Chờ...

Tin nóng sáng 31/12: Nhiều nước nới lỏng các quy định giãn cách xã hội

(VOH) - Chính phủ Nam Phi, Đức vừa có thông báo liên quan đến việc nới lỏng quy định phòng dịch COVID-19.

TIN TRONG NƯỚC

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng​, tiêu cực đưa vụ kit test Việt Á vào diện theo dõi, chỉ đạo

Ngày hôm qua, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã có chủ trương chỉ đạo xử lý đối với vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á.

Để xử lý nghiêm minh, ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của nhân dân, Thường trực BCĐ thống nhất đưa vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á vào diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Theo đó, sẽ quyết liệt, mở rộng điều tra làm rõ bản chất của vụ án, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sự can thiệp trái pháp luật của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.

Vụ việc tại Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) thổi giá kit test Covid-19, bán tới 62 tỉnh, thành trong cả nước, thu về với lượng tiền khổng lồ đang gây phẫn nộ trong xã hội. 

Từ ngày 1-1 tới, giá trang thiết bị y tế sẽ khó “nhảy múa”

Ngày hôm qua, Bộ Y tế đã phổ biến nội dung của Nghị định số 98 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, từ ngày 1-1-2022, Nghị định chính thức có hiệu lực, kịp thời hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc quản lý trang thiết bị y tế, giải quyết các tồn tại, hạn chế, bất cập hiện nay của hệ thống pháp luật về quản lý trang thiết bị y tế.

Liên quan đến việc trang thiết bị y tế được đưa vào mặt hàng quản lý giá theo quy định của Luật giá, ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế cho biết, doanh nghiệp sẽ phải kê khai giá vốn nhập khẩu với trang thiết bị y tế nhập khẩu và chi phí sản xuất đối với sản phẩm trong nước sản xuất, lợi nhuận dự kiến, chi phí đào tạo (nếu có), giá bán tối đa. "Điều này nhằm tránh câu chuyện mua bán lòng vòng đẩy giá trang thiết bị y tế cao hơn giá thực tế và đảm bảo mặt hàng giá ổn định".

Với nghị định mới này, các nhà phân phối trang thiết bị y tế không được bán hơn giá mà chủ sở hữu số lưu hành đã công khai, đồng thời phải niêm yết, công khai giá mà nhà phân phối đó bán.

Từ 1-1-2022, các mức phạt vi phạm giao thông đều tăng cao

Từ đầu năm mới, người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm bị phạt từ 400.000-600.000 đồng thay vì 200.000-300.000 đồng như hiện nay. Nhiều hành vi vi phạm giao thông được tăng mức phạt lên 10 lần, có hành vi bị phạt tới 150 triệu đồng.

Đó là những nội dung đáng chú ý trong nghị định số 123/2021/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ và đường sắt (nghị định 100), hàng không dân dụng.

Theo quy định mới, người đi môtô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai có mức phạt 400.000-600.000 đồng thay vì 200.000-300.000 đồng như nghị định 100.

Tăng mức phạt từ 800.000 - 1,2 triệu đồng lên 1 - 2 triệu đồng đối với người chạy xe máy không có bằng lái, hoặc dùng bằng lái bị tẩy xóa, bằng lái không hợp lệ. Với người lái môtô trên 175 cm3, mức phạt hành vi này tăng từ 1,2 - 3 triệu đồng lên 2 - 4 triệu đồng.

Với tài xế ôtô không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ, mức phạt tăng từ 3 - 5 triệu đồng lên 6 - 8 triệu đồng, tước bằng lái xe 2 - 4 tháng.

Các hành vi dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; không có báo hiệu để tài xế xe khác biết khi buộc phải dừng, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định, quay đầu xe trên đường cao tốc mức phạt tăng từ 6 - 8 triệu đồng lên 10 - 12 triệu đồng, tước bằng lái xe 2 - 4 tháng.

TP.HCM trao Giải thưởng Sáng tạo lần 2

Tối 30-12, tại Nhà hát Thành phố, UBND TPHCM tổ chức lễ trao tặng Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 2 - năm 2021.

Giải thưởng Sáng tạo TPHCM được xét tặng 2 năm một lần đối với 7 lĩnh vực, bao gồm: lĩnh vực 1 (phát triển kinh tế); lĩnh vực 2 (quốc phòng, an ninh); lĩnh vực 3 (quản lý nhà nước); lĩnh vực 4 (truyền thông); lĩnh vực 5 (văn học nghệ thuật); lĩnh vực 6 (khoa học kỹ thuật); lĩnh vực 7 (khởi nghiệp sáng tạo). Đây là giải thưởng nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống, tiềm năng sáng tạo của các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, khẳng định năng lực sáng tạo của người dân TPHCM góp phần xây dựng và phát triển TPHCM trở thành thành phố thông minh, hiện đại.

