Chờ...

Tổ chức chính quyền đô thị sẽ giúp TPHCM nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước

(VOH) - Các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình cao về việc cần thiết ban hành Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM để tạo điều kiện phát triển KT-XH của thành phố trong thời gian tới.

Trong Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, TPHCM là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế. TPHCM cũng là đầu tàu, động lực, có sức thu hút, lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, TPHCM vẫn gặp nhiều trở ngại, bất cập, chưa phát huy hết tiềm năng do nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân là mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở TPHCM chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt về kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, dân cư, địa giới hành chính.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phân tích: “Qua 6 năm thí điểm không tổ chức HĐND ở phường và quận của TPHCM cho thấy đạt nhiều kết quả tích cực; Giảm tầng nấc trung gian, tiết kiệm chi phí, đảm bảo thông suốt hoạt động, nâng cao hiệu quả hiệu trong quản lý nhà nước; Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, hoạt động giám sát tiếp tục được phát huy thông qua Mặt trận Tổ quốc, các đại biểu Quốc hội, HĐND Thành phố”.

Tổ chức chính quyền đô thị sẽ giúp TPHCM nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước
Tổ chức chính quyền đô thị sẽ giúp TPHCM nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Ảnh: VOH

Bên cạnh đó, do hoạt động kinh tế của thành phố có tính chất liên thông, liên kết và phát triển mở rộng giữa các quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các vùng, miền khác; việc cung cấp các dịch vụ hạ tầng như điện, nước, thoát nước, giao thông công cộng, y tế, giáo dục... đòi hỏi phải được quy hoạch và thực hiện thống nhất, đồng bộ, có tính hệ thống trong toàn Thành phố, không phụ thuộc vào địa giới hành chính các quận, huyện, phường, xã, thị trấn.

Tất cả các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận đều nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn tỉnh Đồng Tháp bày tỏ: “Tôi đồng tình với tờ trình của Chính phủ về Nghị quyết. Một cơ sở thực tiễn nữa là TPHCM đã từng thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, phường và đã mang lại kết quả lớn lao như mong đợi của bà con cử tri”.

Dự thảo Nghị quyết có 12 điều, các nội dung của Đề án phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cụ thể là Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực và phù hợp với Hiến pháp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức quyền địa phương như Tờ trình của Chính phủ đã nêu.

Đại biểu Dương Minh Tuấn, Đoàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho rằng, TPHCM rất cần có một mô hình chính quyền mang tính ổn định, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp: “Tán thành với dự thảo Nghị quyết về mô hình Chính quyền đô thị tại TPHCM, đây là vấn đề quan trọng và cấp bách không cần thí điểm vì 2 lý do: Phù hợp với Hiến pháp và đã từng có 7 năm thí điểm khi thực hiện Nghị quyết 26 của Quốc hội Khóa 12”.

TPHCM được xem là một "siêu đô thị" của nước ta với hơn 10 triệu người cư trú và khách vãng lai, đây là một thành phố hết sức năng động. Với mong muốn TPHCM tiếp tục phát triển xứng tầm với vai trò và vị thế mà TPHCM đã có sẵn trong nội lực của mình, nên việc có Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM là cần thiết.

TPHCM cũng đang là một trong 10 tỉnh thành phố trên cả nước đã thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường và đã có một kết quả đánh giá thí điểm sau 6 năm cơ bản thực tiễn là tốt.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Đoàn thành phố Đà Nẵng thể hiện sự thống nhất cao: “Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng tán thành Quốc hội ban hành Nghị quyết chính quyền đô thị tại TPHCM. Việc triển khai các quyết định hành chính sẽ được nhanh hơn, khắc phục được các tầng lớp trung gian, các tầng nấc”.

Trên cơ sở sau khi phân bổ lại nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân thành phố, có tính tiếp quản nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân cấp phường, cấp quận vẫn đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của việc cung cấp dịch vụ và giải quyết các vấn đề liên quan đến nguyện vọng của người dân. Những vấn đề của người dân sẽ được chú trọng, giải quyết và nâng cao hơn bởi Hội đồng nhân dân cấp thành phố.

Qua Nghị quyết này, TPHCM sẽ tinh giảm được bộ máy cấp phường, cấp quận. Qua tính toán sơ bộ giảm hơn 500 đại biểu chuyên trách ở cấp phường và cấp quận của 17 quận không sáp nhập và giảm khoảng 800 vị trí việc làm khi sáp nhập 3 quận gồm: Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức của TPHCM. Qua đó, giảm chi ngân sách dự kiến được hơn 3.000 tỷ/1 nhiệm kỳ.

Đại biểu Huỳnh Thành  Phương, đoàn tỉnh Bình Phước phân tích thêm về sự cần thiết triển khai Nghị quyết chính quyền đô thị tại TPHCM: “TPHCM là siêu đô thị với hơn 9 triệu dân, trong bối cảnh nhiều nước thế giới bị suy giảm kinh tế thì TPHCM vẫn tăng trưởng ổn định. Qua nghiên cứu tờ trình, tôi đồng tình và đề nghị Quốc hội sớm thông qua tại kỳ họp lần này”.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng đây là thời cơ thuận lợi để Quốc hội tạo thế và lực thông qua hình thức cải cách thể chế của TPHCM. Qua đó tạo điều kiện cho TPHCM phát triển, làm đòn bẩy phát triển cho các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội xem xét cho thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM trong kỳ họp này để có hiệu lực vào ngày 01/7/2021 như dự thảo và đồng thời để tạo tính ổn định và phát triển lâu dài.

Ngoài ra, một số đại biểu cũng kiến nghị TPHCM tiếp tục phát huy cơ chế đặc thù mà đã được Quốc hội thông qua. Cùng với việc tiếp tục đề xuất các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách trong giai đoạn 2021 - 2025 với trọng tâm là lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, quan tâm đến đầu tư hạ tầng kết nối giữa TPHCM với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Bình luận