Chờ...

Tin nóng sáng 31/3/2022:  Cần sớm có quy định đưa Covid-19 ra khỏi bệnh truyền nhiễm nhóm A

(VOH) - TS. Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho biết, Bộ Y tế cần sớm có quy định đưa Covid-19 ra khỏi bệnh truyền nhiễm nhóm A càng sớm càng tốt.

 

TIN TRONG NƯỚC:

Cần sớm có quy định đưa Covid-19 ra khỏi bệnh truyền nhiễm nhóm A

TS. Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho biết, Bộ Y tế cần sớm có quy định đưa Covid-19 ra khỏi bệnh truyền nhiễm nhóm A càng sớm càng tốt. Bởi theo ông, việc để Covid-19 ở nhóm A thời điểm này không còn phù hợp với hiện tại và rất phiền hà.

Khi chuyển dịch Covid-19 từ nhóm A sang B thì kế hoạch phòng, chống dịch sẽ phải điều chỉnh phù hợp. Đó là việc điều chỉnh việc giám sát, xét nghiệm diện rộng, cách ly tập trung cũng như quản lý ca bệnh. Lúc đó, các giải pháp đưa ra sẽ không còn nghiêm ngặt như ở nhóm A nữa, do đó các quy định như hạn chế tập trung đông người, cách ly, miễn phí điều trị F0… sẽ không còn được áp dụng.

Ngoài ra, theo PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khi chuyển Covid-19 sang nhóm B cần phải căn cứ vào việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là người nghèo, người dễ bị tổn thương.

Bởi theo ông, theo quy định hiện nay, người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí. Khi chuyển Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B thì việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh sẽ như với các bệnh lý khác, có thể do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.

Tin nóng, tin nóng VOG, COVID-19,  người Việt Nam tại Ukraine
Ảnh minh họa: TTO

Đà Nẵng ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ hiệu quả cho F0

Khi số ca mắc Covid-19 tăng cao, TP. Đà Nẵng bắt đầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ F0 đăng ký trực truyến, nhận giấy chứng nhận nghỉ việc để hưởng bảo hiểm xã hội. Theo đó, chỉ cần thao tác nhanh gọn trên máy tính các quyết định cách ly, kết thúc cách ly, hồ sơ bệnh án, giấy kết thúc điều trị... thay cho phương thức thủ công như trước.

Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng đã bổ sung một số tính năng khai báo, đăng ký trực tuyến để cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội trên Ứng dụng quản lý, hỗ trợ F1, F0 cách ly, điều trị tại nhà. Khi người dân dùng ứng dụng “Danang Smart City” để khai báo là F0 điều trị tại nhà hoặc thông báo tình trạng sức khỏe, đăng ký trực tuyến nhận Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, trạm y tế sẽ tiếp nhận thông tin của mọi người.

Điều đặc biệt là các giấy tờ này đều được Sở Thông tin và Truyền thông thành phố có gắn mã QR cá nhân để định danh xác thực. Các trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh có thể xác nhận kiểm tra qua quét mã QR đó xem người này đã hoàn thành cách ly hay chưa.

Hoàn thành 6 chuyến bay đưa người Việt Nam tại Ukraine về nước

Theo Bộ Ngoại giao, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đến nay, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, các cơ quan đại diện Việt Nam tại địa bàn triển khai sơ tán an toàn cho người Việt Nam tại Ukraine và thành viên gia đình (khoảng 5.200 người), tổ chức 6 chuyến bay đưa gần 1.700 người về nước, đồng thời thu xếp cho hàng chục người khác về nước trên các chuyến bay thương mại, bảo đảm công khai, minh bạch và thuận lợi tối đa cho người dân.

Đến nay, việc sơ tán đã cơ bản hoàn tất, đáp ứng hầu hết nguyện vọng về nước của người dân Việt Nam. Một số người có quốc tịch hoặc mang giấy tờ hợp lệ do Ukraine cấp đã chủ động lựa chọn hướng di chuyển riêng sang các quốc gia khác.

