Chờ...

Tin tổng hợp 16/11: Nhiều người dân TPHCM vẫn lơ là các biện pháp phòng dịch dù ca nhiễm còn cao

Bất chấp những cảnh báo liên tục từ các cơ quan chức năng, nhiều người dân vẫn lơ là các biện pháp phòng dịch.

TIN TRONG NƯỚC

TP.HCM: Bàn giao tro cốt hơn 17.000 người mất vì COVID-19

Tối 15/11, thượng tá Nguyễn Thanh Phong - chủ nhiệm chính trị Bộ tư lệnh TPHCM - cho biết từ ngày 1/1 đến nay có 17.202 người mất vì COVID-19 được ghi nhận tại TP. Bộ tư lệnh đã lo hậu sự và bàn giao tro cốt cho người thân.

Theo thượng tá Phong, những trường hợp người mất có người thân, gia đình tại TPHCM, Bộ tư lệnh TP cùng ban chỉ huy quân sự các quận, huyện và TP Thủ Đức phối hợp với chính quyền địa phương bàn giao tro cốt tận nhà. Những trường hợp người mất ở các tỉnh thành, Bộ tư lệnh TPHCM bàn giao tro cốt cho các tổ công tác của các quân khu phụ trách để trao đến tận nhà người thân, gia đình.

Ngoài hơn 17.000 trường hợp được ghi nhận, còn có nhiều trường hợp mất trong cộng đồng cũng được Bộ tư lệnh phối hợp với các cơ quan, đoàn thể hỗ trợ hỏa táng. "Hiện tại vẫn còn một số phần tro cốt của người dân các tỉnh vào TP.HCM làm việc và sinh sống không may qua đời vì dịch bệnh. Trong tuần tới chúng tôi sẽ tổ chức bàn giao về cho người thân của người mất", thượng tá Phong nói.

Người dân vẫn lơ là dù số ca mắc COVID-19 tăng cao trở lại

Trong những ngày qua, dịch COVID-19 có xu hướng diễn biến phức tạp hơn tại nhiều tỉnh thành phía Nam, trong đó có TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo liên tục từ các cơ quan chức năng, nhiều người dân vẫn lơ là các biện pháp phòng dịch.

Sau nới lỏng giãn cách một thời gian, tình trạng người dân vẫn đến những nơi đông người, vẫn vô tư ăn uống trò chuyện trong khi khoảng cách, khẩu trang đều không đảm bảo, đã diễn ra tại nhiều nơi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Bản tin tổng hợp ngày 16/11: Người dân vẫn lơ là dù số ca mắc COVID-19 tăng cao trở lại 1
Ảnh minh họa - Nguồn: QĐND

Gần đây, TP Hồ Chí Minh đã phải tái kích hoạt mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, cùng hàng chục trạm y tế lưu động, TP Thủ Đức phải huy động hàng ngàn người chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, vẫn không khó để bắt gặp cảnh người giao hàng chen chúc lấy hàng, người dân tụ tập nơi công cộng. Do vậy, nhiều địa phương đã triển khai các biện pháp siết chặt lại công tác phòng chống dịch.

Cũng đối mặt với tình hình diễn biến phức tạp, các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long cũng tăng cường công tác kiểm tra xử phạt các hoạt động vi phạm quy định phòng chống dịch. Như thời gian qua tại Cần Thơ, lực lượng chức năng quận Ninh Kiều từ 14/8 đến nay đã lập biên bản nhắc nhở, xử phạt số tiền trên 135 triệu đồng.

Số ca mắc COVID-19 ở miền Tây cao, ca tử vong thấp

Do được tiêm vắc xin nhanh và kịp thời phát hiện ca mắc COVID-19 nên dù số ca nhiễm rất cao, nhưng tỉ lệ tử vong của bệnh nhân COVID-19 ở miền Tây rất thấp.

# Tại Sóc Trăng, tuy số ca mắc những ngày gần đây tăng, nhưng số ca tử vong ở Sóc Trăng khá thấp, có ngày không ghi nhận ca nào. Hiện Sóc Trăng có 60 ca tử vong, chiếm tỉ lệ 0,75%. Theo phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, nhờ thực hiện các giải pháp quyết liệt công tác dịch tễ nên kịp thời phát hiện ca mắc, khâu điều trị nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên điều đáng lo, khi nhận ra số ca tử vong thấp, nhiều người tỏ ra chủ quan, lơ là. 

