Chờ...

Tin nóng sáng 11/1/2022: Người dân các tỉnh trở lại TPHCM sau Tết không phải cách ly

(VOH) - Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, cho biết TPHCM không cách ly theo địa giới hành chính, mà chỉ cách ly những người dựa vào yếu tố nghi ngờ.

TIN TRONG NƯỚC

Số ca tử vong do COVID-19 ở TPHCM tiếp tục giảm

Chiều tối hôm qua 10/1, thông tin về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TPHCM, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho hay, tính đến 18 giờ 00 ngày 9/1/2022, có 508.502 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 507.851 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 651 trường hợp nhập cảnh.

Hiện TP đang điều trị 4.602 bệnh nhân, trong đó có 91 trẻ em dưới 16 tuổi, 305 bệnh nhân nặng đang thở máy, 18 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 9/1 có 257 bệnh nhân nhập viện, 282 bệnh nhân xuất viện.

Cũng trong ngày 9/1 có 19 trường hợp tử vong.

Người dân các tỉnh trở lại TPHCM sau tết không phải cách ly

Trả lời câu hỏi về việc người dân từ các tỉnh, thành quay lại TPHCM sau tết Nguyên đán có cần cách ly hay không, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, cho biết TPHCM không cách ly theo địa giới hành chính, mà chỉ cách ly những người dựa vào yếu tố nghi ngờ. Tuy nhiên, khi đến TP người dân cần phải thực hiện khai báo y tế.

Về chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ cao, ông Tâm đánh giá chiến dịch này đã đạt được kết quả. Trước đây phân tích tỉ lệ tử vong phần lớn rơi vào nhóm nguy cơ như lớn tuổi, bệnh nền. Sau đó, TPHCM rà soát, tiêm vaccine phòng COVID-19, chăm sóc tốt hơn nên số ca tử vong giảm nhiều.

Tin nóng sáng 11/1/2022: Người dân các tỉnh trở lại TP.HCM sau Tết không phải cách ly 1
Ảnh minh họa: VOH

Hà Nội ghi nhận hơn 2.800 ca mắc Covid-19, 17 ca tử vong

Sở Y tế Hà Nội cho biết từ 18 giờ ngày 9/1 đến 18 giờ ngày 10/1, TP Hà Nội ghi nhận 2.832 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 712 ca cộng đồng. Theo công bố ngày 10/1 của Bộ Y tế, có 17 ca tử vong được ghi nhận trong ngày ở Hà Nội. Cộng dồn số ca bệnh tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29-4-2021) là 73.790 ca.

tin nóng, COVID-19, Omicron, Ngày 11 tháng 1 năm 2022
 

Nhiều cửa khẩu phía Bắc thông quan trở lại

Bộ Công thương thông tin, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã khôi phục hoạt động thông quan tại các cửa khẩu, lối mở biên giới thuộc TP Đông Hưng, đối đẳng với các cửa khẩu và lối mở thuộc Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh. Đây là những cặp cửa khẩu, lối mở có ý nghĩa quan trọng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của cả hai bên. Phía Quảng Tây cho biết, trước mắt sẽ ưu tiên xử lý hàng tồn đọng tại cửa khẩu, nhất là nông sản và hàng đông lạnh.

Trước đó, để rà soát và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, tỉnh Quảng Tây đã tạm dừng thông quan tại các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn TP Đông Hưng từ ngày 21-12. Sau một thời gian rà soát, căn cứ diễn biến và tình hình phòng chống dịch thực tế tại từng cửa khẩu, tỉnh Quảng Tây quyết định khôi phục thông quan tại các cửa khẩu, lối mở này để phối hợp với Việt Nam giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay.

