Nơi đây còn có ý nghĩa lịch sử trường tồn của dân tộc về thời khắc Bác Hồ - Lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam đã xuống con tàu Amiral Latouche Tréville sang châu Âu tìm đường cứu nước vào ngày 5/6/1911. Hôm nay, đúng vào dịp này, chúng tôi, những thế hệ trẻ trở lại bến sông năm xưa, tìm lại những trang sử, để tự hào, và để nhắc nhớ thế hệ hôm nay và mai sau không bao giờ được quên. Phóng sự của Lệ Loan.
Bến Nhà Rồng nay còn gọi là Bảo tàng Hồ Chí Minh, khởi đầu là một thương cảng lớn của Sài Gòn. Thương cảng này nằm trên sông Sài Gòn và được xây dựng từ năm 1862. Hơn 2 năm sau đó, năm 1864, ngôi nhà Rồng này được hoàn thành trên khu vực gần cầu Khánh Hội, quận 4. Do đó, từ 1975 toà trụ sở xưa của thương cảng Nhà Rồng đã được xây dựng lại thành khu lưu niệm Hồ Chí Minh.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên – Trưởng phòng tuyên truyền giáo dục Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TPHCM cho biết: Khu lưu niệm này nay là Bảo tàng có 7 trưng phòng cố định về các kỷ vật của Bác. Ngoài ra còn có các phòng trưng bày chuyên đề như: “Hồ Chí Minh hành trình thời đại”, “tình cảm của Bác Hồ với nhân dân miền Nam và tình cảm nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ”... Kỷ vật nhớ nhất có lẽ là đôi dép cao su và bộ quần áo ka ki sờn bạc của Bác. "Dép được làm từ lốp xe ô tô cũ. Còn chiếc áo, cổ bị sờn rách, có đồng chí muốn thay áo khác cho Bác, nhưng Bác nói chỉ cần thay cổ áo khác, tức là chỉ cần lộn ở trong ra ngoài, thế thì được. Vẫn giữ được cái áo mà không cần phải thay một cái áo khác thì tốn kém. Mặc dù là Chủ tịch nước, Bác luôn sống giản dị như một người dân thường", bà Liên chia sẻ.
Đôi dép cao su và chiếc áo sờn bạc của Bác được trưng bày tại bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TPHCM.
Trong sổ ghi chép, người ta đọc được những dòng chữ: “Cảm ơn vì sự tồn tại của Bào tàng này, tái hiện sự trường tồn của những di vật, hình ảnh, những gì thuộc về quá khứ, về Bác, vụ lãnh tụ vĩ đại của Cách mạng Việt Nam. Bác ra đi để lại sự tiếc nuối của bao người, nhưng để lại đằng sau đó là chân trời mới bao la, rộng mở đối với đất nước Việt Nam”.
Địa phận quận 4, nơi từng lưu dấu chân của Bác, nhưng người ta không thể nào hình dung được, mấy chục năm về trước, quận này rất nghèo. Hệ thống giao thông nơi đây đi lại vô cùng khó khăn. Toàn bộ quận 4 lúc đó chỉ có 3 cây cầu, nối với khu vực trung tâm TP chỉ qua hai cây cầu Calmette và Khánh Hội; nối với khu vực phía Nam quận 7, Nhà Bè chỉ có một cây cầu Tân Thuận.
Đây cũng là quận từng nỗi tiếng về phạm pháp hình sự xảy ra thường xuyên. Nhắc đến quận 4, người ta luôn nghĩ ngay đến vùng đất không mấy an toàn, là địa bàn phức tạp. Chiều xuống chập choạng, từ Cầu Khánh Hội nhìn về quận 4 chỉ thấy những khu nhà lá tù mù trên dòng kênh đen ngòm.
Ông Nguyễn Văn Thắng, người dân sống lâu năm tại đây cho biết dạo đó đêm đến, chẳng người nào dám sang vì nghe đến quận 4, tất cả đều có cảm giác bất an. Các lực lượng công an vô cùng vất vả. Các tệ nạn đều có ở quận 4 và lan sang các quận khác. Quận 4 trước và sau năm 75 đến năm 90 là quận phức tạp nhất về hình sự.
Trong kế hoạch chỉnh trang của thành phố, bến sông sẽ trở thành hoạt động của chợ phiên cuối tuần trong tương lai.
Những cái tên giang hồ một thời khét tiếng ám ảnh bao người tập trung ở Tôn Đản, Khánh Hội… nay đã không còn. Đến giờ, số vụ phạm pháp hằng năm đã giảm đáng kể. Năm 2016 địa bàn quận 4 đã trang bị 900 camera an ninh để phòng chống tội phạm. Công an quận đã chuyển hóa 81 điểm phức tạp về an ninh trật tự, tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, kéo giảm trên 14% phạm pháp hình sự, tỷ lệ khám phá án đạt hơn 75%.
