Chờ...

Tin nóng trưa 9/12/2021: TP.HCM sẽ tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 từ 10/12

(VOH) - TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai tiêm mũi 3 vắc xin ngừa COVID-19 kể từ ngày mai 10/12.

TIN TRONG NƯỚC

TP.HCM: Tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 từ 10/12

Bà Dương Thị Hồng, trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết trước mắt sẽ tiêm cho nhóm có nguy cơ, lực lượng tuyến đầu, tiến tới tiêm mũi 3 cho toàn dân.

Sau mũi bổ sung cho nhóm nguy cơ cao, bà Hồng cho biết sẽ triển khai tiêm mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu, ở thời điểm đủ 6 tháng kể từ khi tiêm đủ 2 mũi, sau đó là triển khai tiêm mũi 3 cho toàn dân. Theo kế hoạch của Bộ Y tế, trong 2 quý đầu năm 2022 sẽ tiêm đủ mũi 3 cho toàn dân và hiện các nguồn vắc xin đã và đang được chuẩn bị. Toàn bộ sẽ là vắc xin công nghệ mNRA và virus vector (Pfizer, Moderna và AstraZeneca...).

Tin tổng hợp trưa 9/12/2021: TP.HCM sẽ tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 từ 10/12 1
Một điểm tiêm vắc-xin cho học sinh. Ảnh minh họa: TTO

TP.HCM: tổ chức trạm y tế theo số dân

Hôm qua (8/12), ngày làm việc thứ hai kỳ họp thứ 4, HĐND TP.HCM khóa X tập trung chất vấn Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cùng giám đốc hai sở Y tế và Kế hoạch - đầu tư.

Về củng cố y tế cơ sở, ông Mãi cho hay Bộ Y tế đã thống nhất cho TP.HCM lập đề án thí điểm tổ chức trạm y tế theo quy mô dân số. Việc này giúp giải quyết hạn chế về biên chế nhân viên y tế hiện không đáp ứng được yêu cầu chống dịch. Theo ông Mãi, nếu đề án triển khai, ngoài trạm y tế cơ hữu, TP sẽ huy động các đơn vị tư nhân, lực lượng nhân viên y tế nghỉ hưu... để đảm bảo vận hành ngay các trạm y tế lưu động. Các xã, phường có dân số đông có thể có nhiều trạm y tế lưu động để đáp ứng công tác chống dịch.

Về thu hút nhân sự cho các trạm y tế, giám đốc Sở Y tế TP Tăng Chí Thượng cho biết ngành y tế TP đang kiến nghị cơ chế cho sinh viên ngành y vừa tốt nghiệp về thực hành tại trạm y tế phường, xã trong 12 tháng và 6 tháng còn lại thực hành ở bệnh viện. Cơ chế này khác với quy định hiện nay buộc sinh viên ngành y tốt nghiệp phải thực tập 18 tháng tại các bệnh viện tuyến TP hoặc quận, huyện mới được xét cấp chứng chỉ hành nghề.

Tin tổng hợp trưa 9/12/2021: TP.HCM sẽ tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 từ 10/12 2
Ảnh minh họa: VOH 

TP.HCM: phê duyệt dự án làm đường kết nối nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất

UBND TP.HCM vừa có quyết định phê duyệt dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa (quận Tân Bình). Tổng vốn đầu tư dự án hơn 4.848 tỉ đồng từ vốn ngân sách TP, tiến độ thực hiện từ năm 2021 đến 2024.

Tuyến đường hình thành sẽ kết nối nhà ga hành khách T3, cải thiện tình trạng giao thông khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất. Theo phương án thiết kế, dự án có chiều dài hơn 4km, điểm đầu giao đường Trần Quốc Hoàn - đường Phan Thúc Duyện; điểm cuối tuyến giao đường C12 - Cộng Hòa - Trường Chinh. Vận tốc thiết kế đạt 50km/h, quy mô 6-8 làn xe. 

Đoạn trước nhà ga T3 sẽ xây dựng cầu cạn với chiều dài gần 1km có 4 làn xe. Dọc tuyến có 2 hầm chui tại nút giao Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn và nút giao đường Trường Chinh -Tân Kỳ Tân Quý.

Tây Ninh: Cần Bộ Y tế chi viện vì F0 tăng cao

Số ca COVID-19 ở Tây Ninh đang tăng bất thường kéo theo số người tử vong tăng cao, số ca mắc tính trên số dân cũng rất cao. Trước tình hình đó, Tây Ninh đề nghị Bộ Y tế chi viện 100 bác sĩ, trong đó có 20 bác sĩ hồi sức cấp cứu, 250 điều dưỡng và 10 kỹ thuật viên X-quang. Lực lượng này Tây Ninh sẽ bố trí tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện dã chiến tầng 2, tầng 3.

Ngoài ra, Tây Ninh cũng đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thêm một số thuốc hướng tâm thần, kháng sinh, chống đông, chống nấm cùng 20 máy thở chức năng cao, 50 máy thở dòng cao HFNC, 1.000 máy SpO2, 3 máy siêu âm chẩn đoán, 100 monitor theo dõi bệnh nhân, 400.000 bộ xét nghiệm nhanh và kháng nguyên...

Bộ trưởng Bộ Y tế vừa điều động Bệnh viện E vào hỗ trợ Tây Ninh, đoàn y bác sĩ của Hải Phòng cũng đã có mặt để hỗ trợ điều trị. Tuy nhiên, với số lượng bệnh nhân mới như những ngày gần đây, Tây Ninh có thể sẽ rất khó khăn trong một vài tuần tới.

