Chờ...

Trọng tâm 2019: Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh

(VOH) - “Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ”.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại hội nghị giao ban trực tuyến về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính 4 tháng đầu năm 2019; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong Quý II năm 2019 do Văn phòng Chính phủ tổ chức vào chiều 14/5.

53/63 tỉnh, thành phố thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh

Báo cáo kết quả kết quả thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính 4 tháng đầu năm 2019, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cho biết: Trong những tháng đầu năm 2019, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 700 quyết định công bố 13.386 thủ tục hành chính được quy định tại 132 văn bản quy phạm pháp luật để cập nhật, niêm yết tại nơi giải quyết và đăng tải công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.

Trong những tháng đầu năm 2019, các Bộ, ngành, địa phương đã tiếp nhận 1.049 phản ánh, kiến nghị về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, đã xử lý 934/1.049 phản ánh, kiến nghị (đạt 89,03%), còn 115 phản ánh, kiến nghị đang được xem xét, xử lý.

Về thực hiện một cửa, một cửa liên thông, đến nay, 100% các Văn phòng Bộ, địa phương đã tiếp nhận nhiệm vụ tổ chức, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyêt thủ tục hành chính theo đúng chỉ đạo. Tại địa phương hầu hết đã hoàn thành việc tổ chức, kiện toàn Bộ phận Một cửa theo kế hoạch.

Đối với cấp tỉnh, đến nay 53/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh để tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.

Về cải thiện môi trường kinh doanh, ông Ngô Hải Phan cho rằng việc cải thiện môi trường kinh doanh đòi hỏi sự “vào cuộc” mạnh mẽ của các bộ, ban ngành và các địa phương với việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp mới có thể tạo ra sự thay đổi. Với vai trò cơ quan thường trực Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ đã chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất giải pháp cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh trong Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Bussiness) của Ngân hàng Thế giới.

Theo đó, đã chủ trì điều phối và tổ chức các buổi làm việc của chuyên gia Ngân hàng Thế giới với các bộ, ngành liên quan để trao đổi về 06/10 chỉ số thành phần trong Doing Bussiness; đôn đốc các bộ, cơ quan liên quan cập nhật, cung cấp kết quả cải cách về chính sách, quy định, thủ tục hành chính của Việt Nam gửi Ngân hàng Thế giới, phục vụ xây dựng Báo cáo Doing Bussiness 2020”.

Báo cáo cũng nêu những mặt còn hạn chế là vẫn còn tình trạng trễ hẹn trong giải quyết thủ tục hành chính, việc bố trí công chức làm việc tại bộ phận một cửa tại nhiều địa phương còn lúng túng, chưa phát huy được hết vai trò của công chức hay đáp ứng được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức 4 tại chỗ đối với tối thiểu 20% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết.

cải cách thủ tục hành chính, cơ chế một cửa

Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, phát biểu tại điểm cầu TPHCM

Tại hội nghị, các Bộ, ngành và địa phương chia sẻ kinh nghiệm và nêu những kiến nghị đối với Chính phủ trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Chính phủ sớm ban hành khung chính quyền điện tử

Nêu một số nỗ lực của Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác cải cách thủ tục hành chính, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố cho biết, Thành phố đang triển khai một số mô hình mới như: triển khai dịch công trực tuyến mức độ 3 về cấp phép xây dựng cho một số công trình xây dựng riêng lẻ, rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng, công khai thông tin quy hoạch, thực hiện liên thông dịch vụ ở một số lĩnh vực. Sắp tới, Thành phố sẽ nhân rộng và hoàn thiện việc liên thông giữa các sở ngành, quận, huyện, nâng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, nâng cao chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Theo ông Hoan, xây dựng bộ thủ tục hành chính liên thông, đề án xây dựng bộ thủ tục hành chính liên thông, để đánh giá hiện trạng, nguyên nhân và những giải pháp khắc phục, xác định quy trình, trách nhiệm, thời gian thực hiện của các sở ngành, yêu cầu có kết luận bằng văn bản của từng sở ngành, để làm sao bộ thủ tục liên thông có thời hạn và có thể kiểm soát được.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, kiến nghị: Chính phủ sớm ban hành khung chính quyền điện tử của Việt Nam với hình thức văn bản pháp luật để chính thức hóa thực hiện; đưa dần trung tâm hành chính của các cơ quan Trung ương như thuế, Bảo hiểm xã hội, trả hồ sơ tại bộ phận một cửa cấp tỉnh, cấp huyện; đẩy mạnh rà soát đơn giản thủ tục hành chính, đây là cơ sở để ứng dụng công nghệ thông tin, văn phòng chính phủ sớm sơ kết thí điểm một cửa điện tử để ban hành thông tư hướng dẫn, nâng cấp phần mềm giải quyết thủ tục hành chính chuyên ngành có hỗ trợ địa phương kết nối tích hợp dữ liệu giải quyết thủ tục hành chính, hệ thống một cửa điện tử; kiến nghị Bộ Tư pháp sớm ban hành thông tư hướng dẫn việc đánh giá tác động đối với thủ tục hành chính, kiến nghị Bộ Tài chính ban hành thông tư sửa đổi bổ sung về phụ cấp đối với cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa; về chữ ký số sớm tích hợp để có thể ký trên điện thoại di động, tiện hơn so với ký trên máy tính.

Phải quyết liệt từ trên xuống

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo triển khai khắc phục ngay những hạn chế; ưu tiên tập trung thời gian, nguồn lực cho cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở bám sát định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; nêu cao vai trò của người đứng đầu trong thực hiện cải cách hành chính; nghiên cứu, học tập các mô hình Trung tâm Hành chính công đã có để áp dụng thực hiện đạt kết quả tốt.

“Các đồng chí tập trung chỉ đạo triển khai tạo sự chuyển biến mạnh trong toàn hệ thống, chúng ta phải làm cả hệ thống, kiên trì, có thời gian kiên trì, nhưng phải quyết liệt từ trên xuống, đặc biệt vai trò người đứng đầu cơ quan hành chính, nếu người đứng đầu tốt thì chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện tốt việc cải cách hành chính này”, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị.

Nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2019, Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động ban hành và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Đồng thời thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát thủ tục hành chính từ khâu dự thảo; rà soát kỹ, bảo đảm không quy định thủ tục hành chính trong văn bản hành chính của Bộ và lưu ý việc báo cáo tình hình, kết quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính hàng quý đúng hạn, chất lượng. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện các nhóm nhiệm vụ đã quá thời hạn nhưng chưa hoàn thành hoặc có thời hạn hoàn thành trong quý II năm 2019.

Luôn tạo đều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Thành phố - Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Thành Phong khẳng định, Thành phố luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư.

Dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, TPHCM tăng cường dự trữ thịt sạch - Diễn biến thực tế cho thấy dịch tả heo châu Phi đang rất nghiêm trọng và khó kểm soát, các biện pháp phòng chống chưa hiệu quả.

Bình luận