Tình hình dịch bệnh Covid-19 TPHCM mới nhất hôm nay 26/5/2022

Chiều 26/5, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Tham dự có Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương; Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Nguyễn Văn Lâm; Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Huỳnh Minh Tú; Chánh văn phòng Sở Giáo dục - Đào tạo Hồ Tấn Minh; Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Lê Thiện Quỳnh Như; Phó Chánh Văn phòng Sở Quy hoạch – Kiến trúc Huỳnh Xuân Thụ; Phó chủ nhiệm Chính trị - Bộ Tư lệnh TP, Thượng tá Nguyễn Văn Trung;… cùng phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP.

Tính đến 18 giờ 00 ngày 25/5/2022, có 610.240 trường hợp mắc bệnh COVID-19 phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 609.282 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 958 trường hợp nhập cảnh.

Hiện TP đang điều trị 37 bệnh nhân, trong đó: có 02 trẻ em dưới 16 tuổi. Trong ngày 25/5: 01 bệnh nhân nhập viện, 04 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 345.024), 00 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 20.488).

Tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 25/5/2022 là 8.422.901 mũi 1; 7.441.111 mũi 2; 684.153 mũi bổ sung; 4.279.086 mũi nhắc lại lần 1; 931 mũi nhắc lại lần 2.

Thông tin nổi bật về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội tại TPHCM ngày 26/5 1
Toàn cảnh họp báo

Nhiều dự án quy hoạch, công trình kiến trúc đang được triển khai

Thông tin về tiến độ thực hiện Trung tâm triển lãm quy hoạch Thủ Thiêm, Phó Chánh Văn phòng Sở Quy hoạch – Kiến trúc Huỳnh Xuân Thụ cho biết, trong quá trình xây dựng, dự án trên gặp khó khăn về vấn đề lựa chọn vật liệu, chưa thống nhất ý kiến giữa các đơn vị. Hiện nay, công trình này vừa tiếp tục khởi động trở lại sau khoảng thời gian gián đoạn vì dịch COVID-19.

Nhằm thúc đẩy nhà thầu hoàn thành công trình, TPHCM quyết định bàn giao nhiệm vụ quản lý dự án của chủ đầu tư về cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghệ nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Thông tin nổi bật về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội tại TPHCM ngày 26/5 2
Phó Chánh Văn phòng Sở Quy hoạch – Kiến trúc Huỳnh Xuân Thụ thông tin về nhiều dự án quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn TP

Về kế hoạch điều chỉnh quy hoạch chung TP, ông Huỳnh Xuân Thụ cho biết, từ năm 2017, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã triển khai hàng loạt công việc như: đấu thầu, chọn nhà tư vấn có năng lực rà soát toàn diện...

Về mặt chuyên môn, Sở tổ chức 7 chuyên đề nghiên cứu sâu, đồng thời mời chuyên gia đầu ngành từng lĩnh vực. 7 đề tài này đã được Sở báo cáo nội dung cụ thể cho UBND TP, tóm tắt, tổng hợp trở thành nhiệm vụ đầu vào quy hoạch chung.

Bên cạnh đó, Sở cũng thông tin một loạt nội dung, báo cáo trên các phương tiện truyền thông, tổ chức các hội thảo chuyên đề.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 - 2022, dự án chính thức đăng kí vốn đầu tư công. Dự kiến cuối tháng 5, kế hoạch đấu thầu sẽ được phê duyệt, công khai. Tháng 9 hoặc tháng 10 tới, TPHCM sẽ đàm phán kí kết hợp đồng tư vấn.

Đối với việc quy hoạch xây dựng không gian ngầm, Chánh Văn phòng Sở Quy hoạch – Kiến trúc thông tin, Sở đã tổ chức các cuộc thi, tìm kiếm chuyên gia đến tư vấn, trao đổi chuyên môn,... Sở cũng đang chuẩn bị tổ chức cuộc thi với quy mô quốc tế về kế hoạch quy hoạch không gian ngầm.

Liên quan đến công tác điều chỉnh quy hoạch, đổi mới, khai thác tiềm năng xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất nhằm cập nhật xu thế, lãnh đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc nhìn nhận, sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ là đầu mối giao thông vận tải đơn thuần mà còn là nơi có tiềm năng phát triển kinh tế xã hội, phát triển loại hình thương mại dịch vụ, kinh tế đêm,…

Để khai thác sân bay Tân Sơn Nhất với quy mô lớn, trở thành “đô thị sân bay”, TPHCM sẽ tập trung các nhóm giải pháp gồm: tăng cường kết nối giao thông, đặc biệt giao thông công cộng, tổ chức tuyến xe điện; bổ sung, nghiên cứu cầu vượt bộ hành, xe cơ giới; nghiên cứu tổ chức phân luồng giao thông, tuyến ưu tiên cho hành khách đi, đến sân bay để không ùn tắc giao thông; tổ chức sản phẩm thương mại dịch vụ; khai thác không gian công cộng để đa dạng kinh tế;…

1,2 triệu lao động có nhu cầu hỗ trợ tiền thuê nhà

Liên quan chính sách hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà theo Quyết định 08 của Thủ tướng Chính phủ, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Nguyễn Văn Lâm cho biết, hiện trên địa bàn có khoảng 1,2 triệu người lao động có nhu cầu hỗ trợ, với tổng dự toán là hơn 2.000 tỷ đồng.

