Chờ...

Chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp sẽ đạt được 5 mục tiêu

(VOH) - 100 doanh nghiệp của khu chế xuất, khu công nghiệp đã tham dự hội thảo “Chuyển đổi số cho ngành sản xuất” do Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM tổ chức vào chiều 25/12.

Các doanh nghiệp mong muốn tìm giải pháp cho vấn đề của doanh nghiệp mình, ứng dụng chuyển đổi số để đem lại lợi ích cho việc sản xuất, kinh doanh.

Hiện hàng trăm doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trong bối cảnh đại dịch có thể bảo tồn được thực lực, bảo tồn được doanh nghiệp, vừa phòng chống dịch, vừa tổ chức sản xuất kinh doanh. Chuyển đổi số sẽ mở đầu cho việc tiếp cận và đổi mới các loại công nghệ khác nhau. Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM, ngay khi chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp sẽ đạt được 5 mục tiêu bao gồm: Khối lượng sản xuất tăng hơn; Năng lực cạnh tranh tốt hơn; Doanh thu tăng hơn; Giữ chân và phát triển khách hàng tốt hơn. Trong đó, theo ông Bé, các tập đoàn lớn như FPT, Intel, Lenovo, Microsoft, Western Digital… đồng hành, tiếp sức cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể chuyển đổi số nhanh nhất, hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất.

Doanh nghiệp chia sẻ giải pháp công nghệ trong chuyển đổi số

“Tuy trong hoàn cảnh đại dịch hiện nay, đã có đến 1.500 nhà máy tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao TP.HCM phấn đấu thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa tổ chức sản xuất kinh doanh. Hiện nay, cả nước đang có sự chuyển động lớn, động thái phát động chuyển đổi số từ Chính phủ lan tỏa đến các doanh nghiệp, do đó, Hiệp hội các doanh nghiệp tại khu chế xuất, khu công nghiệp, cùng với Intel, FPT, những thương hiệu khác Microsoft, Lenovo với sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp để tiếp cận có giải pháp tổ chức chuyển đổi số tại các nhà máy", ông Bé cho hay.

Nêu một số doanh nghiệp điển hình đã nhanh chóng áp dụng chuyển đổi số trong điều hành, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM liệt kê như: Tập đoàn Điện Lực đã ký kết với FPT 100 ngày để xác định nhiệm vụ, "khoảng trống" trong việc chuyển đổi số, xây dựng kho dữ liệu để phục vụ tốt nhất cho việc sản xuất, truyền tải, phân phối... Sau đó, FPT sẽ cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho Tập đoàn này để đơn vị sẵn sàng khi Việt Nam thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào năm 2023…Từ đây, mở đầu chuyển đổi số cho khâu quản lý, điều hành.

Tại khu công nghiệp Tân Tạo, công ty Thiên Long cũng vừa ký hợp đồng với tập đoàn FPT dựa trên phương pháp luận FPT Digital Kaizen; hệ sinh thái các giải pháp công nghệ và kinh nghiệm tư vấn, triển khai chuyển đổi... FPT sẽ xây dựng lộ trình chuyển đổi số toàn diện trong năm 2021 và tầm nhìn trong vòng 3-5 năm tới phù hợp với thực tiễn và định hướng chiến lược kinh doanh.

Quang cảnh hội thảo “Chuyển đổi số cho ngành sản xuất” diễn ra vào chiều 25/12 tại TP.HCM

Theo đó, FPT sẽ đưa ra được lộ trình chuyển đổi số toàn diện dựa trên 3 khía cạnh: Đầu tiên là chiến lược và lộ trình chuyển đổi số với danh sách các sáng kiến số cần triển khai trong đó tập trung số hoá và tối ưu hoá vận hành, xây dựng nhà máy thông minh với những công nghệ tiên tiến như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo... Tiếp theo là chiến lược và lộ trình chuyển đổi hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng cho hoạt động vận hành hệ thống ứng dụng và trung tâm dữ liệu. Cuối cùng là chiến lược chuyển đổi nguồn lực con người đáp ứng yêu cầu của chiến lược chuyển đổi số. “Chúng tôi đã tổ chức thành công đại hội cổ đông FPT online. Để tổ chức đại đại hội cổ đông online không dễ, chúng tôi phải tuân thủ pháp luật, làm sao đó để người đến dự đại hội cổ đông phải mang chứng minh thư, phải ký tên vào một tờ giấy, và tờ giấy đó mang tính pháp lý đối với nhà nước. Thì chúng tôi đã sử dụng công nghệ AI, chúng tôi chỉ mất 2 phút để định danh các cổ đông của FPT, và lần đầu tiên, cổ đông được bỏ phiếu bầu online và được Ủy ban Chứng khoán nhà nước công nhận và sau đó chúng tôi mang giải pháp của mình cung cấp cho các đối tác và một công ty sữa hàng đầu Việt Nam đã tổ chức thành công sau đó 2 tuần. FPT của chúng tôi còn cung cấp các dịch vụ internet, truyền hình. Giãn cách, chúng tôi không đến trực tiếp được để sữa chữa, chúng tôi đã áp dụng nền tảng riêng qua video, wechat. Lần đầu tiên, khách hàng đã được chúng tôi hỗ trợ thông qua hình ảnh, tin vui là 98% khách hàng đánh giá, đây là mô hình họ thích nhất”, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT cho biết thêm.

Ông Hồ Minh Trí, Giám đốc kinh doanh Lenovo tại thị trường Việt Nam chia sẻ, Lenovo cũng đang trong quá trình chuyển đổi từ một doanh nghiệp chuyên sản xuất phần cứng, hạ tầng sang một công ty hỗ trợ giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp, bao gồm chuyển đổi văn phòng hiện đại từ thiết bị cho đến thiết bị ngoại vi, các thiết bị tương tác với nhau làm việc từ xa. Đồng thời, hỗ trợ giải pháp giúp doanh nghiệp chuyển đổi số một cách dễ dàng hơn. Đơn cử như Lenovo hỗ trợ về giải pháp IT, thay vì doanh nghiệp lớn thuê rất nhiều IT, thì Lenovo đưa ra giải pháp giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhân lực, tiền bạc.

“6 dịch vụ khác nhau mà chúng tôi đang có, ví dụ như nếu doanh nghiệp muốn chuyển đổi số mà chưa biết bắt đầu từ đâu thì mọi người có thể sử dụng dịch vụ tư vấn của Lenovo từ cả thiết bị phần cứng cũng như giải pháp. Ngoài ra, nếu có nhiều thiết bị quá mà không muốn IT tập trung quản trị thì có thể sử dụng thiết bị, làm thay IT những công đoạn mất thời gian như cài đặt cloud…để IT họ có thể tập trung vào việc khác”, ông Trí cho hay.

Có thể nói, trong 10 năm chuyển đổi số tốc độ cũng ngang bằng với 1 năm nay khi dịch Covid – 19 đặt các doanh nghiệp phải chọn giải pháp chuyển đổi số như một cách duy nhất để tồn tại. Toàn xã hội cũng đã có một sự chuyển động rất lớn, vừa chuyển đổi số vừa tiếp cận công nghệ mới.

Bình luận