Chờ...

Việt Nam hướng tới mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030

(VOH) - Đại dịch HIV/AIDS bắt đầu từ cách đây 30 năm và gây tử vong cho 40 triệu người trên toàn thế giới. Cho đến nay, tỉ lệ ca nhiễm vi rút HIV mới hàng năm giảm 38% kể từ năm 2001 và tỉ lệ người chết vì bệnh AIDS đã giảm 35% kể từ năm 2005. Một trong các mục tiêu của của ngày thế giới phòng chống AIDS năm nay đưa ra là 90-90-90, tức 90% người nhiễm HIV biết mình bị HIV, 90% người nhiễm HIV được chữa trị và 90% trường hợp kiềm chế được số lượng vi rút trong người bệnh nhân ở mức thấp nhất. Việt Nam đang hướng tới mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Những năm qua, công cuộc phòng chống căn bệnh nguy hiểm này đạt được nhiều bước tiến đáng kể. Tuy nhiên đến nay có hơn 220.000 người nhiễm thống kê được và hơn 70.000 người nhiễm HIV đã tử vong, trung bình mỗi tháng có khoảng 1.200 người nhiễm mới HIV. Như vậy chặng đường để đạt mục tiêu trên còn dài, trong khi thách thức về vấn đề thiếu hụt tài chính đang là một trở ngại lớn cần giải quyết. Đề cập đến nội dung này, phóng viên Đài TNND TPHCM trao đổi với ông Hoàng Đình Cảnh – Phó Cục Trưởng – Cục Phòng chống AIDS.

Hình ảnh chiếc nơ đỏ - biểu tượng của Thế giới phòng chống AIDS (ảnh: VSDS-BA)

 *  Thưa ông, đến nay Việt Nam đã kiềm hãm được tốc độ lây lan của đại dịch AIDS, thế nhưng vì sao vẫn chưa đạt được trọn vẹn mục tiêu mong muốn, đâu là những nguyên nhân chính ?

 Ông Hoàng Đình Cảnh: Việt Nam đương đầu với AIDS từ hơn 20 năm trở lại đây và trong 7 năm liên tiếp thì tình hình dịch HIV/AIDS đã giảm được cả 3 tiêu chí. Một là giảm số nhiễm mới, thứ hai là giảm số chuyển sang AIDS và thứ 3 là giảm số tử vong do AIDS. Tuy nhiên số nhiễm HIV vẫn còn cao. Mặc dù chúng ta đã giảm nhưng vẫn giảm chưa sâu và chưa bền vững và HIV/AIDS vẫn là vấn đề sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa thì tình hình dịch HIV vẫn tiếp tục tăng. Nguy cơ lây nhiễm HIV ở VN vẫn biến đổi hết sức phức tạp: khó kiểm soát, khó can thiệp. Hiện tại số sử dụng ma túy đang gia tăng, đặc biệt là nhóm sử dụng ma túy tổng hợp hết sức nguy hiểm và đã có nhiều hệ lụy xảy ra. Vấn đề hoạt động mại dâm nam và quan hệ tình dục (QHTD) nam cũng đang có xu hướng gia tăng ở VN, trong nhóm này tỷ lệ nhiễm HIV rất cao. Tiếp đó là sự đan xen giữa sử dụng ma túy vừa hoạt động mại dâm. Hoạt động mại dâm để lấy tiền sử dụng ma túy. Trong khi đó 100% thuốc Methadone và 95% thuốc ARV và rất nhiều các mô hình tổ chức dự án đều từ các viện trợ quốc tế. Do đó, khi nguồn viện trợ quốc tế rút đi thì một loạt vấn đề về nhân lực, thuốc là khó khăn rất lớn cho chúng ta, phải bù đắp khoảng trống về nguồn lực này.

 * Hiện nay, đa phần kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam còn phụ thuộc vào viện trợ quốc tế. Trong hai năm vừa qua nguồn đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS của Chính phủ liên tục bị cắt giảm và nguồn tài trợ quốc tế cũng giảm mạnh. Vì sao các nguồn viện trợ lại cắt giảm đồng loạt nhiều như vậy?

 Ông Hoàng Đình Cảnh: Việc cắt giảm viện trợ nói chung ở trên toàn cầu và ở VN có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là sự suy thoái kinh tế của thế giới dẫn đến các quỹ khó huy động được nguồn lực. Cái thứ hai là VN đã thoát khỏi nước nghèo cho nên quan điểm của các tổ chức quốc tế là chỉ hỗ trợ các nước nghèo. Còn nước thoát nghèo phải tự lực huy động. Đối với trong nước, thời gian qua cũng có những khó khăn do ảnh hưởng kinh tế chung toàn cầu. Do đó nguồn lực và nguồn thu của nước ta cũng bị sút giảm và đầu tư cho AIDS cũng giảm. Nói chung, cũng giống như một số nước khi bắt đầu thoát nghèo thì nguồn viện trợ quốc tế giảm và đó cũng là cái bẫy của các nước thoát nghèo.

* Vậy, trước tình hình nguồn tài chính cho công tác phòng chống HIV/AIDS sẽ bị thiếu hụt trầm trọng trong thời gian tới, chúng ta cần những giải pháp gì để tiến tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030?

Ông Hoàng Đình Cảnh: Để thực hiện các mục tiêu của chiến lược quốc gia phòng chống AIDS thì Việt Nam đang có những bước đi để giải quyết khó khăn, đặc biệt là về nguồn tài chính. Đầu tiên là Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án đảm bảo tài chính cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Trong đó đưa ra hai giải pháp chính. Giải pháp thứ nhất là huy động nguồn lực, giải pháp thứ hai là sử dụng hiệu quả nguồn lực đang có. Đối với giải pháp huy động nguồn lực chúng ta tập trung vào các vấn đề. Thứ nhất là tiếp tục huy động từ nguồn ngân sách của nhà nước thông qua chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên đây cũng là nguồn khó khăn vì còn tùy thuộc vào nguồn lực của đất nước. Cái thứ hai chúng ta đang đẩy mạnh là nguồn ngân sách từ các tỉnh, TP. Các tỉnh, TP phải tính đúng, tính đủ các nguồn lực để phục vụ chương trình phòng chống HIV/AIDS tại địa phương của mình. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cũng cần lồng ghép chương trình phòng chống HIV/AIDS vào công việc thường xuyên của bộ ngành mình. Vấn đề BHYT cũng đang được tính đến và đang tiến hành các hướng dẫn để sử dụng BHYT trong việc thanh toán, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV.  Ngoài ra còn huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, xã hội hóa. Chúng ta đang tính toán để đầu tư và triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS theo vùng trọng điểm, theo đối tượng trọng điểm. Gọi là sử dụng thông minh cái nguồn tiền hiện có, tập trung vào những điểm nóng, những địa bàn có nguy cơ cao và những can thiệp hiệu quả nhất. Song song vấn đề sử dụng nguồn lực thì sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát để sử dụng có hiệu quả cao nhất đồng tiền hiện có.

* Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Bình luận