Chờ...

Tội phạm trật tự xã hội diễn biến phức tạp, nhất là giết người, “tín dụng đen”, xâm hại trẻ em

(VOH) - Tội phạm về trật tự xã hội tuy giảm 6,69%, song còn diễn biến phức tạp, nhất là giết người do mâu thuẫn, thù tức cá nhân, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm xâm hại trẻ em...

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, sáng nay 8/11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 (Từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/9/2022).

Tội phạm về trật tự xã hội diễn biến phức tạp, nhất là giết người, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”,  xâm hại trẻ em

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, năm 2022, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục có nhiều diễn biến mới, phức tạp.

Trong nước, tội phạm về trật tự xã hội tuy giảm 6,69%, song còn diễn biến phức tạp, nhất là giết người do mâu thuẫn, thù tức cá nhân, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán người, xâm phạm sở hữu, chống người thi hành công vụ… Đã điều tra, khám phá đạt tỷ lệ 86,94%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95,12%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,27%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. 

Tội phạm trật tự xã hội diễn biến phức tạp, nhất là giết người, “tín dụng đen”, xâm hại trẻ em 1
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Ảnh: Quốc hội

Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm còn hạn chế. Đó là tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, công tác tạm giữ, tạm giam vẫn còn xảy ra. Số người chết do tai nạn giao thông tăng, cháy nổ còn nhiều. Vi phạm hành chính còn diễn ra phổ biến trên nhiều lĩnh vực.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng báo cáo trước Quốc hội những chủ trương, giải pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023. Trong đó, tăng cường xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. 

Chủ động nắm, phân tích, dự báo sát tình hình từ sớm, từ xa; kịp thời tham mưu với Đảng, Quốc hội các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự. 

Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, chủ động dự báo sớm và giải quyết các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và những vấn đề phức tạp về trật tự xã hội ngay từ cơ sở.

 Tăng cường đấu tranh các loại tội phạm, vi phạm pháp luật; triển khai toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chỉ ra một số loại tội phạm gia tăng như: giết người tăng 13,17%, cho vay lãi nặng tăng 41,95%. Một số loại tội phạm diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng như các tội phạm về ma túy, cướp, cướp giật...

Một số vụ xâm hại trẻ em với hành vi dã man, có vụ việc chỉ khi xảy ra hậu quả chết người mới bị phát hiện. Kết quả phát hiện và xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật trên một số lĩnh vực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm xảy ra nhiều nhưng việc phát hiện, xử lý chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là xử lý hành chính; tội trộm cắp, cướp giật tài sản xảy ra nhiều nhưng tỷ lệ điều tra, khám phá thấp.

Bình luận