Chờ...

Công nghệ ứng dụng cho cuộc sống

(VOH) - Không còn đơn thuần là một thiết bị liên lạc, ngày nay chiếc điện thoại thông minh (smartphone) còn là phương tiện giúp con người kết nối, chia sẻ cùng nhau về cuộc sống. Hơn thế, công nghệ di động và các ứng dụng đi kèm còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ sức khỏe, sinh mạng của con người.

Từ ý tưởng chăm sóc sức khỏe di động "m-Health"

Với nền tảng khai thác và kết hợp công nghệ hỗ trợ trên điện thoại thông minh, các công ty công nghệ đã đưa ra một khái niệm mới hướng đến việc chăm sóc sức khỏe di động có tên gọi "m-Health" (moblie health). Đây hứa hẹn là cuộc cách mạng tuyệt vời trong việc bảo vệ sức khỏe con người. Ngoài ra, rõ ràng đó cũng là ý tưởng kinh doanh tuyệt vời.

Với khái niệm này, một bệnh nhân có thể tự theo dõi bệnh tiểu đường của mình, hoặc một bác sĩ có thể tìm kiếm bệnh sử, những kết quả xét nghiệm và cho ra đơn thuốc phù hợp nhất...

Mọi thứ sẽ tốt hơn cho cả bệnh nhân và bác sĩ nếu có thể cùng chia sẻ dữ liệu thời gian thực với nhau, xem xét thông tin và xử lý trước khi biến chứng có thể phát sinh.

Vì thế có thể hiểu "m-Health" như là tổng hợp của các ứng dụng dựa trên công nghệ di động, cho phép bệnh nhân và bác sĩ lâm sàng tương tác từ các địa điểm khác nhau. Ví dụ như trao đổi thông tin y tế thông qua e-mail, nhắn tin, các ứng dụng trên smartphone, lưu trữ và trao đổi hình ảnh, video trực tuyến...

Thị trường m-Health được dự báo phát triển bởi sự tăng trưởng của ngành công nghiệp điện thoại thông minh. Với hơn 1,43 tỷ smartphone được bán ra trên toàn thế giới (số liệu năm 2015), con số này dự kiến sẽ tăng lên hơn 27% trong vòng 5 năm tới.

Đến các ứng dụng đơn giản nhưng hiệu quả hiện có

Định vị GPS và ứng dụng Bản đồ: Hãy thử hình dung khi bạn bị lạc đường trong một chuyến băng rừng, khi xung quanh bạn không có sóng điện thoại ! Khi ấy, chức năng định vị thông qua tín hiệu GPS trên điện thoại bạn mới có giá trị làm sao.

Bạn chỉ cần kích hoạt chế độ định vị GPS, mở ứng dụng Bản đồ (thường được nhà sản xuất cài đặt sẵn trong điện thoại thông minh) và dễ dàng xác định vị trí của mình, và tìm được con đường ngắn nhất để đến nơi an toàn.

Tìm đường bằng hệ thống định vị GPS trên bản đồ số của điện thoại thông minh

GPS là chữ viết tắt của "global positioning system" (hệ thống định vị toàn cầu) là một hệ thống định vị vận hành dựa vào 27 vệ tinh (trong đó có 3 vệ tinh dự phòng) chuyển động trên các quỹ đạo quanh trái đất, do Mỹ phát triển ban đầu cho mục đích quân sự, nay đã mở rộng ra cho cả dân sự.

Các vệ tinh được bố trí sao cho tại bất kỳ thời điểm nào và ở nơi nào trên mặt đất, cũng có thể thấy ít nhất 4 vệ tinh. Từ những vệ tinh này phát ra các tín hiệu gồm vị trí của chúng và thời điểm phát tín hiệu. Điện thoại của bạn sẽ nhận tín hiệu, tính toán khoảng cách tới các vệ tinh để từ đó tự xác định vị trí của chính nó.

Đo nhịp tim: Cơ chế hoạt động của cảm biến đo nhịp tim trên điện thoại dựa vào cách ghi nhận sự thay đổi của mao mạch ở đầu ngón tay, từ đó thực hiện các biện pháp tính toán phù hợp để đưa ra nhịp tim của người dùng ở con số gần đúng nhất.

Với những điện thoại không tích hợp bộ phận cảm biến nhịp tim chuyên biệt, người dùng có thể cài đặt các ứng dụng bên ngoài, sử dụng camera và các thuật toán để theo dõi sự thay đổi mao mạch ngón tay và đưa ra kết quả nhịp tim gần đúng.

Người dùng có thể đo nhịp tìm bằng cách đặt tay lên đèn flash sau khi khởi động ứng dụng

Ứng dụng cấp cứu tai nạn: Xuất phát từ nghiên cứu tại Nam Phi, ứng dụng trên smartphone sắp được đưa ra thị trường này có chức năng tự động giám sát hành trình.

Khi bạn đang lái xe, nếu bất ngờ xảy ra tai nạn giao thông, ứng dụng có thể thông qua bộ cảm biến gia tốc kế nằm trong điện thoại đo lường lực tác động để đánh giá mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn, sau đó tiến hành định vị chiếc xe của bạn và tự động gửi thông tin đến trung tâm cấp cứu gần nhất mà không cần người dùng tác động đến nút bấm nào cả.

Ứng dụng cấp cứu tai nạn sẽ nhanh chóng cung cấp thông tin về vị trí của bạn

Các hệ thống cảnh báo bằng smartphone cũng được sử dụng cho mục đích bảo vệ an ninh cá nhân. Ví dụ ở Ấn Độ, công ty cung cấp dịch vụ an ninh cá nhân One Touch Response (OTR) cho phép người dùng phát đi cảnh báo nguy hiểm đến bộ phận thường trực đặt tại trung tâm kiểm soát của công ty. Sau đó, đội hỗ trợ phản ứng nhanh của OTR sẽ có mặt tại nơi người dùng gặp nguy hiểm chỉ trong vài phút.

Bình luận