Chờ...

Tin nóng sáng 3/12: Thêm nhiều nước có ca mắc Omicron

(VOH) - Chiều tối 2/12, Bộ Y tế cho biết, trong 24 giờ qua, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.698 ca nhiễm mới.

Trong đó 21 ca nhập cảnh và 13.677 ca ghi nhận trong nước tại 60 tỉnh, thành phố (có 7.538 ca trong cộng đồng). Đồng thời có thêm 13.258 người khỏi bệnh và 210 ca tử vong.  Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.266.288 ca nhiễm, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sở Y tế TPHCM tiến hành giám sát chủ động các biến chủng của SARS- CoV-2 từ đầu mùa dịch

Cũng liên quan đến tình hình dịch Covid-19, ngày 2/12, Sở Y tế TPHCM cho biết, sự xuất hiện của biến chủng Omicron ở Nam Phi đã mang lại cho thế giới nhiều nỗi lo về một làn sóng Covid-19 mới. Thực hiện giám sát tình hình biến chủng SARS-CoV-2 gây dịch trên địa bàn thành phố, hiện Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM đã tiến hành giám sát chủ động các biến chủng của SARS-CoV-2 từ đầu mùa dịch đến nay và đang tập trung giám sát biến chủng Omicron. Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, việc giám sát phát hiện các biến chủng SARS-CoV-2 hiện nay là công cụ quan trọng không thể thiếu trong công cuộc chống đại dịch Covid-19 toàn cầu.

Tin tổng hợp sáng 3/12: Việt Nam có hơn 1,2 triệu ca Covid-19; Thêm nhiều nước có ca mắc Omicron
Ảnh minh họa.

Dưới sự chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở Y tế TPHCM tiếp tục phân công Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM và OUCRU phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) tiếp tục giám sát và giải mã nhanh các biến chủng lưu hành trên địa bàn, đặc biệt kịp thời phát hiện sự xuất hiện của các biến chủng quan ngại như biến chủng Omicron từ các ca bệnh trên địa bàn.

Sở Y tế TPHCM đề nghị giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động là F0

Sở Y tế TPHCM cũng vừa có văn bản khẩn gửi đến các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn về việc cấp hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với người lao động là F0.

Theo đó, để đảm bảo quyền lợi của người lao động và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phân công chăm sóc, điều trị COVID-19 bao gồm: các bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, Trung tâm y tế, Trạm y tế, Trạm y tế lưu động tuân thủ việc cấp và quản lý giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động là F0 theo đúng quy định.

Cụ thể, đối với trường hợp người lao động là F0 điều trị nội trú hoặc cách ly tập trung tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 thuộc phường, xã, quận, huyện (cơ sở cách ly tập trung F0) sẽ do cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, bệnh viện điều trị COVID-19 cấp giấy ra viện đúng quy định.

Đối với trường hợp người lao động là F0 cách ly tại nhà, trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức, trạm y tế phường, xã, thị trấn chăm sóc và quản lý F0 tại nhà sẽ cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo quy định.

Bên cạnh đó, Sở Y tế TPHCM đang xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực giám sát sự lưu hành các chủng virus gây bệnh của HCDC, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực đủ năng lực giải mã gene để sẵn sàng ứng phó với những thách thức tiềm tàng của dịch bệnh Covid-19 cũng như của các bệnh nhiễm trùng mới nổi trong tương lai.

Thưởng Tết 2022: Nhiều ngành ở khu vực TPHCM giảm 30 - 50%

Trước mắt, nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam sẽ duy trì lương tháng cho công nhân lao động, trong khi tiền thưởng Tết năm 2022 có thể sẽ giảm 30 - 50% so với năm trước.

Đó là nhận định của phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu bên lề hội nghị cung cấp thông tin tình hình công nhân viên chức lao động, hoạt động công đoàn vào chiều 2-12 tại Hà Nội.

Theo ông Hiểu, việc không tăng lương tối thiểu năm 2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến đời sống đoàn viên lao động khó khăn. Để duy trì trách nhiệm xã hội, nhiều doanh nghiệp vẫn chăm lo và bảo đảm thưởng Tết cho đoàn viên lao động mặc dù không được như năm trước.

Căn cứ thực tế nguồn lực xã hội khó khăn, tích lũy của công đoàn cơ sở hạn chế, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam dự kiến trích kinh phí khoảng 2.400 tỉ để hỗ trợ 8 triệu đoàn viên lao động trong doanh nghiệp với mức 300.000 đồng/người.

