Chờ...

Biến đổi khí hâu: Đối phó trước mắt và lâu dài

Bài 1: Nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất

Loạt bài: Biến đổi khí hâu: Đối phó trước mắt và lâu dài

Bài 1: Nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất

(VOH) - Hiện nay, biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề của một ngành riêng lẻ nào mà là vấn đề của phát triển bền vững. Như các nước trên thế giới, tại Việt Nam, biến đổi khí hậu tác động đến tất cả các vùng miền, và cùng với nguồn tài nguyên nước, ngành y tế - sức khỏe, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn là một trong những ngành chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu.

Các biểu hiện của biến đổi khí hậu như tăng nhiệt độ, hiện tượng nước biển dâng và xâm nhập mặn, lũ lụt, hạn hán, áp thấp nhiệt đới, bão… ngày càng gia tăng trong vài năm trở lại đây. Tất cả những biểu hiện này đều có tác động đến nông nghiệp, bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và nghề cá. Đặc biệt đối với các dải ven biển bao gồm các đồng bằng châu thổ và các vùng đất ngập nước như đồng bằng và duyên hải Bắc Bộ, ĐBSCL, duyên hải Trung Bộ đều là những vùng dễ bị tổn thương dưới tác động của biến đổi khí hậu. Giáo sư – tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Trân - Giám đốc Trung tâm Phát triển ĐBSCL cho rằng, vùng ven biển là vùng chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu trong 3 vùng. Trong đó, duyên hải miền Trung được xem là đáng quan tâm nhất vì đây là mạch giao thông quan trọng của cả nước, trong đó không loại trừ ảnh hưởng đến nông nghiệp.

Với khoảng 70% lãnh thổ là vùng nông thôn, đời sống người dân còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, nên khi nhiệt độ tăng và những biến đổi bất thường của thời tiết, khí hậu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng trọt. Những sự biến đổi này sẽ làm tăng dịch bệnh và dịch hại, giảm năng suất cây trồng. Ngoài ra, những đợt hạn hán, lũ lụt, giá rét gây hậu quả trực tiếp đến nông, lâm nghiệp và thủy hải sản. Như đợt rét đậm kéo dài trên 1 tháng vừa qua ở phía Bắc làm trên 30.000 trâu bò chết, tàn phá gần 35.000 hecta lúa, mạ non, nhiều đầm tôm ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ mất trắng, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Theo thống kê sơ bộ, tác động dị thường của biến đổi khí hậu trong năm 2008 đã làm trên 400 người chết và mất tích, trên 700 hecta diện tích lúa và cây trồng khác bị thiệt hại, gia súc và diện tích nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi, tiêu tốn trên 14 tỷ đồng. Thấy được nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp, tại Hội thảo về triển vọng thị trường nông sản Việt Nam 2009, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn đã đưa bài giới thiệu về tác động của biến đổi khí hậu đến lĩnh vực này, và xem nó như thách thức lớn cho triển vọng của thị trường nông sản Việt. TS. Nguyễn Thị Hiền Thuận – trưởng phòng Khoa học và Đào tạo hợp tác quốc tế, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường đã nhận định:

Với nước ta, mực nước biển dâng sẽ làm mất đi một vùng đất thấp rộng lớn – các hệ sinh thái đất ngập nước của các đồng bằng lớn nhất cả nước, là cái nôi của nền văn minh lúa nước và có tiềm năng sản xuất nông nghiệp lớn nhất. Còn nếu nhiệt độ tăng 20C, mực nước biển dâng 1 mét thì có thể làm mất đi 12,2% diện tích đất của khoảng 23% dân số, tức chiếm khoảng 17 triệu người. Đối với ĐBSCL nếu mực nước biển dâng đúng dự báo thì vào năm 2030, khoảng 45% diện tích đất của khu vực này bị nhiễm mặn cực độ và gây thiệt hại mùa màng nghiêm trọng do lũ lụt và úng. Nếu không có những biện pháp ứng phó thì có thể, đa số ĐBSCL sẽ bị ngập trắng với thời gian dài hơn hàng năm, và ước tính tài sản thiệt hại lên đến 17 tỷ USD.

Giáo sư Tiến sĩ Trương Quang Học – Đại học quốc gia Hà Nội phân tích tác động của biến đổi khí hậu lên nông nghiệp trong tương lai:

Biến đổi khí hậu trong những năm gần đây trở thành nguy cơ lớn đối với những người nông dân, và có thể đẩy một bộ phận đến chỗ thiếu ăn. Thông tin từ những hội thảo, thì biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến toàn bộ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đặc biệt đối với vùng đồng bằng Nam bộ là vùng đất thấp sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng hơn. Theo dự báo của Ngân hàng thế giới World Bank, biến đổi khí hậu sẽ làm cho Việt Nam mất 1/2 diện tích canh tác và 22 triệu dân bị mất nhà cửa.

Không chỉ đã và đang tác động, biến đổi khí hậu còn chứa những nguy cơ tiềm tàng, ảnh hưởng trước hết đến nông nghiệp – ngành kinh tế quan trọng của nước ta. Đứng trước những nguy cơ này, nước ta có thể làm gì để thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu? Vấn đề này chúng tôi sẽ giới thiệu trong chương trình ngày mai.

Kim Oanh

Bình luận