Các công trình đạt giải Nhất gồm:

1. Công trình “Be Group - Hệ sinh thái mở, khởi nguồn cho phát triển khởi nghiệp sáng tạo “make in Vietnam” của Công ty CP Be Group. Đây là Ứng dụng gọi xe Be cung cấp dịch vụ đa dạng, bao gồm 6 dịch vụ. Lăn bánh trên thị trường từ tháng 12-2018, chỉ sau 6 tháng (6-2019), Be giữ thị phần thứ 2 về gọi xe tại Việt Nam. Công trình thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế.

2. Công trình “Xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần khu vực phòng thủ TPHCM”. Công trình nghiên cứu đã đề xuất luận cứ khoa học để Thành ủy TPHCM lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần khu vực phòng thủ TPHCM trong thời kỳ mới. 

3. Tác phẩm Xiếc Tre “À Ố Show” của nhóm tác giả: ông Tuấn Lê, ông Nguyễn Nhất Lý, ông Nguyễn Lân Maurice, ông Nguyễn Tấn Lộc, Công ty CP Lune Production. Tác phẩm “À Ố Show” trình bày các hoạt cảnh đời sống của làng quê Nam bộ yên ả đầy chất thơ và của thành thị ồn ào vui nhộn. “À Ố Show” đã có hơn 1.250 suất diễn tại Việt Nam, phục vụ hơn 300.000 khán giả trong nước, người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam cùng du khách quốc tế đến từ hơn 110 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật.

TPHCM tổ chức countdown đón chào năm 2022 không khán giả

Chiều 30-12, Văn phòng UBND TPHCM có văn bản thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức về chương trình đếm ngược (countdown) đón chào năm mới 2022 tại TPHCM.

Theo đó, từ 22 giờ ngày 31-12-2021 đến 0 giờ 10 phút ngày 1-1-2022, TPHCM tổ chức chương trình đếm ngược đón chào năm mới 2022 tại khu vực phố đi bộ đường Nguyễn Huệ (phía trước tòa nhà Sunwah), không tổ chức chương trình tại đường Lê Duẩn như kế hoạch ban đầu. Chương trình không mời đại biểu và khán giả tham dự mà được trực tiếp truyền hình, truyền thanh trên Đài Truyền hình TPHCM, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM và Đài Tiếng nói Việt Nam; đồng thời trực tuyến trên các hạ tầng truyền thông xã hội thông qua các kênh và trang tin điện tử.

Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM kiến nghị bắt khẩn cấp Nguyễn Kim Trung Thái

Ngày hôm qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã có văn bản gửi Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh đề nghị xem xét thay đổi tội danh khởi tố đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang, đồng thời xem xét khởi tố cha ruột cháu bé là Nguyễn Kim Trung Thái.

Cụ thể, Hội đề nghị xem xét thay đổi tội danh của Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi) từ hành vi "hành hạ người khác" thành tội "cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người" tại điểm a khoản 4 điều 134, Bộ luật hình sự năm 2015.

Đồng thời có tình tiết tăng nặng theo điểm d, i điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015.

Đối với ông Nguyễn Kim Trung Thái (36 tuổi) - cha ruột cháu N.T.V.A. (8 tuổi), Hội đề nghị xem xét khởi tố ông này với tội danh "không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" theo điểm b khoản 2 điều 132 Bộ luật hình sự năm 2015 và là đồng phạm của Trang với tư cách người giúp sức.

Theo nội dung của văn bản gửi cơ quan điều tra, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã nghiên cứu nội dung liên quan đến vụ án và nhận thấy tội danh khởi tố ban đầu là chưa phù hợp theo quy định pháp luật.

Giá vàng cuối năm: Việt Nam cao hơn thế giới 11,5 triệu

Cuối ngày hôm qua, 30-12, giá vàng thế giới ở mức 1.802,1 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 49,8 triệu đồng/lượng. Công ty SJC niêm yết giá bán vàng miếng SJC ở mức 61,3 triệu đồng/lượng. Còn Công ty PNJ và một số tiệm vàng lớn niêm yết giá bán vàng miếng SJC ở mức 61,2 triệu đồng/lượng.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng trong nước đang cao hơn 11,5 triệu đồng/lượng.

Ngày 30-12, cả nước chạm mốc 17.000 ca mắc Covid-19 và 240 ca tử vong

Chiều tối hôm qua, Bộ Y tế cho biết, trong 24 giờ qua, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 17.000 ca mắc mới, trong đó 20 ca nhập cảnh và 16.980 ca ghi nhận trong nước tại 61 tỉnh, thành phố. Đồng thời, cả nước có thêm 34.102 người khỏi bệnh và 240 ca tử vong…

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh, gồm: Hà Nội (1.866), Cà Mau (1.008), Tây Ninh (935), Hải Phòng (838), Khánh Hòa (788), Bình Phước (759), TPHCM (697)

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có  1.714.742  ca mắc, đứng thứ 31/224 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay), Số ca mắc mới ghi nhận trong nước là  1.709.042  ca. Hiện có 1 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là Bắc Kạn.

