Giáo dục trẻ tự kỷ - Cần lắm sự thấu hiểu

(VOH) - Các nhà nghiên cứu cho rằng có tới 70% trẻ tự kỷ bị chậm phát triển trí tuệ. Ngoài chậm phát triển, trẻ tự kỷ còn có biểu hiện rối loạn phát triển, do đó việc giáo dục cho trẻ tự kỷ là vấn đề khó khăn và phức tạp. Chính vì vậy, việc chăm sóc, giáo dục và điều trị cần phải tiến hành đồng bộ và có sự điều chỉnh liên tục, đổi mới nhằm tạo cơ hội giao tiếp mang tính cộng đồng giúp trẻ sớm hội nhập.
Tại Việt Nam, số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ chưa được thống kê đầy đủ, nhưng đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng. (ảnh minh họa: internet)

Chúng tôi đến thăm Trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí đúng vào giờ chơi của các em. Ngôi trường nằm khuất trong một con hẻm nhỏ yên tĩnh, tránh xa những ồn ào náo nhiệt bên ngoài. Đón chúng tôi là nụ cười hồn hậu của bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm- người sáng lập trường và cô Võ Thị Thùy - hiệu trưởng nhà trường. Khi nhìn các em đang chơi đùa với nụ cười hồn nhiên và ánh mắt trong veo, quả thật rất khó nhận ra các em là trẻ tự kỷ. Chỉ khi cô Thùy giải thích tác dụng của từng trò chơi đến sự nhận thức xung quanh của các em, chúng tôi mới có thể hình dung những nét điển hình của loại bệnh này.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm cho biết: ngôi trường này ra đời chính từ những trải nghiệm của ông - một người cha có hai con trai đều mắc bệnh tự kỷ. Mười năm trước, những thông tin về loại bệnh này còn rất hiếm hoi, thế nên khi xác định con mình bị tự kỷ, ông đã lỡ mất “thời gian vàng” để điều trị cho con. Mang theo nỗi day dứt và đồng cảm cùng những bậc làm cha làm mẹ có cùng cảnh ngộ như mình, bác sĩ Mẫm đã thành lập trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí. Ông nhớ lại, những ngày đầu trường hoạt động cầm chừng vì ít ai biết đến, nợ nần chồng chất, ai cũng bảo ông nên giải thể trường. Thế nhưng với quyết tâm xây dựng một mô hình điểm để điều trị trẻ tự kỷ, cùng với sự hỗ trợ của bệnh viện Nhi Đồng 1, dần dần nhiều phụ huynh đã biết đến ngôi trường này và đưa con em đến học. Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm - người sáng lập trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí chia sẻ:



Nói là dạy học, nhưng thật ra việc giáo dục trẻ tự kỷ không phải chỉ là dạy chữ, mà đó là một quá trình đầy chông gai, thử thách và hết sức phức tạp. Bởi lẽ, tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển, xuất hiện ngay từ những năm đầu đời, thường là trước 3 tuổi. Người mắc chứng tự kỷ không có giao tiếp, tương tác xã hội với những người khác và do vậy sự phát triển mọi mặt về tâm lý và xã hội đều rất hạn chế. Nhiều em khi mới được đưa đến trường khóc la gần cả tháng trời, không cho ai đụng vào, các cô giáo phải dùng những phương pháp chuyên biệt để tiếp cận các em. Dạy cho trẻ tự kỷ là để các em tự biết sinh hoạt cá nhân, kiềm chế sự tăng động và giúp các em chấp nhận giao tiếp với thế giới xung quanh. Học cụ và đồ chơi của các em cũng rất khác lạ, đó là một đoạn cà rốt, một trái đậu bắp để các em học cách cầm bút viết, là cây cầu gỗ uốn cong để các em học giữ thăng bằng, hay là hồ bơi có các tia nước để các em cải thiện xúc giác…Bác sĩ Mẫm cho biết, tất cả các trang thiết bị trong trường đều được thiết kế từ kinh nghiệm chăm sóc thực tiễn cũng như từ các nghiên cứu trên thế giới, đặc biệt dùng để đánh thức và nối kết năm giác quan của trẻ tự kỷ. Tuy vậy, hiệu quả của các phương pháp này còn tùy thuộc vào sự hợp tác của phụ huynh. Cô Võ Thị Thùy chia sẻ, do thiếu hiểu biết về loại bệnh này, nhiều phụ huynh đưa con em đến trường khi đã qua “thời gian vàng”, tức từ 2 - 5 năm đầu đời để điều trị cho trẻ. Cô Thùy nói: “Khi bác sĩ chẩn đoán con mình bị tự kỷ, nhiều người có phản ứng mạnh, không chấp nhận sự thật và đưa con đi chạy chữa khắp nơi. Khi con càng ngày càng kích động, quấy phá thì gia đình rối lên và đối xử không đúng như đánh con, nhốt con vào phòng kín không cho tiếp xúc với ai, hay chiều theo ý muốn của con dù là nguy hiểm như đánh người, đập phá đồ đạc…” . Tất cả những cách cư xử đó đều sai lầm, khiến bệnh của trẻ càng nặng, nhiều em khi đến trường thì đã mất khả năng nói và nhai.

