Chờ...

Tin nóng trưa 11/3 - Cảnh báo: Không tùy tiện kê toa trị COVID-19

(VOH) - Hàng loạt toa thuốc có Ivermectin còn được lan truyền trên các hội nhóm chợ sỉ lẻ thuốc tây, các hội tư vấn điều trị F0 tại nhà....

Không được Bộ Y tế phê duyệt để điều trị COVID-19, nhưng thuốc Pizar 6 (hoạt chất Ivermectin 6mg) vẫn được một số nhà thuốc tùy tiện kê cho người bệnh uống với cam kết "an toàn và hiệu quả hơn thuốc kháng virus Molnupiravir. Không chỉ ở các nhà thuốc, hàng loạt toa thuốc có Ivermectin còn được lan truyền trên các hội nhóm chợ sỉ lẻ thuốc tây, các hội tư vấn điều trị F0 tại nhà....

Từ năm 2020 Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có văn bản khẳng định Ivermectin "đang thử nghiệm, chưa có hướng dẫn chính thức", đồng thời đề nghị các địa phương chỉ đạo cơ sở bán lẻ thuốc bán và tư vấn sử dụng theo đúng chỉ định đã được Bộ Y tế phê duyệt. Trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 mới nhất vừa được Bộ Y tế cập nhật ngày 27-2-2022, hoàn toàn không có thuốc Ivermectin.

Tin nóng trưa 11/3 - Cảnh báo: Không tùy tiện kê toa trị COVID-19 1
Ảnh: TTO

PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức (ĐH Y dược TP.HCM) cho biết Ivermectin là thuốc được sử dụng rất lâu, mục đích điều trị các bệnh nhiễm trùng do một số loài giun ký sinh như giun kim, giun tóc, giun đũa, chấy rận hoặc các bệnh về da như bệnh trứng cá đỏ. Tuy nhiên, Ivermectin không nằm trong danh mục thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép, cho nên nếu dùng trị COVID-19 là bất hợp pháp.

Việc dùng Ivermectin quá liều có thể gây buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, hạ huyết áp, dị ứng (ngứa và phát ban), chóng mặt, mất điều hòa (các vấn đề về thăng bằng), co giật, hôn mê và thậm chí tử vong.

TPHCM: F0 khai báo, nhận giấy hoàn thành cách ly tại nhà

Sáng 11/3, Sở Y tế TP.HCM chính thức triển khai chuyển đổi số công tác quản lý F0 cách ly tại nhà theo hướng cung ứng dịch vụ công cấp độ 4. Người mắc Covid-19 không phải đến trạm y tế khai báo, chờ đợi, tốn chi phí.

Khi người dân có kết quả dương tính Covid-19, thực hiện các bước:

• Chụp hình khay test nhanh vừa được xét nghiệm và có kết quả dương tính. Ghi tên và ngày tháng thực hiện xét nghiệm trên khay trước khi chụp hình.

• Chụp hình chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ tùy thân có dán ảnh (giấy bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, thẻ học sinh…).

• Truy cập vào địa chỉ: https://khaibaof0.tphcm.gov.vn, chọn “khai báo F0” để khai báo

Khi đủ thời gian cách ly, F0 thực hiện test nhanh, nếu kết quả âm tính, thực hiện chụp hình khay test nhanh có kết quả âm tính vừa được xét nghiệm, ghi tên và ngày tháng thực hiện xét nghiệm trên khay trước khi chụp hình và quay lại trang web để khai báo.

Hệ thống sẽ gửi tin nhắn về số điện thoại người dân vừa khai báo với nội dung đã nhận thông tin. Giấy xác nhận hoàn thành cách ly sẽ được gửi qua địa chỉ email, nếu không có email, người dân đến trạm y tế để nhận.

Quảng Ngãi: Làm rõ việc trả phí mai táng do Covid-19 đến 60 triệu đồng

Một số thân nhân của người mất do Covid-19 bức xúc phản ánh, họ phải chịu mức phí 20-60 triệu đồng cho dịch vụ mai táng, gây bức xúc trong dư luận tại Quảng Ngãi. Ngày 10-3, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản yêu cầu rà soát và xử lý nghiêm các trường hợp thu phí mai táng giá “cắt cổ” đối với người mất do Covid-19.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Y tế tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT, UBND các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan liên quan rà soát các trường hợp bệnh nhân tử vong do Covid-19 để chủ động nắm tình hình, xử lý, chấn chỉnh kịp thời; khẩn trương rà soát quy định hướng dẫn mai táng người mất do Covid-19 để tham mưu UBND tỉnh trước ngày 17-3; giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với cơ quan công an, cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ mai táng trên địa bàn trong việc nâng giá chi phí mai táng bất hợp lý, trái quy định đối với trường hợp tử vong do Covid-19; tránh tình trạng lợi dụng người mất do Covid-19 để tăng giá dịch vụ mai táng bất hợp lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Doanh nghiệp chật vật tìm nhân công

