Chờ...

Tin tổng hợp tối 29/11: F0 giảm nhưng ca tử vong tăng tại TPHCM

(VOH) - Ngày hôm qua TPHCM ghi nhận có đến 72 ca tử vong vì Covid-19, trong đó có 10 ca ở các tỉnh, thành khác chuyển đến. Đây được xem là ngày có số ca tử vong cao nhất trong nhiều tuần qua.
Mục lục

TIN TRONG NƯỚC

Việt Nam tiếp nhận 1,4 triệu liều vắc xin Pfizer từ Pháp

Trong các ngày 27 và 28/11, Việt Nam đã tiếp nhận thêm khoảng 1,4 triệu liều vắc xin Pfizer do Pháp hỗ trợ, nâng tổng số liều vắc xin Pháp hỗ trợ cho Việt Nam đến nay lên hơn 2 triệu liều.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, trong số 1,4 triệu liều vắc xin Việt Nam vừa tiếp nhận, có 400.000 liều thông qua qua kênh song phương và gần 1 triệu liều thông qua cơ chế COVAX.

vắc xin Pfizer
Việt Nam tiếp nhận thêm 1,4 triệu liều vắc xin Pfizer từ Pháp

Đây là kết quả của những nỗ lực ngoại giao vắc xin và là thành quả chuyến thăm chính thức Pháp đầu tháng 11 vừa qua của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Sự hỗ trợ mà Chính phủ và nhân dân Pháp dành cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp có ý nghĩa quan trọng.

Đề xuất tạm dừng nhập cảnh hành khách từ 7 quốc gia phát hiện biến thể Omicron

Chiều tối 28/11, Bộ Y tế cho biết đã có đề xuất tạm dừng nhập cảnh hành khách đến Việt Nam từ 7 quốc gia phát hiện biến thể Omicron.

Để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong nước, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch Covid-19.

Xem thêm: Dịch Covid-19: Biến chủng Omicron nguy hiểm như thế nào?

Đồng thời yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gene các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi; báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.

Thủ tướng yêu cầu điều tra, xác định nguyên nhân vụ tai biến vắc xin 4 người chết

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, các bộ, cơ quan liên quan và UBND tỉnh Thanh Hóa khẩn trương điều tra, làm rõ sự việc, xác định nguyên nhân sự cố sau tiêm vắc xin Covid-19 tại Công ty TNHH giầy Kim Việt, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa ngày 23/11 làm 4 người tử vong, nghiêm túc rút kinh nghiệm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11.

Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, điều kiện bảo quản vắc xin Covid-19 đúng quy định, không phân bổ vắc xin cho các địa phương không đảm bảo điều kiện bảo quản; chịu trách nhiệm tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 an toàn, khoa học, hiệu quả trên cả nước.

TPHCM: Khắc phục tình trạng F0 không liên lạc được với trạm y tế

Với lượng F0 đang gia tăng tại TPHCM, một số trạm y tế đã rơi vào tình trạng quá tải. Đơn cử như trạm y tế phường 22, quận Bình Thạnh chỉ có 2 bác sĩ và 3 điều dưỡng nhưng số lượng F0 của phường đang là 500 ca. Việc chăm sóc F0 quá tải, trạm còn thực hiện các công việc như truy vết, tiêm vắc xin.

Khi các trạm y tế quá tải, F0 tại một số nơi cho biết khó khăn liên lạc trạm y tế. Tuy vậy, vẫn có tình trạng F0 tự test dương tính nhưng không báo cho ngành chức năng. Điều này được ngành y tế khuyến cáo nếu lây lan dịch bệnh có thể bị xử lý.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho biết, người dân có thể gọi lên đường dây nóng của ngành y tế và tổ phản ứng nhanh. Sở y tế TP đã cung cấp 2 số điện thoại, người dân có thể gọi điện bao gồm 0967.771.010 và 0989.401.155.

TPHCM: F0 giảm nhưng ca tử vong tăng

Ngày hôm qua TPHCM ghi nhận có đến 72 ca tử vong vì Covid-19, trong đó có 10 ca ở các tỉnh, thành khác chuyển đến. Đây được xem là ngày có số ca tử vong cao nhất trong nhiều tuần qua.