# Tại Đồng Tháp, tính đến ngày 15/11, toàn tỉnh ghi nhận 13.425 trường hợp dương tính COVID-19. Đến nay, Đồng Tháp có 231 ca tử vong vì dịch COVID-19, chiếm tỉ lệ 1,72%. Tỉ lệ này rất thấp so với mặt bằng chung cả nước. Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhận định: "Ban đầu dịch bùng phát mạnh ở Đồng Tháp nên có lúc tỉ lệ tử vong gần 2,5% trường hợp mắc. Lúc này tỉ lệ vắc xin rất ít. Sau đó, chúng tôi đẩy mạnh tốc độ tiêm vắc xin cho người dân nên số trường hợp mắc bị tử vong đã giảm mạnh. Đến nay chỉ còn hơn 1,7% thôi. Vì khi người dân được tiêm vắc xin sẽ hạn chế lây nhiễm hoặc nếu có bị nhiễm thì số người có triệu chứng nặng sẽ rất ít nên tỉ lệ tử vong sẽ thấp".

# Tại TP Cần Thơ, Sở Y tế TP cho hay tính đến nay TP có 12.515 ca mắc COVID-19, số trường hợp tử vong là 129 ca. Tính trung bình tỉ lệ tử vong trên số ca mắc là 1,03%, đa số là các trường hợp trên 50 tuổi, có bệnh lý nền. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đã chuyển đổi công năng điều trị bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện đang tiếp nhận điều trị cho gần 500 bệnh nhân, trong đó số bệnh nhân ở tầng 2 (trung bình) chiếm khoảng 40%, bệnh nhân nặng ở tầng 3 chiếm 9-10%, còn lại là bệnh nhẹ có thể chuyển cho điều trị ở bệnh viện dã chiến hoặc tại nhà.

Hiện nay tỉ lệ tiêm vắc xin mũi 1 của nhiều tỉnh miền Tây đều trên 80%, nhiều địa phương trên 95%, còn mũi 2 đa phần đều ở mức trên 40% dân số trên 18 tuổi.

Hà Nội: 1 trụ sở phường tạm dừng hoạt động

Ngày 15/11, UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) đã ban hành thông báo về việc tạm thời dừng hoạt động tại trụ sở để phòng, chống dịch COVID-19. 

Bản tin tổng hợp ngày 16/11: Người dân vẫn lơ là dù số ca mắc COVID-19 tăng cao trở lại 2
Trụ sở Đảng ủy - UBND phường Hoàng Liệt đang tạm thời bị phong tỏa. Ảnh: HNM

Trước đó, trong ngày 14/11, UBND phường Hoàng Liệt nhận được thông tin 1 cán bộ văn phòng UBND phường Hoàng Liệt (đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19) mắc COVID-19. Qua công tác điều tra dịch tễ đã xác định 11 trường hợp F1. 

UBND phường Hoàng Liệt cũng đã ban hành thông báo tìm người có tiếp xúc với cán bộ kể trên. Theo đó, toàn bộ những ai tiếp xúc gần/trực tiếp với F0 và 11 F1 từ ngày 10/11 đến ngày 14/11 phải tự cách ly tại nhà, đồng thời nhanh chóng liên hệ, khai báo thông tin với trạm y tế địa phương hoặc cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và tư vấn.

Đà Nẵng: Học sinh lớp 12 được đến trường từ 22/11

Chiều 15/11, TP Đà Nẵng thống nhất đề xuất của Sở Giáo dục và đào tạo về việc tổ chức dạy, học trực tiếp trên địa bàn từ ngày 22/11 cho khối 12; khối lớp 10 và 11 từ ngày 29/11.

Tuy nhiên, việc đi học lại chỉ triển khai tại các địa phương vùng dịch cấp độ 1 và 2, nguy cơ thấp và nguy cơ trung bình. Học sinh vùng cấp độ 3, học sinh thuộc diện cách ly y tế tập trung thì học trực tuyến.

Học sinh các khối lớp 8, 9 dự kiến sẽ đến trường sau khi các em được tiêm mũi 1 vắc xin phòng COVID-19 đủ 14 ngày. Với các khối lớp còn lại, nếu tình hình dịch bệnh ổn định, sẽ có kế hoạch cụ thể.

Khánh Hòa: Vũ trường, karaoke, massage… được hoạt động lại từ hôm nay

Tối 15/11, tỉnh Khánh Hòa ra thông báo các cơ sở kinh doanh dịch vụ bar, pub, vũ trường, karaoke, phòng trà ca nhạc, massage, trò chơi điện tử... được hoạt động lại từ ngày 16-11, nhưng không quá 50% công suất, chỉ cho người có thẻ xanh và thẻ vàng COVID-19 tham gia; bắt buộc triển khai mã QR, quy tắc 5K. Tỉnh cũng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động… hạn chế tối đa việc di chuyển đến địa bàn, khu vực có dịch ở cấp độ 3 và 4.

Bên cạnh đó, sắp tới tỉnh Khánh Hòa sẽ thí điểm đón khách quốc tế đến theo 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1, từ tháng 11 này đến 31/12/2021, sẽ đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế. Khách sẽ được lưu trú, nghỉ dưỡng tại các khu nghỉ dưỡng và đi tham quan theo tour khép kín.