Công đoàn cơ sở tiếp tục kêu gọi nguồn lực xã hội hóa để tăng phúc lợi cho người lao động, nhiều phiên chợ mua hàng giảm giá…

TPHCM: Triệt phá đường dây đánh bạc tỷ đô

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), Công an TPHCM phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ Công an TPHCM vừa triệt phá thành công đường dây đánh bạc qua mạng quy mô lớn.

Nhóm đối tượng cầm đầu bị bắt giữ gồm: Huỳnh Long Bạch (SN 1991), Nguyễn Đắc Quý (SN 1994, cùng ngụ quận Gò Vấp), Huỳnh Long Như (SN 1993, ngụ quận Tân Bình) và Phạm Thị Mai Ngân (SN 1985, ngụ quận Phú Nhuận). Ngoài ra công an đang tạm giữ với hàng chục đối tượng khác để điều tra xử lý theo quy định.

Theo đó, qua công tác nghiệp vụ, Phòng PA05 Công an TPHCM phát hiện nhóm đối tượng trên sử dụng không gian mạng để tổ chức đánh bạc và đánh bạc trái pháp luật.

Tin tổng hợp sáng 3/12: Việt Nam có hơn 1,2 triệu ca Covid-19; Thêm nhiều nước có ca mắc Omicron 2

Công an đọc quyết định bắt giữ Bạch cùng đồng bọn

Phương thức hoạt động của các đối tượng rất tinh vi, bí mật, thay đổi thủ đoạn đặt cược thông qua việc sử dụng tiền Việt Nam để mua các loại tiền điện tử (Etherum, USDT, TRON..), liên kết với các sàn tài chính để quy đổi, nạp/rút tiền gây khó khăn cho công tác đấu tranh, xử lý; hình thành nhiều đường dây, phân cấp nhiều tầng, nhiều đại lý, tổ chức đánh bạc chặt chẽ với quy mô lớn, phát triển ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Ngày 5/10, Phòng PA05 cùng Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), công an nhiều quận huyện thuộc Công an TPHCM đã đồng loạt ập vào nhiều điểm bắt giữ và khám xét. Qua đó, công an bắt giữ 59 đối tượng. Trong đó có 13 đối tượng trọng điểm, 16 con bạc, 30 đối tượng liên quan đến đường dây này.

Tin thế giới

Hãng dược Anh giới thiệu kháng thể đơn hiệu quả với biến thể Omicron

Ngày 2/12, Hãng dược GlaxoSmithKline (GSK) của Anh thông báo kết quả thí nghiệm cho thấy liệu pháp điều trị COVID-19 dựa trên kháng thể đơn dòng Sotrovimab của họ có hiệu quả chống lại biến thể Omicron.

Thuốc Sotrovimab do GSK hợp tác với Tập đoàn công nghệ sinh học Vir Biotechnology của Mỹ phát triển. Thuốc được sử dụng để điều trị bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ, không cần thở oxy.

Omicron

Hãng dược GlaxoSmithKline (GSK) của Anh - Ảnh: REUTERS

Nhiều người đã chú ý hơn đến các loại thuốc kháng thể đơn dòng, sau khi cựu tổng thống Mỹ Donald Trump được điều trị COVID-19 bằng liệu pháp này. Và kể từ đó một số kháng thể đơn dòng tiềm năng đã được xem xét để cho phép sử dụng rộng rãi.

Phần lớn những người hồi phục sau khi mắc COVID-19 tạo ra kháng thể tự nhiên nhằm ngăn cản sự xâm nhập của virus. Những kháng thể này có thể tồn tại ít nhất 5-8 tháng sau khi khỏi bệnh.

Dựa vào đó, các nhà khoa học đã tạo ra bản sao giống hệt các kháng thể tự nhiên này trong môi trường thí nghiệm để truyền vào máu người bệnh.

Đức 'khóa chân' người chưa tiêm vắc xin COVID-19

Các biện pháp hạn chế mới với người chưa tiêm chủng được công bố ngày 2-12, áp dụng trên toàn quốc. Một số tờ báo phương Tây gọi đây là "lệnh phong tỏa toàn quốc với người chưa tiêm chủng", tương tự biện pháp Áo đã áp dụng hồi giữa tháng 11.