Theo đánh giá của Sở Y tế TPHCM, các trường hợp tử vong đều liên quan đến người trên 65 tuổi, nhiều bệnh nền và người chưa tiêm vắc xin. Số ca tử vong tăng liên quan đến những ca bệnh nặng và rất nặng từ bệnh viện các tỉnh khác chuyển viện về TPHCM. Họ khó qua khỏi nhưng theo quy định thì không được từ chối.

covid-19
Dù số ca nhiễm mới tại TPHCM ngày 28/11 giảm 319 ca so với ngày trước, nhưng vẫn còn ở mức trên 1.400 ca.

Dù số ca nhiễm mới tại TPHCM ngày 28/11 giảm 319 ca so với ngày trước, nhưng vẫn còn ở mức trên 1.400 ca. Hiện TP có gần 46.000 F0 cách ly tại nhà và hơn 5.300 F0 cách ly tại các khu cách ly tập trung, theo dữ liệu Cổng thông tin Covid-19 TPHCM.

TPHCM: Hơn 560.000 trẻ từ 12 - 17 tuổi đã tiêm phòng Covid-19  mũi 2

Sở Y tế TPHCM cho biết TPHCM đã tiêm hơn 560.000 liều vắc xin Covid-19 mũi 2 cho học sinh từ 12 - 17 tuổi, đạt gần 80%. Mũi 1 đã tiêm hơn 686.000 liều, đạt trên 97. TPHCM tiếp tục tiêm vét cho những học sinh chưa tiêm mũi 1 và mũi 2. Vắc xin được sử dụng tiêm cho trẻ là Pfizer.

TPHCM đã tiêm hơn 14,5 triệu liều vắc xin Covid-19 cho người dân, kể cả học sinh từ 12 - 17 tuổi. Bao gồm, mũi 1 hơn 7,9 triệu liều, mũi 2 là 6,6 triệu liều.

Nhiều tỉnh miền Tây tăng cấp độ dịch

Ngày 28/11, tình hình dịch Covid-19 tại các tỉnh miền Tây vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Nhiều tỉnh vẫn tăng số ca mắc mới, tăng ca bệnh nặng và tử vong.

Tại Cần Thơ, số F0 mới phát sinh tăng quá cao liên tiếp những ngày gần đây, đặc biệt dịch diễn biến phức tạp nhất tại quận trung tâm Ninh Kiều, với hàng loạt ổ dịch tại các khu vực dân cư đông đúc. Trước tình hình quá tải điều trị, Sở Y tế thành phố đã phân loại lại các tầng điều trị tại một số bệnh viện, để gia tăng số giường dành cho bệnh nhân trung bình và nặng tại bệnh viện.

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, cùng ngày tỉnh Vĩnh Long đã có quyết định nâng cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh từ cấp 2 (nguy cơ trung bình) lên cấp độ 3 (nguy cơ cao), thời gian áp dụng từ 30/11. Đối với các địa phương trong tỉnh, Vĩnh Long chia cấp độ gồm: TP Vĩnh Long, các huyện Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn cấp độ 3; huyện Bình Tân cấp độ 2 và TX Bình Minh cấp độ 4.

Còn tại Sóc Trăng, do tình hình dịch phức tạp, tỉnh cũng đã có quyết định nâng cấp độ dịch lên cấp nguy cơ cao vùng 3 (màu cam); cấm người dân ra đường vào buổi tối từ 21h - 4h sáng hôm sau áp dụng từ tối 28/11.

Sóc Trăng kêu gọi trẻ em từ 12 tuổi trở lên đi tiêm vắc xin

Chiều tối ngày 28/11, tỉnh Sóc Trăng thông báo về việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Hiện nay Bộ Y tế đã phân bổ vắc xin đầy đủ cho tỉnh Sóc Trăng để tiêm cho tất cả người dân từ 12 tuổi trở lên. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của các địa phương, đến thời điểm này vẫn còn một số người dân từ 12 tuổi trở lên chưa được tiêm vắc xin hoặc mới tiêm 1 mũi.

Để bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân trước diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh ngày càng phức tạp, tỉnh Sóc Trăng thông báo đến tất cả người dân từ 12 tuổi trở lên chưa tiêm vắc xin ngừa Covid-19 (hoặc đã tiêm mũi 1 đủ thời gian) khẩn trương liên hệ ngay trạm y tế xã, phường, thị trấn gần nhất đăng ký để được tiêm vắc xin.