Giai đoạn 2, từ ngày 1/1/2022 đến 31/3/2022, phạm vi đón khách sẽ được mở rộng, khách đến bằng các chuyến bay thuê bao và chuyến bay quốc tế thường lệ. Du khách có thể tham gia các chương trình du lịch kết hợp các điểm đến tại Khánh Hòa và các địa phương được đón khách quốc tế.

Giai đoạn 3, từ tháng 4/2022, căn cứ tình hình dịch bệnh và kết quả của 2 giai đoạn đầu, tỉnh sẽ mở rộng phạm vi ra toàn bộ khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn.

Bắc Giang gỡ cách ly y tế huyện Yên Thế từ sáng nay 16/11

Tối 15/11, tỉnh Bắc Giang quyết định gỡ bỏ vùng phong tỏa, cách ly y tế toàn bộ huyện Yên Thế từ 6h sáng nay 16/11. Huyện Yên Thế có số dân trên 100.000 người.

Trước đó, ngày 6/11, tỉnh Bắc Giang quyết định thiết lập vùng phong tỏa, cách ly y tế toàn bộ huyện Yên Thế để phòng chống dịch COVID-19. Theo Sở Y tế Bắc Giang, huyện Yên Thế vẫn còn thị trấn Bố Hạ ở cấp độ 4, các xã Đông Sơn, Hương Vĩ và Tân Sỏi ở cấp độ 3.

Thông tin từ tỉnh Bắc Giang cho biết người dân ở địa phương (cấp xã) có dịch cấp độ 1 (vùng xanh) và 2 (vùng vàng) tại Bắc Giang được tổ chức đám cưới với quy mô gọn nhẹ từ ngày 15/11.

Phú Thọ cơ bản kiểm soát dịch COVID-19

Tới thời điểm hiện tại, tỉnh Phú Thọ đã và đang kiểm soát tốt tình hình các điểm dịch và hạn chế tối đa nguy cơ lây lan. Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có 12 huyện thị, thành phố đã giảm cấp độ dịch về mức nguy cơ trung bình; đồng thời trên địa bàn tỉnh cũng giữ được vùng xanh, vùng an toàn là huyện Hạ Hòa.

Từ giữa tháng 10 tới nay, tỉnh Phú Thọ ghi nhận gần 1.400 ca mắc nhưng đã có hơn 700 bệnh nhân điều trị khỏi. Cộng với việc số ca mắc trong cộng đồng giảm mạnh, tỉnh Phú Thọ đang chuẩn bị ngưng hoạt động các bệnh viện dã chiến.

Do kiểm soát được các điểm dịch, kể từ ngày hôm qua 15/11, các điểm kinh doanh ăn uống tại Phú Thọ đã được mở lại. Hầu hết học sinh trên địa bàn tỉnh cũng đã được đi học trở lại sau 1 tháng nghỉ để phòng dịch.

Nhấn vào bên dưới để nghe:

TIN THẾ GIỚI

Dịch bệnh tại các nước Châu Âu rất đáng lo ngại

Tính đến sáng 16/11, thế giới đã ghi nhận 254 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có 5,11 triệu trường hợp tử vong.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với hơn 783.500 ca tử vong trong tổng số 47,91 triệu ca mắc. Tiếp đó là Ấn Độ với hơn 463.600 ca tử vong trong số 34,44 triệu ca mắc. Brazil đứng thứ ba với 611.300 ca tử vong trong số 21,95 triệu ca mắc.

Châu Âu hiện là điểm nóng của dịch COVID-19 trên thế giới khi số ca mắc COVID-19 mới trong 7 ngày qua đã tăng 13% (1,93 triệu ca). Theo đánh giá của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu, trong số 27 nước thành viên EU thì Bỉ, Ba Lan, Hà Lan, Bulgaria, Croatia, CH Séc, Estonia, Hy Lạp, Hungary và Slovenia nằm trong danh sách "rất đáng lo ngại". Các quốc gia khác được xếp vào loại "đáng lo ngại" là Đức, Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Ireland, Latvia, Litva, Luxembourg, Romania và Slovakia. Phần lớn các quốc gia nhằm trong nhóm đáng báo động nằm ở Trung, Đông và Bắc Âu, trong khi các nước Tây Âu và ven Địa Trung Hải dường như chịu ảnh hưởng nhẹ hơn.

Các nước châu Âu tái áp đặt các biện pháp phòng dịch

Pháp hôm qua bổ sung các quy định kiểm tra y tế tại biên giới, kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch để tránh 1 đợt phong tỏa mới. Du khách từ 12 tuổi trở lên nhập cảnh từ Bỉ nếu chưa tiêm vaccine sẽ phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính trong 24 tiếng.

