Chờ...

Tin nóng sáng 8/12: TP.HCM mua thêm 300.000 gói thuốc A, B cho F0 điều trị tại nhà

(VOH) - Trước tình trạng bệnh nhân F0 tăng cao, lãnh đạo TP.HCM ban hành quyết định mua bổ sung 300.000 gói thuốc A, B hỗ trợ cho các ca nhiễm đang điều trị tại nhà.

TIN TRONG NƯỚC

TP.HCM mua thêm 300.000 gói thuốc A, B cho F0 điều trị tại nhà

Trước tình trạng bệnh nhân F0 tăng cao, lãnh đạo TP.HCM vừa ban hành quyết định mua bổ sung 300.000 gói thuốc A, B hỗ trợ cho các ca nhiễm đang điều trị tại nhà. Số thuốc này chia làm 2 đợt bao gồm: 200.000 gói thuốc A, 50.000 gói thuốc B và 50.000 gói thuốc trẻ em phục vụ điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà.

tin-nong-sang-8-12-voh.com.vn-anh1
300.000 gói thuốc bao gồm 200.000 gói thuốc A, 50.000 gói thuốc B và 50.000 gói thuốc trẻ em điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà. (Ảnh: TTO)

Trước đó, ngày 23/11, Sở Y tế ban hành hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe cho F0 cách ly tại nhà. Sở Y tế hướng dẫn chỉ cấp gói thuốc A (các loại vitamin, hạ sốt), gói thuốc C (thuốc kháng virus) cho F0 cách ly tại nhà khi có chỉ định sử dụng gói thuốc C. Còn gói thuốc B (kháng đông, kháng viêm) chỉ cho uống 1 liều duy nhất khi có chỉ định. Kèm theo đó là các thuốc cần chuẩn bị với người có bệnh nền đủ sử dụng 1 tháng.

Bệnh viện dã chiến số 12 đã sẵn sàng đi vào hoạt động

Ngày 7/12, giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, đơn vị phụ trách Bệnh viện dã chiến 12, cho biết vừa điều động khẩn 45 y bác sĩ trở lại Bệnh viện dã chiến số 12 (TP Thủ Đức) để chuẩn bị các công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân trong trường hợp mắc COVID-19 thuộc biến chủng mới Omicron. Những người nhập cảnh về nước, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 sẽ được chuyển về bệnh viện này cách ly, điều trị.

Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo Bệnh viện dã chiến số 12 chuẩn bị tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 nhiễm biến chủng Omicron, trong trường hợp chủng này được phát hiện tại địa phương.

Cũng trong ngày 7/12, Bệnh viện dã chiến số 12 đã tiếp nhận 2 thuyền viên nhập cảnh bằng đường biển, đã có kết quả PCR dương tính với COVID-19. Hai bệnh nhân này hiện đang được cách ly và sẽ được giải trình tự gene xem có nhiễm biến chủng Omicron hay không.  

Đề xuất thí điểm bay quốc tế thường lệ từ 15/12

Nhu cầu nhập cảnh của công dân Việt Nam về nước thời điểm này tiếp tục tăng cao, đặc biệt là dịp năm mới 2022 và Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, số lượng người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam với mục đích làm việc, đầu tư, sản xuất kinh doanh và du lịch là rất lớn.

tin-nong-sang-8-12-voh.com.vn-anh2
Các hãng hàng không Việt Nam đều mong muốn sớm khai thác trở lại các đường bay quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam. (Ảnh: TTO)

Ngày 7/12, Bộ Giao thông vận tải đề xuất Thủ tướng kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam, thí điểm 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1 thực hiện 2 tuần, dự kiến từ ngày 15/12/2021: tổ chức chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam (sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất) và các thị trường có hệ số an toàn cao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia… Tần suất khai thác 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên.

Giai đoạn 2 thời gian thực hiện 1 tháng, kể từ tháng 1/2022: ngoài các thị trường như giai đoạn 1, mở rộng các chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam tới Malaysia, Hong Kong, Pháp, Đức, Úc, Nga. Tần suất khai thác 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên.

Huế thành lập Trung tâm nghiên cứu và điều trị COVID-19

Chiều 7/12, tin từ Bệnh viện Trung ương Huế cho biết đơn vị vừa thành lập Trung tâm nghiên cứu và điều trị COVID-19 trung ương Huế.

Trung tâm này được đặt tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) với quy mô 300 giường bệnh và sẽ được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế dịch bệnh trên địa bàn và các tỉnh miền Trung.

Trung tâm có chức năng thu dung, cấp cứu, hồi sức tích cực, thực hiện các kỹ thuật y tế phức tạp cho bệnh nhân mắc COVID-19. Đồng thời trung tâm cũng mang nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo y tế cho các đơn vị tuyến dưới về các biến chủng của virus COVID-19.  

