Chờ...

Tin nóng trưa 29/4: Từ 21/5 có thể nộp "phạt nguội" nơi gần nhất

(VOH) - Từ 21/5/2022, người bị "phạt nguội" ở địa phương khác sẽ không cần phải quay lại nơi vi phạm giải quyết "phạt nguội".

Theo thông tư 15/2022, khi xác minh được người bị "phạt nguội" mà người đó không cư trú tại địa bàn cấp huyện nơi cơ quan công an đã phát hiện vi phạm thì kết quả "phạt nguội" sẽ được gửi về cho công an nơi người vi phạm cư trú để giải quyết và xử lý vi phạm.

Tin nóng trưa 29/4: Từ 21/5 có thể nộp
Ảnh minh họa: TTO

Kết quả thu thập được sẽ được gửi cho công an xã nếu lỗi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của trưởng công an cấp xã, và sẽ gửi cho công an huyện nếu cần theo quy định. Lúc này, cơ quan công an nơi người vi phạm cư trú sẽ mời người đó đến trụ sở để giải quyết vụ việc.

TPHCM: Người lao động mua hàng giá rẻ trong 'Tháng Công nhân'

Ngày 28/4, tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM, LĐLĐ quận 1 phối hợp cùng UBND, Ủy ban MTTQ quận khai mạc Ngày hội “Đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam” năm 2022.

Ngày hội diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/4 với hơn 80 gian hàng với đủ các sản phẩm từ gạo, đường, dầu ăn, rau củ đến hàng tiêu dùng (quần áo và các loại dụng cụ sinh hoạt gia đình); tất cả đều giảm giá từ 10% - 50%. Ban tổ chức đã hỗ trợ 10.000 phiếu mua hàng (100.000 đồng/phiếu) cho đoàn viên, người lao động, người dân trên địa bàn đến mua sắm.

LĐLĐ quận Bình Thạnh cũng đã phối hợp cùng các doanh nghiệp tổ chức chương trình "Phiên chợ nghĩa tình", bày bán các mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng chất lượng tốt, giá ưu đãi từ 5- 30% cho đoàn viên - lao động trên địa bàn quận; đồng thời tặng 3.000 phiếu mua hàng miễn phí cho người lao động trên địa bàn. Cũng trong ngày 28/4, LĐLĐ TPHCM đã tổ chức buổi họp mặt, trao quà cho 61 công nhân bị tai nạn lao động có tỉ lệ thương tật từ 51% trở lên

Các điểm du lịch đã sẵn sàng dịp nghỉ lễ

Nhiều điểm đến đã lên kịch bản đón khách dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, kể cả trong điều kiện thời tiết dự báo không thuận lợi. Nhiều doanh nghiệp còn tung nhiều chương trình giảm giá từ 10-25%, ưu đãi hấp dẫn.

Phú Quốc là điểm du lịch nổi tiếng nên địa phương thường xuyên quan tâm, phân luồng giao thông, tăng cường an ninh trật tự trong những ngày nghỉ lễ. Chuẩn bị đến hè, Phú Quốc sẽ vào mùa mưa nên địa phương luôn cảnh báo cho các điểm vui chơi, du lịch lưu ý, quan tâm và cẩn thận đưa đón để nhằm đảm bảo an toàn tốt nhất cho du khách.

Các điểm du lịch đã sẵn sàng dịp nghỉ lễ
Ảnh: TTO

Còn ở Cần Thơ, tại làng du lịch sinh thái Ông Đề (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) thay vì khách di chuyển bằng xe điện từ ngã tư rạch Ông Đề vào làng du lịch, dịp lễ 30-4 này khách du lịch sẽ được trải nghiệm bằng xe ngựa.

Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cũng chia sẻ du khách khi đến Khánh Hòa dịp lễ năm nay nên theo dõi tình hình thời tiết, mang theo sẵn áo mưa, dù... Nếu mưa lớn nên thay đổi hành trình chuyển sang tham quan các điểm đến trong nhà như Tháp Bà, Bảo tàng Hải dương học, làng nghề Trường Sơn... Khi mưa ngớt có thể tham quan, vui chơi ở các điểm ngoài trời, không nên tắm biển nếu sóng lớn.

Phú Thọ: Mất thị lực sau tiêm filler làm đầy rãnh má

Ngày 29/4, bệnh viện đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) mới tiếp nhận nữ bệnh nhân đến cấp cứu trong tình trạng mắt phải mi nề, sụp mi, kết mạc cương tụ, mờ thị trường phía trước, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn sau khi tiêm filler làm đầy rãnh má tại tiệm tóc.

Bệnh nhân cho biết sau khi tiêm filler xong đột ngột mắt phải mờ dần và không nhìn rõ. Sau khi thăm khám, bệnh nhân được chấn đoán theo dõi tắc động mạch mắt phải. Gia đình đã xin chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị.