10 tuần sau Tết, nhiều doanh nghiệp vẫn hết sức khó khăn vì không tuyển được người. "Người cũ" về quê không trở lại, không dễ có "người mới", về tận quê cũng không rước được người.

Ngày càng có thêm những đơn xin nghỉ việc, xin chấm dứt hợp đồng lao động gửi qua email hay đường bưu điện để xin công ty cho nghỉ việc vì lý do rất chính đáng: đã tìm được việc làm phù hợp ở quê, gần gia đình và người thân nên không muốn quay lại TP.HCM nữa.

Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất ở các tỉnh thành phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM... đang thiếu hụt hàng chục ngàn lao động như hiện nay là tình cảnh chung từng được dự báo trong một vài năm gần đây, đặc biệt là từ sau đại dịch. Do chưa tuyển đủ số lượng như nhu cầu nên công việc chung vì thế bị ảnh hưởng, khó hoàn thành các đơn đặt hàng, phải hủy hợp đồng hoặc chịu phạt do vi phạm hợp đồng cũng là điều khó tránh khỏi.

Cần thêm những cam kết từ doanh nghiệp cùng những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa để động viên người lao động an tâm trở lại. Ngoài những đãi ngộ bằng tiền hằng tháng, cần những quan tâm và hỗ trợ khác khi người lao động ốm đau, túng quẫn, gặp nhiều khó khăn trong việc cho con đi học...  Chẳng hạn như một quỹ hỗ trợ khẩn cấp trong nội bộ doanh nghiệp hoặc một quỹ lớn hơn để người khó khăn có thể vay lãi suất thấp (hoặc không lãi suất) nhằm giúp họ không rơi vào tình cảnh vay nóng và không thể trả nổi!

Cân nhắc mức độ và thời gian về quy định làm thêm giờ

Bộ LĐTB-XH đang đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét, có Nghị quyết về việc cho phép các doanh nghiệp (DN) tăng thời gian làm thêm của người lao động (NLĐ) từ 40 giờ/tháng hiện nay lên 72 giờ/tháng trước tình hình nhu cầu phục hồi sản xuất tăng cao, thiếu công nhân lao động nghiêm trọng.

Tin nóng trưa 11/3 - Cảnh báo: Không tùy tiện kê toa trị COVID-19 2

Hoạt động sản xuất của Tổng Công ty May 10. Ảnh: SGGP

Thứ trưởng  Bộ LĐTB-XH Lê Văn Thanh cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế. Việc làm thêm giờ như đề xuất sẽ góp phần hạn chế nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế của Việt Nam như nông sản, thủy sản, hải sản... Do đó, chính sách này được đề xuất áp dụng từ nay đến ngày 31-12-2022 và tùy theo tình hình thực tế, nếu cần thiết kéo dài thì Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4, khóa XV vào tháng 10-2022.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ đầu năm 2022 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kết hợp dịch chuyển lao động, công nhân về quê… nên nhiều DN, nhà máy đang thiếu công nhân trầm trọng. Dự báo năm 2022, với việc các dự án tiếp tục được mở rộng quy mô và triển khai mới tại nhiều địa phương trên cả nước, nhu cầu sử dụng lao động có xu hướng tăng lên. Nhu cầu sử dụng lao động trong thời gian tới dự kiến tập trung ở các lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, du lịch, lao động thời vụ.

Giá vàng: Mở cửa giảm 300.000 đồng/lượng

Giá vàng ngày 11/3 tiếp tục sụt giảm sau khi hồi phục nhẹ vào cuối ngày trước đó.

