Chàng trai Trung Quốc cố thi 16 lần vào trường Đại học mơ ước 

TRUNG QUỐC - Đường Thượng Quân (36 tuổi, Trung Quốc) được đặt biệt danh "người bướng bỉnh nhất Trung Quốc" vì hành trình 16 năm miệt mài thi cử chỉ để theo đuổi ước mơ vào đại học Thanh Hoa danh giá.

Năm 2009, Đường Thượng Quân bắt đầu tham gia kỳ thi gaokao, kỳ thi tuyển sinh đại học nổi tiếng khó khăn của Trung Quốc. Khi ấy, anh đạt 372 điểm trên 750 điểm, một kết quả quá thấp so với mục tiêu đỗ vào đại học Thanh Hoa.

Không nản lòng, Đường Thượng Quân tiếp tục thi vào đại học Thanh Hoa trong 15 năm tiếp theo. Tuy nhiên, điểm số của anh không những không cải thiện mà còn có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây.

thi dh_voh
Đường Thượng Quân 16 năm thi đại học để vào ngôi trường mơ ước. - Ảnh: OC

Năm 2019, Đường Thượng Quân đạt điểm cao nhất trong 10 năm thi gaokao là 649/750. Điểm số này đủ để anh vào nhiều trường đại học danh tiếng khác, thậm chí là đại học Thanh Hoa, nhưng không phải hai chuyên ngành anh nhắm đến là vật lý và hóa học.

Với mong muốn cháy bỏng được theo đuổi đam mê, Đường Thượng Quân quyết định tiếp tục thi vào năm sau. Tuy nhiên, kết quả thi của anh lại tiếp tục sụt giảm. Nhiều người suy đoán rằng do tuổi tác và áp lực, khả năng học tập của anh đã bị ảnh hưởng.

Năm 2023, Đường Thượng Quân quyết định đổi hướng thi vào chuyên ngành vật lý và hóa học của trường đại học Sư phạm Quảng Tây. Anh đạt 594/750 điểm và xếp hạng 6.000 trong số 460.000 thí sinh thi gaokao tại khu vực của mình.

Tuy nhiên, do không tuân theo quy định trong đơn đăng ký dự thi, Đường Thượng Quân đã bị trường đại học Sư phạm Quảng Tây từ chối nhập học.

"Tôi không biết phải làm sao", Đường nói. Anh muốn trốn về quê nhà, yên tĩnh, hy vọng thế giới bên ngoài bớt chú ý đến mình. Bạn bè đồng trang lứa của anh đều đã kết hôn, sinh con, có sự nghiệp, nhưng mọi thứ xung quanh Đường dường như vẫn đứng im.

16 năm qua, để theo đuổi giấc mơ đại học Thanh Hoa, Đường Thượng Quân làm nhiều việc vặt nuôi sống bản thân và cha mẹ già. Gia đình anh nhiều đời kiếm sống nhờ nghề nông. Muốn thoát ly cái nghèo nên Đường lao vào học tập.

Anh và mẹ sống trong ngôi nhà gạch 30 năm tuổi, nối với thế giới bên ngoài bằng con đường dốc hẹp, bị mía và cỏ dại che khuất. Người mẹ không quan tâm con đậu trường gì, chỉ mong Đường có công việc ổn định để không phải sống bấp bênh.

Sau gần hai thập kỷ không hiện thực được giấc mơ, Đường nhận ra đã đến lúc tập trung nhiều hơn vào tìm công việc ổn định, viên mãn, thay vì dành phần lớn năng lượng vào việc đậu trường đại học mơ ước.

Ở tuổi 36, anh mới hiểu, dù học đại học, cơ hội tìm công việc tốt sau tốt nghiệp của anh vẫn rất thấp, vì phải cạnh tranh với những thanh niên ở độ tuổi đầu 20.

Bình luận