Chờ...

Tin tổng hợp trưa 21/11: TPHCM gấp rút chuẩn bị đón học sinh trở lại trường

(VOH) - Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, dự kiến học sinh trở lại học trực tiếp từ ngày 10/12 tới. Việc trở lại trường học trực tiếp sẽ bắt đầu với khối 9 và 12 và mở dần các khối khác.

Về cách xử lý F0 khi học sinh trở lại học, Sở GD-ĐT TPHCM cho hay sẽ tham khảo ý kiến của ngành y tế để đề xuất biện pháp phù hợp. Các trường sẽ được tập huấn về phòng chống dịch trong tình hình mới, cách xử lý khi phát hiện F0.

Sở dự kiến giao cho thủ trưởng các đơn vị chủ động sắp xếp các giáo viên trong cùng tổ bộ môn dạy thay hoặc tổ chức dạy trực tuyến một số tiết nếu giáo viên phụ trách chưa tiêm vắc xin.

tin-tong-hop-trua-21-11-voh.com.vn-anh1
Việc trở lại trường học trực tiếp sẽ bắt đầu với khối 9 và 12 và mở dần các khối khác. (Ảnh minh họa)

TPHCM: Huy động y tế tư nhân tham gia chống dịch

Số ca mắc mới đang tăng nhanh mỗi ngày tại TPHCM. Hiện thành phố đang có gần 52.000 ca đang cách ly tại nhà. Dù không còn địa phương ở vùng cam nhưng thành phố đang đối mặt với nhiều nguy cơ khác như thiếu thuốc điều trị và nhất là thiếu người theo dõi, hỗ trợ F0. Để tháo gỡ khó khăn này, thành phố đang kêu gọi và huy động lực lượng y tế tư nhân tham gia chống dịch.

Trong tuần trước, quận 7 tiếp tục thành lập thêm 9 trạm y tế lưu động, nâng tổng số lên thành 21 trạm. Đây là cách ngành y tế quận chủ động chuẩn bị ứng phó với dịch Covid-19.

UBND TPHCM chỉ đạo sớm giải quyết cấp sổ đỏ cho người dân

Ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TPHCM vừa chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường khẩn trương chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát, xác định và hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thành thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà trong dự án phát triển nhà ở theo quy định pháp luật.

Tính đến tháng 11/2021, trên địa bàn TPHCM vẫn còn khoảng 63.000 căn nhà (chủ yếu là căn hộ chung cư) chưa được cấp sổ đỏ. Trong số này, có gần 8.000 căn hộ đã được chủ đầu tư dự án hoặc người mua nộp hồ sơ tại Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố nhưng người mua đang thực hiện thuế hoặc hồ sơ đang rà soát, gần 30.000 căn chưa nộp hồ sơ.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, nguyên nhân vẫn chưa được cấp sổ đỏ bởi quá trình thực hiện dự án phát triển nhà ở của chủ đầu tư có vi phạm ở một hoặc một số quy định của các pháp luật có liên quan như thủ tục đầu tư, pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng, pháp luật về tài chính tín dụng, dẫn đến việc chủ đầu tư nộp hồ sơ cấp sổ đỏ cho người mua còn chậm.

Bình Dương thành lập hai Khu điều trị bệnh nhân COVID-19

UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành quyết định thành lập hai Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP. Dĩ An và TP. Thuận An.

Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Phòng khám đa khoa khu vực An Bình thuộc Trung tâm Y tế TP. Dĩ An với quy mô 150 giường và Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Phòng khám đa khoa khu vực An Phú thuộc Trung tâm Y tế TP. Thuận An với quy mô 200 giường. Cả 2 khu đều thuộc tầng 2 của tháp điều trị, đảm trách thu dung, cách ly, theo dõi, điều trị người bệnh COVID-19, đồng thời chuyển những trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch lên các bệnh viện thuộc tầng 3 của tháp để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Đắk Lắk: Phát hiện 27 ca dương tính tại một khu chợ ở huyện Cư M'gar

Thông qua xét nghiệm sàng lọc liên quan đến ca COVID-19 là tiểu thương tại chợ thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M'gar, cơ quan y tế phát hiện 27 ca dương tính.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 của huyện Cư M’gar đã ban hành quyết định phong tỏa, cách ly y tế toàn bộ khu chợ A, khu chợ B thị trấn Quảng Phú và số khu vực dân cư. Tổng cộng, phong tỏa 84 hộ dân với 337 nhân khẩu để ngăn chặn sự lây lan và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Bình Thuận: Tăng cường biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại vùng đỏ, vùng cam

