Chờ...

Chuyên gia chỉ ra sai lầm khiến người dùng lộ thông tin cá nhân khi dùng điện thoại thông minh

(VOH) - Sự phát triển của mạng xã hội, của các ứng dụng phong phú dành cho điện thoại thông minh khiến thông tin cá nhân của mỗi người dễ bị lộ hơn bao giờ hết.

Những năm gần đây, nhiều câu chuyện thông tin cá nhân bị lộ, bị đem đi mua bán công khai, hay câu chuyện “rò rỉ dữ liệu cá nhân” liên tục xuất hiện. Tuy nhiên, người dùng điện thoại thông minh vẫn rất “vô tư” khi sử dụng điện thoại, “vô tư” cài đặt các ứng dụng mới – mà không tìm hiểu kỹ. Cuối cùng, bị “hack” tài khoản, thiệt hại rất nhiều.

Những sai lầm của người dùng

* Vô tư cài đặt các ứng dụng trên điện thoại

Với chiếc điện thoại thông minh, chúng ta kết nối với nhiều hoạt động thiết yếu hàng ngày như thư điện tử, trò chuyện, xem tin tức, mua sắm, đặt xe, mua đồ ăn… Song, khi sử dụng nhiều người vẫn “ngây thơ” khiến thông tin riêng tư của mình bị lộ.

Cài đặt ứng dụng trên điện thoại mà không hiểu rõ về ứng dụng mình cài cũng là một trong những lý do khiến người dùng mất thông tin cá nhân hoặc có thể bị theo dõi. Theo TS. Hà Việt Uyên Synh - Giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM): “Khi cài đặt các ứng dụng trên điện thoại, người dùng thường bị bắt buộc cung cấp một số quyền truy cập (truy cập danh bạ, truy cập vị trí, truy cập album ảnh…) để có thể cài đặt thành công.

Khi cho ứng dụng truy cập điện thoại cũng có nghĩa là ứng dụng có thể tự động vào lấy hình ảnh, xem các tệp tài liệu trong máy của bạn. Đó là chưa kể, các ứng dụng này còn dễ dàng biết bạn đang ở đâu, làm gì nếu có “worm” (một dạng ký sinh để đánh cắp tư liệu cá nhân) lén cài vào điện thoạt khi bạn tải ứng dụng về dùng”.

ứng dụng, lộ thông tin cá nhân
Rất nhiều ứng dụng được tạo ra để âm thầm theo dõi thông tin, hành vi người dùng (Ảnh: Getty Images)

Anh Lê Hồng Hải Nhân – Giám đốc GEEK Up khẳng định thêm: “Nhiều app hiện nay đang lấy thông tin trong điện thoại, có nghĩa là thông tin gì có trong điện thoại người dùng app đều có thể lấy hết (bao gồm cả danh bạ, thông tin cá nhân, thông tin người dùng nhập vào các app khác, mọi hình ảnh, video của người dùng…).

Cũng có những ứng dụng chỉ cần bật lên là sẽ tự động “filming” thông tin qua camera điện thoại và tự động ghi âm âm thanh qua mic. Đó là lý do đôi khi người dùng chỉ nói chuyện với ai đó rằng thích một đôi giày Adidas thì hôm sau – trang mạng xã hội của họ đã xuất hiện đầy những quảng cáo giày”.

Xem thêm: Những rủi ro từ ứng dụng ghép mặt vào video đang khiến giới trẻ mê mẩn

* Thường xuyên chia sẻ thông tin, hình ảnh hàng ngày của bản thân lên mạng xã hội

Ngày nay, hầu như mỗi người đều tham gia vào một hoặc nhiều mạng xã hội Facebook, Youtube, Tiktok… Cho nên, nguyên nhân tiếp theo khiến bạn có thể bị lộ, lọt thông tin cá nhân xuất phát từ chính sự vô tư tới mức bất cẩn khi sử dụng các mạng xã hội này.

Hầu hết các thông tin cá nhân của người sử dụng ở Việt Nam đều do chính người sử dụng tự đưa lên mạng. Thông tin về ngày tháng năm sinh, trường học, nơi làm việc, nơi ở... kê khai trong các ứng dụng mạng xã hội được để ở chế độ mở. Cùng với đó, nhiều người có thói quen cập nhật rất nhiều hoạt động trong ngày lên mạng xã hội, bao gồm cả thông tin, hình ảnh của con cái.

