Chờ...

Để các nghiên cứu khoa học không còn bị "bỏ vào ngăn kéo"

(VOH) - Có hay không tình trạng kết quả nghiên cứu khoa học bị “bỏ ngăn kéo”, cho “ngủ quên”, không có giá trị áp dụng vào thực tiễn, gây lãng phí chất xám, nhân lực…?

Một đề tài nghiên cứu hay một công nghệ có thể phát huy hiệu quả trong đời sống hay không phụ thuộc vào nhiều vấn đề, trong đó có 3 yếu tố quan trọng: Nhu cầu của thị trường; Năng lực tiếp thu của doanh nghiệp và khả năng sáng tạo của các nhà khoa học.

Có hay không tình trạng kết quả nghiên cứu khoa học bị “bỏ ngăn kéo”, cho “ngủ quên”, không có giá trị áp dụng vào thực tiễn, gây lãng phí chất xám, nhân lực…? Và nếu đã có tình trạng như vừa nêu như vậy thì làm thế nào "đánh thức" đúng lúc các công trình nghiên cứu, tạo nên những thành tựu trong thực tiễn, nhất là các công trình nghiên cứu của đội ngũ các nhà khoa học trẻ, trí thức trẻ? Từ đó kiện toàn bộ máy nhân lực khoa học - công nghệ, khơi gợi tính sáng tạo và nâng cao tính ứng dụng của các đề tài, dự án, để không còn tình trạng sáng chế, công trình khoa học “đút ngăn kéo” nữa!

Phóng viên VOH trò chuyện với Tiến sĩ Phạm Văn Việt, Trưởng phòng Khoa học–Công nghệ - trường đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH).

Để các nghiên cứu khoa học không còn bị
Trụ sở chính Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH)

*VOH: Thưa Tiến sĩ, ở góc độ công việc của mình cũng như trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy, Tiến sĩ nhìn nhận như thế nào về tinh thần cũng như hiệu quả những công trình nghiên cứu sáng tạo của đội ngũ trí thức trẻ trong môi trường nghiên cứu, giảng dạy của mình hiện nay ?

Tiến sĩ Phạm Văn Việt: Nghiên cứu khoa học ở nước ta cũng như trên thế giới, được phân ra là nghiên cứu khoa học theo định hướng cơ bản và nghiên cứu định hướng ứng dụng.

Trong công tác nghiên cứu ở các trường đại học, các viện nghiên cứu, chúng ta tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản, một số trường có định hướng tới nghiên cứu ứng dụng.

Các công trình nghiên cứu khoa học hay là sáng tạo của đội ngũ trí thức trẻ trong môi trường nghiên cứu giảng dạy hiện nay đạt được một số hiệu quả nhất định. Việc đổi mới sáng tạo này giúp nâng cao hiểu biết, tích lũy tri thức cho người làm nghiên cứu.

Hiệu quả thứ hai là trong quá trình nghiên cứu và thực hiện các nghiên cứu đó giúp phát hiện ra các tài năng trẻ và bồi dưỡng cũng như rèn luyện những nhân tố này cho đất nước, nhằm làm chủ các ngành công nghệ trong tương lai.

Hiệu quả thứ ba là mang lại kết quả tốt đẹp cho các đơn vị nghiên cứu, ví dụ như đưa ra các cái mô hình hay các sáng kiến để phát triển công việc nội bộ tốt hơn hoặc thậm chí là đề xuất ra những giải pháp giải quyết khó khăn mà các đơn vị đang gặp phải.

Và hiệu quả từ nghiên cứu của một số trường đại học còn có thể giúp chuyển giao công nghệ ra bên ngoài, đến với doanh nghiệp, từ đó là mang lại nguồn thu cho đơn vị.

Tuy nhiên hiện nay, đối với các cái nhà nghiên cứu trẻ vẫn còn một số hạn chế nhất định liên quan đến các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, là môi trường ! tức là còn thiếu sân chơi, các nguồn vốn hoặc thậm chí là về mặt thu nhập của người nghiên cứu trẻ. Từ hạn chế đó ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu trẻ.