Huế cho F0 không triệu chứng điều trị tại nhà

Trước diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, ngày 7/12, tỉnh Thừa Thiên Huế thông báo cho các F0 có biểu hiện bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng điều trị tại nhà.

Theo đó, với F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ (không có suy hô hấp: SpO2 ≥ 96%, nhịp thở ≤ 20 lần/phút đối với người lớn), có độ tuổi từ 3 tháng đến dưới 49 tuổi... sẽ được tự điều trị tại nhà. Khi F0 cảm thấy khó thở phải liên hệ ngay với cơ sở đang quản lý F0 để được tư vấn, hỗ trợ. 

Trước việc Huế cho F0 điều trị tại nhà, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã phối hợp với Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế triển khai hỗ trợ bình oxy tại nhà miễn phí cho các F0 có nhu cầu.  

Cần Thơ nâng cơ sở cách ly tập trung thành bệnh viện dã chiến

Chiều 7/12, UBND thành phố Cần Thơ cho biết sau khi chuyển sang thực hiện nghị quyết 128 thích ứng với dịch COVID-19, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như số lượng người dân các địa phương khác tới Cần Thơ chữa bệnh, học tập, giao lưu, mua bán tăng nhiều. Thêm vào đó, phần đông người dân đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 nên có sự ỷ lại, thực hiện 5K chưa tốt. Do đó, tại thành phố bùng phát với số ca ghi nhận hơn 1.000 ca mỗi ngày, cá biệt hôm 6/12, Cần Thơ đứng nhất cả nước với 1.152 ca mới.

Số cơ sở để quản lý, thu dung, điều trị tập trung cho bệnh nhân COVID-19 của thành phố hiện chỉ hơn 3.000. Vì vậy, thành phố đang mở rộng thêm các bệnh viện dã chiến trên cơ sở nâng từ cơ sở cách ly tập trung F1 trước đây ở các quận, huyện. Các bệnh viện dã chiến này sẽ là nơi cách ly điều trị F0 không triệu chứng đối với F0 không đủ điều kiện điều trị tại nhà. Còn F0 đủ điều kiện thì được cách ly điều trị tại nhà, không phải cách ly tập trung.  

Phú Thọ: 90% người từ 12-17 tuổi được tiêm vaccine

Trong ngày 7/12, toàn tỉnh Phú Thọ đã tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho gần 600 trẻ, nâng số trẻ trong độ tuổi được tiêm lên gần 120.500 trẻ, tương ứng với 89,5% trẻ trong độ tuổi được tiêm một mũi vaccine.

Dự kiến đến hết tháng 2/2022, sẽ có khoảng 141.000 trẻ trên địa bàn tỉnh được tiêm đủ hai mũi vaccine phòng COVID-19. Đến nay chưa phát hiện trường hợp nào có phản ứng nặng.

Bình Định siết chặt công tác phòng, chống dịch 

Ngày 7/12, tỉnh Bình Định yêu cầu các ngành, cấp trong tỉnh siết chặt hơn nữa công tác phòng, chống dịch, nâng cao ý thức tự giác phòng dịch của người dân đi kèm với các biện pháp xử phạt trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Toàn tỉnh Bình Định đã có hơn 1.000 ca F0 đang được điều trị tại nhà.

Riêng đối với việc tiêm vaccine phòng COVID-19, các địa phương phải tiêm nhanh chóng, hiệu quả, không được để tồn đọng vaccine trong kho, phấn đấu tới ngày 15/12 sẽ phủ xong 2 mũi vaccine cho người dân trong diện tiêm chủng. Đối với việc tiêm chủng vaccine cho trẻ cần làm chắc chắn, có sự đồng thuận của cha mẹ, người giám hộ trẻ, hạn chế thấp nhất các biến chứng trong quá trình tiêm…

Bạc Liêu công bố cấp độ dịch COVID-19 là cấp 3, thắt chặt một số hoạt động

Tỉnh Bạc Liêu vừa cập nhật, công bố cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn  và áp dụng bổ sung Quy định tạm thời thắt chặt một số hoạt động trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao liên tục trong nhiều ngày. Theo đó, từ ngày 7/12, Bạc Liêu ở cấp độ dịch là cấp độ 3 - nguy cơ cao (vùng cam).

Theo quy định này, chỉ những người đã khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng; người đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19 (không kể thời gian tiêm); người đã tiêm 1 liều vaccine trên 14 ngày; người đi tiêm vaccine mới được phép ra khỏi nhà/nơi lưu trú.