Sóc Trăng: Dịch Covid-19 lên cấp độ 3

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, vừa ký quyết định nâng cấp độ dịch Covid-19 của tỉnh từ cấp độ 2 (cấp nguy cơ trung bình, vùng vàng) lên cấp độ 3 (cấp nguy cơ cao, vùng cam). Ngoài ra, còn có 7 đơn vị cấp huyện áp dụng biện pháp phòng, chống dịch theo cấp độ 3 gồm các huyện Châu Thành, Mỹ Tú, Thạnh Trị, Trần Đề, Kế Sách, TP.Sóc Trăng và TX.Vĩnh Châu.

Hôm qua, tỉnh Sóc Trăng ghi nhận thêm 751 ca nhiễm Covid-19. Trong đó, có 425 ca cộng đồng, 241 ca trong khu cách ly tập trung, 73 ca trong khu phong tỏa và 12 ca là người dân tự phát về từ vùng dịch.

Tây Ninh: Hơn 11.300 bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà

Theo Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tây Ninh, thống kê ngày 28/11, địa phương này ghi nhận 591 ca dương tính Covid-19, trong đó 558 ca phát hiện qua sàng lọc cộng đồng và 33 ca trong khu cách ly tập trung.

Toàn tỉnh Tây Ninh đang điều trị cho hơn 12.900 bệnh nhân Covid-19, trong đó có hơn 11.300 F0 được điều trị, chăm sóc tại nhà để tránh quá tải và giúp ngành y tế tập trung chữa trị những ca bệnh nặng, giảm thiểu ca tử vong.

Trước tình hình này, nhiều biện pháp quản lý F0 cũng được thay đổi (được công nhận F0 khỏi bệnh bằng test nhanh, khuyến khích người dân tự test nhanh và thông báo cho ngành y tế hỗ trợ…).

Trong khi đó, các quán cà phê, ăn uống tại TP.Tây Ninh đang thực hiện trở lại việc hạn chế lượng khách tập trung quá 20 người tại cùng 1 thời điểm. Đồng thời, các quán ăn không phục vụ rượu bia, thức uống có cồn.

Trà Vinh: Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh lớp 6-8

Trong 2 ngày 29-30/11, tỉnh Trà Vinh tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 cho toàn bộ học sinh khối lớp 6 - 8 và nhóm trẻ từ 12-17 tuổi ngoài cộng đồng trên địa bàn tỉnh chưa được tiêm mũi 1, với tổng số gần 38.000 em.

Trẻ đi học được tiêm tại trường học hoặc điểm tiêm do cơ sở giáo dục lựa chọn phù hợp đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng, chống dịch bệnh. Trẻ không đi học được tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động trên địa bàn do Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn. Trẻ có bệnh nền sẽ được tiêm tại Bệnh viện Sản Nhi Trà Vinh hoặc Bệnh viện đa khoa có chuyên khoa Nhi.

Kiên Giang: hạn chế nhiều hoạt động với người chưa tiêm vắc xin Covid-19 sau 31/12

Trước tình trạng những người mắc Covid-19 phải nhập viện những ngày qua đa số đều chưa được tiêm vắc xin, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang vừa yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền về việc tiêm vắc xin phòng chống Covid-19 trong nhân dân.

Cho đến ngày 30/11, các địa phương phải rà soát, lập danh sách tất cả người dân trên địa bàn để nắm chính xác những trường hợp chưa tiêm vắc xin và lý do chưa tiêm.

Sau ngày 31/12/2021 những ai không thuộc đối tượng chống chỉ định tiêm vắc xin Covid-19 mà chưa tiêm sẽ bị hạn chế một số hoạt động như hạn chế sử dụng một số phương tiện giao thông công cộng; hạn chế dự tuyển vào làm việc tại các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh; hạn chế đi đến các địa điểm, khu vực có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh như chợ, siêu thị, bến tàu, bến xe..., hạn chế đi đến các cơ quan nhà nước để liên hệ làm việc, ngoài việc đi khám bệnh, chữa bệnh; phải tự trả chi phí khi thực hiện xét nghiệm tầm soát virus SARS-CoV-2 do các cơ quan chức năng chỉ định.

Bình Định điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà

Trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp tại tỉnh Bình Định, Sở Y tế đã triển khai việc chăm sóc và điều trị các ca F0 tại nhà.