Về điều trị, trong ngày, cả nước có thêm 34.102 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số được điều trị khỏi lên 1.336.644 người. Đồng thời ghi nhận thêm 240 ca tử vong tại 25 tỉnh thành. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 227 ca/ngày. Tổng số tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 32.168 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca mắc.

TIN THẾ GIỚI

Nam Phi nới lỏng các quy định giãn cách xã hội trước thềm năm mới

Tối qua, Chính phủ Nam Phi đã thông báo dỡ bỏ lệnh giới nghiêm từ nửa đêm tới 4 giờ sáng hiện hành cùng một số thay đổi khác nhằm nới lỏng hơn các quy định giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trước thềm năm mới 2022.

Quyết định được đưa ra sau khi chính phủ đã cân nhắc về những thông tin cập nhật về làn sóng lây nhiễm thứ 4 đang diễn ra tại Nam Phi, với Omicron là biến thể virus SARS-CoV-2 chủ đạo, cùng với mức độ bao phủ tiêm chủng trên toàn quốc và khả năng đáp ứng của ngành y tế.

#tin nóng #COVID-19 #Tin tổng hợp

Một điểm tiêm chủng tại Johannesburg (Nam Phi) ngày 4/12/2021 - Ảnh: REUTERS

Từ đầu Năm Mới 2022, Đức nới lỏng quy định phòng dịch với các nước xuất hiện biến thể Omicron

Theo đó, bắt đầu từ ngày 4/1/2022, tất cả 9 quốc gia đang nằm trong danh sách “các nước có biến thể” Omicron hoành hành - gồm Anh và nhiều quốc gia ở khu vực miền Nam châu Phi - sẽ được đưa ra khỏi danh sách này, song vẫn bị xếp vào danh sách các nước và khu vực có “nguy cơ cao” về dịch bệnh COVID-19.

Quyết định này đồng nghĩa với việc nới lỏng quy định cấm nhập cảnh đối với những người không phải là công dân Đức hoặc không có quyền lưu trú tại Đức.

Israel nhận lô hàng thuốc điều trị COVID-19 Paxlovid đầu tiên

Chuyến hàng đầu tiên chở thuốc điều trị COVID-19 Paxlovid do công ty Pfizer sản xuất ngày 30/12 đã được bàn giao cho Israel - một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới nhận được loại thuốc có khả năng chống lại biến thể Omicron này.

Lô hàng Paxlovid đầu tiên bao gồm hàng chục ngfn viên thuốc. Chi phí mà Israel bỏ ra để điều trị cho mỗi bệnh nhân mắc COVID-19 bằng loại thuốc này ước tính khoảng 530 USD, nhưng chưa rõ người dân sẽ phải thanh toán bao nhiêu trong số tiền này.

Tin nóng sáng 31/12: Nhiều nước nới lỏng các quy định giãn cách xã hội 2
Một điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Jerusalem, ảnh chụp vào tháng 8. Ảnh: Reuters.

Cảnh báo nguy cơ bùng nổ số ca mắc COVID-19 mới tại Đông Âu sau dịp nghỉ lễ

Cảnh báo trên hoàn toàn có căn cứ bởi trước lễ Giáng sinh, Romania chứng kiến hàng dài người xếp hàng tại các cửa khẩu khi hàng trăm ngàn công dân, phần lớn từ Tây Âu, về nước.

Mặc dù Chính phủ Romania từ ngày 20/12 đã áp dụng quy định người nhập cảnh phải khai thông tin về nơi lưu trú để tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy vết các ca nhiễm mới, nhưng trên thực tế nhiều người đã bỏ qua việc khai báo này. Thêm vào đó, việc 3/4 người số người đã hoàn thành chương trình tiêm chủng vaccine cơ bản song chưa tiêm mũi tăng cường cũng là một nguyên nhân làm bùng nổ số ca nhiễm mới. 

Tại nước láng giềng Bulgaria, thành viên Liên minh châu Âu này có tỷ lệ tiêm chủng vaccine thấp nhất khi mới chỉ có 32% người trưởng thành tiêm chủng vaccine. Các nhà dịch tễ học dự báo làn sóng dịch bệnh thứ 5 sẽ tấn công Bulgaria vào cuối tháng 1 năm tới và dịch bệnh có thể trầm trọng hơn trong tháng 2. 

Các khu vực thuộc vùng Balkan gồm Bosnia, Slovenia, Serbia và Croatia đều đã ghi nhận những ca nhiễm biến thể Omicron, song tất cả các nước này đều chưa siết chặt các hạn chế để kiềm chế sự lây lan của biến thể mới. 

Còn tại Séc, ước tính số ca nhiễm Omicron đã chiếm 10% tổng số ca mắc mới tại nước này và dự báo con số này sẽ tăng lên 25% vào ngày 10/1/2022.

Bình luận