Vấn đề thứ hai là hạn chế về kinh phí dành cho quỹ nghiên cứu. Không phải nhà khoa học trẻ nào cũng có thể tiếp cận được các nguồn vốn hoặc các nguồn quỹ, các dự án. Hiện vẫn tồn tại vấn đề là phải là những nhà nghiên cứu có kinh nghiệm (lớn tuổi), có học hàm, có vị trí nhất định thì mới dễ dàng được hỗ trợ, đáp ứng các đề xuất, và người trẻ thì thường là ít sân chơi hơn so với những người nghiên cứu lâu năm.

Nguyên nhân thứ ba là một phần do những người nghiên cứu trẻ - quá trình công tác ngắn, có hệ số lương thấp, nguồn thu nhập thấp - dẫn đến trường hợp vì áp lực “cơm áo gạo tiền” nên thường có xu hướng tìm một công việc để kiếm thêm thu nhập hơn là tập trung cho nghiên cứu. Ví dụ như chúng ta tập trung đi dạy rất nhiều hoặc đi làm thêm ở một số công ty, đơn vị khác, dẫn đến không có thời gian dành cho nghiên cứu, và lâu dần khiến mất đi tính sáng tạo.

*VOH: Bên cạnh những cái hạn chế như tiến sĩ vừa nhìn nhận, vừa phân tích như vậy, phải chăng đầu ra cho những nghiên cứu, những thành quả sáng tạo - đặc biệt là đối với lực lượng trí thức trẻ trong thời gian vừa qua - thường là bị xếp vào ngăn kéo, thường chỉ ở góc độ là phòng thí nghiệm thôi ! Theo tiến sĩ chúng ta cần phải có giải pháp gì để khơi gợi mang tính tích cực hơn và có hiệu quả hơn ?

Tiến sĩ Phạm Văn Việt: Các nghiên cứu của chúng ta hiện nay chưa được chuyển giao, chưa có đầu ra rõ ràng. Các nhà khoa học khi bắt đầu nghiên cứu, viết đề xuất nghiên cứu hay quá trình làm nghiên cứu đều xuất phát từ mong muốn cải tiến, sáng tạo và hiệu quả.

Vấn đề nghiên cứu gồm có nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Đối với nghiên cứu cơ bản thì không thể cho ra cái sản phẩm ngay lập tức được. Còn đối với ứng dụng cũng cần rất nhiều thời gian để thẩm thấu. Đơn cử với các nghiên cứu đẳng cấp trên thế giới, được giải Nobel, có những giải thưởng mà khi các vị giáo sư đó nghiên cứu từ khi họ ở độ tuổi 40 nhưng đến năm 90 tuổi - tức là 50 năm sau - thì mới đưa ra được ứng dụng thực tế. Nghiên cứu ấy có tác động thay đổi cả nền công nghệ của thế giới thì khi đó mới được giải !

Các nhà khoa học bao giờ cũng mong muốn khi nghiên cứu xong, sản phẩm của họ phải được chuyển giao công nghệ cho một cái đối tác thứ ba hoặc là các nhà nghiên cứu sẽ tìm cách tự khởi nghiệp. Có nghĩa là khởi nghiệp từ nghiên cứu có rất nhiều rủi ro, bởi vì quá trình đó cần nhiều nguồn vốn và thời gian, mà những nhà nghiên cứu trẻ lại thường là thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng quản lý và phát triển dự án và thiếu kết nối, thiếu cách marketing sản phẩm mình để ra được thị trường nên thường dẫn đến sự thất bại.

Và khi thất bại, các nhà nghiên cứu có hai lựa chọn. Một là họ bỏ luôn nghiên cứu hoặc là họ quay trở lại trường đại học và tiếp tục làm công việc thông thường như trước đây.