Theo các cơ quan đại diện, hiện chỉ còn một số ít người Việt Nam ở Ukraine vì các lý do cá nhân, chưa có nguyện vong sơ tán sang nước lân cận hoặc chưa muốn về Việt Nam.

Triệt phá đường dây trộm xe ở siêu thị tiện lợi

Ngày 30-3, Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết vừa triệt phá thành công hai đường dây trộm cắp và tiêu thụ xe gian quy mô lớn trên địa bàn. Từ giữa năm 2021, địa bàn quận Bình Thạnh thường xuyên xảy ra các vụ trộm cắp tài sản do các đối tượng lợi dụng sơ hở của các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini… và nhà dân không người trông coi để trộm cắp xe máy. Do đó, Công an quận Bình Thạnh lập chuyên án để đấu tranh.

Trước đó, ngày 25-1, các trinh sát hình sự bắt giữ Bùi Đình T. (27 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) và Nguyễn Triệu Long N. (25 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) khi cả hai đang mang chiếc xe máy bị trộm tại một quán cà phê trên đường Nơ Trang Long. Sau đó, trinh sát tiếp tục bắt giữ Trương Văn P. (28 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) và Nguyễn Văn H. (30 tuổi, ngụ quận 1). Làm việc với công an, nhóm này thừa nhận đã thực hiện 6 vụ trộm xe máy trên địa bàn quận Bình Thạnh và các quận khác.

Ngoài ra, Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) cũng vừa triệt phá đường dây ăn trộm xe máy trên địa bàn rồi mang sang Campuchia tiêu thụ.

Tin nóng sáng 31/3/2022:  Cần sớm có quy định đưa Covid-19 ra khỏi bệnh truyền nhiễm nhóm A 2
 

 

Các đối tượng vừa bị công an bắt giữ vì trộm cắp và tiêu thụ xe gian. Ảnh: TTO

Triển khai các biện pháp bảo đảm ổn định thị trường chứng khoán

Ngày 30/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, công khai, minh bạch, phát triển bền vững.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế, các dòng vốn ra, vào thị trường để chủ động có giải pháp điều hành, giám sát thị trường chứng khoán phù hợp, kịp thời, sát với tình hình, bảo đảm an toàn, minh bạch, ổn định thị trường chứng khoán, không để xảy ra rủi ro, mất an toàn; chủ động công bố thông tin, thực hiện các giải pháp ổn định tâm lý nhà đầu tư trong và ngoài nước, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư; đẩy mạnh việc rà soát cơ chế, chính sách, hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, thị trường chứng khoán để có chế tài xử lý mạnh mẽ, có tác dụng răn đe, bảo đảm minh bạch, lành mạnh của thị trường chứng khoán.

Rủ nhau tắm sông Mã, ba em nhỏ đuối nước

Sự việc xảy ra vào khoảng 12 giờ ngày 30/3 trên sông Mã, đoạn thuộc địa phận bản Pá Vạt (xã Mường Luân). Vào thời điểm này, sau khi tan học ở trường về nhà, các em học sinh cùng rủ nhau ra sông Mã, trong số đó có ba em Lò Văn B (8 tuổi), Lò Văn T (7 tuổi), Lò Văn K (7 tuổi) xuống sông tắm. Vị trí các em tắm có mực nước sâu và dòng chảy xiết nên ba em Lò Văn B, Lò Văn T, Lò Văn K bị đuối nước.
Các cơ quan chức năng khuyến cáo, huyện vùng cao Điện Biên Đông là địa phương có nhiều sông, suối, ao, hồ. Vào ngày nắng nóng, dịp nghỉ hè, các em nhỏ thường rủ nhau tắm tại các khu vực sông, suối, ao, hồ, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Vì vậy, cần tăng cường hơn nữa phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong công tác phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em. Các ngành chức năng cần rà soát, thống kê số lượng hồ, đập, điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cao để chỉ đạo cắm biển cảnh báo, làm rào chắn. Cùng với đó, các bậc phụ huynh phải thường xuyên giám sát con em mình, nhất là trong thời gian ngoài giờ học để hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn đuối nước xảy ra.