Ngày 21/11, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Thuận ban hành văn bản về việc tăng cường biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Đối với vùng đỏ: Người dân ở tất cả các vùng không được ra/vào, trừ các trường hợp đặc biệt theo quy định. Tỉnh yêu cầu người dân chỉ ra ngoài khi có việc thật sự cần thiết và phải đảm bảo đầy đủ 2 điều kiện: Một là có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc có giấy chứng nhận đã điều trị khỏi không quá 6 tháng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ; hai là có các loại giấy chứng nhận/xác nhận việc ra ngoài của người dân đã được cấp có thẩm quyền cấp (bao gồm: Thẻ công chức, viên chức, lao động do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cấp; giấy xác nhận của địa phương dành cho các cơ sở kinh doanh được phép kinh doanh, phiếu đi chợ, sổ khám bệnh thể hiện lịch hẹn tái khám, giấy mời tiêm vaccine...).

Người dân không đi ra đường từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau trừ những trường hợp đặc biệt.

Đối với vùng cam: Người từ vùng cam không được đi đến vùng đỏ, khu vực cách ly y tế (trừ các trường hợp đặc biệt theo quy định); người từ vùng cam đi đến các vùng khác phải có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc có giấy chứng nhận đã điều trị khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng hoặc có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ.

TIN THẾ GIỚI

Cuộc đua sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 tại Châu Á

Do dịch COVID-19 còn phức tạp, nhất là ở châu Á, nhiều nước tại đây muốn trở thành trung tâm sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 để giảm phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài đồng thời phát triển kinh tế.

Hiện tại, Nam Phi là quốc gia đầu tiên trở thành trung tâm vắc xin được WHO hậu thuẫn và đang kỳ vọng có thể triển khai công nghệ vắc xin của Moderna cho châu Phi vào năm sau.

Tham vọng của Indonesia nhận được sự ủng hộ rất sớm từ Trung Quốc. Ngày 18/11, đại sứ Trung Quốc tại Indonesia, ông Xiao Qian, cho biết hợp tác vắc xin là điểm nhấn mới trong quan hệ hai nước. 

tin-tong-hop-trua-21-11-voh.com.vn-anh2
Vắc xin ngừa COVID-19 AstraZeneca.

Cũng trong ngày 18/11, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đề nghị Trung Quốc giúp nước này sản xuất vắc xin. 

Tương tự, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết nước này cam kết cung cấp 5 tỉ liều vắc xin ngừa COVID-19 cho thế giới trong năm 2022. 

Công ty Siam Bioscience của Thái Lan đã bắt đầu sản xuất vắc xin AstraZeneca của Anh từ tháng 6/2021.

Dù dịch bệnh đã được kiểm soát tốt ở nhiều nước, nỗi lo về các biến thể mới và sự thiếu hụt nguồn cung khi các nước bắt đầu tiêm bổ sung vẫn đè nặng lên khu vực Đông Nam Á. Cho tới nay khu vực này vẫn còn phụ thuộc vào nguồn vắc xin nhập.

Hà Lan ngừng mổ ung thư và tim để lập phòng ICU

Đối diện với đợt dịch mới, giới chức y tế tại Hà Lan bắt đầu hoãn phẫu thuật cho những người mắc ung thư hoặc bệnh tim nhằm có thêm chỗ cho phòng chăm sóc đặc biệt (ICU).

Người phát ngôn của LCPS - tổ chức chịu trách nhiệm phân bổ nguồn lực y tế của Hà Lan - cho biết các bệnh nhân ung thư hay mắc bệnh tim thường cần phải được phẫu thuật trong vòng 6 tuần kể từ khi được chẩn đoán, và thường ít ai có thể đáp ứng được yêu cầu này.

Hôm 18/11, Hà Lan đã ghi nhận kỷ lục đáng buồn với hơn 23.000 ca nhiễm mới, cao hơn hẳn so với kỷ lục 13.000 ca kỷ lục trước đó vào tháng 12-2020. Với chưa tới 200 giường ICU còn trống, các bệnh viện tại đây đang nỗ lực để tạo thêm chỗ trống.

Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) mới đây đã khuyến nghị đưa thuốc trị COVID-19 của Hãng dược Merck vào dùng thử. Đối tượng sẽ là người bệnh trưởng thành, không cần hỗ trợ thở oxy và có nguy cơ trở nặng.

Cụ thể, bệnh nhân sẽ theo liệu trình uống thuốc 2 lần/ngày trong vòng 5 ngày kể từ khi có các triệu chứng đầu tiên. Tuy nhiên, EMA khuyến cáo không nên sử dụng thuốc để điều trị cho phụ nữ đang mang thai hoặc có ý định mang thai.