Điều này đồng nghĩa với việc ai cũng có thể thu thập được thông tin của họ và có thể dễ dàng lập tài khoản giả mạo, tiến hành các hành vi lừa đảo, nhiều khi lừa chính bạn bè, người thân của chủ tài khoản thật. Những thông tin trên ảnh như tên của con, tên trường học, khu nội trú, thẻ xe đưa đón con ở trường… cũng có thể trở thành thông tin hữu ích đối với tội phạm mạng khi người sử dụng đăng tải công khai trên mạng xã hội.

Theo TS. Hà Việt Uyên Synh: “Khi bạn sử dụng mạng xã hội càng lâu thì thông tin để vẽ lại chân dung của bạn càng rõ ràng hơn. Đó là cơ sở dữ liệu lớn (Big data) mà những đơn vị vận hành mạng xã hội có thể thu thập qua từng ngày, từng giờ.

Với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, các thông tin đã thu thập được xử lý, tạo nên những trường dữ liệu về thông tin, hành vi người dùng mà ứng dụng, mạng xã hội có thể bán cho những đơn vị cần mua để quảng cáo. Do vậy, khi đã công khai chia sẻ các dữ liệu cá nhân thì việc các dữ liệu này bị thu thập, bị xử lý và chia sẻ sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát của người sử dụng”.

Những thông tin quan trọng hơn như số tài khoản, mức thu nhập, thống kê tài sản…, hay cả những clip riêng tư trong thiết bị di động cũng có thể bị tội phạm mạng lấy trộm. Đã có không ít kẻ lợi dụng mạng xã hội, đưa clip riêng tư của các nhân vật lên mạng.

Dù đã có quy định bảo vệ bí mật riêng tư, nhưng tại Việt Nam, việc xác định phạm vi quyền riêng tư là gì, cần xử lý những kẻ tung clip riêng tư của người khác lên mạng như thế nào... không đơn giản, bởi trên không gian mạng, khó có thể ngăn chặn sự phát tán, chia sẻ các clip nhạy cảm một cách triệt để.

Có thể thấy, các vụ tấn công hệ thống thông tin, cài mã độc, rao bán thông tin người dùng… ngày càng diễn biến phức tạp khiến yêu cầu bảo mật thông tin cá nhân trở nên cấp thiết. Do vậy, mỗi người dùng mạng Internet cần tự trang bị kỹ năng tự bảo vệ thông tin cá nhân để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Xem thêm: Hacker đánh sập hệ thống đăng ký tiêm vaccine Covid-19 ở Italy

Sử dụng mạng như thế nào để bảo mật được thông tin?

Trong thời đại mọi vật dụng xung quanh đều thông minh và kết nối Internet thì thông tin cá nhân rất dễ bị lộ, gây ra nhiều rủi ro cho người dùng. Để tự bảo vệ mình trước những vụ tấn công, lừa đảo trên mạng thì mọi người cần hạn chế tối đa việc cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân và cẩn trọng khi cài đặt bất cứ ứng dụng gì.

* Mua hàng trên các website uy tín

Khi vào các trang web mua hàng trực tuyến, người sử dụng hãy lựa chọn những trang uy tín, có thương hiệu lớn, đã đăng kí với Bộ Công Thương (thường sẽ có logo ở cuối trang web).

Tội phạm mạng thường dùng chiêu lừa đảo người dùng bằng cách tạo ra những website bán hàng lừa đảo, tặng hàng miễn phí… để gợi lòng tham ở người dùng nhẹ dạ, ham rẻ để lại những thông tin cá nhân như số điện thoại, số chứng minh thư nhân dân, tài khoản ngân hàng…

* Cung cấp thông tin càng ít càng tốt khi tham gia mạng xã hội, cài đặt ứng dụng

Khi tham gia mạng xã hội, mỗi người cần hạn chế để các thông tin cá nhân ở chế độ công bố rộng rãi (public). Những bức ảnh, clip đăng tải trên mạng xã hội tưởng chừng không tiết lộ được các thông tin cá nhân, nhưng thực tế đang trở thành dữ liệu được phân tích, tổng hợp và đưa ra các gợi ý quảng cáo nhằm vào đúng nhu cầu của người sử dụng. Người dùng cần cân nhắc cẩn trọng trước khi đăng tải bất kỳ thông tin gì lên mạng xã hội.