Từ đêm nay, Bắc Bộ rét sâu, Trung Bộ tiếp tục mưa lớn

Khoảng đêm nay, bộ phận không khí lạnh sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ, gây mưa rào và dông diện rộng, trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 14-17 độ, vùng núi có nơi dưới 12 độ. Trung Bộ hôm nay tiếp tục có mưa lớn, với lượng mưa có nơi lên tới 400mm/đợt.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 31/3, nhiều địa phương trên cả nước có mưa, rải rác có dông, đến gần sáng 1/4 trời chuyển rét.

Nam Bộ: Nhiệt độ thấp nhất: 23-26 độ. Nhiệt độ cao nhất: 29-32 độ, có nơi trên 32 độ; Có mây, có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Tin nóng sáng 31/3/2022:  Cần sớm có quy định đưa Covid-19 ra khỏi bệnh truyền nhiễm nhóm A 3
 

 

TIN THẾ GIỚI

WHO: ca tử vong do COVID-19 tăng 40%, ca nhiễm mới giảm

Theo báo cáo công bố ngày 30-3 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca tử vong do COVID-19 tăng 40% trong tuần qua, nhưng số ca nhiễm mới đang giảm trên toàn cầu. Trong tuần qua, thế giới có thêm 10 triệu ca mắc mới COVID-19 và hơn 45.000 ca tử vong, trong khi tuần trước đó chỉ có 33.000 ca.

WHO cho biết số người thiệt mạng do COVID-19 tăng 40% có thể do thay đổi trong cách thức ghi nhận ca tử vong ở châu Mỹ, cùng với việc Ấn Độ gần đây mới điều chỉnh số liệu. Cụ thể, Mỹ và Chile đã thay đổi cách tính ca tử vong do COVID-19. Hơn 4.000 ca tử vong ở bang Maharashtra ở Ấn Độ ban đầu không được tính nhưng lại được bổ sung trong tuần trước. Số ca nhiễm mới đã giảm trên toàn cầu, kể cả khu vực Tây Thái Bình Dương, nơi bùng dịch từ tháng 12 năm ngoái.

Trong những tuần gần đây, WHO cảnh báo nhiều quốc gia không nên bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng dịch, vì làm như vậy sẽ khiến cơ quan chức năng khó theo dõi chính xác tình hình lây lan của virus. Cơ quan này cảnh báo điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến nỗ lực phát hiện các biến thể mới và làm suy yếu khả năng phản ứng với chúng.

Tin nóng sáng 31/3/2022:  Cần sớm có quy định đưa Covid-19 ra khỏi bệnh truyền nhiễm nhóm A 4
Du khách chụp ảnh hoa anh đào ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 30/3 - Ảnh: AP

Nga kêu gọi người dân tin tưởng chiến dịch quân sự ở Ukraine

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov kêu gọi công chúng Nga tin tưởng vào chiến dịch quân sự ở Ukraine cũng như cuộc đàm phán đang diễn ra. "Lúc này không có chỗ cho cảm xúc. Các chuyên gia đang đàm phán, chúng ta phải tin tưởng họ", ông Peskov nói ngày 30/3, sau khi nhận được câu hỏi vì sao Nga chấp nhận đàm phán nếu chiến dịch quân sự vẫn đang tiến triển như kế hoạch, theo Tass.

Cùng ngày, trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky nói rằng cuộc gặp hôm 29/3 là lần đầu tiên phía Ukraine tỏ ý sẵn sàng tuân thủ một số điều kiện để bình thường hóa quan hệ với Nga trong tương lại.

Dù phía Nga tuyên bố giảm hoạt động quân sự ở Kyiv và Chernihiv, thống đốc tỉnh Chernihiv của Ukraine cáo buộc quân đội Nga vẫn pháo kích “suốt đêm”. Trước đó, vào ngày 29/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết tín hiệu từ các cuộc đàm phán hòa bình với Nga có thể được coi là tích cực, song khẳng định không giảm nỗ lực phòng thủ.