Thông tin nổi bật về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội tại TPHCM ngày 26/5 3
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Nguyễn Văn Lâm thông tin về chính sách hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà 

Qua quá trình thẩm định cùng Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội phát hiện số lượng lao động trên không khớp với danh sách của Bảo hiểm Xã hội TP. Do đó, chiều 26/5 Sở Lao động - Thương binh & Xã hội đã họp với Thường trực UBND, Trưởng phòng Lao động - Thương binh & Xã hội các địa phương, yêu cầu 10 quận, huyện rà soát lại những số liệu chưa khớp.

Trước 17h ngày 3/6, các địa phương này phải có báo cáo về Sở Lao động - Thương binh & Xã hội. Từ đó, Sở này sẽ tổng hợp và gửi ngay cho Sở Tài Chính vào ngày 4/6, để tiền hỗ trợ đến tay người lao động một cách sớm nhất.

Nhiều giải pháp đảm bảo hoạt động của trạm y tế

Trước tình trạng sau dịch COVID-19, nhiều cán bộ tại trạm y tế nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển công tác, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Lê Thiện Quỳnh Như cho hay, Sở đã triển khai hàng loạt giải pháp để đảm bảo hoạt động của trạm y tế, cũng như thu hút, giữ chân nhân viên.

Thông tin nổi bật về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội tại TPHCM ngày 26/5 4
Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Lê Thiện Quỳnh Như cho hay, Sở đã triển khai hàng loạt giải pháp để đảm bảo hoạt động của trạm y tế, cũng như thu hút, giữ chân nhân viên.
  • Thứ nhất, các bác sĩ mới tốt nghiệp không chỉ thực hành tại bệnh viện theo chương trình đào tạo chuẩn trước đây của Bộ Y tế mà còn phải tăng cường về trạm y tế để thực hiện thêm một số hoạt động tại trạm như: hỗ trợ quản lý F0 tại nhà, hỗ trợ quản lý các chương trình sức khỏe,… Những hoạt động này không đòi hỏi phải có chứng chỉ hành nghề.
  • Thứ 2, Sở Y tế tăng cường lực lượng khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế, bằng cách kí hợp đồng với các bác sĩ đã nghỉ hưu, phụ trách chuyên môn tại trạm. Hiện Sở đã bắt đầu triển khai hướng dẫn, cấp kinh phí kí hợp đồng với các bác sĩ này.
  • Thứ 3, đối với các trạm chưa kí hợp đồng với các bác sĩ nghỉ hưu, Sở sẽ luân phiên bác sĩ từ bệnh viện quận, huyện và TP Thủ Đức xuống công tác tại trạm.

Sở Y tế cũng sẽ tiếp tục tham mưu, kiến nghị Quốc hội khi sửa đổi luật Khám chữa bệnh. Cụ thể, điều chỉnh nội dung tăng cường phát triển nguồn nhân lực cho y tế cơ sở tại các tỉnh, thành.

TPHCM chưa ghi nhận trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ

Theo Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế, trước nguy cơ dịch đậu mùa khỉ đang bùng phát tại nhiều quốc gia, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, TP sẽ tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh này.

Các cơ sở y tế tăng cường giám sát, phát hiện trường hợp nghi ngờ, có thể mắc bệnh. Khi phát hiện sẽ báo cáo ngay để Sở Y tế phối hợp cùng Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Paster để chẩn đoán, phát hiện ca bệnh.

Đại diện Sở Y tế khuyến cáo, người dân cần tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa; tránh tiếp xúc trực tiếp với các vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn, các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh; thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn; che miệng khi ho, hắt hơi. Người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh phải chủ động liên hệ ngay với các cơ sở y tế; chủ động tự cách ly,…

Bên cạnh đó, người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú, gặm nhấm; linh trưởng… Không ăn, tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kĩ hoặc sản phẩm động vật bị nhiễm bệnh.

“Hiện tại TPHCM chưa ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ”, bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết.

Người dân cần làm gì khi bị đòi nợ kiểu “khủng bố”?

Về việc nhiều người dân ở TPHCM bị đe dọa, cũng như đòi nợ kiểu khủng bố trên qua điện thoại, trên mạng xã hội, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương cho biết, đây là nội dung mà Sở cùng Công an TP đang tập trung phối hợp xử lý.

