Chờ...

Trẻ đuối nước thêm nguy kịch vì cách dốc ngược chạy

VOH - Tuần qua, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 5 trường hợp trẻ em bị đuối nước trong tình trạng nghiêm trọng.

Đáng tiếc, chỉ một trẻ được sơ cấp cứu đúng cách và đã hồi phục tốt, trong khi bốn trẻ còn lại gặp nguy cơ sống thấp vì các phương pháp sơ cứu sai lầm.

Một trong những trường hợp đáng chú ý là bé trai 3 tuổi đến từ Thái Nguyên. Sau khi bị đuối nước tại bể bơi, bé bị phát hiện trong tình trạng ngừng thở và không có nhịp tim.

Dù được nhân viên bể bơi thực hiện ép tim và thổi ngạt ban đầu, việc dốc ngược bé lên và chạy trong 5 phút sau đó đã làm tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.

DUoi nuoc 2024
Ảnh: BVCC

Khi bé được chuyển đến bệnh viện, tình trạng suy đa cơ quan đã xuất hiện, đe dọa tính mạng. Hiện bé đang điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi Trung ương, đối mặt với nguy cơ tử vong cao.

Một trường hợp khác là bé trai 12 tuổi từ Nam Định, cũng hôn mê sâu do sơ cứu không đúng cách. Sau khi bị đuối nước ở sông, bé được vác ngược chạy trong khoảng 10 phút trước khi được ép tim và đưa đến bệnh viện.

Thời gian ngừng tim kéo dài khiến bé bị hôn mê sâu và gặp nguy cơ di chứng thần kinh nặng nề dù đã được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Ngược lại, bé gái 4 tuổi ở Hà Nội là trường hợp may mắn nhất. Nhờ sơ cứu đúng cách, bé đã hồi phục nhanh chóng. Sau khi có dấu hiệu đuối nước khi bơi tại bể người lớn, bé được vớt lên và thực hiện ép tim, thổi ngạt ngay lập tức.

Chỉ sau 3 ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé đã hoàn toàn tỉnh táo và chuẩn bị xuất viện.

ThS.BS Hoàng Ngọc Cảnh, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh rằng sơ cấp cứu đúng cách là cực kỳ quan trọng. Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não chỉ kéo dài 4-5 phút, nếu không được cấp cứu kịp thời, có thể dẫn đến tổn thương não không hồi phục hoặc tử vong.

Cần phải thực hiện hồi sức tim phổi ngay khi phát hiện trẻ bị đuối nước không thở hoặc ngừng tim.

BS Cảnh cũng cảnh báo về những sai lầm phổ biến trong sơ cứu đuối nước:

  • Dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy: Điều này có thể khiến dịch dạ dày trào ngược vào đường thở và làm chậm trễ hồi sức tim phổi.
  • Ngừng hồi sức nếu trẻ chưa có nhịp thở: Việc này có thể khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Ép tim quá mạnh: Có thể gây gãy xương sườn và tổn thương phổi.
  • Không đưa trẻ đến cơ sở y tế: Điều quan trọng là phải kiểm tra và theo dõi các biến chứng sau đuối nước.
  • Người cứu không biết bơi: Nhảy xuống nước mà không có kỹ năng bơi lội có thể gây nguy hiểm cho chính người cứ.

Việc hiểu và thực hiện đúng các bước sơ cứu có thể cứu sống trẻ em trong tình huống đuối nước và giảm thiểu nguy cơ di chứng nặng nề.

Bình luận