Đức kích hoạt kế hoạch khẩn cấp về khí đốt

Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Kinh tế Đức cho biết, Đức sẽ thành lập một cơ quan phụ trách vấn đề khủng hoảng năng lượng. Động thái này là sự kích hoạt biện pháp cảnh báo sớm ngăn ngừa khả năng Đức có thể thiếu nguồn cung năng lượng khi Nga ngừng cấp khí đốt. Đây là bước đi thuộc giai đoạn đầu trong kế hoạch khẩn cấp về khí đốt gồm 3 giai đoạn của Đức.

Tuyên bố được Đức đưa ra khi Nga tiếp tục khẳng định chỉ chấp nhận thanh toán bằng đồng ruble cho các hợp đồng chuyển khí đốt tới Liên minh châu Âu, sau khi Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) từ chối yêu cầu này.

Liên quan hoạt động vận chuyển khí đốt của Nga, nhà vận hành Gascade cho biết, nguồn cung khí đốt của Nga qua đường ống Yamal-châu Âu thông qua trạm bơm Malnov ở biên giới Đức - Ba Lan đã giảm xuống mức 0 trong ngày 30/3. Trong khi đó, việc vận chuyển khí đốt qua một số đường ống khác vẫn đang được thực hiện.

Hàn Quốc phóng tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn

Hàn Quốc lần đầu tiên đã phóng thành công một tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn lên vũ trụ. Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường sức mạnh quốc phòng trong lĩnh vực do thám và giám sát trên không một cách độc lập của nước này.

Vụ phóng diễn ra tại bãi thử nghiệm ở Taean, cách thủ đô Seoul 150 km về phía Tây Nam. Vụ phóng nhằm kiểm tra hoạt động của động cơ phóng và các tính năng kiểm soát vị trí ở tầng trên của tên lửa do nước này tự sản xuất. Vụ phóng diễn ra chưa đầy một năm sau khi Mỹ đồng ý dỡ bỏ các hạn chế quy định Seoul không được phát triển hoặc sở hữu tên lửa đạn đạo có tầm bắn tối đa trên 800 km.

Trước đó vào năm 1979, để có được công nghệ tên lửa của Mỹ, Hàn Quốc đã ký với Mỹ văn bản mang tên "Hướng dẫn tên lửa Hàn - Mỹ". Theo đó, Mỹ hỗ trợ Hàn Quốc về công nghệ và linh kiện tên lửa, nhưng Hàn Quốc không được phát triển hoặc sở hữu tên lửa có tầm bắn hơn 180 km và đầu đạn nặng hơn 500 kg. Do hạn chế này, Hàn Quốc trong một thời gian dài không phát triển mẫu tên lửa đạn đạo mới nào.

Tin nóng sáng 31/3/2022:  Cần sớm có quy định đưa Covid-19 ra khỏi bệnh truyền nhiễm nhóm A 5

Tên lửa đạn đạo Hyunmoo 2 của Hàn Quốc phóng thử năm 2017. Ảnh minh họa: AP.

Singapore sẵn sàng cho việc mở cửa trở lại từ 1/4

Từ ngày 1/4, tất cả các du khách đã tiêm đủ vaccine và trẻ em từ 12 tuổi trở xuống nhập cảnh Singapore đều không phải cách ly.

Ông S. Iswaran - Bộ trưởng Giao thông vận tải Singapore: "Tôi đã gặp những người bán lẻ, tôi đã gặp nhân viên mặt đất, nhân viên sân bay, tôi cảm nhận rất rõ sự phấn khích, lạc quan của họ. Tất cả đều muốn thấy sân bay Changi nhộn nhịp trở lại. Họ đang chuẩn bị cho một việc quan trọng là kết nối và mở cửa trở lại biên giới chúng ta".

Ngành hàng không Singapore cũng đang tuyển dụng thêm nhân viên sau khi lực lượng lao động bị cắt giảm đáng kể trong suốt 2 năm qua do đại dịch COVID-19. Trong tuần này, Singapore cũng đã bỏ yêu cầu đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, mặc dù vẫn được khuyến khích.

Bình luận