Nguy cơ thiếu máu cho người bệnh vào dịp Tết Nguyên đán rất cao

Ông Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, trung bình mỗi tháng, Viện tiếp nhận 30.000 đơn vị máu. Với số lượng đó mới cung cấp đủ cho người bệnh nhưng trong khoảng thời gian gần Tết Nguyên đán, bệnh viện thường chỉ tiếp nhận được từ 25.000- 28.000 đơn vị máu. Tình trạng này kéo dài trong 2-3 tháng. Như vậy sẽ thiếu khoảng 15.000 đơn vị máu.

tin nóng, COVID-19, Omicron, Ngày 11 tháng 1 năm 2022
Tình nguyện viên tham gia hiến máu. Ảnh minh họa: VOH

Hội Đông Y Thành phố sẽ khám bệnh miễn phí cho người dân về Covid-19

Ông Huỳnh Nguyễn Lộc, Chủ tịch Hội Đông Y TP HCM, cho biết trong năm 2022, Hội Đông Y TP HCM sẽ tổ chức chương trình "Chung tay chăm sóc sức khỏe nhân dân hậu mắc Covid-19" với chủ đề "Sức khỏe nhân dân - Nụ cười thầy thuốc".

Chương trình sẽ diễn ra xuyên suốt 5 tháng từ 14-1 đến 29-4. Trong đó, giai đoạn 1, tập trung chăm lo cho khoảng 6.000 người có công với cách mạng, Đảng viên cao tuổi thuộc 22 quận, huyện, TP Thủ Đức. Giai đoạn 2, tiếp tục chăm lo cho 6.000 người khó khăn sau khi mắc Covid-19 trên địa bàn TP.

Theo kế hoạch, người dân thăm khám được tầm soát bệnh, sàng lọc tư vấn tâm lý hậu Covid-19, chụp X quang tim, phổi; đo tim; siêu âm miễn phí. Đồng thời, hội cũng phát tặng các sản phẩm y học cổ truyền từ dược liệu cho 12.000 người tham gia chương trình.

Đề xuất đấu giá quỹ đất dọc tuyến, thu hồi vốn làm đường vành đai 3 TP.HCM

Đó là đề xuất về nguồn vốn đầu tư đường vành đai 3 TP.HCM được đề cập trong báo cáo tình hình thực hiện dự án mà Sở Giao thông vận tải TP.HCM gửi lãnh đạo UBND TP.HCM và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, giai đoạn 1 đường vành đai 3 có tổng mức đầu tư khoảng 83.290 tỉ đồng, trong đó chi phí mặt bằng hơn 46.970 tỉ đồng. Dự án sẽ làm 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên và giải phóng một lần theo quy hoạch hoàn chỉnh.

4 địa phương có dự án đi qua gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An đều thống nhất sự cần thiết đầu tư dự án giai đoạn 2021 - 2025. Hiện các địa phương đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2.

Tin nóng sáng 11/1/2022: Người dân các tỉnh trở lại TP.HCM sau Tết không phải cách ly 4
Phối cảnh đường vành đai 3 TP.HCM. Ảnh: Sở Giao thông vận tải TP.HCM

Án mạng tại vựa tôm ở huyện Bình Chánh

Công an huyện Bình Chánh cho biết đang phối hợp với các phòng nghiệp vụ điều tra vụ hỗn chiến ở vựa tôm trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A khiến 2 người thương vong.

Theo thông tin ban đầu, khuya 9-1, anh Nguyễn Văn Toàn và Nguyễn Văn Kha (cùng quê Cà Mau) đang ở vựa tôm thì một nhóm khoảng 4 thanh niên đi trên 2 xe máy tấp vào. Nhóm này xuống xe nói chuyện với anh Kha về những mâu thuẫn trong việc mua bán tôm. Hai bên xảy ra mâu thuẫn, anh Toàn và Kha bị nhóm đối phương đâm nhiều nhát. Kha bỏ chạy còn Toàn gục tại chỗ. Chưa dừng lại, nhóm thanh niên đuổi theo Kha đâm nạn nhân ngã xuống đường. Sau khi đâm hai nạn nhân, nhóm thanh niên lên xe rú ga bỏ chạy.  Anh Toàn và Kha được người dân khu vực đưa đi bệnh viện nhưng anh Toàn không qua khỏi. Riêng anh Kha đang được điều trị tại bệnh viện trong tình trạng bị thương nặng.