Sáng 11/3, giá vàng miếng SJC được mua vào 68 triệu đồng/lượng và bán ra 69,5 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng ở chiều mua vào và giảm 100.000 đồng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Nhưng chênh lệch giữa giá mua và bán đã giảm xuống còn 1,5 triệu đồng/lượng thay vì lên đến 2,5 triệu đồng/lượng như sáng hôm qua. Ngược lại, vàng nhẫn 99,99 tại cửa hàng này được giữ nguyên giá mua vào là 55,2 triệu đồng/lượng và tăng 300.000 đồng ở chiều bán ra, lên mức 56,2 triệu đồng/lượng. Dù vàng nhẫn tăng nhưng vẫn đang thấp hơn vàng miếng 13,3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới tăng nhẹ trở lại lên 1.995 USD/ounce sau khi đi xuống dưới ngưỡng 1.900 USD/ounce trong ngày 10.3.

Thông tin nằm trong dự báo nhưng lạm phát của Mỹ cao nhất trong vòng 40 năm qua khiến các nhà đầu tư vẫn lo lắng và tìm đến tài sản an toàn là vàng khiến kim loại quý hồi phục trở lại.

TIN THẾ GIỚI

Kỳ vọng chính trị Hàn Quốc chuyển mình dưới thời tổng thống mới

AFP ngày 10/3 đưa tin ứng viên Yoon Suk-yeol (61 tuổi) của đảng Quyền lực Nhân dân đối lập đã được tuyên bố là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc với 48,56% phiếu bầu. Đối thủ của ông Yoon, ứng viên Lee Jae-myung của đảng Dân chủ cầm quyền, có kết quả sát nút với 47,83% số phiếu. Đây là một trong những kết quả bầu cử có cách biệt nhỏ nhất trong lịch sử Hàn Quốc.

Ông Yoon Suk-yeol phát biểu trong cuộc họp báo tại quốc hội Hàn Quốc ngày 10.3  Reuters

Ông Yoon Suk-yeol phát biểu trong cuộc họp báo tại quốc hội Hàn Quốc ngày 10/3. Ảnh: Reuters

Cuộc bầu cử diễn ra hôm 9.3 trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 mới của Hàn Quốc trong ngày tăng lên mức cao kỷ lục là 342.446. Tuy vậy, theo Reuters, hơn 77% trong tổng số 44 triệu cử tri đủ điều kiện ở Hàn Quốc đã đi bỏ phiếu để chọn ra nhà lãnh đạo tiếp theo của đất nước.

Theo Reuters, ông Yoon sẽ nhậm chức sau khi nhiệm kỳ của Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in kết thúc vào tháng 5.

 Đức: Tổng chi tiêu chính phủ tăng mạnh

 Theo số liệu do Văn phòng Thống kê Liên bang Đức công bố, tổng chi tiêu của Chính phủ Đức đã tăng gấp 4 lần trong giai đoạn từ năm 1991 đến năm 2021.  Trong đó, chi tiêu quốc phòng của Đức đã tăng 35,8%, lên 38,7 tỷ EUR (42,6 tỷ USD) giai đoạn này. Năm 2020, chi tiêu quốc phòng của Đức chiếm 2,2% tổng chi tiêu của chính phủ, thấp hơn mức trung bình của Liên minh châu Âu là 2,5%.

Chi tiêu của Chính phủ Đức tăng mạnh nhất trong lĩnh vực y tế, cao gấp hơn 3 lần so với năm 1991. Do đại dịch Covid-19, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe đặc biệt tăng mạnh trong năm 2020 và 2021. Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine, Chính phủ Đức đã công bố thành lập quỹ quốc phòng đặc biệt với số tiền lên tới 100 tỷ EUR được trích từ ngân sách liên bang năm 2022.

Qatar hưởng lợi từ giá khí đốt tăng

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, mức tăng trưởng GDP của Qatar có thể đạt 3,2% trong năm nay, khi nền kinh tế phục hồi nhờ nhu cầu trong nước được cải thiện và giá khí đốt cao hơn. Theo IMF, những biện pháp ứng phó mạnh mẽ của chính quyền Qatar đối với dịch Covid-19 đã giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và tạo điều kiện phục hồi nền kinh tế.

IMF cho rằng, tăng trưởng trong ngắn hạn của Qatar còn được thúc đẩy nhờ giá khí đốt tăng cao. Các dự án mở rộng nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cũng sẽ hỗ trợ cho triển vọng trung hạn của quốc gia vùng Vịnh này. Tuy nhiên, rủi ro đối với kinh tế Qatar có thể xuất phát từ những biến thể mới của virus SARS-CoV-2, căng thẳng và xung đột địa chính trị, điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt hơn và sự biến động của thị trường năng lượng.

Bình luận