Chờ...

Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách năm 2015 dự kiến khoảng 16,1%

(VOH) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người Phát ngôn của Chính phủ Nguyễn Văn Nên vừa có văn bản trả lời một số vấn đề mà báo chí và dư luận quan tâm.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên (Ảnh: Việt Dũng/TTO)

VOH online xin trích đăng một số nội dung chính của văn bản này:

* Về việc tỉnh Đồng Nai cho phép doanh nghiệp lấn sông Đồng Nai để xây dựng dự án ở thành phố Biên Hòa, được biết Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện, đánh giá tác động của dự án, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành; đề xuất xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2015. Xin Người phát ngôn Chính phủ cho biết Chính phủ đã nhận được báo cáo việc kiểm tra thực hiện của các cơ quan này hay chưa và có quan điểm chỉ đạo ra sao ?

- Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ công tác liên ngành, tổ chức khảo sát thực địa, làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, kiểm tra toàn bộ hồ sơ Dự án, lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan và lắng nghe ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tổng hợp và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/5/2015. Sau khi có báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét và chỉ đạo xử lý.

* Mới 5 tháng đầu năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng tỷ giá hết biên độ 2%, từ nay đến cuối năm, có thể vẫn còn các yếu tố tác động tới sự ổn định của tỷ giá. Xin cho biết cơ chế điều hành tỷ giá sẽ tiếp tục như thế nào ?

- Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên : Ngay đầu năm 2015, trên cơ sở phân tích, dự báo diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề ra định hướng điều hành tỷ giá không quá 2%. 5 tháng qua, căn cứ vào thực tiễn, NHNN đã hai lần điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng: tăng 1% từ ngày 7/1/2015 (từ mức 21.246 VND/USD lên 21.458 VND/USD) và tăng 1% từ ngày 7/5/2015 (từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD). Sau hai lần điều chỉnh tỷ giá, thị trường ngoại tệ và tỷ giá diễn biến tương đối ổn định theo mục tiêu điều hành.

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo theo sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ, thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, đạt được mục tiêu đề ra.

* Từ vụ việc 5.400 container vô chủ tồn đọng tại các cảng biển của Việt Nam (riêng cảng Hải Phòng có hơn 4.800 chiếc), một số ý kiến cho rằng “cảng biển Việt Nam đã trở thành bãi rác của thế giới”, phế liệu, rác thải công nghiệp được nhập về Việt Nam với số lượng lớn, trong khi các biện pháp quản lý, ngăn ngừa không hiệu quả. Được biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có chỉ đạo, giao Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan kiểm tra thông tin báo chí phản ánh về tình trạng container chở hàng tồn đọng tại các cảng biển, cửa khẩu Việt Nam và báo cáo trong tháng 3/2015. Vậy đến nay Chính phủ đã nhận được báo cáo của Bộ Tài chính hay chưa và sẽ có phương án xử lý vấn đề này như thế nào ?

- Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan liên quan sớm xem xét, làm rõ, xử lý nghiêm đối với những container hàng hóa vận chuyển trái phép về Việt Nam. Những container tồn đọng do khó khăn khách quan (thủ tục nhận hàng, thay đổi về chính sách, chi phí lưu kho, bãi quá lớn…) sẽ có biện pháp phù hợp, đúng quy định pháp luật để xử lý.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng giao các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật cần thiết, phù hợp để khắc phục và ngăn ngừa tình trạng trên.

* Có thông tin cho rằng Dự án đào hồ chứa nước, khai thác đá trong sân bay Biên Hòa có thể đã vận chuyển một khối lượng lớn đất đá nhiễm độc hoá học đi các nơi (nhiều tỉnh miền Tây, Đồng Nai), trong đó có thể một lượng không nhỏ đất đá nhiễm đioxin được sử dụng cho dự án san lấn sông Đồng Nai làm dư luận hoang mang. Xin cho biết thông tin chính xác về vấn đề này ?

- Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã thành lập đoàn thanh tra có đại diện Ủy ban Quốc phòng an ninh giám sát, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tham gia xác minh thông tin báo chí nêu. Thủ tướng Chính phủ đã nhận được báo cáo của Bộ Quốc phòng về vấn đề này. Kết quả không phải như thông tin báo chí đã đưa.

*  Theo tính toán của nhiều chuyên gia, năm 2015, tỉ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ dự kiến chiếm khoảng 16,1% so với tổng thu ngân sách, tăng so với hai năm trước đó. Xin cho biết Chính phủ có giải pháp gì để giải quyết việc này ?

- Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Tại báo cáo số 221/BC-CP ngày 18/05/2015 của Chính phủ gửi các vị Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, khóa XIII, tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2013 là 12,6%; năm 2014 là 13,8% và năm 2015 dự kiến khoảng 16,1%.

Như vậy, tỷ lệ này vẫn ở dưới mức quy định là không quá 25%. Chính phủ đã chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí trả nợ đầy đủ, đúng hạn, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/02/2015 về tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, trong đó có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các khoản vay mới để chủ động bảo đảm nghĩa vụ trả nợ trong tương lai trong giới hạn cho phép.

* Mới đây, thành phố Hà Nội đã công bố bản kết luận thanh tra việc chặt hạ cây xanh. Xin cho biết ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này như thế nào ?

- Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Sau khi có Kết luận thanh tra vụ việc, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đang chỉ đạo thực hiện các kiến nghị của Thanh tra; xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định đối với tập thể, cá nhân có liên quan trong tháng 6/2015.

* Nhiều sự cố tại các công trình đường sắt đô thị ở Hà Nội xảy ra gần đây cho thấy, công tác giám sát thi công, đảm bảo an toàn lao động chưa được coi trọng. Xin Người phát ngôn Chính phủ cho biết có giải pháp gì để hạn chế tình trạng này, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông qua khu vực thi công dự án? Trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc để xảy ra các vụ tai nạn lao động?

- Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Để đảm bảo an toàn lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn, vệ sinh lao động; Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn QCVN 18:2014/BXD về an toàn trong xây dựng. Theo chức năng nhiệm vụ được giao, ngành LĐTB&XH cùng các cơ quan quản lý nhà nước liên quan thực hiện việc kiểm tra an toàn lao động trên công trường.

Để tăng cường quản lý về chất lượng, hạn chế các sự cố, Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, thanh tra, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định về an toàn lao động, chất lượng công trình.

Đối với sự cố tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo giải quyết, đồng thời kiểm tra, đánh giá, xác định nguyên nhân, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân liên quan; rút kinh nghiệm trong triển khai dự án, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình thi công.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã bị đình chỉ thi công toàn tuyến trong khoảng 1,5 tháng để kiểm tra, đánh giá, xác định nguyên nhân, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân liên quan và đã 2 lần thay thế lãnh đạo chủ đầu tư dự án.

Dự án đường sắt đô thị, tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, đã chỉ đạo dừng thi công, điều tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý, giám sát đảm bảo an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường thi công và trật tự an toàn giao thông…

Các Bộ, địa phương tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác này để bảo đảm an toàn hơn.

* Thời gian qua, tại nhiều địa phương trong cả nước đã xảy ra nhiều vụ người dân tụ tập với quy mô lớn để phản đối một số vấn đề xã hội (hơn 9 vạn công nhân nhà máy Pouyen (TP.HCM) tụ tập để phản đối điều 60 luật BHXH, người dân ở Bình Thuận chặn đường Quốc lộ để phản đối nhà máy gây ô nhiễm, người dân ở Khánh Hòa cũng chặn quốc lộ, vứt cá, tôm chết ra đường để phản đối tình trạng nạo hút bùn gây ô nhiễm). Trong khi Luật biểu tình vẫn chưa được xây dựng, Chính phủ có biện pháp gì để hạn chế những vụ việc tương tự diễn ra, vừa gây mất trật tự xã hội, vừa khiến người dân phải vào vòng lao lý?

- Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên : Việc phản ứng của người dân, người lao động thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân; để hạn chế việc tái diễn Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp liên quan, nhất là phải tập trung nâng cao chất lượng chính sách, bảo đảm tính khả thi, sát với thực tiễn cuộc sống, kịp thời giải quyết những nguyện vọng chính đáng của người dân; tăng cường công tác truyền thông.

Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng đã quy định cơ sở pháp lý để xử lý việc tập trung đông người (quy định tập trung đông người phải xin phép chính quyền) gây mất trật tự công cộng.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm, nâng cao năng lực của bộ máy chính quyền, tăng cường, hiệu quả công tác tiếp công dân, công khai minh bạch, lắng nghe, đối thoại, giải trình, giải quyết kịp thời, thấu đáo những bức xúc chính đáng của người dân; không để tái diễn các vụ việc. Xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật.

Theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ liên quan xây dựng dự án Luật Biểu tình để báo cáo Quốc hội theo chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh.  

Bình luận