Chờ...

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Quan tâm nhiều nhưng thành công ít

(VOH) - Nhiều doanh nghiệp sản xuất đã thích ứng với việc chuyển đổi số. Doanh nghiệp càng sớm số hóa hoạt động kinh doanh thì càng nhanh chóng theo đuổi kịp xu hướng tiêu dùng hiện đại.

Muốn thực hiện chuyển đổi số thành công, người lãnh đạo phải đồng hành với mọi quá trình số hóa trong công ty, để kịp thời ra những quyết định quan trọng.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Quan tâm nhiều nhưng thành công ít 1
Hệ thống máy theo dõi sự phát triển cây trồng ở trang trại Nắng và Gió - công ty G.G food.

Lãnh đạo phải đồng hành

Theo một khảo sát từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có tới 98% số doanh nghiệp kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thực hiện chuyển đổi số, trong đó lớn nhất là khả năng giúp giảm chi phí (chiếm tỷ lệ hơn 71%), giúp doanh nghiệp hạn chế giấy tờ (61,4%) đưa thêm giá trị gia tăng vào trong sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ (45,3%).

Tuy nhiên, theo ông Lê Đặng Trung - Tổng giám đốc Công ty Real-Time Analytics (RTA), DN quan tâm nhiều đến chuyển đổi số nhưng đeo đuổi để đạt thành công thì ít.

“Có khoảng 40% DN có ứng dụng số hóa nhưng tỷ lệ thành công rất ít, chỉ chiếm khoảng 10%. Cứ mỗi nấc theo đuổi số hóa từ quan tâm đến ứng dụng thực tế qua từng năm giảm dần.”, ông Trung cho biết.

Số DN thành công khi chuyển đổi số hầu hết đều quyết tâm theo đuổi số hóa từ cách đây cả chục năm. Bà Vưu Lệ Quyên – Tổng giám đốc Công ty Biti’s chia sẻ, Biti’s đã sử dụng phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) 11 năm qua. Lúc đó, bà rất lo lắng vì hầu như các doanh nghiệp triển khai ERP đều thất bại.

Thời điểm đó, Biti’s huy động 50 người tham gia dự án và gần 6 tháng là đi vào hoạt động. Đến hiện nay, mọi dữ liệu hàng hóa của Biti’s đều đã đi lên hệ thống, giúp cho nhân viên công ty có tư duy sử dụng hệ thống hơn. Đồng thời, dữ liệu đó là tài nguyên cũng là tài sản của doanh nghiệp, giúp hồi phục vốn nhanh hơn.

Ở thời điểm này, quan tâm nhất của tôi trong việc chuyển đổi số làm sao để mọi người sử dụng hiệu quả và nhanh gọn. Tuy nhiên, đầu tư công nghệ phải thực tế và hiệu quả chứ không phải thấy doanh nghiệp khác triển khai mình cũng triển khai mà không quan tâm đến hiệu quả. Người lãnh đạo doanh nghiệp phải đi tiên phong trải nghiệm và kiểm nghiệm xem phần mềm đó có hiệu quả để triển khai cho doanh nghiệp của mình hay không.”, bà Quyên nói.

Nhiều DN cho biết, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số. Nhiều nhân viên hầu hết không muốn đón nhận những phần mềm mới vì bản thân chỉ muốn sự ổn định. Chưa kể, nhân viên càng lớn tuổi, thì ngại học hỏi công nghệ.

Chính vì vậy, có DN giàu tiềm lực nhưng vẫn cứ loay hoay với chuyển đổi số.

“Trước khi làm ERP, các phòng ban có nhiều quyền lực, nhiều việc họ có thể làm chậm một vài ngày. Nhưng sau khi có ERP thì họ không thể làm chậm được. Vì khi làm ERP tất cả báo cáo, dữ liệu phải cập nhật ngay. Tất cả những chuyện đó là thách thức lớn để người lãnh đạo phải làm được. Có nhiều thứ anh có tiền bỏ ra là được, nhưng có nhiều thứ có tiền cũng không làm được, như việc triển khai ERP chẳng hạn”, ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phúc Sinh Group chia sẻ về thách thức khi thực hiện số hóa công ty.

 Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Quan tâm nhiều nhưng thành công ít
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Quan tâm nhiều nhưng thành công ít

Chuyển đổi số là bắt buộc

Năm 2007, công ty Phúc Sinh bắt đầu làm ERP và mạnh dạn thành lập phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) vào năm 2008, dù lúc đó công ty này chỉ mới là một công ty khởi nghiệp. Theo ông Phan Minh Thông -Tổng giám đốc Phúc Sinh, nhờ quan sát và học hỏi cách kinh doanh của DN nước ngoài nên ông mạnh dạn đầu tư phòng thí nghiệm để kiểm tra đầu vào và đầu ra sản phẩm nông nghiệp. Nhờ đầu tư vào chuyển đổi số sớm nên trong đại dịch Covid-19, công ty này đã có sẵn nền tảng dữ liệu và nhanh chóng mở được trang bán hàng điện tử trong mùa dịch, kịp thời phục vụ khách hàng.

Mỗi DN tùy theo điều kiện mà có cách chuyển đổi số khác nhau.

Theo kinh nghiệm từ ông Nguyễn Văn Thứ - Tổng giám đốc công ty G.C Food, công ty không làm ERP mà mua nhiều phần mềm nhỏ để thực hiện cho mỗi bộ phận công việc, vừa là cách để nhân viên tập làm quen với số hóa.

Đó là những phần mềm văn phòng, nhân sự, tài chính, …riêng với lĩnh vực nông nghiệp thì còn có thêm phần mềm quản lý riêng cho từng giống cây trái, phần mềm quản lý chăn nuôi gia súc, phần mềm quản lý hoạt động nhà máy... giúp công ty có thể truy xuất dữ liệu 24/24h.

“Nông nghiệp và thực phẩm có khối lượng công việc lớn nên cần có hệ thống hỗ trợ để quản lý nhân công, quản lý chất lượng sản phẩm và hệ thống máy móc. Nếu gặp sự cố thì nhân công và máy móc dừng hoạt động, nguyên liệu mua về bị hư sẽ làm tăng chi phí, giảm hiệu quả hoạt động của công ty nên mình phải chuyển đổi số để dễ quản lý", ông Thứ cho biết.

Có thể thấy, chuyển đổi số trong doanh nghiệp không phải ở công cụ mà nằm ở tư duy, trong đó tư duy đầu tiên từ người lãnh đạo. Thực tế càng chuyển đổi số sớm thì về lâu dài, DN sẽ nâng cao giá trị sản phẩm của công ty hơn. Chi phí chuyển đổi số hiện nay cũng ít tốn kém, có DN chỉ cần một laptop và smartphone là thực hiện được.

Nhưng đây không phải là câu chuyện mua một chiếc xe về là chạy ngay được, mà còn đi học lái cho thành thạo. Nghĩa là DN phải tập trải nghiệm trước xem có hữu ích không thì mới ứng dụng”, ông Phạm Đình Huỳnh - Giám đốc khối Dịch vụ Deloitte Private ví von.

Các doanh nghiệp Việt Nam có những thuận lợi riêng của người đi sau, tức là có thể rút ngắn thời gian để số hóa. Ông Phạm Đình Huỳnh đưa ra công thức 3B (buy, borrow, build) là mua -thuê và xây dựng, trong đó, giải pháp thuê và xây dựng là cách mà DN nên sử dụng khi bắt đầu chuyển đổi số.

Bình luận