Các bác sĩ cho biết, biến chứng tắc mạch mắt là biến chứng nặng nề nhất của tiêm filler. Ngoài gây mù mắt, mất/giảm thị lực, còn đe dọa tắc các động mạch nuôi da, cơ thần kinh quanh ổ mắt, tắc mạch máu não thậm chí gây tử vong. Các bác sĩ cảnh báo: Tiêm filler tại các cơ sở cắt tóc, gội đầu, nhà riêng bởi những người không có chuyên môn rất nguy hiểm, dẫn đến những hậu quả khó lường.

Phòng chống nhiều loại dịch bệnh trong mùa Hè

Bộ Y tế vừa có công văn gửi giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Hè năm 2022. Theo Bộ Y tế, hàng năm vào thời điểm mùa Hè, thời tiết nóng ẩm tại khu vực miền Bắc và bắt đầu mùa mưa tại khu vực miền Trung, miền Nam, sự giao lưu đi lại của người dân cao trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh chưa tốt... là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển.

Bên cạnh đó, hiện nay trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên đã quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ do dịch COVID-19, nguy cơ dịch bùng phát và lây lan dịch bệnh trong trường học là hiện hữu nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống trước mùa dịch.

Bộ Y tế yêu cầu giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo các cấp, huy động các Ban, ngành, tổ chức, chính trị-xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh tay chân miệng, sởi, cúm, tiêu chảy do virus Rota, sốt xuất huyết, viêm não... và các dịch bệnh mùa Hè khác trên địa bản.

Miền Nam mưa dông liên tục 4 ngày dịp lễ 30/4 – 1/5

Sáng 29/4, bầu trời TPHCM xám xịt, mưa xuất hiện kèm gió thổi mạnh tại nhiều quận, TP Thủ Đức. Theo quan sát trên đài radar lúc 6h, khối mây dông ban đầu phát triển tại các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai. Vùng mây sau vài giờ lan rộng và gây mưa tại Củ Chi, Hóc Môn rồi lan rộng vào các quận nội thành TPHCM.

Lượng mưa phổ biến 10-20 mm, cục bộ có nơi mưa trên 20 mm. Cơ quan khí tượng cảnh báo trong cơn dông, người dân cần đề phòng xảy ra lốc, sét, mưa lớn cục bộ và gió giật mạnh.

Tin nóng trưa 29/4: Từ 21/5 có thể nộp
Ảnh minh họa: TTO

Trong 4 ngày nghỉ lễ, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ dự báo TPHCM và các tỉnh, thành phố khác mưa dông liên tục, 27-33 độ C, nắng gián đoạn vào ban ngày và mưa tập trung về chiều tối. Riêng ngày 3/5, mưa lớn có thể xuất hiện và kéo dài. Người dân có kế hoạch du lịch, hoặc di chuyển xa trong thời điểm nghỉ lễ cần lưu ý chuẩn bị áo mưa và vật dụng cần thiết để đảm bảo an toàn suốt hành trình.

TIN THẾ GIỚI

Hy Lạp đối mặt với tình trạng khẩn cấp du lịch

Những chủ khách sạn trên khắp Hy Lạp đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực một cách trầm trọng sau hai năm đại dịch buộc những người làm việc trong ngành phục vụ và du lịch đi tìm công việc khác. Ngành du lịch Hy Lạp, đóng góp 1/4 cho thu nhập quốc gia, phụ thuộc phần lớn vào lực lượng lao động nước ngoài làm các công việc như bồi bàn, nhân viên vệ sinh và đầu bếp.

Tình trạng thiếu nhân lực có nguy cơ cản trở mọi nỗ lực khôi phục ngành du lịch, đặc biệt là khi chính phủ Hy Lạp quyết định mở cửa vào tháng 3, sớm hơn hai tháng so với năm 2021. Hồi tháng 2, chính phủ dỡ bỏ quy định xét nghiệm bắt buộc đối với những du khách có chứng chỉ tiêm chủng của châu Âu. Thẻ thông hành vaccine cũng không còn áp dụng đối với nhà hàng, quán bar và các cửa hàng từ ngày 1/5, trong khi quy định đeo khẩu trang trong nhà cũng sẽ được dỡ bỏ từ ngày 1/6.

Hàn Quốc lo sợ văn hóa ăn nhậu sau giờ làm quay trở lại

Khi Hàn Quốc tuyên bố dỡ bỏ hầu hết các quy định hạn chế phòng dịch COVID-19 trong tháng này, nhiều người cảm thấy lo lắng thay vì hạnh phúc. Quyết định chấm dứt giãn cách xã hội có thể khiến văn hóa đi ăn nhậu sau giờ làm của dân công sở - tiếng Hàn là “hoeshik” – quay trở lại.

