Chờ...

Tổng Bí thư Lê Duẩn - Người của những chuyển hướng chiến lược trong cách mạng Việt Nam

(VOH) - Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên từ sau năm 1975 đến nay, mỗi khi bước vào tháng 4 kỷ niệm thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ - một trong những cuộc kháng chiến oanh liệt, vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, cũng đồng thời kỷ niệm ngày sinh một con người mà các nhà nghiên cứu phương Tây từng gọi ông là “kiến trúc sư” của cuộc kháng chiến ấy. Đó chính là người con của đất Triệu Phong, Quảng Trị, đồng chí Lê Duẩn, sinh ngày 07/4/1907, cách đây đúng 110 năm.

Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Hoạt động cách mạng từ năm 1928, khi trở thành người lãnh đạo cao nhất xứ Trung kỳ (Bí thư Xứ ủy) ông mới tròn 30 tuổi. Cuộc đời hơn 50 năm hoạt động của ông diễn ra trên khắp 3 miền đất nước, nhưng những năm tháng quan trọng nhất trước khi trở thành người chịu trách nhiệm trước Đảng về phong trào cách mạng miền Nam có lẽ vẫn là hơn 10 năm ở Nam bộ (1946-1957).

Việc vào tù ra khám của thực dân đế quốc với một người cộng sản như ông, cũng như nhiều chiến sĩ cách mạng kiên cường khác, chỉ là cách tôi luyện bản lĩnh chính trị; chuyện anh em Nam Bộ đặt cho ông biệt hiệu “Ông 200 bougies”, mới là cách nói thực tế nhất về tư duy mẫn tuệ sáng như ngọn đèn hai trăm bu-gi của riêng ông Lê Duẩn.

Thực ra từ hồi chiến tranh thế giới thứ II vừa bùng nổ (1939), đồng chí Lê Duẩn tham gia Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã góp phần vào sự ra đời của Nghị quyết lịch sử đề cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, mở ra quá trình chuyển hướng chiến lược cho cách mạng Việt Nam để tiến tới Cách mạng tháng Tám.

Từ sau Cách mạng tháng Tám, đồng chí Lê Duẩn trở thành người của những chuyển hướng chiến lược trong cách mạng Việt Nam, kể cả trong và sau cuộc kháng chiến trường kỳ.

Còn nhớ khi kháng chiến toàn quốc vừa bùng nổ, năm 1947 tại Đồng Tháp Mười, đồng chí Lê Duẩn chủ trì Hội nghị Xứ uỷ Nam Bộ mở rộng, không chỉ củng cố sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc kháng chiến ở Nam bộ, mà còn định hướng rõ cho tổ chức đảng các cấp trong toàn Xứ lãnh đạo kháng chiến ở chiến trường xa sự chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ.

Mở đầu thời kỳ đất nước bị chia cắt, sống tại sào huyệt của kẻ thù, đồng chí Lê Duẩn đã sớm thấy rõ con đường cách mạng của nhân dân miền Nam phải là con đường cách mạng bạo lực. Bản “Đề cương cách mạng miền Nam” ông viết năm 1956 được thể hiện đầy đủ trong Nghị quyết 15 (1959) chuyển thế chiến lược cho cách mạng miền Nam từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang, đưa cách mạng miền Nam từ thế thụ động giữ gìn lực lượng sang thế chủ động tiến công; tạo nên bước nhảy vọt đầu tiên cho cách mạng miền Nam, mở ra thời kỳ nêu cao và thực hiện quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam.

Năm 1967, trước những thắng lợi chống các cuộc phản công chiến lược mùa khô của địch ở chiến trường miền Nam, cùng những chiến công chống chiến tranh phá hoại của địch ở miền Bắc, cần làm thế nào để đưa kháng chiến chống Mỹ đến những bước đột phá có thể “làm tung tóe các yếu tố chính trị mới” và khả năng đưa đến giải quyết cuộc chiến tranh?