Xôn xao cây mai vàng hơn 50 năm tuổi được chốt giá 6 tỉ đồng

Khu vực chợ hoa xuân TP Long Xuyên, trước cửa Bắc Đế Miếu, đường Phạm Hồng Thái có cây mai vàng 7 cánh cổ thụ trên 50 năm tuổi vừa cập bến chiều 8-1 (nhằm ngày 6-12 âm lịch) thu hút sự hiếu kỳ của nhiều người dân qua lại nơi đây ngắm nhìn cây mai đặc biệt này.

Chia sẻ với báo chí, anh Cao Văn Trọng - ngụ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, người rao bán cây mai này - cho biết cây mai có tuổi đời trên 50 năm, nguồn gốc từ huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, được anh vận chuyển đến TP Long Xuyên với giá 50 triệu đồng. Cây mai cổ thụ có kích thước hoành 1,1m, tán rộng 8m, chiều cao 5m, hiện đã được bán với giá 6 tỉ.

Cây mai có nét đặc biệt là được phát triển hoàn toàn tự nhiên, không có bàn tay tạo tác của con người, hình dáng thân và cành uốn lượn độc đáo thu hút người xem.

TIN THẾ GIỚI:

Campuchia ứng phó khẩn trước tình hình lây nhiễm biến thể Omicron

Tối 10/1, Thủ tướng Campuchia đã chỉ đạo khẩn các cơ quan chức năng nước này cần có “hành động ngay lập tức” sau khi Campuchia phát hiện 34 ca nhiễm biến thể Omicron cùng ngày gồm 24 ca nhập cảnh và 10 ca lây nhiễm cộng đồng.

Thủ tướng Campuchia yêu cầu cơ quan chức năng nước này cần tăng cường các biện pháp phòng dịch, tiếp tục thực hiện “Ba bảo vệ, ba không”. Yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền các tỉnh triển khai ngay chương trình tiêm mũi tăng cường trong thời gian sớm nhất có thể, bằng mọi loại vaccine. 

Thủ tướng Hun Sen giao nhiệm vụ cụ thể cho lãnh đạo các cấp nhanh chóng khuyến khích người dân tiêm mũi tăng cường, qua đó góp phần đảm bảo việc đất nước tiếp tục mở cửa trở lại và thích nghi với hoàn cảnh có biến thể Omicron lây nhiễm.

Tin nóng sáng 11/1/2022: Người dân các tỉnh trở lại TP.HCM sau Tết không phải cách ly 5
 

Indonesia: kêu gọi người dân không đi du lịch để tránh lây nhiễm biến thể mới

Ngày 10/1, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia đã yêu cầu du khách quốc tế tuân thủ các quy trình về sức khỏe và chính sách kiểm tra y tế do chính phủ nước này quy định. 

Bộ trưởng cũng cho biết bản thân ông và các quan chức khác đã trải qua kiểm tra y tế sau khi trở về từ các chuyến công du nước ngoài. Ông cũng kêu gọi mọi người dân tránh đi du lịch nước ngoài trong vòng hai hoặc ba tuần tới để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập các biến thể COVID-19 mới. 

Ngày 16/12/2021, Bộ Y tế nước này xác nhận ca nhiễm Omicron đầu tiên. Cho đến nay, số ca mắc bệnh Omicron ở Indonesia đã tăng lên 414 ca.

Pfizer xin cấp phép sử dụng thuốc điều trị COVID-19

Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 10/1 đã tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép sử dụng thuốc điều trị COVID-19 có tên gọi Paxlovid do hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ sản xuất. EMA cho biết cơ quan này sẽ có đánh giá toàn diện về biệt dược này. Dự kiến, quy trình đánh giá sẽ diễn ra trong vài tuần. 