Tôi nghĩ là vấn đề chuyển giao công nghệ hiện nay cũng đang góp phần tích cực cho đội ngũ nghiên cứu. Tuy nhiên ở Việt Nam, còn thiếu một môi trường mà ở đó các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư, săn lùng những kết quả nghiên cứu để đem về phát triển thành sản phẩm để có thể bán được. Hiện nay các doanh nghiệp hầu như rất ít đầu tư vào công nghệ, họ chủ yếu là đi nhập máy móc hoặc những công nghệ có sẵn, do phương án này phát triển nhanh hơn, kiếm tiền nhanh hơn, chứ họ không nghĩ đến bài toán lâu dài khi đầu tư để nuôi một sản phẩm rồi thay đổi vòng đời của sản phẩm.

*VOH: Theo tiến sĩ yếu tố khởi nghiệp để tạo đầu ra cho những thành quả nghiên cứu thì cần phải chú trọng điều gì khi mà chúng ta kêu gọi khởi nghiệp như là một cái yếu tố đầu ra cho những thành quả nghiên cứu của mình.

Tiến sĩ Phạm Văn Việt: Hiện nay, Nhà nước cũng rất quan tâm đến việc phát triển khoa học công nghệ. Điều này thể hiện trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13 cũng đã nêu: "Việc nghiên cứu khoa học-đội ngũ sáng tạo có ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế và xã hội của đất nước". Do đó, trong văn kiện Đại hội Đảng cũng đã đề cập đến vấn đề thúc đẩy sự phát triển và đem nguồn chất xám, thành tựu khoa học công nghệ vào trong việc phát triển kinh tế. Và gần đây nhất Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt đề án bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ ở Việt Nam giai đoạn 2022-2030. Trong đề án này có hai điểm rất quan trọng. Thứ nhất là tạo một môi trường cung cấp thông tin làm sao để cho các nhà khoa học-các sinh viên hoặc những nhà nghiên cứu, đội ngũ sáng tạo tri thức trẻ có thể tiếp cận được nguồn thông tin này. Tiếp cận được nguồn thông tin này sẽ giúp kết nối được với doanh nghiệp, kết nối được với những cộng đồng khởi nghiệp để có thể giới thiệu được nghiên cứu của mình ra thị trường. Điểm thứ hai là gặp gỡ-đối thoại, theo đó thì cứ trong vòng 5 năm phải có một lần tổ chức cho thanh niên tài năng trẻ này được đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ, để đề xuất một số ý kiến của mình, phát triển tài năng của mình giúp đất nước.

Trở lại với câu hỏi về yếu tố đầu ra, thành quả nghiên cứu sáng tạo của tri thức trẻ, sinh viên, học sinh, theo tôi thì rất cần liên kết, hoặc là tạo cầu nối để có thể xúc tiến thương mại, cung cấp được thông tin khoa học công nghệ giữa các bên có liên quan. Hiện nay chúng ta đang rất thiếu nguồn thông tin này. Nếu chúng ta kết hợp được với doanh nghiệp và từ đó doanh nghiệp đặt ra những bài toán mà đang gặp phải thì khi đó đội ngũ nghiên cứu trẻ hoặc là những nhà nghiên cứu mới đi giải quyết cái bài toán đó thì nghiên cứu sẽ gắn với thực tế nhiều hơn. Từ đó mới có thể phát triển được công nghệ trong tương lai.

*VOH: Nếu như nhìn nhận ở góc độ nhỏ hơn, trong môi trường các trường đại học, các Viện nghiên cứu thì tiến sĩ có những cái giải pháp cụ thể, thiết thực nào khả thi nhất trong điều kiện, hoàn cảnh của một thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh hoặc là như đất nước chúng ta ?

Tiến sĩ Phạm Văn Việt: Đặc điểm của các nghiên cứu từ trường đại học hiện nay là chúng ta đang chú trọng đến nghiên cứu khoa học để phát triển các chương trình đào tạo, từ đó là phát triển bài giảng của giảng viên tốt hơn, gần với công việc, nghề nghiệp của sinh viên, giúp sinh viên có thể là hiểu rõ được bản chất của môn học, từ đó có thể thực tập được dựa trên các kết quả nghiên cứu đó.