Ngoài Bỉ, Pháp cũng áp dụng quy định y tế này đối với các nước châu Âu khác bao gồm Đức, Áo, Hy Lạp, Hungary, Ireland, Hà Lan và CH Czech. Pháp ghi nhận gần 12.500 trường hợp mới mắc COVID-19.

Đức đang soạn thảo dự luật gồm nhiều biện pháp, trong đó có yêu cầu người lao động làm việc tại nhà trong nỗ lực khống chế làn sóng dịch COVID-19 mạnh nhất từ đầu dịch đến nay.

Theo dự luật mới, các chủ lao động tại Đức buộc phải có phương án làm việc tại nhà cho nhân viên. Trường hợp phải đến công sở làm việc, nhân viên phải có chứng nhận tiêm vaccine hoặc kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Bản tin tổng hợp ngày 16/11: Người dân vẫn lơ là dù số ca mắc COVID-19 tăng cao trở lại 3
Người dân Đức tuân thủ các biện pháp phòng dịch nơi công cộng. Ảnh:  AP

Áo hôm nay bắt đầu áp dụng phong tỏa toàn quốc đối với những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc người mới khỏi bệnh. Theo đó, những người trên 12 tuổi chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc mới khỏi bệnh gần đây sẽ không được ra khỏi nhà, ngoại trừ đi mua đồ thiết yếu, tập thể dục hoặc có các lý do về y tế.

Cũng từ hôm nay, Vienna sẽ trở thành khu vực đầu tiên trong EU triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Khoảng 65% người dân Áo đã tiêm phòng COVID-19.

Các nước áp đặt hàng loạt hạn chế đối với người chưa tiêm vaccine COVID-19

Nhiều biện pháp hạn chế mạnh tay đang được giới chức các nước áp đặt đối với những người chưa chủng ngừa trong nỗ lực "hạ nhiệt" các điểm nóng COVID-19.

Bên cạnh yếu tố mùa đông là thời điểm virus dễ lây lan, tỷ lệ bao phủ vaccine không đồng đều do tâm lý ngại tiêm chủng được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng bùng phát dịch bệnh mới.

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ, người chưa tiêm vaccine có nguy cơ lây nhiễm cao gấp 5 lần và nguy cơ tử vong cao gấp 10 lần so với những người đã hoàn tất tiêm chủng. Do vậy, nhiều biện pháp hạn chế mạnh tay đang được giới chức các nước áp đặt đối với những người chưa chủng ngừa trong nỗ lực "hạ nhiệt" các điểm nóng COVID-19.

- Áo áp dụng phong tỏa toàn quốc đối với những người chưa tiêm vaccine

- Đức áp dụng quy tắc 2-G, 3-G

- Latvia sa thải nhân viên từ chối tiêm vaccine COVID-19

- Singapore thu viện phí với bệnh nhân COVID-19 lựa chọn không tiêm phòng

- Australia cấm người chưa tiêm vaccine tới nhà người khác

Ai Cập thử nghiệm vaccine nội địa đầu tiên

Cơ quan Dược phẩm Ai Cập đã chính thức thử nghiệm lâm sàng vaccine COVI-VAX. Đây là loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên do Ai Cập tự sản xuất.

Vaccine COVI-VAX là sản phẩm hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia và Công ty Công nghệ Sinh học Vaccine Valley.

Bản tin tổng hợp ngày 16/11: Người dân vẫn lơ là dù số ca mắc COVID-19 tăng cao trở lại 4
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Cairo, Ai Cập, ngày 26/9/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Ai Cập bắt đầu đánh giá về chủng virus SARS-CoV-2 mới kể từ tháng 3 năm ngoái, sau khi phát hiện trường hợp công dân Ai Cập đầu tiên mắc COVID-19. Đến tháng 5/2020, trung tâm này hoàn tất giải trình tự gen của virus và bắt đầu nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19.

Theo số liệu của Bộ Y tế Ai Cập, đã có khoảng 25 triệu người dân nước này được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.

Châu Âu: Hơn 300 nghìn người tử vong do ô nhiễm không khí

Ô nhiễm bụi mịn gây ra 307 nghìn ca tử vong sớm mỗi năm tại châu Âu. Đây là kết quả báo cáo do Cơ quan Môi trường châu Âu công bố hôm qua.

Báo cáo trên chỉ ra rằng mặc dù số ca tử vong mỗi năm đã giảm 10%, ô nhiễm không khí vẫn là mối đe dọa môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người ở châu Âu.

Bệnh tim và đột quỵ gây ra hầu hết các ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí, sau đó là các bệnh về phổi bao gồm cả ung thư.

Ở trẻ em, ô nhiễm không khí có thể gây hại cho sự phát triển của phổi, gây nhiễm trùng đường hô hấp và làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm hàng năm trên toàn cầu - ngang với hút thuốc và chế độ ăn thiếu dinh dưỡng.

Bình luận