Chờ...

Tin tổng hợp tình hình dịch bệnh: Việt Nam tiếp nhận trên 211 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19

(VOH) - Bộ Y tế cho biết đến nay đã tiếp nhận trên 211 triệu liều vắc xin COVID-19, đã phân bổ trên 195 triệu liều, số còn lại đang đợi các thủ tục về kiểm định chất lượng trước khi phân bổ.

Thống nhất sử dụng một ứng dụng khai báo y tế tại sân bay

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tới Bộ Công an, Bộ Y tế, và Bộ Thông tin và Truyền thông.

Các doanh nghiệp cảng hàng không bố trí nơi khai báo y tế, kiểm tra y tế tại cảng hàng không một cách khoa học, hợp lý, không làm tăng thêm các bước, các thủ tục, tránh tập trung đông người làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

Bộ Giao thông vận tải, các đơn vị trong ngành hàng không thực hiện mục tiêu kép tăng cường phương tiện phục vụ hành khách, hàng hóa và kiểm soát dịch bệnh, yêu cầu xem xét lại một cách kỹ càng vấn đề xét nghiệm nhanh đối với trẻ em dưới 12 tuổi và trẻ sơ sinh khi đi tàu bay cùng bố, mẹ; vận dụng đúng các quy định, không để ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia giao thông hàng không.

Tin tổng hợp 27/1/2022: Việt Nam đã tiếp nhận trên 211 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 1
 

Việt Nam đã tiếp nhận trên 211 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19

Bộ Y tế cho biết đến nay đã tiếp nhận trên 211 triệu liều vắc xin COVID-19, đã phân bổ trên 195 triệu liều, số còn lại đang đợi các thủ tục về kiểm định chất lượng trước khi phân bổ.

Đến ngày 27/1, cả nước cũng đã tiêm được gần 179 triệu mũi, trong đó số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 161,5 triệu liều, gồm mũi 1 trên 70,5 triệu liều; mũi 2 là 67,7 triệu liều; mũi bổ sung là 8,33 triệu liều (tiêm cho người có bệnh nền); mũi 3 là trên 14,8 triệu liều.

\

Tin tổng hợp 27/1/2022: Việt Nam đã tiếp nhận trên 211 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 2
 

TP HCM tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 xuyên Tết

Trung tâm Báo chí TP HCM vừa cho biết TP HCM tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 liều bổ sung và nhắc lại (hay còn gọi là mũi 3) để tăng cường miễn dịch, hiệu quả phòng bệnh cho người dân.

Việc này nhằm thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, trước các diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19 cùng sự xuất hiện của biến chủng Omicron.

Theo đó, mỗi quận, huyện sẽ tổ chức tối thiểu 1 điểm tiêm cố định từ ngày 1/2 và hoạt động xuyên Tết.

TP tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân bằng cách vẫn tiếp tục tổ chức tiêm vắc-xin trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Đồng Nai: học sinh ở vùng xanh, vùng vàng đi học trực tiếp từ 14/2

Từ ngày 28/1, tất cả các cơ sở giáo dục ở Đồng Nai kết thúc thí điểm cho học sinh đi học trực tiếp. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, từ ngày 7 - 12/2, toàn bộ cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên tổ chức dạy học trực tuyến; học sinh mầm non vẫn ở nhà. Từ ngày 14/2, tất cả các cơ sở giáo dục tại  vùng xanh (dịch cấp 1) và vùng vàng (dịch cấp 2) trên địa bàn Đồng Nai đồng loạt đi học trực tiếp trở lại.

Riêng các cơ sở giáo dục ở các xã, phường, thị trấn thuộc vùng cam (dịch cấp 3) và vùng đỏ (dịch cấp 4) tiếp tục dạy học trực tuyến cho học sinh, học viên giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; giáo dục mầm non không cho trẻ đến trường.

Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị phương án tổ chức dạy học cho trẻ em, học sinh và học viên ứng phó với tình huống địa phương chuyển cấp độ dịch từ vùng cam và vùng đỏ xuống vùng vàng và vùng xanh hoặc ngược lại.

Người dân về quê Đắk Lắk ăn Tết không phải cách ly y tế

Người dân về quê Đắk Lắk ăn Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ không phải cách ly y tế dù tiêm chưa đủ liều vắc-xin hoặc từ vùng đỏ về.

Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, ngày 22-1, Bộ Y tế có công văn về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê nhân dịp Tết Nguyên đán. Tỉnh cũng đã có hướng dẫn người dân về quê nhân dịp Tết Nguyên đán thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Tỉnh sẽ không cách ly y tế người dân về quê đón Tết. Người dân nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như sốt, ho, khó thở... thì hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn.