Việc đổi mới sáng tạo cũng rất được quan tâm và định hướng, trong đó làm sao chúng ta phát triển được các giá trị về sản phẩm khoa học công nghệ, gọi là giá trị về tài sản trí tuệ.

Theo tôi, đối với nghiên cứu thí nghiệm từ trong trường đại học ra, chúng ta không thể yêu cầu tất cả 100% các nghiên cứu đều có thể ra được sản phẩm. Ta phải xác định rõ tỷ lệ nhất định nào đó, ví dụ như chúng ta đầu tư cho những nghiên cứu để chỉ phát triển chương trình đào tạo, phát triển kỹ năng cho sinh viên và những nghiên cứu định hướng cơ bản trong 5-10 năm tới hoặc là tương lai khi chúng ta tiếp cận được với công nghệ mới. Điều này phải được nhận thức từ cấp trên và trong các trường đại học, lãnh đạo các đại học cũng phải suy nghĩ như thế ! Không thể nào cứ nghiên cứu là phải ra sản phẩm để bán được luôn hoặc là chuyển giao được luôn hoặc khởi nghiệp luôn !

Hiện nay đang là thời đại của ngành công nghệ thông tin, các nghiên cứu về công nghệ thông tin, chuyển giao về công nghệ thông tin rất dễ. Trong quá trình nghiên cứu về lĩnh vực này rất dễ để phát sinh ra những tài sản trí tuệ. Những tài sản trí tuệ này có thể là của sinh viên, có thể là của giảng viên thì hoàn toàn có thể chuyển giao hoặc thậm chí là trường sẽ là đầu mối để chuyển giao hoặc hợp tác doanh nghiệp để chuyển thành một sản phẩm có thể bán được. Vấn đề quan trọng vẫn là việc kết nối doanh nghiệp, cùng giải quyết cái bài toán của doanh nghiệp hay giải quyết những tồn tại của doanh nghiệp.

Các trường đại học phải tạo mối gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường trở thành 2 bộ phận không thể tách rời. Doanh nghiệp phát triển nhờ trường đại học và ngược lại, đó là vai trò tương hổ của mối quan hệ giữa đại học và doanh nghiệp.

*VOH: Xin được phép hỏi là ở môi trường mà tiến sĩ đang công tác - trường đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh - ở góc độ là một Trưởng phòng Khoa học-Công nghệ của trường thì đã có những cái giải pháp nào hiệu quả và trong số đó, giải pháp nào tiến sĩ đánh giá là cao nhất, mang ý nghĩa thiết thực nhất ?

Tiến sĩ Phạm Văn Việt: Ở trường đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH), các thầy cô cũng như các Khoa, Viện đã kết nối doanh nghiệp rất tốt. Với giải pháp là tất cả những buổi chấm luận văn đại học, khóa luận tốt nghiệp của sinh viên, trường sẽ tổ chức các Hội đồng, trong đó có kết nối với các doanh nghiệp. Khi ấy doanh nghiệp có thể tiếp cận đề tài từ luận văn đó, có thể chuyển hóa hoặc là một giải pháp cần thiết phù hợp cho chính họ.

Vấn đề thứ hai là các nghiên cứu hiện nay trường định hướng làm sao để chủ động kết nối giữa các bên liên quan, liên ngành. Ví dụ giải quyết một vấn đề mà có nhiều khoa tham gia vào trong đề tài đó và có thể kết hợp thêm với doanh nghiệp để cùng làm nghiên cứu. Ở đây là doanh nghiệp có thể góp kinh phí hoặc là “thương tín nghiên cứu” - Doanh nghiệp có thể đi tìm các cái nguồn tài trợ cho các nghiên cứu đấy nó tốt hơn và thậm chí là kéo được các cái nghiên cứu từ nước ngoài.

Trong cái thời đại ngày nay chúng ta không thể nào đi một mình nữa phải đặt yêu cầu lên cao, mang tính liên ngành để giải quyết những cái bài toán thực tế.

*VOH: Cảm ơn Tiến sĩ Phạm Văn Việt.

 

 

Bình luận