Để đảm bảo việc chăm sóc và điều trị các ca F0 tại nhà, hàng ngày, các nhân viên y tế của Tổ chăm sóc trực tiếp sẽ theo dõi, nắm tình hình các ca bệnh. Đồng thời, thường xuyên thăm hỏi và có những hướng dẫn kịp thời khi có tình huống bất thường xảy ra.

F0 được cách ly, điều trị tại nhà là người nhiễm Covid-19 không có hoặc có các triệu chứng ở mức độ nhẹ như sốt, ho khan, đau họng… Việc áp dụng điều trị các bệnh nhân F0 tại nhà, sẽ góp phần giảm áp lực cho các trung tâm y tế cũng như mang lại tâm lý thoải mái cho bệnh nhân.

Đà Nẵng: Gần 20% số ca đang điều trị chưa tiêm vắc xin

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Đà Nẵng, Số ca mắc Covid-19 đang được điều trị tại 2 bệnh viện tại Đà Nẵng là BV Phổi và bệnh viện dã chiến, tổng cộng 636 ca. Trong 636 bệnh nhân này, có 125 ca chưa tiêm vắc xin Covid-19 gần 20% số ca đang điều trị và đã có 2 ca nặng, nguy kịch (88 tuổi). Ngoài ra, 616 ca nhẹ và không triệu chứng và 18 ca có biểu hiện lâm sàng trung bình.

Tính từ đợt dịch ngày 16/10 đến nay, TP.Đà Nẵng ghi nhận 950 ca mắc Covid-19, trong đó 99 ca về từ ngoại tỉnh. Toàn thành phố hiện đang thiết lập 171 khu vực phong tỏa với 1.368 hộ (5.740 nhân khẩu); duy trì 17 cơ sở cách ly tập trung, thực hiện cách ly 1.067 người.

Hạ Long xét nghiệm PCR cho 100% người dân xã Thống Nhất

19h ngày 28/11, thành phố huy động lực lượng y tế để triển khai xét nghiệm cho 100% người dân trên địa bàn xã Thống Nhất, những người ở các địa bàn khác có liên quan đến chợ Bang (xã Thống Nhất) và những khu vực có nguy cơ cao.

Mục tiêu là đến 6h ngày 29/11 sẽ đưa mọi hoạt động trên địa bàn xã Thống Nhất quay trở lại hoạt động bình thường. Nguyên nhân, từ ngày 22-28/11, thành phố Hạ Long có 16 trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng, trong đó riêng ngày 28/11 có tới 10 ca nhiễm. Tiếp tục chuẩn bị khu thu dung, cách ly, điều trị cho F0 không triệu chứng mà gia đình không đủ điều kiện để tại nhà, nhưng chưa cần tới bệnh viện, để giảm áp lực cho các cơ sở y tế; tiếp tục rà soát trang bị đầy đủ vật tư, hóa chất, sinh phẩm, oxy, các trang thiết bị cho trạm y tế, đảm bảo không bị động; vận động ít nhất mỗi người dân phải có 1 test nhanh dự phòng.

Theo báo cáo của Sở Y tế, trong ngày 28/11, Quảng Ninh ghi nhận 24 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại 5 địa phương, gồm: Hạ Long, Hải Hà, Đầm Hà, Đông Triều, Móng Cái, Tiên Yên. Hiện nay, tổng số trường hợp đang điều trị tại cơ sở y tế là 318 ca mắc Covid-19

Hải Phòng: thêm ổ dịch phức tạp với 84 F0 là công nhân công trường xây dựng

Thêm 84 ca F0 là công nhân công trường, TP.Hải Phòng dự đoán ca nhiễm Covid-19 sẽ tăng mạnh trong thời gian tới nên đã xây dựng phương án điều trị F0 tại các bệnh viện tuyến huyện.

Theo UBND Q.Hồng Bàng, tại công trường này có khoảng 900 công nhân. Những người này đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước và ở trọ tại nhiều nơi ở TP.Hải Phòng. Dự báo, trong những ngày tới, số ca nhiễm Covid-19 ở TP.Hải Phòng có thể tăng mạnh.

Trước diễn biến về dịch Covid-19, TP.Hải Phòng sẽ triển khai 4.000 nhân lực y tế tổ chức xét nghiệm diện rộng để nhanh chóng tách F0 ra khỏi cộng đồng.

TIN THẾ GIỚI

Italy công bố hình ảnh đầu tiên về biến thể Omicron

Nhóm các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Nhi khoa Bambino Gesu tại thủ đô Rome của Italy đã công bố hình ảnh đầu tiên của biến thể Omicron.