Khánh Hòa trở về vùng xanh

Ngày 26/1, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Khánh Hòa cho biết, theo quy định của Bộ Y tế, tỉnh này đã đạt các điều kiện, tiêu chí cấp độ 1- bình thường mới. Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa đã ứng dụng hiệu quả nhiều giải pháp công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch như cài đặt phần mềm PC-Covid, tạo được 79.000 địa điểm kiểm soát mã QR, bản đồ mức độ nguy cơ dịch Covid-19 được cập nhận đến từng thôn, tổ dân phố.

Tin tổng hợp 27/1/2022: Việt Nam đã tiếp nhận trên 211 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 3
 

Đà Nẵng: Trạm y tế lưu động hỗ trợ điều trị F0 tại nhà hiệu quả

Dịch Covid-19 tại Đà Nẵng vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc ngoài cộng đồng liên tục tăng cao trong thời gian gần đây, bình quân hơn 700 ca mỗi ngày. Thành phố Đà Nẵng đang chỉ đạo đẩy mạnh triển khai Trạm y tế lưu động trên địa bàn để kịp thời chăm sóc, điều trị hiệu quả F0 tại nhà. Từ đó, giảm áp lực cho các cơ sở y tế trong điều trị và chăm sóc người bệnh.

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng có gần 30 trạm y tế lưu động được thiết lập và đang hoạt động. Theo đánh giá, các trạm y tế lưu động này bước đầu đã phát huy tác dụng, giúp giảm tải cho các cơ sở y tế, chăm sóc và điều trị hiệu quả F0 có triệu chứng nhẹ. UBND thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu ngành y tế rà soát lại tất cả các điều kiện hoạt động của trạm y tế lưu động như: trang thiết bị bảo hộ, bình oxy, thuốc,…

Bên cạnh đó, Bệnh viện Đà Nẵng vừa thành lập phòng khám “Tư vấn và điều trị sau Covid-19”. Phòng khám là nơi khám, tầm soát, tư vấn và điều trị toàn diện các di chứng của bệnh, đồng thời, đánh giá nhu cầu can thiệp về dinh dưỡng, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau mắc Covid-19./.

Hà Nội hơn 500 người tử vong Covid-19

Theo CDC Hà Nội, số ca mắc mới được phân bố tại 439 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Gia Lâm (112); Đông Anh (108); Chương Mỹ (97); Đống Đa (90); Nam Từ Liêm (84); Hoài Đức (82). TP Hà Nội vừa ghi nhận ca đầu tiên nhiễm Omicron trong cộng đồng. Như vậy, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 14 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron, trong đó, 13 ca nhập cảnh và một trường hợp tại cộng đồng. Tổng số người tử vong do Covid-19 từ ngày 29/4/2021 đến 25/1/2022 là 506 người.

Sơn La: F0 tăng cao

Dịp cận Tết cổ truyền, số ca mắc COVID-19 ở Sơn La tăng mạnh. Ngày 26/1, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La cho biết, đã ghi nhận thêm 140 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có nhiều ca nguy cơ lây nhiễm cộng đồng cao, đặc biệt là ở huyện Mộc Châu và huyện Vân Hồ. Hiện, các địa phương đang khẩn trương truy vết những trường hợp tiếp xúc gần, quản lý, cách ly và triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định. Tổ chức khoanh vùng các địa điểm có nguy cơ cao, đồng thời thông báo để người dân chủ động khai báo y tế và truyền thông để người dân thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch, đặc biệt nhóm các công dân đi làm ăn xa trở về địa phương.

Bắc Ninh: lập đường dây nóng hỗ trợ bệnh nhân COVID-19

Ngày 26/1, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh và các đơn vị liên quan khai trương thiết lập hệ thống Tổng đài tư vấn sức khỏe cho người mắc COVID-19 tại nhà. Tổng đài 1022 có đội ngũ tư vấn viên là bác sĩ nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc điều trị COVID-19, trực 24/24h, cả thứ Bảy và Chủ nhật. Đội ngũ tư vấn viên luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ các thông tin liên quan đến điều trị COVID-19 cho người mắc hoặc có nguy cơ cao mắc COVID-19. Người dân trong tỉnh có thể quay số từ cố định nội hạt bằng cách trực tiếp bấm 1022, người dân ngoại tỉnh có thể gọi trực tiếp số 02221022 để được tư vấn, hỗ trợ.

