Chờ...

Vé tàu Tết 2018: Ga Sài Gòn lý giải về ghế trống nhưng không được bán

(VOH) - Việc đặt vé tàu qua mạng hiện đã khá thuận tiện nhưng không ít khách hàng vẫn khó chịu khi thấy nhiều ghế trống mà không thể đặt được vé.

Ghế còn trống mà không mua được

Chị Kiều Hân, có kế hoạch về quê Bình Định ăn Tết hơi trễ nên qua tháng 1/2018 chị mới tìm mua vé tàu Tết trên mạng. Khi tìm chuyến tàu về ga Diêu Trì, chị cảm thấy bất ngờ khi thấy nhiều ghế còn trống, có toa còn trống một nửa nhưng không đặt được vé vì các ghế này đều được đánh dấu “chỗ nghiệp vụ không bán” hay “chỗ giải quyết sự cố".

Thực tế, không chỉ tàu về ga Diêu Trì, nhiều chuyến tàu khác cũng có những loại ghế như thế này. Đó là loại vé mà khi đặt vé qua mạng, khách hàng sẽ thấy ghế được chú rằng “chỗ nghiệp vụ không bán”, “chỗ giải quyết sự cố" hay "bán vé viết tay"…

Vé tàu Tết: ghế còn trống nhưng không được bán voh.com.vn

Một số ghế trên tàu được ghi chú không bán (Ảnh chụp màn hình)

Hình thức bán vé tàu Tết đặc thù

Ông Phạm Công Thành – Phó phòng Kinh doanh và Chăm sóc Khách hàng Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn cho biết, thực tế không phải tất cả ghế trên các chuyến tàu đều được bán cho hành khách mà có một số chỗ dành riêng cho nhân viên kĩ thuật, nhân viên làm việc trên tàu.

Ngoài ra, trên trang bán vé trực tuyến,  tất cả toa tàu ngồi đều được thiết kế 64 ghế, nhưng thực tế chạy tàu, ngành đường sắt vẫn sử dụng cả những toa tàu 56 ghế hoặc 48 ghế (do các toa tàu đóng các giai đoạn khác nhau và không đồng nhất). Do đó, một số ghế trên toa tàu sẽ bị khóa lại cho phù hợp với lượng ghế trong toa thực tế.

Với những toa tàu, khách hàng thấy một nửa toa còn ghế nhưng lại không đặt mua được – đây là những toa tàu giường nằm hai tầng mà tầng 2 đã được bán, còn giường tầng 1 được chuyển đổi thành ghế ngồi – 1 giường tầng 1 khoang 4 giường có điều hòa đổi thành 3 chỗ ngồi cho 3 hành khách.

Tất cả các giường tầng 1 chuyển đổi khi bán vé trên mạng đều được khóa lại theo dạng “chỗ nghiệp vụ không bán”. Thay vào đó các ghế này sẽ được bán tại các toa có kèm kí hiệu G, chẳng hạn 10G, 9G, 8G… Mỗi vé ngồi giường tầng 1 chuyển đổi có giá bằng khoảng 95% so với ghế ngồi thông thường.

Đây là hình thức bán vé đặc thù của ngành đường sắt trong thời gian cao điểm vì nhu cầu của hành khách quá cao, đặc biệt là vào các dịp Tết nguyên đán. Tuy nhiên, hình thức chuyển đổi này chỉ áp dụng đối với một số chuyến tàu Tết chạy từ ngày 22 - 29 Tết và từ ngày 4 – 10 Tết âm lịch.

Các loại vé dạng “vé viết tay” khá ít, đây chủ yếu là vé mở dành cho các nhân viên kĩ thuật của đơn vị đối tác làm việc trên tàu…

Theo Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn, tính đến ngày 5/1, vẫn còn gần 70.000 vé tàu đi, đến tất cả các ga trên tuyến đường sắt Bắc - Nam thời gian trước và sau Tết. Tuy nhiên, cao điểm ngày 23-28 tháng chạp chặng từ ga Sài Gòn, Biên Hòa tới các tỉnh, thành như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Thanh Hóa... đều đã kín chỗ. 

Các vé từ ga Sài Gòn, Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đến Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) cho đến Hà Nội, tập trung chủ yếu từ ngày 20 - 23 và 29 Tết. Giai đoạn sau Tết chiều ngược lại chủ yếu còn từ mùng 4-16 tháng giêng.

Từ hôm nay 10/1/2018, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chính thức đưa vào khai thác 6 đoàn tàu mới trên tuyến Thống Nhất. 

Các toa xe được chế tạo với công nghệ và vật liệu cao cấp. Toa giường nằm được trang bị nội thất nhập ngoại. Mỗi vị trí hành khách được bố trí 1 đèn đọc sách được tích hợp sạc điện thoại bằng cổng USB. Toa ghế ngồi có độ ngả phù hợp, có thể điều chỉnh thiết bị để chân phía trước. Hệ thống điều hòa không khí được đưa tới từng vị trí ghế ngồi để hành khách có thể tự điều chỉnh...

Cùng với việc đưa vào sử dụng toa xe đóng mới, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng thí điểm phục vụ suất ăn hàng không miễn phí trên các đoàn tàu này.

Bình luận