Từ 20 giờ hôm trước đến 4 giờ hôm sau, người dân không được ra đường, trừ các trường hợp: Khi có yêu cầu công vụ hoặc yêu cầu công tác phòng, chống dịch; cấp cứu y tế; xử lý các sự cố khẩn cấp; công nhân đi làm ca đêm về.

TIN THẾ GIỚI

WHO kêu gọi tăng cường bảo vệ trẻ em trước đại dịch COVID-19

Đây là lời kêu gọi được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra vào hôm 7/12.

Giám đốc WHO tại khu vực châu Âu khẳng định, việc bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 nên là lựa chọn cuối cùng và chỉ nên áp dụng khi tất cả các phương án khác nhằm tăng tỷ lệ tiêm phòng không còn tác dụng. Mặc dù quy định bắt buộc tiêm phòng đã giúp tăng tỷ lệ tiêm vaccine trong một số trường hợp nhưng điều này còn phụ thuộc vào bối cảnh. Các nước cần xem xét tác động của chính sách bắt buộc tiêm phòng đối với lòng tin của người dân.

tin-nong-sang-8-12-voh.com.vn-anh3
Vấn đề tiêm phòng cho trẻ em nên được xem xét và thảo luận ở cấp độ quốc gia. (Ảnh: AP)

EC kêu gọi các quốc gia tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng

Ủy ban châu Âu (EC) hôm qua, đã kêu gọi 27 quốc gia thành viên phối hợp hạn chế hoạt động đi lại nhằm đối phó với sự bùng phát của dịch COVID-19 trong bối cảnh những lo ngại về sự xuất hiện của biến thể Omicron, đồng thời tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa các chiến dịch tiêm chủng.

Trong đó, lưu ý sự cần thiết của việc duy trì một cách tiếp cận phối hợp đầy đủ trong các hạn chế nhập cảnh và khuyến nghị đi lại để đảm bảo khả năng dự đoán cho người dân. Ngoài việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, cũng cần phải duy trì hoặc khôi phục các biện pháp y tế công cộng có mục tiêu và thông minh, đặc biệt khi Giáng sinh và các lễ hội cuối năm đang đến gần.

Nhật Bản cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển giải quyết thách thức về dinh dưỡng

Ngày 7/12, Thủ tướng Nhật Bản cho biết nước này sẽ hỗ trợ hơn 300 tỷ yen (tương đương 2,6 tỷ USD) trong 3 năm tới nhằm giúp các nước đang phát triển giải quyết các thách thức về dinh dưỡng, trong bối cảnh Tokyo đang đẩy mạnh thực hiện cam kết về giảm đói nghèo.

Hiện Nhật Bản đang tìm cách cải thiện tình hình dinh dưỡng ở các nước đang phát triển bằng cách hỗ trợ nguồn cung cấp lương thực cho các nước này. 

Giới siêu giàu tăng mạnh tỉ lệ nắm giữ tài sản toàn cầu giữa dịch COVID-19

Một kết quả nghiên cứu quy mô cho thấy tỉ lệ nắm giữ tài sản của những người thuộc nhóm giàu nhất thế giới đã tăng mạnh trong đại dịch COVID-19.

Cụ thể, 10% số người giàu trên thế giới hiện nắm giữ 52% tổng thu nhập toàn cầu, trong khi 50% những người nghèo nhất chưa có được mức 8%. Và kể từ năm 1995 đến nay, tài sản của giới tỉ phú đã tăng từ 1% lên 3%. Mức gia tăng mạnh diễn ra giữa thời điểm đại dịch. Thực tế, năm 2020 là năm chứng kiến tích tụ tài sản tăng thêm ở mức kỉ lục đối với các tỉ phú toàn cầu.

Nhà leo núi được chia nửa kho báu tìm được từ vụ rơi máy bay 50 năm trước

Vào năm 2013, một nhà leo núi đã tình cờ phát hiện ra kho báu chứa nhiều đá quý - gồm ngọc lục bảo, hồng ngọc và sapphire - trên sông băng ở Pháp. Cho đến nay, 8 năm sau khi phát hiện kho báu này, giới chức cuối cùng đã quyết định chia số trang sức thành 2 phần bằng nhau, một nửa cho nhà leo núi và nửa còn lại thuộc về địa phương.

tin-nong-sang-8-12-voh.com.vn-anh4
Ngọn núi Mont Blanc trên dãy Alps của Pháp. (Ảnh: Alamy)

Sau khi nhận được thông báo rằng sẽ được tặng một số đồ trang sức, nhà leo núi cho biết ông không hối hận vì đã trung thực và sẽ dùng một khoản tiền trong số đó để cải tạo ngôi nhà của mình.

Bình luận