Những người không tiêm chủng sẽ bị cấm đến tất cả các cửa hàng và sự kiện không thiết yếu, trừ khi họ vừa mới khỏi COVID-19. Các sự kiện, địa điểm văn hóa và giải trí trên toàn quốc sẽ chỉ mở cửa cho những người đã tiêm vắc xin, hoặc mới khỏi bệnh.

Việc biến thể Omicron với các đột biến có thể giúp virus dễ lây và né tránh miễn dịch buộc chính quyền Berlin phải tăng tốc hành động. Cơ quan y tế công cộng châu Âu cảnh báo biến thể này có thể chiếm tới một nửa số ca mắc tại châu Âu trong vòng vài tháng tới.

Các nhà lập pháp và Hội đồng đạo đức của Đức sẽ thảo luận, bỏ phiếu quyết định và nếu được thông qua, lệnh bắt buộc tiêm chủng sẽ có hiệu lực từ tháng 2-2022.

Đức ghi nhận hơn 73.000 ca nhiễm mới và 388 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 2-12.

Nhiều cơ sở sản xuất test nhanh ở Nga hoạt động hết công suất

Trước đại dịch COVID-19, phân khúc thị trường xét nghiệm PCR hay xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 hoàn toàn không tồn tại. Nhưng chỉ riêng trong năm 2020, tại Nga đã có gần 100 công ty xin giấy phép sản xuất và cung ứng các xét nghiệm này. Nhu cầu cao, lợi nhuận lớn - đại dịch COVID-19 đã trở thành cơ hội kinh doanh đối với nhiều doanh nghiệp.

Một ngày làm việc ba ca, không có ngày nghỉ. Hiện nhiều cơ sở sản xuất các xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Nga đang làm việc hết công suất để thực hiện các đơn hàng.

Hơn 220 triệu xét nghiệm COVID-19 đã được tiến hành ở Nga kể từ đầu thời điểm dịch cho đến nay. Nga xếp thứ tư trên thế giới và thứ hai ở châu Âu về chỉ số này. Nhu cầu càng tăng trong điều kiện bình thường mới và đây vẫn sẽ là mảnh đất vàng của nhiều doanh nghiệp.

Thêm nhiều nước có ca mắc biến thể Omicron

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 49,6 triệu ca mắc và hơn 805.600 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 58.200 người nhiễm virus SARS-CoV-2. Rạng sáng 2/12 (theo giờ Việt Nam), Mỹ thông báo đã trở thành quốc gia mới nhất ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên của biến thể Omicron. Giới chức y tế ở bang Minnesota đã công bố trường hợp thứ hai nhiễm biến thể Covid-19 Omicron ở Mỹ. Chuyến du lịch gần đây duy nhất của người bị nhiễm bệnh là đến một sự kiện về anime ở New York.

Mỹ sẽ sớm yêu cầu du khách quốc tế nhập cảnh vào nước này phải xét nghiệm virus SARS-CoV-2 một ngày trước khi khởi hành.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 2/12, nước này ghi nhận tổng cộng trên 34,6 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 469.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Tin tổng hợp sáng 3/12: Việt Nam có hơn 1,2 triệu ca Covid-19; Thêm nhiều nước có ca mắc Omicron 4
Hơn 264,2 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 615.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 22,1 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Việc gia hạn vaccine, đặc biệt là các vaccine phòng COVID-19 đang được cấp phép dùng khẩn cấp, là phù hợp khoa học. Đây là thông tin do Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) đưa ra.

Cuba nâng cấp vaccine nội địa nhằm chống biến thể Omicron

Cuba bắt đầu phát triển loại vaccine COVID-19 mới, nâng cấp từ vaccine Soberana dành riêng cho việc chống lại biến chủng Omicron.

Loại vaccine mới có tên là Soberana Plus, sẽ tập trung vào vùng liên kết thụ thể (RBD) của protein gai của Omicron, vốn chịu trách nhiệm giúp biến thể bám và thâm nhập vào tế bào.

Thông qua việc nhắm vào RBD, vaccine sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch nhằm ngăn virus có thể bám và lây nhiễm sang tế bào. Cuba hiện vẫn chưa phát hiện ca mắc biến thể Omicron nào, nhưng giới chức nước này hồi đầu tuần đã thông báo sẽ thắt chặt các hạn chế đối với hành khách từ một số quốc gia châu Phi, bắt đầu từ ngày 4/12.

Bình luận