Trước đó, Mỹ đã cấp phép sử dụng Paxlovid tại nước này. Đây là thuốc điều trị COVID-19 dạng uống, chỉ định dùng cho các bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ đến vừa phải với các yếu tố bắt buộc đi kèm là từ 12 tuổi trở lên, có trọng lượng cơ thể hơn 40 kg và có nguy cơ cao bệnh trở nặng.

Tin nóng sáng 11/1/2022: Người dân các tỉnh trở lại TP.HCM sau Tết không phải cách ly 6
Ảnh minh họa: Reuters

Thái Lan phát miễn phí 1 triệu bộ xét nghiệm nhanh COVID-19

Bộ trưởng Y tế Thái Lan ngày 10/1 đã chỉ thị các cơ quan y tế phát miễn phí 1 triệu bộ dụng cụ tự xét nghiệm trên cả nước. Các bộ xét nghiệm này sẽ được phân phối chủ yếu tại những cộng đồng đông dân cư, gần chợ và bến giao thông công cộng.

Thái Lan đến nay ghi nhận tổng cộng 5.397 ca nhiễm biến thể Omicron ở 72/77 tỉnh, thành. Hiện biến thể Omicron chiếm 35,17% số ca mắc COVID-19 ở nước này và biến thể Delta vẫn là biến thể chủ đạo.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19, giải trình tự DNA ngẫu nhiên cho thấy biến thể Omicron là nguyên nhân gây ra 70,3% số ca nhiễm ghi nhận từ ngày 2 - 8/1. Biến thể Delta chỉ chiếm 29,7% số ca mắc trong cùng thời kỳ.

Tin nóng sáng 11/1/2022: Người dân các tỉnh trở lại TP.HCM sau Tết không phải cách ly 7
Ảnh minh họa: Reuters

Đức thêm 40 quốc gia vào danh sách khu vực rủi ro cao

Đức đã đưa 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vào danh sách các khu vực có nguy cơ cao do tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp. Trong số hàng chục quốc gia bị xếp vào khu vực có nguy cơ cao do COVID-19 có cả các nước châu Âu, châu Á, châu Mỹ, châu Đại Dương và châu Phi như Thụy Điển, Luxembourg, Iceland, Israel, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Argentina, Jamaica, Bahamas, Australia, Ghana, Kenya và Zambia...

Như vậy, cho tới nay, Đức đã đưa tổng cộng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ vào danh sách khu vực có nguy cơ cao. Điều này có nghĩa là khoảng một nửa số quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới hiện được coi là khu vực có nguy cơ cao của COVID-19. Kể từ nửa đêm 9/1, những người đã ở lại các khu vực có trong danh sách “nguy cơ cao” 10 ngày trước khi đến Đức phải thực hiện các quy định nhập cảnh khắt khe hơn.

Israel: Khuyến nghị lấy thêm mẫu dịch họng khi xét nghiệm nhanh COVID-19

Ngày 10/1, Bộ Y tế Israel khuyến nghị những người tự xét nghiệm COVID-19 nên lấy cả dịch họng và dịch mũi bằng các bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên để tăng khả năng phát hiện biến thể Omicron.

Khuyến nghị này hoàn toàn trái ngược với lời khuyên của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ, vốn cho rằng người dùng cần tuân theo các hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và việc lấy dịch họng không đúng cách có thể gây hại đến người bệnh. 

Bộ Y tế Israel chưa phản hồi về việc liệu lấy dịch họng bằng bộ xét nghiệm lấy dịch mũi có hiệu quả hay không và Israel đã tham vấn nhà sản xuất về vấn đề này hay chưa. Trong bối cảnh biến thể Omicron khiến số ca nhiễm mới hằng ngày tại Israel tăng cao chưa từng thấy, giới chức y tế đã buộc phải ưu tiên xét nghiệm PCR cho các nhóm có nguy cơ cao, và để những người trẻ tuổi, đã tiêm phòng COVID-19 tự xét nghiệm ở nhà, trong trường hợp tiếp xúc với người mắc bệnh.

Bình luận