. Riêng các khối lớp còn lại, sở sẽ đề xuất trong thời gian tới tùy thuộc vào dịch bệnh.

Học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 ở TP.HCM đều đã tiêm hai mũi vắc xin. Vì vậy, tỉ lệ phụ huynh đồng thuận cho con em đến trường cao hơn các khối lớp khác.

Được biết, tại cuộc họp của UBND TP.HCM với các quận, huyện và TP Thủ Đức chiều 28-12 về việc đi học lại, có 19 quận, huyện đồng thuận việc mở rộng cho học sinh các khối lớp còn lại của trường THCS, THPT đi học trực tiếp. Còn 3 đơn vị là quận 1, Củ Chi và TP Thủ Đức chưa đồng thuận chủ trương này.

Trong khi đó, nhiều phụ huynh ở TP.HCM cho biết: "Nhu cầu đi học lại của học sinh hiện đang rất bức thiết vì các em đã phải ở nhà học trực tuyến gần 8 tháng".

Triệt phá sòng bạc Poker quy tụ sinh viên, nhân viên văn phòng

Công an Q.Phú Nhuận đang tạm giữ hình sự Trần Kỳ Quang (23 tuổi), Nguyễn Đặng Chấn Hải (22 tuổi) cùng 7 người khác vì hành vi “Tổ chức đánh bạc”.

Theo điều tra, khoảng 19 giờ 45 ngày 27.12, trinh sát Công an Q.Phú Nhuận ập vào căn nhà ở đường Huỳnh Văn Bánh, P.13. Thời điểm này, bên trong căn nhà có Quang, Hải cùng 7 con bạc đang đánh bạc bằng hình thức đánh bài Poker ăn tiền.

Tại thời điểm này, Công an thu giữ gần 15 triệu đồng, nhiều phỉnh các loại cùng nhiều tang vật có liên quan. Công an đã đưa nhóm người cùng tang vật về trụ sở làm việc.

Tại trụ sở Công an, những người này thừa nhận hành vi phạm tội. Theo đó, sòng bạc Poker này do Quang, Hải cầm đầu tổ chức. Cả 2 thuê căn nhà trên để hoạt động cờ bạc. Hải có vai trò phục vụ cho các con bạc khi tham gia chơi. Người tham gia phải là người được giới thiệu mới được chơi. Đa số các con bạc có tuổi đời rất trẻ, là sinh viên hoặc nhân viên văn phòng. Những người tổ chức thường lôi kéo dụ dỗ con bạc tham gia với tên gọi là "Home game" và gọi đây là game. Nhóm cầm đầu liên hệ với các con bạc qua các nhóm kín trên ứng dụng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Telegram… Hiện Công an đang điều tra mở rộng.

pocker

Các con bạc bị Công an bắt giữ. Ảnh TNO
 

Giáo sư Trần Quang Hải qua đời, thọ 77 tuổi

Theo thông tin từ gia đình, GS.TS Trần Quang Hải, trưởng nam của cố GS Trần Văn Khê, đã qua đời lúc 0 giờ ngày 29-12 tại Paris - Pháp, thọ 77 tuổi.

GS.TS Trần Quang Hải bị bệnh ung thư máu từ năm 2019. Tháng 5-2019, ông được đưa vào Bệnh viện Villeneuve St. Georges (Pháp) cấp cứu vì độ đường trong máu xuống thấp. Khi đó, các bác sĩ phát hiện ông bị sưng phổi và suy thận, cùng bệnh lý nền ung thư máu, tiểu đường mãn tính đã đe dọa tính mạng của ông. Tuy nhiên, ông vẫn giữ tinh thần lạc quan, chống chọi với các căn bệnh cho đến lúc qua đời.

GS.TS Trần Quang Hải sinh năm 1944, tại TP HCM. Ông là hậu duệ đời thứ 5 của nhạc sĩ cung đình Huế Trần Quang Thọ (1830-1890); đời thứ tư của nhạc sĩ nổi tiếng về đàn tỳ bà - Trần Quang Diệm. Ông được cấp bằng tiến sĩ âm nhạc dân tộc người Việt tại Pháp, người thứ hai lấy bằng này sau cha của mình. Ông và vợ là ca sĩ Bạch Yến, đã thực hiện hơn 3.000 buổi giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam ở 70 nước trên thế giới.

GS.TS Trần Quang Hải có hơn 60 năm gắn bó với những giai điệu từ muỗng. Ông được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục người thể hiện tiết tấu - âm thanh đa dạng nhất từ nghệ thuật gõ muỗng.

Tin nóng chiều 29/12: Ca nhiễm Omicron ở Việt Nam không có khả năng lây cộng đồng 6

GS.TS Trần Quang Hải

TIN THẾ GIỚI

Ấn Độ cấp phép sử dụng khẩn cấp thêm hai loại vaccine và thuốc điều trị COVID-19 của Merck

Ấn Độ quyết định phê duyệt sử dụng khẩn cấp thêm hai loại vaccine COVID-19 và thuốc kháng virus Molnupiravir của hãng Merck.

