Chờ...

TPHCM: học nghề ra trường có việc làm đạt 70-80%

(VOH) - Ngày 8/10, Ban Văn hóa- Xã hội HĐND TP giám sát công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn.

Ảnh minh họa: tapchitaichinh

Hiện nay toàn TP có 433 cơ sở dạy nghề, trong đó có 17 trường cao đẳng nghề, 27 trường trung cấp nghề, 64 trung tâm dạy nghề và 325 cơ sở dạy nghề phục vụ đa dạng các ngành nghề đáp ứng nhu cầu của người học. Năm 2015, các cơ sở dạy nghề tuyển sinh 400.000 học sinh - sinh viên học nghề, nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề của TP năm 2015 đạt 72%; Tỉ lệ học sinh sinh viên học nghề ra trường có việc làm đạt 70-80%.

Năm 2013 có 4 trường nghề được Bộ LĐ- TB-XH đầu tư thành trường nghề chất lượng cao, xây dựng chương trình nghề trọng điểm với 13 nghề cấp độ quốc tế và 8 nghề khu vực ASEAN, 6 cơ sở dạy nghề được phép liên kết, hợp tác với các đơn vị đào tạo nước ngoài…

Tuy nhiên, đa số cơ sở đào tạo nghề vẫn còn hạn chế về cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo nghề để đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp. Ông Bùi Hồng Quân, Phó Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB-XH TP cho biết: “Chất lượng đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo chất lượng mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng còn hạn chế và không đồng bộ, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả đào tạo”.

Có thể nói, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề của TP tăng dần qua các năm, tuy nhiên tỉ lệ học sinh hộ khẩu TP theo học nghề còn hạn chế. Kết quả công tác phân luồng năm học 2014-2015 chỉ có 4% học sinh tốt nghiệp THCS, 12% học sinh tốt nghiệp THPT vào học TCCN.

“Thật sự xu thế chủ đạo học sinh vẫn muốn vào các trường cao đẳng, đại học. Các ngành nghề, nhờ nghị quyết 29 đổi mới phân hóa mạnh ở THPT, chúng tôi cũng chuyển mạnh hướng các em đến với hướng nghiệp", ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP lý giải.

Bà Tô Thị Bích Châu, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội (HĐND TP)  đề nghị các sở ngành cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác hỗ trợ học nghề, đặc biệt là học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bên cạnh đó, các cơ sở nghề cần nắm bắt nhu cầu đào tạo nghề của địa phương, nâng cao chất lượng giảng dạy, trình độ giáo viên, phát huy hết công năng đào tạo.

“Về cơ sở vật chất được đầu tư chưa đồng bộ, đề nghị cơ sở nào sử dụng tốt thì phát huy, cơ sở nào chưa tốt phải sử dụng hết công năng mới tiếp tục đầu tư tiếp để tránh dàn trải trong nguồn kinh phí hạn chế hiện nay", bà Châu lưu ý.

Bình luận