Header-01
Đăng nhập

Các trường đòi tự chủ tuyển sinh

(VOH) - Kỳ thi THPT Quốc gia 2016 sẽ có những điểu chỉnh như thế nào? Những hạn chế của kỳ thi hai trong năm 2015 sẽ được khắc phục như hế nào trong năm 2016? Và các trường sẽ được giao quyền tự chủ tuyển sinh tới đâu...là những chủ đề nóng được đặt ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2014-2015 và nhiệm vụ trọng tâm năm học 2015-2016 khối ĐH-CĐ do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 22/10.

Phương án tuyển sinh năm 2016 cũng được Bộ công bố để lấy ý kiến đóng góp của các trường trong Hội nghị lần này.

Theo nhiều đại biểu, kỳ thi THPT QG 2016 nên tiếp tục triển khai tổ chức 1 kỳ thi để đánh giá năng lực học sinh. Tuy nhiên nên giảm tỷ lệ sử dụng kết quả thi THPT trong xét tốt nghiệp, cụ thể 30% thay vì 50% như năm 2015 để thể hiện rõ quan điểm là đánh giá quá trình trong giáo dục phổ thông. Nếu vậy, công tác ra đề thi cũng phải được cải tiến để phù hợp với mục đích của kỳ thi.

“Tôi nghĩ ở bậc phổ thông nên xét 80% trên học bạ là chính để đề thi phải ra được ở mức độ khoảng 50% câu dễ, còn lại các mức độ khó dần để có sự chênh lệch điểm. Như năm ngoái, đề thi quá dễ nên đã tạo ra sự ảo tưởng cho gia đình và các em”, GS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TPHCM đề nghị.

img thumbXem toàn màn hình

TS Nguyễn Quốc Chính - Trưởng ban đại học và sau đại học phát biểu tại hội nghị.

Bộ chỉ nên đóng vai trò điều phối

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban đại học và sau đại học – ĐHQG TPHCM, Bộ GD-ĐT cần giao quyền tự chủ xét tuyển cho các trường, Bộ chỉ nên đóng vai trò điều phối, hỗ trợ quá trình xét tuyển thông qua việc chia sẻ cơ sở dữ liệu kết quả thi.

Đề xuất phương thức xét tuyển sắp tới, theo TS Nguyễn Quốc Chính, sau khi thi mỗi thí sinh được cấp 3 giấy chứng nhận kết quả thi và 1 giấy xét nhập học, mỗi đợt xét tuyển nên quy định 12 ngày nộp hồ sơ và 3 ngày xét tuyển, đây là phương án phù hợp nhất trong thời điểm hiện tại.

“Tổng cộng thí sinh được nộp 3 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng. Các trường căn cứ kết quả để xét trúng tuyển. Thí sinh sẽ quyết định nhập học vào trường nào bằng tờ giấy duy nhất. Như vậy, sẽ có sự linh động và kiểm soát nhất định. Thí sinh và nhà trường đều có thể chấp nhận được. Đây là phương án phù hợp nhất với bối cảnh của VN”, ông Chính đề xuất.

Liên quan đến xét tuyển, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm cho rằng, nên tạo điều kiện cho thí sinh ngay từ khi ghi hồ sơ được đăng ký vào 1 ngành mà mình yêu thích thì sẽ tốt hơn nhiều. Ông cũng đề nghị chỉ thống nhất một cụm thi trên toàn quốc, giao cho các trường tổ chức thi được công bố kết quả thi cho thí sinh.

Trong khi đó, GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM đề xuất: “Với xu thế hội nhập, nhất là khi chúng ta hội nhập cộng đồng ASEAN, chúng tôi nghĩ kỳ thi tốt nghiệp THPT có thể không cần thiết phải được thực hiện mà nên xét thí sinh đủ chuẩn tốt nghiệp THPT. Các trường ĐH thực hiện đúng quyền tự chủ của mình, cách thức thi tuyển, tổ chức thi tuyển nên để các trường tự chủ”.

Kỳ thi phải ngày càng nhẹ nhàng

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị cần có buổi họp chuyên sâu hơn đổi mới tuyển sinh, hiện tại chưa thể kết luận phương án tuyển sinh 2016. Thế nhưng, phải khẳng định với nhân dân rằng, nhất định kỳ thi năm tới sẽ kế thừa những cái được của năm nay và khắc phục được những bất cập để có một kỳ thi đảm bảo trung thực, công bằng nhưng ngày càng nhẹ nhàng cho xã hội.

“Thi riêng, tuyển riêng, tuyển sinh ĐH phải trên tinh thần tự chủ đại học. Các trường ĐH phải nâng cao quyền tự chủ của mình. Bộ chỉ ra những quy định tối cần thiết, không nên đi quá vào chi tiết, chỉ cần làm sao đảm bảo công bằng cho học sinh và tôn trọng quyền tự chủ cho các trường ”, Phó Thủ Tướng nhấn mạnh.

Kỳ thi THPT QG 2016, dự kiến sẽ diễn ra trong 3 ngày 13, 14, 15/06. Bộ sẽ bổ sung, nâng cấp để hoàn thiện hệ thống phần mềm trên nguyên tắc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu của kỳ thi, nhất là khâu đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển, sẵn sàng đáp ứng cho kỳ thi năm tới và những năm tiếp theo. Đồng thời tăng cường quyền chủ động cho các trường.

Sau khi có kết quả thi, các trường tự tổ chức tuyển sinh. Bộ có thể quy định các đợt xét tuyển trên cơ sở các mức điểm khác nhau, mỗi đợt từ 5-7 ngày. Các nhóm trường, đặc biệt là nhóm khoảng 30 trường ĐH có sức hút thí sinh mạnh mẽ nhất năm 2015, có thể tự nguyện phối hợp với nhau thực hiện tuyển sinh bằng phần mềm xét tuyển và cơ sở dữ liệu thí sinh đăng ký chung vào nhóm trường này để giảm ảo.

Bình luận