Chờ...

TPHCM: Tập trung thực hiện Cải cách hành chính đồng bộ hơn

(VOH) - Văn phòng UBND TPHCM có Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi tại sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2022 và phân tích, đánh giá các Chỉ số liên quan năm 2021.

Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, công tác Cải cách hành chính (CCHC) và việc cải thiện các Chỉ số PAR Index, PCI, PAPI, SIPAS tại TP đã có nhiều nỗ lực và mang lại kết quả lớn, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của TP và mong muốn của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị cần quyết tâm khắc phục các tồn tại, tập trung thực hiện CCHC đồng bộ hơn. Trong đó, công tác hiện đại hóa nền hành chính và cải cách tài chính công cần được tập trung thực hiện để cải thiện các chỉ số CCHC.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu những tháng còn lại của năm 2022, Thủ trưởng sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức, quận, huyện tập trung xây dựng giải pháp chỉ đạo, điều hành, phân công, quản lý, giám sát, đôn đốc, nhắc việc; kết hợp đề ra tiến độ và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; khắc phục, cải thiện các hạn chế theo lộ trình đề ra; đánh giá kết quả thực hiện tại cơ quan, đơn vị đồng thời với công tác đánh giá cán bộ vào cuối năm.

TPHCM: Tập trung thực hiện Cải cách hành chính đồng bộ hơn 1
Ảnh minh họa: SGGPO

Rà soát, đánh giá các hạn chế khách quan, chủ quan qua kết quả các Chỉ số của TP năm 2021; xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm phát huy các mặt làm được và có giải pháp hiệu quả để khắc phục hạn chế gắn với mục tiêu nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Chủ động phối hợp với các cơ quan hoặc báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC TP (thông qua Sở Nội vụ) các vụ việc chậm trễ trong phối hợp giải quyết công việc, hồ sơ thủ tục hành chính, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, xử lý trách nhiệm người đứng đầu của cán bộ, công chức, viên chức có liên quan đến việc chậm trễ, thiếu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, giám sát.

Tổ chức đối thoại giao tiếp giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp nhằm trực tiếp lắng nghe ý kiến góp ý và tiếp thu nghiêm túc để sửa đổi, bổ sung kịp thời; đồng thời có cơ chế khuyến khích người dân, doanh nghiệp chủ động đóng góp, hiến kế CCHC.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cải thiện và khắc phục Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của UBND TP năm 2022.

Tạo môi trường thông thoáng, cởi mở, thân thiện để người dân, doanh nghiệp tích cực và chủ động tham gia quản lý, điều hành kinh tế - xã hội của địa phương. Tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp và quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong sản xuất, kinh doanh. 

Công khai tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo quy định.

Thực hiện nghiêm, trả lời, công khai đúng hạn các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định thủ tục hành chính và việc thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết.

Rà soát, bố trí công chức giữ chức vụ lãnh đạo đúng quy định, đảm bảo số lượng lãnh đạo của cấp phòng, ban, đơn vị trực thuộc ít hơn công chức không giữ chức vụ lãnh đạo tại phòng, ban, đơn vị trực thuộc.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được TP giao vốn triển khai trong năm 2022.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch-Kiến trúc tập trung củng cố dữ liệu hoàn thiện quy trình thủ tục hành chính, rà soát giảm thiểu các quy trình phức tạp.

UBND TP cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP và các tổ chức, đoàn thể quan tâm tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 khi thực hiện thủ tục hành chính.

Bộ Nội vụ công bố kết quả Chỉ số CCHC năm 2021 của TP đạt 86,05% được xếp vị trí 43/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, giảm 20 bậc nhưng tăng giá trị chỉ số 1,35% so với kết quả năm 2020.  “TP nằm trong nhóm B (gồm 59 tỉnh, kết quả Chỉ số đạt từ 80% - dưới 90%), dưới mức điểm trung bình chung của cả nước là 86,37%.”
Bình luận