TS. Hà Việt Uyên Synh lưu ý, hiện có rất nhiều ứng dụng có thể lưu trữ vị trí di chuyển, cũng như rất nhiều ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo để biết các hoạt động như tìm kiếm, check-in, mua sắm, thậm chí là nghe lén người dùng. Do đó, người dùng chỉ nên chọn chế độ hiện thị vị trí khi cần sử dụng các ứng dụng như Google map, ứng dụng đặt xe, giao hàng… và tắt hiển thị vị trí khi không sử dụng.

* Cân nhắc khi cài đặt các ứng dụng mới

Người sử dụng điện thoại thông minh, đặc biệt là giới trẻ khi thấy bất cứ ứng dụng mới nào được nổi lên như một xu hướng thì họ đều tìm cách cài đặt ngay để sử dụng. Đây là điều không nên.

Để an toàn hơn, bạn nên tìm hiểu kỹ về ứng dụng và chỉ sử dụng những ứng dụng có trên App Store hoặc Google Play. Kho ứng dụng “chính chủ” này được các công ty kiểm tra kỹ về vấn đề bảo mật nên hạn chế được việc bị đánh cắp thông tin cá nhân.

ứng dụng, lộ thông tin cá nhân, cài đặt ứng dụng
Việc cài quá nhiều ứng dụng trên điện thoại sẽ khiến cho điện thoại sụt pin nhanh, bộ nhớ nhanh đầy (Ảnh: Buffer)

Theo anh Võ Minh Huy – Chuyên gia Công nghệ Thông tin: “Người dùng chỉ nên cài đặt những ứng dụng thực sự cần thiết vì việc cài quá nhiều ứng dụng trên điện thoại sẽ khiến cho điện thoại sụt pin nhanh, bộ nhớ nhanh đầy lên. Không chỉ vậy, có những ứng dụng thực sự độc hại với khả năng thu thập thông tin cá nhân của người dùng, tự động trừ tiền trong thẻ tín dụng, thậm chí đánh cắp được cả thông tin. Vì vậy, trước khi quyết định cài đặt ứng dụng, bạn nên tìm hiểu xem các ứng dụng đó như thế nào”.

* Cẩn trọng khi đăng kí, đăng nhập các website lạ

Một số trang web cung cấp những dịch vụ cụ thể và yêu cầu bạn đăng nhập thông qua trang web mạng xã hội. Thông thường, các dịch vụ này được thiết kế để cung cấp tính năng mà mạng xã hội không có. Nhưng những dịch vụ này cũng có thể tạo ra những điểm không bảo mật.

Anh Võ Minh Huy lưu ý: “Nếu không may mắn, bạn sẽ sử dụng một ứng dụng hoặc dịch vụ không thực hiện đúng công việc của mình, thay vào đó, nó sử dụng quyền được cung cấp để thu thập thông tin về bạn và gửi lại cho nhà phát triển phần mềm độc hại.

Hãy cẩn thận về việc cài đặt các ứng dụng hoặc dịch vụ của bên thứ ba. Thận trọng hơn với những ứng dụng cung cấp khả năng mở khóa một tính năng ẩn, vì những thứ này có khả năng đang cố nhử bạn tải phần mềm độc hại”.

Khi bạn sử dụng dịch vụ của bên thứ ba, hãy chắc chắn rằng bạn đã đọc về những quyền mà ứng dụng muốn có. Nếu một công cụ đơn giản yêu cầu cho phép mọi quyền có thể, hãy thận trọng với nó. Cũng hãy nhắc nhở người thân của bạn cẩn thận khi đăng nhập vào một webiste hay ứng dụng nào đó mà không biết rõ về nó. Nhiều kẻ lừa đảo làm website giả giống như thật để đánh cắp thông tin như tài khoản Mạng xã hội và cả tài khoản Ngân hàng của người dùng.

* Tỉnh táo với các ứng dụng khiến pin sụt nhanh hơn

Hãy hết sức tỉnh táo với các ứng dụng yêu cầu bạn bật định vị. Tất cả các ứng dụng đòi hỏi bạn phải bật định vị đều sẽ khiến pin sụt nhanh hơn, đồng thời khiến bạn có nguy cơ rò rỉ thông tin.