Các nước tăng tốc tích trữ thuốc điều trị COVID-19

Trong bối cảnh các chiến dịch bao phủ vaccine COVID-19 đạt hiệu quả ở nhiều nước, giúp giảm số ca mắc mới và ca tử vong, một loạt quốc gia đã tính bài toán tiếp theo trong cuộc chiến chống dịch. Theo đó, nhiều nước một mặt tăng cường tiêm vaccine cho nhóm người ít tuổi, mặt khác đẩy mạnh gom mua thuốc điều trị COVID-19. Trong cuộc đua gom thuốc lần này, các quốc gia châu Á đang tăng tốc để tránh lặp lại sai lầm chậm chân đặt mua, rơi vào tình cảnh thiếu vaccine như trước đây.

Molnupiravir hiện đang là loại thuốc được săn đón nhiều nhất. Kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 cho thấy, thuốc có tác dụng giảm gần 50% nguy cơ bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện và tử vong. Molnupiravir có thể trở thành viên kháng virus đầu tiên được cấp phép sử dụng để điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Mỹ. Ít nhất 8 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã ký kết các thỏa thuận hoặc đang đàm phán để mua thuốc Molnupiravir.

Ngoài Molnupiravir, các quốc gia cũng đang đặt cược vào những loại thuốc đặc trị COVID-19 khác như Remdesivir.

Vấn nạn làm giả giấy chứng nhận vaccine và mã QR tại Nga

Theo thống kê, 80% những người được cho là đã tiêm phòng nhưng mắc bệnh nặng ở Nga là những người đã mua giấy chứng nhận.

Báo chí Nga đã ghi nhận sự gia tăng ồ ạt các dịch vụ mua bán giấy chứng nhận tiêm vaccine và mã QR trên các trang mạng xã hội từ tháng 9 đến nay đã gấp 20 lần so với thời điểm mùa hè.

Từ tháng 3 năm 2021 cho đến nay, Cơ quan giám sát truyền thông Nga (Roskomnadzor) đã chặn và xóa hơn 4 nghìn trang mạng mua bán giấy chứng nhận tiêm chủng và mã QR.

Trong nửa cuối năm nay, cơ quan an ninh Nga đã khởi tố hơn 500 vụ án hình sự do lưu hành tài liệu y tế giả liên quan đến việc sản xuất và cung cấp những giấy tờ này, gần 300 người tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp này đã được xác định, trong đó có các nhân viên y tế.

Từ ngày 8/11, với việc công nhận giấy chứng nhận tiêm vaccine và mã QR là giấy tờ cá nhân chính thức, các nhà chức trách Nga đã tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với cả người bán và người mua. Từ phạt hành chính 40 nghìn ruble (khoảng 550 USD) đến hình phạt tối đa cho tội danh giả mạo và lừa đảo này là 2 năm tù giam.

Tử vong do dùng thuốc quá liều tại Mỹ

Trung bình cứ 5 phút tại Mỹ lại có 1 ca tử vong do dùng thuốc quá liều, 3/4 trong số này là do lạm dụng thuốc Fentanyl. Đây là một loại thuốc giảm đau cực mạnh và dễ gây nghiện, mạnh gấp 50 lần heroine và 100 lần morphin.

Số ca tử vong do sử dụng thuốc quá liều đã tăng gần 30% so với năm ngoái, vượt qua cả số người chết vì tai nạn xe, do súng đạn và thậm chí hơn cả bệnh cúm và viêm phổi.

Có hai nguyên nhân được đưa ra, thứ nhất bởi đại dịch gây ra tình trạng căng thẳng cho nhiều người, làm gián đoạn các chương trình chăm sóc sức khỏe và thứ hai là việc mua bán chất ma túy bất hợp pháp đang diễn ra tràn lan trên đường phố Mỹ.

Số ca tử vong do sử dụng chất kích thích như methamphetamine, thuốc giảm đau, hay cocaine cũng gia tăng. Dịch COVID-19 khiến người dân dễ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần và chứng rối loạn sử dụng thuốc.

Có hai nguyên nhân được đưa ra, thứ nhất bởi đại dịch gây ra tình trạng căng thẳng cho nhiều người, làm gián đoạn các chương trình chăm sóc sức khỏe và thứ hai là việc mua bán chất ma túy bất hợp pháp đang diễn ra tràn lan trên đường phố Mỹ.

Số ca tử vong do sử dụng chất kích thích như methamphetamine, thuốc giảm đau, hay cocaine cũng gia tăng. Dịch COVID-19 khiến người dân dễ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần và chứng rối loạn sử dụng thuốc.

Bình luận