Sở đề nghị, người dân bị đòi nợ vô cớ có thể ghi âm cuộc gọi, lưu lại tin nhắn, hình bị cắt ghép sai sự thật để cung cấp cho Sở Thông tin và Truyền thông và cơ quan công an. Từ đó, lực lượng chức năng có cơ sở can thiệp, xử lý. Cần tránh tâm lý e ngại, thỏa hiệp, cho qua, tạo điều kiện để các đối tượng tiếp tục hành vi trái pháp luật này.

Thông tin nổi bật về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội tại TPHCM ngày 26/5 5
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương đề nghị, người dân bị đòi nợ vô cớ có thể ghi âm cuộc gọi, lưu lại tin nhắn, hình bị cắt ghép sai sự thật

Trong năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông vẫn chưa nhận được nhiều phản ánh của các các nhân, tổ chức bị đe dọa, cũng như đòi nợ kiểu khủng bố qua điện thoại, trên mạng xã hội.

“Chúng tôi đã xử lý 3 trường hợp vi phạm với tổng số tiền 27,5 triệu, ngừng cung cấp dịch vụ với 23 thuê bao di dộng trên địa bàn có hành vi vi phạm”, ông Từ Lương cho biết.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP phản hồi về thiếu sót trong Kỳ thi tuyển chọn Học sinh giỏi Quốc gia

Liên quan đến công tác tổ chức Kỳ thi tuyển chọn Học sinh giỏi Quốc gia tại TPHCM, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hồ Tấn Minh cho biết, kỳ thi này do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức và bố trí 100% cán bộ coi thi từ ít nhất ba đơn vị của các địa phương khác. Tất cả thủ tục liên quan đến kỳ thì này đều được thực hiện, đăng ký trên phần mềm của Bộ.

Đối với thiếu sót không xếp số báo danh theo thứ tự bảng chữ cái tên thí sinh theo quy định mà xếp thí sinh của 3 đơn vị dự thi tại các phòng thi riêng biệt, đai diện Sở Giáo dục và Đào tạo thừa nhận có xảy ra tình trạng này tại môn Tin học và Tiếng Anh.

Trên thực tế, Hội đồng coi thi học sinh giỏi quốc gia tại TPHCM là hội đồng ghép của 3 đơn vị gồm: Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TPHCM và Trường Trung học Thực hành - Đại học Sư phạm TPHCM.

Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM là đơn vị đại diện cho các đơn vị thực hiện khai báo dữ liệu trên phần mềm của Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Trước đó, Cục này đã cấp 3 mã số báo danh khác nhau cho 3 đơn vị lần lượt là: Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM mã số 58, Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TPHCM mã số 66 và Trung học Thực hành - Đại học Sư phạm TPHCM mã số 70.

Do mã số của các đơn vị khác nhau nên phần mềm sắp xếp theo thứ tự a, b, c... tên thí sinh ở mỗi môn thi theo từng đơn vị dự thi. Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã xếp thí sinh thi hai môn Tiếng Anh và Tin học theo từng đơn vị dự thi, thí sinh thuộc 3 đơn vị dự thi tại 3 phòng khác nhau giúp quá trình coi thi diễn ra thuận lợi, bảo đảm tiến độ công việc cho hội đồng.

Cụ thể, môn Tiếng Anh có tổng số thí sinh dự thi của ba đơn vị là 26 và phân chia thành 3 phòng thi vì môn thi này có hai phần thi viết và nói, danh sách phòng thi viết và nói phải trùng nhau, bảo đảm thời gian kết thúc cùng lúc với các hội đồng khác trên toàn quốc.

Mặc khác, do thời lượng phần thi nói của mỗi thí sinh là 20 phút (chưa tính các sự cố bất thường có thể xảy ra), nếu phòng thi có số lượng quá đông sẽ không đảm bảo thời gian kết thúc tại Hội đồng coi thi.

Đối với môn Tin học, giám thị phải thực hiện việc in bài và sao chép bài thi của thí sinh lên đĩa CD. Nếu phòng thi có 20 thí sinh thì công tác thu bài, in bài và sao chép bài thi lên đĩa CD gặp nhiều khó khăn và mất thời gian, ảnh hưởng tiến độ làm việc của cả Hội đồng. Vì vậy, Hội đồng coi thi đã quyết định phân chia thành 2 phòng thi, mỗi phòng 10 thí sinh.

Riêng về việc một số đội tuyển có số lượng thí sinh vượt quy định, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM lý giải, một số đội tuyển có số lượng thành viên vượt quy định do 2 năm liên tiếp môn thi đó có kết quả trên 80% thí sinh đạt giải thì được tăng không quá 10 thành viên. Việc này đã được Cục Quản lý Chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho phép bằng văn bản. Theo đó, toàn bộ thí sinh dự thi được cấp số báo danh là đúng theo quy chế, quy định.

Bình luận