Đồng chí Lê Duẩn cùng với Trung ương chỉ đạo tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 – một tính toán táo bạo, buộc Mỹ phải nhận ra khả năng quân sự có hạn và không thể dùng biện pháp quân sự để thắng trong cuộc chiến tranh thực dân mới này, phải xuống thang chiến tranh và chấp nhận đàm phán với Việt Nam. Quân dân Việt Nam từ cuộc Tổng tiến công Mậu Thân ấy cũng thấy rõ đường hướng kết thúc chiến tranh - như Bác Hồ đã chỉ rõ “Đánh cho Mỹ cút ngụy nhào”.

Cuộc đàm phán kết thúc chiến tranh rất dai dẳng, nhưng ngay từ đầu đồng chí Lê Duẩn đã dặn cố vấn Lê Đức Thọ đặt mục tiêu “điều không được thay đổi là Mỹ rút và mình không rút”. Đó chính là điều quan trọng nhất mà Hiệp định Paris đã ký kết (1973), mở ra thời cơ chiến lược cho việc kết thúc cuộc kháng chiến. Khi đó đồng chí Lê Duẩn đã phân tích “Nhằm lúc Mỹ rút nhưng chưa rút xong và không thể quay lại, ngụy ở lại thì chưa ổn định, đây là thời cơ tốt nhất để ta tổng tiến công và nổi dậy đánh trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Thời cơ là vô cùng quan trọng. Thời cơ là sức mạnh”.

Khi Cục Tác chiến và Bộ Tổng tham mưu dự kiến kế hoạch tiến công giải phóng trong 4 năm, đồng chí Lê Duẩn nói phải “quyết tâm trong hai năm 1975-1976”; thế là cả một mùa xuân đại thắng đã diễn ra đúng như dự kiến táo bạo ấy, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ.

Điều đặc biệt nữa trong và sau chiến tranh, đồng chí Lê Duẩn cũng sớm có nhiều tư tưởng có tính quyết sách chiến lược cả về xây dựng, phát triển đất nước. Có thể điểm qua các sự kiện:

- Năm 1970 khi viết “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới”, đồng chí Lê Duẩn đã nói đến “Cải tiến chế độ quản lý kinh tế” và đưa ra luận điểm “Quản lý kinh tế là quản lý một cơ thể sống phát triển theo những quy luật khách quan”.

- Năm 1972, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 20 bàn về quản lý kinh tế, đồng chí Lê Duẩn đã chỉ ra sức cản của cơ chế quản lý hành chính cung cấp và chủ trương xoá bỏ nó.

- Năm 1985 tại Hội nghị Bộ Chính trị về phát triển kinh tế XHCN ở Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn là người quyết định đưa vào Nghị quyết Đảng cụm từ "Kinh tế nhiều thành phần”.

- Năm 1986 trước khi đường lối đổi mới đưa ra tại Đại hội Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã nêu bật ý tưởng: “Phải đổi mới cơ chế quản lý. Cơ chế quản lý đó lấy kế hoạch làm trung tâm. Nhưng không làm kế hoạch theo lối quan liêu, bao cấp”…

Đó chính là những tư tưởng chiến lược, đặt ra cơ sở ban đầu rất sát thực với lý luận và thực tiễn công cuộc đổi mới mà đất nước đã và đang thực hiện từ 1986 đến nay.

Là người trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng với những trọng trách lớn của Đảng và dân tộc, đồng chí Lê Duẩn đã đưa ra nhiều quyết sách lãnh đạo, làm chuyển hướng chiến lược cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ từ thời chiến đến thời bình; ông không chỉ là người của những chuyển hướng chiến lược trong chiến tranh, ngay cả trong xây dựng, phát triển đất nước cũng có những mở đầu cho bước tìm tòi tháo gỡ khó khăn, xác định con đường đổi mới…

Người để lại cho chúng ta di sản quý báu về một nhà chiến lược có tư duy lỗi lạc và sắc xảo cả về tư tưởng, chính trị, quân sự, kinh tế, về một con người phi thường, biết nhìn xa trông rộng và có sức sáng tạo không ngừng.

PGS-TS Hà Minh Hồng, khoa Sử ĐH KHXH&NV TPHCM - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh

Bình luận