Theo đó, biến thể Omicron có nhiều gai protein đột biến hơn, vùng tiếp xúc với tế bào trước khi xâm nhập có diện tích rộng hơn. Số lượng đột biến của biến thể Omicron là 43, lớn hơn nhiều so với biến thể Delta hiện nay.

Các nhà khoa học lưu ý những thay đổi này cho thấy virus có thể đã thích nghi tốt hơn với con người. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói liệu những đột biến này kết hợp với nhau có thực sự khiến Omicron trở nên nguy hiểm hơn so với các biến thể trước đó của SARS-CoV-2 hay không.

Nhật Bản: ngừng nhập cảnh do biến thể Omicron

Nhật Bản sẽ khôi phục các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ, cấm tất cả người nước ngoài nhập cảnh do lo ngại biến thể Omicron.

Thông báo do Thủ tướng Nhật Fumio Kishida công bố ngày 29/11, chỉ vài tuần sau khi nước này nới lỏng các quy định nhập cảnh nghiêm ngặt: "Chúng tôi sẽ ngừng các trường hợp nhập cảnh (mới) của người nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới bắt đầu từ ngày 30/11"

Như vậy, kế hoạch cho phép một số doanh nhân và sinh viên nhập cảnh vào Nhật Bản áp dụng từ ngày 8/11 nay bị tạm ngừng. Cho đến nay, Nhật Bản là quốc gia đưa ra biện pháp đóng cửa biên giới mạnh mẽ nhất để phản ứng với biến thể Omicron.

Nam Phi kêu gọi ngừng cấm biên

Trước sự xuất hiện của biến thể Omicron, nhiều nước trên thế giới đã siết chặt các biện pháp kiểm soát tại biên giới. Tuy nhiên, giám đốc khu vực châu Phi của WHO kêu gọi ngừng ngay hành động này.

Theo tiến sĩ Matshidiso Moeti, giám đốc khu vực châu Phi của WHO, biện pháp hạn chế đi lại có thể có vai trò nào đó trong việc giảm nhẹ sự lây lan của Covid-19 nhưng gây tổn hại thêm cho nền kinh tế của các nước bị ảnh hưởng và làm suy yếu khả năng ứng phó và phục hồi sau đại dịch. Ông khẳng định: "Covid-19 liên tục tận dụng sự chia rẽ của chúng ta. Chúng ta sẽ chỉ giành lợi thế trước virus nếu chúng ta cùng nhau tìm giải pháp".

Thực tế từ gần 2 năm qua đã chứng minh dù các nước có đóng cửa, virus vẫn bằng cách nào đó xuyên thủng các đường biên giới. Cấm biên chỉ làm chậm lại sự lây lan chứ không có tác dụng cắt đứt đường lây lan, theo quan điểm của các chuyên gia Mỹ và châu Âu.

Các hãng chạy đua nghiên cứu vắc xin ngăn biến thể Omicron

Giám đốc Y tế của Moderna cho biết, hàng trăm nhân viên của công ty đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu điều chỉnh vắc xin ngay khi thông tin đầu tiên về biến thể này được công bố. Moderna đang nỗ lực cải thiện liều vắc xin tăng cường tập trung vào biến thể Omicron, đồng thời đang thử nghiệm một liều tăng cường khác với liều lượng cao hơn so với liều hiện nay.

AstraZeneca hy vọng, hỗn hợp kháng thể đơn dòng của hãng này sẽ vẫn hiệu quả với biến thể Omicron. Hiện hãng đang thực hiện nghiên cứu tại Botswana và Eswatini nhằm thu thập dữ liệu về hiệu quả của vắc xin đối với biến thể mới.

Pfizer-BioNTech cũng khẳng định có thể bào chế vắc xin mới chống lại biến thể Omicron trong vòng 6 tuần và các lô vắc xin đầu tiên sẽ được giao trong 100 ngày. Trước đây, hai hãng này cũng đã cải tiến vắc xin công nghệ mRNA dựa trên chủng virus phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc) để vắc xin đạt hiệu quả hơn với biến thể Alpha và Delta.

Trong khi đó, hãng dược Johnson & Johnson cho biết đang theo dõi sát biến thể Omicron và đánh giá hiệu quả của vắc xin phòng Covid-19 của hãng với biến thể mới này.

Bình luận