Bên cạnh đó, xã hội nước ta còn coi tự kỷ là một căn bệnh xa lạ, còn nhiều định kiến quy chụp rằng: do đạo đức của cha mẹ đã khiến con mình mắc bệnh, nên phụ huynh phải giấu con trong nhà, không dám đưa con mình đến cơ sở giáo dục chuyên biệt, đến khi trẻ càng lúc càng hung dữ, kích động thì đưa trẻ vào bệnh viện tâm thần. Vì vậy, theo cô Thùy, cách tốt nhất để trẻ tự kỷ hòa nhập vào xã hội là phải phổ biến kiến thức về căn bệnh này đến cộng đồng, để không còn những quan niệm sai lầm ảnh hưởng đến quá trình điều trị của trẻ. Cô Võ Thị Thùy- hiệu trưởng trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí bày tỏ:

Hiện nay số lượng giáo viên chuyên biệt cho trẻ tự kỷ vẫn còn rất hiếm hoi. Một giáo viên chỉ có thể trông cho 3 - 5 trẻ, nếu nhiều hơn sẽ không có hiệu quả. Vất vả, nhiều áp lực nhưng chế độ đãi ngộ còn hạn chế, thế nên nhiều sinh viên tốt nghiệp khoa giáo dục chuyên biệt không muốn chọn chăm sóc trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, một khi đã chọn con đường lắm chông gai này thì đa phần các giáo viên đều gắn bó lâu dài. Chia sẻ với chúng tôi về công việc đặc biệt của mình, đôi mắt cô giáo trẻ Trương Tiên Phước ánh lên niềm tự hào, cô nói:


Một tiếng “Cô!” thốt lên từ miệng một đứa trẻ tự kỷ cũng đã khiến các thầy cô và các y bác sĩ hết sức xúc động. Đó không chỉ là thanh âm đơn giản, mà đó là dấu ấn đầu tiên cho thấy trẻ đã có thể nói, có thể giao tiếp với người xung quanh. Từng bước, từng bước nhỏ, sự tiến bộ của trẻ tự kỷ đã đem đến niềm hạnh phúc vô giá cho người thân và nhà trường.

Bệnh tự kỷ đang trở thành một mối lo mới của xã hội, nhất là những xã hội phát triển. Tại Việt Nam, số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ chưa được thống kê đầy đủ, nhưng đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Tuy chưa xác định được nguyên nhân chính của tự kỷ nhưng theo nhiều nghiên cứu, khiếm khuyết gen do tác động từ môi trường ô nhiễm là yếu tố khiến nhiều trẻ mắc loại bệnh này. Do đó, việc bảo vệ môi trường trong sạch sẽ giúp ích rất nhiều cho sức khỏe của thế hệ con em chúng ta. Bên cạnh đó, gia đình và xã hội cần có cái nhìn thoáng hơn về bệnh tự kỷ.

Khi phát hiện trẻ mắc loại bệnh này, không nên tạo áp lực cho trẻ khi bắt trẻ phải trở thành thiên tài vì tỉ lệ này rất nhỏ, cũng không nên bạo hành, ngược đãi trẻ. Điều tốt nhất nên làm, đó là nhanh chóng đưa trẻ đến một môi trường giáo dục chuyên biệt để được chăm sóc một cách khoa học. Nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng, khả năng hòa nhập xã hội của trẻ tự kỷ là rất khả quan đat khoảng 80%. Nhiều em còn có thể đậu Đại học, sinh hoạt làm việc như người bình thường.


“Hành động vì trẻ em” giúp chúng ta ý thức hơn về những tác động của xã hội đến sự phát triển của trẻ em- đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là những trẻ bị mắc bệnh tự kỷ. Trước khi rời trường, chúng tôi được tặng quyển “Sổ tay tự kỷ của bác sĩ” với lời nhắn nhủ: hãy phổ biến cho nhiều người hơn nữa về loại bệnh này, để không còn những hiểu lầm gây ra bất hạnh cho trẻ tự kỷ và gia đình của các em…

Bình luận