Chờ...

Cảnh giác khi bị mất sim điện thoại

(VOH) - Chỉ cách nhau vài ngày, có 2 trường hợp người dân trình báo với cơ quan công an về việc bị cướp thẻ sim và sau đó là tiền trong tài khoản trong ngân hàng bị bốc hơi. Sự việc này gióng lên một hồi chuông báo động trong việc dễ dãi cấp lại sim bị mất cũng như việc mở rộng và liên kết các tiện ích thông qua điện thoại di động hiện nay. Người sử dụng cần cảnh giác và ứng phó ngay khi bị mất sim điện thoại, đó là thông tin mà ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển Công ty An ninh mạng BKAV cho biết.
Ông Vũ Ngọc Sơn. Ảnh: VTC

* Thưa ông, chỉ trong một thời gian rất ngắn đã có 2 trường hợp thông tin về việc mình bị mất sim điện thoại và sau đó là mất tiền trong tài khoản ngân hàng. Ông có ý kiến gì về điều này?

- Ông Vũ Ngọc Sơn: Nếu như mà chỉ mất sim không thì việc mất tiền không xảy ra, vấn đề ở đây là người tiêu dùng còn bị lộ thông tin về tài khoản ngân hàng cũng như là các giao dịch của họ. Về phía nhà mạng thì việc quản lý sim rõ ràng có vấn đề phải xem xét lại, chỉ cần một chứng minh thư không rõ ràng nhưng cũng được cấp lại thẻ sim. Về phía người sử dụng thì lộ thông tin tài khoản ngân hàng cũng khá là phổ biến. Có thể là máy tính bị nhiễm virus hoặc điện thoại đã bị cài những phần mềm gián điệp lấy trộm các thông tin, chính vì vậy khi mà đối tượng xấu đã có đầy đủ các thông tin thì họ có thể làm giả chứng minh thư và chuyển tiền của người sử dụng. Ở đây thì các nhà mạng đã hỗ trợ một phương thức lấy lại sim đổi lại sim tiện lợi cho người sử dụng nhưng lại không an ninh khi mà chỉ cần photo chứng minh thôi thì đã đổi sim một cách dễ dàng.

* Quả thật đây là một vấn đề hết sức nguy hiểm khi mà ngày càng có nhiều người liên kết với ngân hàng và dùng điện thoại để thanh toán qua mạng. Ông có lời khuyên gì đối với người sử dụng  điện thoại di động trước nguy cơ bị mất thẻ sim như hiện nay?

- Ông Vũ Ngọc Sơn: Khi mà điện thoại thông minh đã ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống hằng ngày khi nó tham gia vào các vấn đề hằng ngày như thanh toán online, các dịch vụ di động thì những thông tin tài khoản và thông tin trên điện thoại phải được bảo mật chặt chẽ. Cũng giống như máy tính thôi, khi sử dụng máy tính thì cũng phải đối mặt với những nguy cơ bị mất thông tin tài khoản hay số thẻ tín dụng được lưu trữ trên máy tính. Khi chúng ta dùng điện thoại thì cũng phải có những biện pháp bảo vệ như máy tính, nhiều người nghĩ rằng, điện thoại là vật bất ly thân nên rất chủ quan trong việc cài đặt các phần mềm an ninh cho điện thoại đi động dẫn tới là điện thoại dễ bị cài đặt những phần mềm nghe lén, phần mềm gián điệp nên điều quan trọng là phải cài đặt các phần mềm này. 

* Việc truy tìm dấu vết để lại của tội phạm mạng thì có dễ dàng không, thưa ông?

- Ông Vũ Ngọc Sơn: Tất cả những hoạt động trên mạng diễn ra trên mạng máy tính hay điện thoại di động thì đều có thể truy tìm vì đều đề lại dấu vết nhưng vấn đề là chúng ta cần phải bảo vệ bản thân mình trước. Vì khi đã xảy ra rồi thì sẽ mất nhiều thời gian. Chúng ta cần phải cảnh giác, ngay khi có dấu hiệu, sim điện thoại không gọi được hoặc phát hiện một dấu hiệu giao dịch ở ngân hàng báo đến điện thoại thì ngay lập tức cần phải báo cho ngân hàng báo tài khoản lại.

* Xin cảm ơn ông.

Bình luận