TIN THẾ GIỚI:

Bắc Kinh (Trung Quốc) hạn chế đi lại ở nhiều khu vực 

Thành phố Bắc Kinh của Trung Quốc đã hạn chế đi lại ở nhiều khu vực trong thành phố nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19, trong bối cảnh chưa đầy 10 ngày nữa sẽ khai mạc Olympic mùa Đông tại thành phố này, dự kiến vào ngày 4/2. 

Quận Phong Đài ở Bắc Kinh tối 26/1 đã mở rộng áp dụng quy định người dân không rời khỏi nhà nếu không cần thiết và phải tiến hành xét nghiệm hằng ngày. Trước đó, quận Phong Đài đã phong tỏa một số khu vực, ảnh hưởng tới hàng chục nghìn cư dân. Chính quyền thành phố Bắc Kinh không áp đặt phong tỏa bất kỳ quận nào, song một số quận hiện tự áp đặt hạn chế đi lại tại một số khu vực.

Tin tổng hợp 27/1/2022: Việt Nam đã tiếp nhận trên 211 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 4
 

23 ca mắc mới COVID-19 liên quan tới Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 

Ban Tổ chức Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 ngày 27/1 thông báo đã phát hiện 23 ca mắc COVID-19 có liên quan tới sự kiện thể thao lớn nhất thế giới này.

Trong số các ca mắc này có 15 ca là những người mới nhập cảnh tại sân bay, còn 8 ca được phát hiện trong quy trình "bong bóng khép kín" COVID-19 của Ban tổ chức. Theo kế hoạch, Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 sẽ được tổ chức ở trạng thái gần như bình thường, bắt đầu diễn ra từ ngày 4/2, với đầy đủ các quầy hàng bán đồ lưu niệm, ẩm thực và các quán bia tại các địa điểm thi đấu, có điều toàn bộ các hoạt động này diễn ra trong "bong bóng khép kín". 

Đan Mạch: dự kiến dỡ bỏ toàn bộ quy định phòng Covid 19

Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke thông báo ý định dỡ bỏ toàn bộ quy định về Covid-19 từ ngày 1-2. Theo đó, việc dỡ bỏ toàn bộ quy định phòng Covid-19 trong nước đồng nghĩa hộp đêm có thể mở cửa, nhà hàng được phục vụ đồ có cồn sau 22 giờ, khách không cần trình giấy xác nhận tiêm vắc xin. Người đi xe buýt sẽ không phải đeo khẩu trang và các cửa hiệu không còn giới hạn số khách.

Trước đó, các nước như Anh, Cộng hòa Ireland và Hà Lan cũng công bố dỡ bỏ hầu hết quy định dù số ca nhiễm do biến thể Omicron còn cao. Lý do được đưa ra là số ca nhiễm mới đã giảm dần sau khi đạt đỉnh và tỷ lệ nhập viện thấp hơn lo ngại.

Israel tiêm vaccine mũi 4 cho nhóm dễ tổn thương trên 18 tuổi

Israel ngày 26/1 thông báo nước này sẽ triển khai tiêm chủng mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 cho toàn bộ người dễ bị tổn thương trên 18 tuổi có hệ miễn dịch suy yếu và lực lượng tuyến đầu chống dịch, trong nỗ lực đối phó với các đợt bùng phát dịch liên tiếp tại nước này.

Trong giai đoạn mới của chiến dịch tiêm chủng tại nước này, đối tượng ưu tiên tiêm mũi thứ 4 là người trên 18 tuổi. Một nghiên cứu cho thấy mũi tiêm thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer có khả năng tăng gấp 3 đến 5 lần lượng kháng thể chống virus SARS-CoV-2 ở người được tiêm, so với người tiêm 3 mũi.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Y tế Israel, hơn 600.000 người trong tổng số 9,4 triệu dân của nước này đã tiêm mũi 4.

Tin tổng hợp 27/1/2022: Việt Nam đã tiếp nhận trên 211 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 5
Ảnh minh họa: Reuters

Mỹ ghi nhận trên 1 triệu trẻ em mắc COVID-19 trong 1 tuần

Hơn 1,1 triệu trẻ em Mỹ được chẩn đoán mắc COVID-19 trong tuần từ ngày 13-20/1 vừa qua. Con số này cao hơn 17% so với mức 981.000 ca ghi nhận 1 tuần trước đó và gấp đôi con số ghi nhận 2 tuần trước đó.

Kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát, Mỹ đã ghi nhận 10,6 triệu trường hợp trẻ em có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó chỉ riêng 2 tuần vừa qua có hơn 2 triệu ca. Trong đại dịch, điều quan trọng nhất là đảm bảo các quy định phòng dịch như đeo khẩu trang nơi công cộng, cách ly người bệnh, tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, giảm tải cho các bệnh viện và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, trong đó có trẻ em chưa đủ tuổi tiêm phòng.

Mỹ công bố số lượng vaccine ngừa COVID-19 chia sẻ với toàn cầu

Hôm qua Mỹ thông báo, đã chia sẻ miễn phí 400 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 gửi đến 112 quốc gia trên thế giới.

Các liều vắc xin đang được chia sẻ thông qua COVAX, sáng kiến được Tổ chức Y tế Thế giới hỗ trợ để tiêm chủng cho các nước có thu nhập thấp hơn. Mỹ đã cam kết chia sẻ hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 với các quốc gia khác, điều mà các chuyên gia y tế cho rằng rất quan trọng để vượt qua đại dịch COVID-19.

Moderna tiến hành thử nghiệm vaccine chống Omicron

Moderna bắt đầu thử nghiệm lâm sàng liều vaccine tăng cường được phát triển riêng để chống lại biến chủng Omicron. Cuộc thử nghiệm có 600 người trưởng thành tham gia, trong đó một nửa tiêm hai liều vaccine Moderna ít nhất 6 tháng trước, nửa còn lại tiêm hai liều cùng một liều tăng cường được cấp phép. Liều vaccine đặc hiệu cho Omicron sẽ lần lượt là liều tăng cường thứ ba và thứ tư với hai nhóm.

Moderna cũng cho biết kết quả về hiệu quả chống lại Omicron của liều tăng cường. Theo đó, 6 tháng sau khi tiêm nhắc lại, mức độ kháng thể trung hòa chống Omicron giảm 6 lần so với mức đỉnh điểm đạt được 29 ngày sau tiêm, nhưng vẫn còn tồn tại ở tất cả những người đã tiêm.

Cảnh giác mùa COVID-19

Những lưu ý với hành khách đi phương tiện công cộng và phương tiện sử dụng ứng dụng kết nối.

Bộ Y tế đã ban hành Khuyến cáo cho Hành khách đi phương tiện giao thông công cộng và phương tiện sử dụng ứng dụng kết nối, việc ban hành này nhằm đưa ra các khuyến cáo chi tiết cho từng nhóm đối tượng cụ thể để giúp cộng đồng có đầy đủ kiến thức để chủ động thực hành các hành vi có lợi cho sức khoẻ để phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, những việc hành khách đi phương tiện giao thông công cộng và phương tiện sử dụng ứng dụng kết nối cần thực hiện để phòng tránh bệnh COVID -19 gồm có:

1. Khi có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở nên hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

2. Sử dụng khẩu trang đúng cách khi bị sốt, ho, đau họng, khó thở.

3. Che kín miệng, mũi bằng khăn giấy, khăn vải hoặc khuỷu tay khi ho, hắt hơi. Bỏ khăn giấy đã sử dụng vào túi đựng rác kín để vứt vào thùng rác đúng nơi quy định.

4. Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng (nếu có) hoặc bằng dung dịch sát khuẩn tay có chứa trên 60% nồng độ cồn đặc biệt sau khi: ho, hắt hơi; thải bỏ khăn giấy; rời khỏi phương tiện giao thông.

5. Không chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Hạn chế ăn uống, nói chuyện ở trên phương tiện giao thông.

6. Không khạc nhổ trên phương tiện giao thông và nơi công cộng (Ga tàu, bến xe, sân bay, nhà ga,…).

7. Nếu thấy bản thân hoặc hành khách cùng đi có một trong các biểu hiện sốt, ho, khó thở nên thông báo ngay cho người quản lý phương tiện để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Tránh tiếp xúc gần với người có biểu hiện ho hoặc sốt, khó thở đi cùng phương tiện giao thông.

8. Khi kết thúc chuyến đi, nếu có xuất hiện một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở: Liên hệ đường dây nóng của Bộ Y tế (19009095 hoặc 19003228) để được tư vấn và cung cấp thông tin liên quan đến phương tiện giao thông bạn đã đi. Đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để phòng tránh lây lan ra cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị triển khai, phổ biến nội dung khuyến cáo cho người điều khiển phương tiện giao thông công cộng và phương tiện sử dụng ứng dụng kết nối.

Bình luận