Cảnh thường thấy sau ngày làm việc ở Hàn Quốc - Ảnh: NYT
Cảnh thường thấy sau ngày làm việc ở Hàn Quốc - Ảnh: NYT

Từ tuần trước, Hàn Quốc đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm trước nửa đêm đối với quán bar, nhà hàng cũng như quy định giới hạn các nhóm cá nhân dưới 10 người. Trước đó, với những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt từ chính quyền, các công ty áp dụng chính sách làm việc từ xa và hạn chế các cuộc tụ tập không cần thiết, như là ăn nhậu sau giờ làm. Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, ngày càng nhiều người Hàn Quốc, đặc biệt là những nhân viên trẻ tuổi, tỏ ra ngán ngẩm với những cuộc nhậu sau giờ làm của công ty hay các sự kiện tương tự.

Bắc Kinh áp dụng 'Không COVID linh hoạt' để khống chế dịch

Hai thành phố lớn Bắc Kinh và Hàng Châu – nơi đặt trụ sở của nhiều công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc – đã bắt đầu thực hiện cách tiếp cận của Thâm Quyến đối với chính sách “Không COVID linh hoạt”, bằng cách yêu cầu người dân xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong trường hợp họ muốn sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc vào một số tụ điểm nhất định.

Tại Thâm Quyến, hàng nghìn quầy xét nghiệm COVID-19 đã được lắp đặt để phục vụ xét nghiệm nhanh và miễn phí. Người dân bắt buộc phải xuất trình kết quả âm tính trong vòng 72 giờ để lên tàu điện ngầm hoặc xe buýt của thành phố. Không giống trường hợp của Thượng Hải, Thâm Quyến - thủ phủ công nghệ phía Nam của Trung Quốc – kiểm soát thành công đợt dịch do biến thể Omicron gây ra chỉ trong 1 tuần áp đặt lệnh phong tỏa.

COVID-19 làm giảm tuổi thọ trung bình của người châu Âu

Tuổi thọ trung bình của người châu Âu năm 2020 là 80,4 tuổi, giảm 0,9 năm so với năm 2019. Cơ quan thống kê châu Âu đánh giá, sự suy giảm này có liên quan đến sự gia tăng đột biến về tỷ lệ tử vong do đại dịch COVID-19.

Cụ thể, tuổi thọ trung bình của nữ (83,2 tuổi) năm 2020 cao hơn nam (77,5 tuổi). Sự suy giảm tuổi thọ ở nam giới (-1 tuổi) rõ rệt hơn so với nữ giới (-0,8 tuổi).

Ở Bỉ, tuổi thọ trung bình của dân số là 80,8 tuổi vào năm 2020, ít hơn một năm so với năm 2019. Tương xu hướng chung của châu Âu, sự sụt giảm tuổi thọ trung bình tại Bỉ do COVID-19 ở nam giới rõ rệt hơn ở nữ giới.

Cảnh báo tình trạng buôn bán động thực vật trái phép ở Mỹ Latinh

Liên hợp quốc mới đây cảnh báo Mỹ Latinh giống như một chiếc “hộp đen” chứa dữ liệu về nạn buôn bán động thực vật trái phép. Việc thiếu thông tin chính thức về vấn nạn này gây khó khăn cho công tác thống kê, điều tra và bảo vệ các loài sinh vật bị buôn bán bất hợp pháp ở khu vực.

Trong giai đoạn 1990-2019, các cơ quan chức năng đã thu giữ gần 6.000 loài, bao gồm động vật có vú, bò sát, san hô, chim và cá, đồng thời xác định các nghi phạm với tổng cộng 150 quốc tịch.

Trước tình hình hiện nay, LHQ kêu gọi các quốc gia trong khu vực nỗ lực nâng cao năng lực thực thi pháp luật để ngăn chặn hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã và tăng cường chia sẻ thông tin về các vụ thu giữ. Ngoài ra, cần đẩy mạnh nghiên cứu thực địa để xác định các loài chủ yếu bị buôn bán bất hợp pháp. Một ví dụ điển hình là loài báo đốm, trong những năm gần đây nạn buôn lậu loài động vật quý hiếm này đã thu hút sự quan tâm đáng kể, nhưng vẫn khó xác định quy mô của hoạt động này do dữ liệu ít ỏi.

*Nội dung được phát sóng trong  “Nhịp Sống Sài Gòn”  kênh Giao Thông Đô Thị - VOH FM 95.6MHz

Tổng đài giao thông: 028.3822.1188

Fanpage: https://www.facebook.com/Nhip.song.Sai.Gon.95.6Mhz/

 

Bình luận