Vaccine mới được phê duyệt mang tên Corbevax, do công ty Biological-E sản xuất, là loại vaccine tiểu đơn vị protein. Trong khi đó, vaccine Covovax, được sản xuất bởi Viện Huyết thanh Ấn Độ theo giấy phép của Novavax, công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại Mỹ, là loại vaccine dựa trên hạt nano. Covovax đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt theo Danh sách sử dụng khẩn cấp và do đó sẽ có mặt trên toàn cầu trong chương trình cung cấp vaccine của sáng kiến ​​COVAX nhằm đảm bảo rằng, ít nhất 40% dân số thế giới được ưu tiên tiêm chủng.

Thuốc điều trị COVID-19 Molnupiravir, đã được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA Hoa Kỳ) phê duyệt trong tháng 12 này, sau thuốc Paxlovid của Pfizer, được cho là một loại thuốc đầy hứa hẹn cho những người mắc COVID-19 thể nhẹ và vừa, dễ sử dụng dưới dạng thuốc viên.

Tin nóng chiều 29/12: Ca nhiễm Omicron ở Việt Nam không có khả năng lây cộng đồng 7

Thuốc kháng virus Molnupiravir của hãng Merck. (Ảnh: AP)

Indonesia: Xem xét cấm công dân xuất cảnh để ngăn ngừa Omicron

Phó Tổng thống Indonesia Ma’ruf Amin cho biết trong cuộc họp nội các gần đây, chính phủ Indonesia đã thảo luận về khả năng ban hành lệnh tạm thời cấm công dân nước này xuất cảnh để ngăn ngừa sự xâm nhập của Omicron. Chính phủ cũng có thể thắt chặt các biện pháp kiểm soát biên giới và cách ly, gồm việc tăng thời gian cách ly bắt buộc với người nhập cảnh từ 10 ngày lên 14 ngày.

Trước đó, do sự xuất hiện của biến thể Omicron, chính quyền Indonesia đã kêu gọi người dân không ra nước ngoài nếu không có việc thực sự cần thiết. Chính quyền lo ngại người dân ra nước ngoài có thể nhiễm biến thể Omicron và đưa virus ngược trở lại Indonesia.

Indonesia: Một người đàn ông tiết lộ đã tiêm 16 mũi vắc xin COVID-19

Một người đàn ông ở Pinrang, Nam Sulawesi (Indonesia) đang bị cảnh sát địa phương điều tra sau khi lên mạng khoe đã đi tiêm giùm người khác 14 mũi. Giá cho mỗi mũi như vậy dao động từ 7 đến 56 USD.

Những người thuê anh ta là người không muốn tiêm vắc xin nhưng muốn được cấp giấy chứng nhận tiêm chủng. Hiện loại giấy này vô cùng quan trọng tại Indonesia vì nhiều nơi như trung tâm mua sắm, quán cà phê và nhà hàng chỉ nhận người đã tiêm và có giấy chứng nhận.

Cảnh sát địa phương và Bộ Y tế Indonesia xác nhận đang xác minh các phát ngôn của người thanh niên này, đồng thời để ngỏ khả năng khởi tố anh này theo Luật các bệnh truyền nhiễm của Indonesia. Theo luật, bất kỳ ai "cản trở việc thực hiện kiểm soát đại dịch" có thể bị phạt tù đến 1 năm hoặc phạt tiền.

Tin nóng chiều 29/12: Ca nhiễm Omicron ở Việt Nam không có khả năng lây cộng đồng 8

Nhiều người Indonesia vẫn giữ tâm lý e ngại vắc xin COVID-19, kể cả người đã tiêm 2 mũi cơ bản vẫn tránh tiêm mũi 3 - Ảnh: EPA

Boeing 737 MAX được Ethiopian Airlines cho phép hoạt động trở lại sau các vụ tai nạn kinh hoàng

Hãng hàng không Ethiopian Airlines của Ethiopia sẽ đưa máy bay Boeing 737 MAX, dòng máy bay bán chạy nhất của Boeing hoạt động trở lại sau hai vụ tai nạn nghiêm trọng chỉ cách nhau sáu tháng khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng.

Các nhà điều tra xác định, tai nạn máy bay xảy ra do lỗi trong cảm biến và phần mềm điều khiển máy bay và lỗi mới này chưa được thông báo cho các phi công điều khiển tàu bay.

Sudan: Ít nhất 38 người thiệt mạng vì sập mỏ vàng

Giới chức một công ty tài nguyên cấp nhà nước của Sudan thông báo, ít nhất 38 người đã thiệt mạng trong một vụ sập mỏ vàng tại nước này.

Vụ tai nạn xảy ra tại một mỏ vàng đã đóng cửa ở làng Fuja, cách thủ đô Khartoum 700 km về phía nam. Khu mỏ dù không còn hoạt động, song các thợ mỏ địa phương vẫn tự ý mò vào bên trong để đào vàng sau khi lực lượng bảo vệ khu vực rời đi.

Khai thác vàng thủ công được xem là nghề nguy hiểm tại Sudan bởi cơ sở hạ tầng và an ninh không đảm bảo. Hoạt động này phát triển nhanh chóng trong 10 năm trở lại đây và ước tính có khoảng 2 triệu thợ đào vàng tại Sudan. Sản lượng vàng khai thác được từ hoạt động thủ công này chiếm tới 80% trong tổng sản lượng 80 tấn vàng hàng năm của Sudan.

Tin nóng chiều 29/12: Ca nhiễm Omicron ở Việt Nam không có khả năng lây cộng đồng 9

Khai thác vàng thủ công được xem là nghề nguy hiểm tại Sudan. Ảnh: Almayadeen 

Bình luận