Dĩ nhiên trong thời đại 4.0, việc phải để các ứng dụng biết vị trí của mình là điều khó tránh khỏi. Vậy nên hãy dành một chút thời gian để lọc, loại bỏ những ứng dụng không cần thiết phải biết vị trí của mình. 

Đặc biệt, hãy bỏ luôn những ứng dụng vô nghĩa với bạn, nghĩa là bạn cài đặt mà mấy năm rồi chưa chạm tới. Việc có quá nhiều ứng dụng sẽ khiến pin sụt nhanh hơn, hệ thống chạy chậm hơn.

* Đừng “tham” các phần thưởng khi kết nối ứng dụng, website lạ

Khi tham gia các trò chơi, ứng dụng trực tuyến, điều tra trực tuyến…, người sử dụng thường cung cấp thông tin cá nhân để có thể nhận được phần thưởng hoặc được chơi trò chơi miễn phí… Đây cũng là nguyên nhân khiến thông tin cá nhân dễ dàng bị lợi dụng để trục lợi kinh tế.

* Luôn nhớ “không có trò chơi nào miễn phí” trên mạng

Bạn hãy nhớ không có gì miễn phí. Những nhà phát triển các ứng dụng trò chơi (game) sẽ chèn vào đó hàng tá quảng cáo - những thứ sẽ bị lưu vào bộ nhớ đệm (cache) và khiến bộ nhớ trên thiết bị nhanh chóng cạn kiệt.

Chưa kể, có những ứng dụng game sẽ thu thập thông tin cá nhân, sau đó bán cho một bên thứ 3. Vậy nên, lời khuyên dành cho người sử dụng là trước khi tải bất kỳ game nào miễn phí, hãy đảm bảo rằng đó là một game đến từ nhà phát hành đáng tin cậy và đọc kỹ điều khoản sử dụng của họ.

Một số ứng dụng chơi nhạc từ những nhà phát hành kém uy tín sẽ làm điện thoại bạn hao pin, nhạc bị lưu vào cache gây tốn dung lượng, và kèm theo "đặc sản" quảng cáo. Chưa hết, không thể loại bỏ khả năng các ứng dụng này được xây dựng bởi hacker, sẽ cài virus hoặc một đoạn mã nào đó vào thiết bị của bạn để lấy thông tin.

* Nên sử dụng phần mềm diệt virus, diệt mã độc chuyên dùng

Người dùng nên sử dụng phần mềm diệt virus, diệt mã độc chuyên dùng, nên cập nhật thường xuyên để tránh bị mất thông tin quan trọng trong các thiết bị máy tính, điện thoại di động hay các thiết bị cá nhân có kết nối mạng Internet.

diệt virus, ứng dụng diệt virus, điện thoại thông minh
Nên cài đặt phần mềm diệt virus cho cả điện thoại thông minh (Ảnh: CellphoneS)

Một số phần mềm diệt virus hiệu quả dành cho điện thoại mà người dùng có thể tham khảo như Kaspersky Mobile Antivirus, Avast Antivirus, Safe Security…

* Luôn cài đặt passcode cho điện thoại

Việc cài đặt mật khẩu (passcode) cho điện thoại nhằm phòng tránh việc trẻ em sử dụng điện thoại để cài đặt ứng dụng “lung tung”, cũng giúp phòng tránh mất thông tin cá nhân khi người dùng không may làm mất điện thoại.

Ngoài ra, người dùng cũng cần chú ý, khi đem điện thoại đi sửa cần phải xóa hết thông tin, hình ảnh quan trọng – để điện thoại trong trạng thái “trống” thông tin.

passcode, điện thoại thông minh
Người dùng nên cài đặt passcode cho điện thoại (Ảnh: iStock)

Để đảm bảo an toàn thông tin, một số người hiện sử dụng hai điện thoại khác nhau: một điện thoại dùng để trao đổi công việc, lưu trữ thông tin quan trọng - và sẽ chỉ cài đặt các ứng dụng thực sự cần thiết. Một điện thoại khác được sử dụng chỉ để cài đặt ứng dụng game, mạng xã hội – với chiếc điện thoại này, người dùng không lưu thông tin quan trọng gì cả. Như vậy họ vừa có thể giữ được ác thông tin cá nhân, vừa tiếp cận được những ứng dụng, mạng xã hội phổ biến.

Bình luận