Quảng Ninh: Dự kiến giảm hơn 2.400 người hưởng lương ngân sách

Dự kiến trong giai đoạn 2020 - 2025, Quảng Ninh sẽ giảm 10% biên chế, tương đương  khoảng 2.450 người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và đơn vị sự nghiệp. Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, ông Vũ Quyết Tiến, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ninh, cho biết, trong giai đoạn 2020 - 2025 địa phương dự kiến giảm 10 % biên chế, tương đương với việc cần giảm khoảng 2.450 người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Để thực hiện giảm số lượng lớn lao động trong các cơ quan nhà nước nói trên, Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch và dự kiến sẽ giảm 181 người (chiếm trên 13%) ở những đơn vị sự nghiệp khác (ngoài y tế, giáo dục) sẽ giảm 181 người. Đối với đơn vị giáo dục, hiện chiếm tỷ trọng lớn, dự kiến sẽ giảm 2.000 trường hợp, do 10 năm qua, ngành giáo dục gần như chưa giảm trường hợp nào.

Thời tiết: Không khí lạnh tăng cường, miền Bắc mưa rét

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường lệch Đông nên Bắc Bộ trời chuyển nhiều mây, có mưa vài nơi, riêng vùng đồng bằng và ven biển gần sáng và sáng nay 9/12 có mưa nhỏ rải rác. Khu vực Thanh Hoá đến Khánh Hoà kết hợp với hoạt động của trường gió Đông trên cao nên có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to hết ngày 9/12.

Từ hôm nay 9/12, Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời rét với nền nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến 13-16 độ C, vùng núi cao dưới 10 độ C; khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế 16-18 độ C.

Từ Quảng Trị đến Cà Mau, khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa), vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây của quần đảo Trường Sa) gió Đông Bắc tiếp tục mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh, sóng biển cao từ 2-5 m.

TIN THẾ GIỚI

Trung Quốc: Cấp phép thuốc kháng thể trị Covid-19 đầu tiên

Cục Quản lý dược phẩm quốc gia Trung Quốc vừa cấp phép sử dụng hỗn hợp kháng thể BRII-196/BRII-198 của hãng Brii Biosciences (Trung Quốc) để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở tuổi thiếu niên và trưởng thành.

Đây là loại thuốc kháng thể trị Covid-19 đầu tiên được cấp phép tại Trung Quốc. Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cho thấy hỗn hợp kháng thể này giúp giảm 78% tỷ lệ nhập viện và tử vong ở bệnh nhân Covid-19 ngoại trú có nguy cơ cao bị bệnh nặng.

Brii BioSciences cũng đã nộp hồ sơ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp cho loại thuốc trên tại Mỹ, nơi các sản phẩm tương tự của các hãng như Regeneron và Eli Lilly đã được cấp phép.

Mỹ: Cấp phép có điều kiện với thuốc kháng thể chống COVID-19 của AstraZeneca

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng loại thuốc kháng thể chống COVID-19 dạng tiêm của AstraZeneca có tên là Evusheld, cho người có hệ miễn dịch yếu hoặc tiền sử mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng do vắc xin COVID-19.

Đây là bước tiến quan trọng của AstraZeneca do vắc xin COVID-19 của hãng này vẫn chưa được cơ quan chức năng Mỹ chấp thuận. Tháng trước, AstraZeneca đã đồng ý cung cấp cho Mỹ 700.000 liều Evusheld.

Tuy nhiên, FDA nói thêm rằng phòng ngừa phơi nhiễm với thuốc Evusheld không thay thế việc tiêm chủng ở những đối tượng đủ điều kiện tiêm.

Áo: Dỡ bỏ lệnh phong tỏa

Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho biết, sẽ kết thúc đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ tư do dịch Covid-19 ở nước này vào ngày 12/12 tới.

Theo đó, một số biện pháp phòng dịch Covid-19 như đeo khẩu trang trên các phương tiện đi lại công cộng hoặc bên trong các cửa hàng hay không gian công cộng, sẽ vẫn giữ nguyên đối với những người đã được tiêm chủng hoặc vừa khỏi bệnh. Bên cạnh đó, dịch vụ nhà hàng sẽ đóng cửa vào lúc 23h đêm, và số người tham gia các sự kiện văn hóa sẽ được giới hạn. 

Hiện tỷ lệ người dân Áo tiêm phòng Covid-19 thấp nhất trong các quốc gia Tây Âu, với khoảng 67,7% người dân được nhận đủ liều vắc xin.

Pháp: Cảnh báo làn sóng dịch chưa chạm đỉnh

Phát ngôn viên Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ năm tấn công nước Pháp vẫn chưa chạm đỉnh, thể hiện qua số ca nhiễm chưa chạm đỉnh, và dịch bệnh vẫn tiếp tục ‘chiếm ưu thế’”, nói với báo Channel News Asia hôm 8/12.

Thời gian gần đây, Pháp đã công bố một loạt biện pháp phòng dịch mới, nhằm kiềm chế tốc độ lây lan của biến thể Delta, bao gồm việc đóng cửa các câu lạc bộ đêm cũng như thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội. Pháp hy vọng chiến dịch khuyến khích công dân trên 18 tuổi nhận mũi tiêm tăng cường sẽ diễn ra “càng nhanh, càng tốt”, để tránh phải áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn.

Bình luận