Mạng lưới giao thông tại đây nay cũng đã gần như thông suốt với 6 tuyến đường chính: Nguyễn Tất Thành, Hoàng Diệu, Khánh Hội, Bến Vân Đồn, Tôn Đản và Đoàn Văn Bơ. Chính quyền, nhân dân ra sức xây dựng nhiều tuyến đường văn minh, sạch đẹp, an toàn, đặc biệt chuyển hóa trong từng khu phố. "Các chị em ở hội phụ nữ khu phố phát động ra phong trào “tiếng chổi lúc bình minh. Sau khi đi tập thể dục về, mỗi một chị tự động lấy chổi quét những con đường trước nhà mình và hàng xóm", ông Nguyễn Văn Đạt - Tổ trưởng tổ bảo vệ môi trường Khu phố 3, phường 14, quận 4, cho hay.
Bà Lê Ngọc Thu – phụ trách Khu phố 2, phường 12 quận 4 cũng phát động mọi người giữ gìn khu phố, tương trợ nhau, kêu gọi mọi người góp hụi heo xoay vòng giúp đỡ người nghèo. "Mình làm chính sách đối với người nghèo cũng là làm cho xã hội. Thành ra, mỗi một lần họp với thanh niên, chúng tôi cũng vận động như thế. Các cháu hãy cố gắng làm và học tập. Học theo Bác phải từ những việc nhỏ nhất, bà Thu nói.
Với sự nỗ lực của người dân và chính quyền nơi đây đã đưa từ quận có nhiều khu dân cư lụp xụp, ven kênh rạch, nay phát triển đáng kể. Năm 2016, số hộ cá thể, doanh nghiệp đăng ký mới được thành lập tăng hơn 39% so với cùng kỳ. Sau nhiều đợt chỉnh trang đô thị của TP, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, đại lộ Võ Văn Kiệt, đường Bến Vân Đồn được hình thành thì quận 4 nổi lên như một vị trí vàng để an cư, lạc nghiệp, đầu tư. Dọc con đường Bến Vân Đồn, nhiều dự án bất động sản hạng sang cũng đua nhau mọc lên… Trong định hướng phát triển của quận 4, Chủ tịch UBND quận 4 Trần Hoàng Quân cho biết từ nay cho đến năm 2020, quận 4 sẽ xây dựng 56 công trình để chỉnh trang, kiến thiết, phát triển đô thị. Trong đó có công trình nổi bật là cảng Sài Gòn là 41 hecta từ kho tàng cảng sang trung tâm thương mại, kết hợp nhà ở, cảng du lịch. Tuyến đường Bến Vân Đồn, Tôn Thất Thuyết là dự án giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch đã được thành phố chấp thuận chủ trương cho quận 4 triển khai.
“Trong nhiệm kỳ này, quận sẽ chỉnh trang được tuyến kênh Tẻ. Còn lại các công trình có liên quan đến các dự án, cải tạo nâng cao đời sống người dân. Cụ thể là có hai cống ngăn triều ở Tân Thuận và cống Bến Nghé. Sau khi xây dựng xong 2 cống thì đầu năm 2018 thì tình trạng ngập trên địa bàn quận 4 được giải quyết”, ông Quân nói.
Chủ tịch UBND quận 4 Trần Hoàng Quân thông tin về định hướng phát triển của quận 4 đến năm 2020.
Trong nỗi niềm hoài nhớ về Bác, về Bến Nhà Rồng năm xưa – một phần của quận 4. Chiều đứng ở Bến Bạch Ðằng nhìn qua, trong ký ức của nhiều người, đây là khu vực có cảng tàu thủy đi các tỉnh miền Tây trên bến Bạch Ðằng nay đã đổi thay nhiều. Kia là bức tường cũ kỹ, rong rêu, Thương cảng Sài Gòn, những ụ nổi sửa chữa tàu của nhà máy Ba Son, bến đò Thủ Thiêm cũ, rạch vàm Bến Nghé, kia là Cảng Khánh Hội xưa - nơi có đến 11 cầu tàu, tàu chở hàng, nơi xuất cảng nông sản gạo, muối, cao su, ngũ cốc, từ các gian cảng có kho chứa bên các kênh rạch Sài Gòn – Chợ Lớn – Ðồng Nai.
Từ thương cảng đi qua Tân Thuận đến cảng Nhà Bè, ở bến sông năm nào, nơi chứa và cung cấp xăng cho tàu thuyền đi lại thì nay là đã trở vùng bến sông sạch đẹp và an ninh. Sắp tới, nơi đây sẽ có những dự án lớn của thành phố được hình thành… Dù vạn vật nơi đây có thay đổi ra sao thì Bến Nhà Rồng – nơi lưu dấu chân Bác Hồ kính yêu ngày trước vẫn là sự kiện lịch sử đáng nhớ, đáng tự hào và được lưu dấu ngàn năm mai sau.