Chờ...

Việt Nam hiện còn bao nhiêu con voi trong tự nhiên?

VOH - Qua Chương trình thí điểm bảo tồn voi đã phát hiện quần thể voi ở Đồng Nai có số lượng lớn hơn nhiều so với số lượng đưa ra từ kết quả báo cáo được thực hiện vào năm 2016.

Ngày 12/8 là “Ngày voi thế giới”. Trên thế giới ngày nay chung sống hài hòa là định hướng mới đang được áp dụng trong bảo tồn voi tại nhiều quốc gia, sau khi phương pháp khoanh vùng bảo vệ voi ở một số nước không có hiệu quả thực tế như mong muốn. Ở Việt Nam, xu hướng này được khởi động và thử nghiệm với dự án “Bảo vệ voi châu Á tại tỉnh Đồng Nai”.

voi o dong nai
Voi hoang dã ghi nhận tại Đồng Nai

Theo Bộ NN-PTNT, từ năm 2019, sáng kiến giám sát voi bằng phương pháp định dạng bắt đầu được triển khai, tiếp theo là sáng kiến quản lý vùng xung đột voi - người bằng ứng dụng bảng tính airtalbe năm 2021 và sáng kiến giám sát vùng sống, vùng phân bố của voi vào năm 2023 đã được thực hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong khuôn khổ dự án Bảo vệ voi châu Á tại Đồng Nai do Tổ chức HSI phối hợp với Cục Lâm nghiệp và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai thực hiện.

Trên thế giới hiện còn có 3 loài voi: Voi đồng cỏ châu Phi, voi rừng châu Phi và voi châu Á. Việt Nam là một trong 13 nước có voi châu Á phân bố. Voi thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp – Công ước CITES. 

Ở Việt Nam, voi được xếp vào bậc nguy cấp trong danh mục sách Đỏ của IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế), bậc cực kỳ nguy cấp theo Sách Đỏ Việt Nam và được đưa vào nhóm có quy chế bảo tồn cao nhất, nghiêm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại.

Theo báo cáo tổng kết của Tổng cục Lâm nghiệp năm 2020, chỉ trong vòng khoảng 40 năm từ năm 1975 đến năm 2015, các quần thể voi nhỏ, bị phân mảnh tại Việt Nam đã bị suy giảm nghiêm trọng tới 95% và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nếu không có những kế hoạch bảo tồn phù hợp đúng đắn.

Riêng tại Đắk Lắk, đã có ít nhất 23 cá thể voi rừng bị chết trong giai đoạn 2009-2016, chiếm khoảng 25% tổng đàn hiện nay và tại Đồng Nai, khoảng 9 cá thể voi rừng đã chết trước năm 2014. Như vậy tổng đàn tại Việt Nam hiện nay chỉ còn không quá 100 con.

“Ngày voi thế giới” cũng là ngày nhằm để mọi người cùng nâng cao nhận thức về bảo vệ voi, đồng thời tìm kiếm các giải pháp giảm xung đột giữa voi và người; cũng như nỗ lực bảo tồn loài này trong tự nhiên.

Bình luận